 |
Đại tướng Lê Trọng Tấn |
Trong một buổi gặp gỡ các tướng lĩnh Việt Nam, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtrô bắt tay Đại tướng Lê Trọng Tấn rồi tươi cười hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là tướng đánh hay nhất Việt Nam?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”. Sau này Đại tướng còn nói: “Với hai lần vào tận sào huyệt địch bắt sống các tướng lĩnh cầm đầu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần được tuyên dương Anh hùng...”. Ông được mệnh danh là “Giu-cốp” của Việt Nam!
Gặp xe tướng giữa chiều 30 Tết
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) là người đã có nhiều năm sống, làm việc cùng Đại tướng Lê Trọng Tấn kể:
Chiều 30 Tết năm 1963. Gió mùa đông bắc cuồn cuộn thổi trên con đường từ Sơn Tây về Hà Nội. Tôi gò mình đạp xe cho kịp bắt tàu về Nam Định ăn Tết. Khi ấy tôi là giáo viên Trường sĩ quan Lục quân, công việc thời chiến rất bộn bề, chẳng mấy khi về thăm nhà nên càng nóng lòng muốn về Tết sớm. Vậy mà gió mùa đông bắc như những bàn tay vô hình cứ đẩy lùi ghi-đông lại. Mới đạp xe tới phố Gạch đã phải dừng xe rồi ngồi bệt xuống vệ đường… thở. Đang ngồi uể oải thì tôi giật mình thấy một chiếc GAS 69 đít vuông phóng vụt qua. Vị chỉ huy ngồi trên xe vẫy tay chào. Nhìn kỹ thì ra là Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, nguyên là hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân mới về đảm nhiệm chức Phó tổng Tham mưu trưởng. Nhưng chắc gì anh ấy biết mình là ai, xưa nay quân nhớ tướng là chính chứ mấy tướng nhớ hết quân của mình.
Mải suy nghĩ miên man, tôi bỗng giật mình khi thấy chiếc GAZ vòng lại rồi dừng sát chỗ mình. Chuyện gì đây? Thật bất ngờ, tướng Lê Trọng Tấn ngồi trong xe gọi:
- Cậu Thoại lục quân đó hả! Mưa gió thế này, lên xe mình cho đi nhờ…
Ôi quả là còn hơn cả “khát nước gặp mưa rào”. Mừng. Ngạc nhiên. Nhưng lại sợ… Nhìn lại mình, chiếc xe đạp thồ cũ kỹ đầy bùn đất, hai bên lại là hai bao… cá muối tăng gia được mang về ăn Tết đang bốc mùi tanh nồng. Xe của Phó tổng Tham mưu trưởng còn mới toanh, sạch bóng. Nghĩ đến đây, tôi bối rối chối từ:
- Cảm ơn thủ trưởng, em đi xe đạp được rồi. Vả lại xe em… bẩn lắm!
- Thôi lên đi mà về ăn Tết cho sớm. Xe bẩn thì rửa. Lính là phải “tráng”, đừng ngại!
Nói rồi ông xuống xe châm lửa hút thuốc, bảo lái xe xuống giúp tôi buộc xe đạp lên sau ô tô…
Chẳng mấy chốc xe về đến Hà Nội. Tôi vội vã cảm ơn, gỡ xe để kịp ra ga về Nam Định. Vừa gỡ xe xuống khỏi ô tô thì tướng Tấn đã tới bên, chỉ thị rất ngắn:
- Thôi Tết nhất đến nơi rồi, cho cậu lái xe về Thái Bình ăn Tết 3 ngày, tiện thể đưa luôn anh Thoại về Nam Định.
- Dạ! Như thế sao được, ngày Tết anh còn phải đi thăm hỏi, chúc Tết nhiều nơi…- người lái xe nói.
