QĐND - Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực, phân tán lực lượng cơ động chiến lược, làm thất bại Kế hoạch Na-va của thực dân Pháp; giải phóng đất đai, tạo thế và lực chuyển biến cục diện chiến tranh giành thắng lợi quyết định, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về phương án tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Tổng Quân ủy soạn thảo trình Bộ Chính trị, gồm hai phương án: Một là, tập trung toàn bộ, hay phần lớn chủ lực của ta đối phó với địch ở Đồng bằng Bắc Bộ. Hai là, điều động lực lượng chủ lực của ta ra các hướng khác để mở các cuộc tiến công tiêu diệt lớn quân địch.

Căn cứ vào phương hướng chiến lược đã được Hội nghị Trung ương lần thứ tư (tháng 1-1953) đề ra, Tổng Quân ủy nhận định, lúc này, ta chưa nên tập trung chủ lực đánh vào Đồng bằng Bắc Bộ, mà phải phá âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện cho ta tác chiến tương đối lớn ở các hướng khác. Theo đó, ta có thể đưa một số đơn vị chủ lực lên hoạt động mạnh trên chiến trường Tây Bắc, đồng thời đề nghị phía Pa-thét Lào phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam tích cực hoạt động ở những chiến trường địch sơ hở để buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Trong khi đó, ta tập trung đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường địch hậu (Bắc, Trung, Nam), đặc biệt là phát triển chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ, bảo vệ vùng tự do và giấu một số đơn vị chủ lực mạnh, sẵn sàng cơ động tiêu diệt địch khi chúng đánh ra.

 Bộ đội Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc trong Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở nhận định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị phân tích tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tư tưởng chỉ đạo chiến lược của ta trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954. Người nhấn mạnh: “Bàn tay nắm lại thì thành quả đấm mạnh. Nếu duỗi ra thì dễ bị bẻ gãy từng ngón. Ta phải có cách buộc khối quân cơ động của địch chia ra làm năm, bảy mảng mà tiêu diệt dần, làm cho chúng thất bại hoàn toàn”(1); đồng thời xác định: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp”(2).

Căn cứ vào tình hình địch, ta trên các chiến trường và theo tư tưởng chỉ đạo đúng đắn có ý nghĩa chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị quyết định chọn phương án tác chiến thứ hai và xác định phương châm tác chiến là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”; đồng thời chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Trong khi đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân, du kích các vùng tự do, để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”(3). Chủ trương của Bộ Chính trị là giữ vững quyền chủ động tiến công địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp tác chiến chặt chẽ trên các chiến trường cả nước và toàn Đông Dương.

Theo chủ trương đó, Bộ Chính trị xác định kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là: Trên mặt trận chính diện, sử dụng bộ đội chủ lực mở các cuộc tiến công lớn nhằm tiêu diệt địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng vùng Tây Bắc; phối hợp với lực lượng vũ trang Lào tiến công địch giải phóng Phong Xa Lỳ; cùng Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang Lào, Cam-pu-chia tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch ở Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia, mở rộng vùng giải phóng tới sau lưng Sài Gòn, mở thông đường chiến lược Bắc-Nam Đông Dương. Đồng thời, tiến công vùng Tây Nguyên, trước hết là bắc Tây Nguyên, phá âm mưu củng cố và bình định miền Nam của địch.

Trên mặt trận sau lưng địch, trước mắt, đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố và phát triển các căn cứ du kích, khu du kích, tăng cường công tác vận động binh lính địch, phá kế hoạch xây dựng ngụy quân và dồn làng tập trung dân của địch. Tùy theo tình hình mà ta sử dụng một bộ phận chủ lực tiến sâu vào vùng sau lưng địch, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân, du kích, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh đấu tranh, phá kế hoạch bình định của địch, thu hẹp vùng tạm bị chiếm, mở rộng vùng tự do, phối hợp đắc lực với các cuộc tiến công của chủ lực trên mặt trận chính diện. 

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu xác định kế hoạch sử dụng chủ lực và phối hợp tác chiến trên các hướng: Tây Bắc (hướng chính), Trung và Hạ Lào, Tây Nguyên, trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Trung  Bộ và Nam Bộ (hướng phối hợp). Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã liên tiếp mở các chiến dịch, mở đầu là chiến dịch Lai Châu, tiếp đến là các chiến dịch: Trung Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Cam-pu-chia và cuối cùng là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh cao của Chiến cục Đông-Xuân 1953-1954 thắng lợi, làm phá sản Kế hoạch Na-va, giáng một đòn quyết định vào ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho ta đấu tranh ngoại giao, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Đại tá, TS DƯƠNG ĐÌNH LẬP

 (1) Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.163.
(2) Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tập II, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.289.
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Điện Biên Phủ, Điểm hẹn lịch sử", NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1979, tr. 67.