Bác Đỗ Hạp (ngồi bên phải) cùng ban liên lạc khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đến thăm và chúc tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuân Mậu Tý 2008.

Một ngày đầu xuân 2009, tôi tìm về gặp bác Đỗ Hạp, nguyên học viên, Trưởng ban liên lạc truyền thống khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Đến cuối phố Hào Nam-Đống Đa-Hà Nội, rẽ vào ngõ 152, tôi dừng lại trước cổng ngôi nhà số 27. Bác Hạp ra cửa đón, bắt tay tôi rất chặt. Ở tuổi 84, với dáng người cao lớn, mái đầu bạc trắng, vầng trán cao và đôi mắt sáng, trông bác còn quắc thước, khỏe mạnh lắm.

Trước Cách mạng Tháng Tám, như một số ít những thanh niên có bằng Thành chung, được coi là lớp trí thức, bác Đỗ Hạp có thể mưu sinh bằng một chân thư ký Tòa sứ hay Phủ toàn quyền, thậm chí có thể làm tham biện, tham tá... cho chính quyền thực dân Pháp. Nhưng khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bác đã chọn con đường đầy gian khổ và hy sinh là tòng quân, nhập học Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, trở thành Bộ đội Cụ Hồ.

Khóa 1 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Bác Hồ. Trong lễ khai giảng ngày 26-5-1946, Bác Hồ trực tiếp đến dự và trao tặng lá cờ thêu sáu chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”. Ngày 8-12-1946, Khóa 1 bế giảng trong bối cảnh giặc Pháp gây hấn khắp nơi. Mọi người háo hức nhận nhiệm vụ đi chiến đấu ở các chiến trường. Ở cương vị nào, 288 học viên Khóa 1 ngày ấy đều luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ, làm vẹn chữ “Trung” với nước, tròn chữ “Hiếu” với dân. Gần 100 người đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những người còn sống, đa số trở thành cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội.

Đại tá tình báo, liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo-nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nhiều tập nổi tiếng “Ván bài lật ngửa” là một tấm gương cống hiến trọn đời cho Tổ quốc. Anh là con một nhà giàu có nhất nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long. Gia đình anh có hơn 4.000 mẫu đất, 1.000 căn nhà nằm rải rác khắp các tỉnh. Khi giặc Pháp thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, anh tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp của mình rồi tìm về cơ quan kháng chiến Nam Bộ, rồi được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Sau nửa năm học, anh về cơ quan cũ công tác và được đề bạt làm Trưởng phòng Mật vụ. Đây là tổ chức tình báo đầu tiên của cách mạng miền Nam. Năm 1954, anh được giao nhiệm vụ vào hoạt động trong lòng địch. Nhờ có thân thế là gia đình Thiên chúa giáo, khả năng hùng biện, tháo vát nên anh chiếm được lòng tin của gia đình họ Ngô và được bổ nhiệm nhiều chức vụ như Tỉnh trưởng Bến Tre, phát ngôn viên chính phủ, cố vấn Tổng thống... anh đã nắm và cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho cách mạng. Năm 1965, anh đã bị bọn An ninh Quân đội ngụy Sài Gòn bắt giữ. Chúng tra tấn rất dã man, nhưng anh giữ vững phẩm chất người đảng viên cộng sản, không khuất phục và anh dũng hy sinh. Anh được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Có hoàn cảnh gia đình giống Phạm Ngọc Thảo, liệt sĩ Phạm Xuân Hiếu là tấm gương kiên trung chiến đấu, xả thân vì nước. Xuất thân từ một gia đình công chức cao cấp giàu có nên cứ chiều thứ bảy, xe hơi của gia đình đón anh về Hà Nội nghỉ, chiều chủ nhật lại đưa về trường. Tháng 10-1947, trong một trận chiến đấu tại Nam Định, lực lượng địch đông hơn gấp nhiều lần, lại có hỏa lực mạnh nhưng anh vẫn nêu cao khí tiết quả cảm, chỉ huy đơn vị kiên cường chống trả đến cùng. Còn viên đạn cuối, anh dành cho mình, quyết không để rơi vào tay giặc.

Trong khóa còn có 17 đồng chí là dòng dõi hoàng thất nhà Nguyễn. Trước đây sống trong nhung lụa, nhưng khi đã là “người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên” ấy, họ đã khắc phục gian khổ, chấp nhận hy sinh, góp phần tô thắm thêm lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân”. Liệt sĩ Tôn Thất Xuân là một người trong số đó. Tại mặt trận Huế, đại đội anh được giao nhiệm vụ tiến công khách sạn Mô-ranh do Pháp chiếm giữ. Anh dẫn đầu tổ xung phong, phá hủy được 3 xe bọc thép, diệt một hỏa điểm có 12 tên lính Pháp. Không may, anh bị xe tăng địch bắn trúng, không được chứng kiến thắng lợi cuối cùng. Đảng, Nhà nước truy tặng anh Huân chương Chiến công.

Quan tâm đặc biệt đến khóa 1-Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác Hồ đã căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, lời nói phải đi đôi với việc làm”. Thấm nhuần điều đó, nhiều tấm gương quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa trở về đơn vị. Đêm 23-12-1950, Tiểu đoàn 29 Lũng Vài tiến công tiêu diệt địch đóng ở đồi Thằn Lằn, Phúc Yên. Trong đêm ấy, toàn bộ đại đội lính Âu Phi bị tiêu diệt. Nguyễn Ngọc Minh, một cán bộ được đào tạo khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đã chiến đấu rất dũng cảm, chỉ huy bộ đội xung phong, diệt nhiều mục tiêu quan trọng góp phần lớn vào chiến thắng.

Sau khi tốt nghiệp, bác Hạp về nhận công tác tại chiến khu Việt Bắc. Năm 1969, do điều kiện sức khỏe, bác chuyển công tác về Bộ Công nghiệp. Bây giờ, khi đã nghỉ hưu, bác vẫn luôn tích cực tham gia công tác xã hội. Công việc bác tâm huyết nhất là cùng đồng đội thu thập thông tin, viết lịch sử, góp phần cùng các đơn vị xây dựng các Khu lưu niệm truyền thống.

NGUYỄN DUY HIỂN