- Cứ yên tâm, mình sẽ mượn xe khác…
Chúng tôi về Nam Định, Thái Bình, lòng vui phơi phới. Tôi được hưởng trọn cái Tết với vợ con, nhất là bên cạnh thằng con trai thứ hai mới đầy tháng. Hôm ấy, nếu không đi nhờ xe tướng, tôi đi tàu, nếu nhanh cũng phải quá Giao thừa mới về tới Nam Định. Sau này, tôi mới biết, suốt dịp Tết ấy, anh Tấn chẳng mượn xe công đi thăm bạn bè, họ hàng mà toàn đi bằng… xe đạp.
Nhường xe cho cấp dưới cấp cứu vợ
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại kể tiếp câu chuyện mùa xuân 1980, ông về Bộ Tổng tham mưu công tác và được giao xuống Đồ Sơn công tác cùng tướng Lê Trọng Tấn. Một buổi chiều, tướng Tấn đang nằm đọc báo trên chiếc võng ngoài vườn thì anh thượng úy làm công tác phục vụ dẫn một trung úy tới rụt rè xin gặp. Biết có chuyện, ông bảo:
- Có việc gì hai cậu cứ báo cáo thật đi, mình sẵn sàng giúp.
Anh thượng úy nói vợ quê ở Thái Bình đang bệnh nặng phải đi cấp cứu, hai con ở nhà còn nhỏ... Anh xin được về phép giúp vợ và giới thiệu đồng chí trung úy thay mình...
Ông đồng ý ngay và ân cần hỏi thăm tình hình bệnh tật của vợ anh. Anh thượng úy mừng rỡ vội đi thì ông bỗng gọi lại:
- Cậu sẽ về nhà bằng cách nào?
Anh báo cáo có mượn được chiếc xe đạp công, nếu đi suốt đêm sẽ về tới nhà. Tướng Tấn nhíu mày suy nghĩ. Rồi ông gọi người lái xe:
- Cậu Thành! Lấy xe đưa anh này về Thái Bình, nếu nguy cấp thì ngay trong đêm đưa cô ấy lên viện 108 cấp cứu.
- Nhưng ngày mai anh còn sang họp ở Hải Phòng-lái xe lo lắng hỏi.
- Tôi sẽ mượn xe Quân khu 3 - ông trả lời dứt khoát.
Anh thượng úy mắt đỏ hoe: Dạ, em không dám, em chỉ xin nghỉ là được rồi ạ.
- Thôi về mà lo cho cô ấy đi!
Đợi hai người đi rồi, ông bảo: để cậu ấy đi xe đạp suốt đêm mới về tới nhà thì còn gì gọi là “về cấp cứu vợ”. Đường 10 thời chiến nhiều “ổ trâu”, “ổ voi”, nếu để cậu ấy đạp xe về trong đêm, không khéo ngã lại phải cấp cứu cả chồng lẫn vợ...
Sáng hôm sau, Đại tướng sang Hải Phòng họp. Ông không mượn xe Quân khu 3 vì sợ phiền phức mà xin đi nhờ chiếc Jeép “cóc gặm” của trung đoàn bảo vệ Đồ Sơn, xe phải chở tới 8 người mà chỗ ngồi chỉ có 4. Thoại và bảo vệ phải ngồi ké lên chắn bùn của xe, thò chân ra ngoài nom như làm… xiếc. Khi dừng trước trụ sở Thành ủy, hai đồng chí cảnh sát chạy tới xua tay:
- Các ông ơi, đánh xe đi cho chúng tôi nhờ, đang chuẩn bị đón khách quý.
- Chắc đón Tổng tham mưu trưởng chứ gì? Thoại cười vui hỏi lại.
- Sao ông biết? Đồng chí cảnh sát trố mắt dò hỏi.
- Tổng tham mưu trưởng đây! Thoại cười chỉ tướng Tấn đang lom khom phủi bụi quần áo. Anh cảnh sát kêu “ối” rồi vội chạy vào báo lãnh đạo thành phố ra đón.
Đại tướng Lê Trọng Tấn đi xa đã 22 năm nhưng ông còn mãi trong ký ức đồng đội, như một người anh lớn luôn chăm lo cho đàn em ruột thịt trong đại gia đình quân đội ta…
Nguyễn Ban Mai