Nguyễn Đình Thi (1924-2003). Ảnh gia đình cung cấp)

LTS: Trong khuôn khổ chương trình hoạt động kỷ niệm “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”, tối 22-4 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội phối hợp cùng Học viện Âm nhạc quốc gia, Hội Nhà văn Việt Nam và Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức thành công “Đêm nghệ thuật nhớ Nguyễn Đình Thi”. Ngoài các tác phẩm thơ, văn, nhạc, kịch... của Nguyễn Đình Thi được các nghệ sĩ danh tiếng và các đơn vị nghệ thuật lớn biểu diễn, “Đêm nghệ thuật nhớ Nguyễn Đình Thi” còn có các tham luận của các nhà nghiên cứu đánh giá, tôn vinh tên tuổi Nguyễn Đình Thi-một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Báo Quân đội nhân dân cuối tuần xin trích giới thiệu bài đề dẫn của GS Hoàng Chương-Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến, đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh và nuôi dưỡng biết bao nhân tài, biết bao danh nhân văn hóa, trong số đó có Nguyễn Đình Thi-một nghệ sĩ đa tài trên nhiều lĩnh vực, như: Văn, thơ, nhạc, kịch... Ông là một vị chỉ huy trên mặt trận văn học nghệ thuật cách mạng, một đại biểu Quốc hội trẻ nhất, sớm nhất; người mới hơn 20 tuổi đời đã sáng tác ra những bản hùng ca bất tử như: Người Hà Nội, Diệt phát xít... mà mỗi lần vang lên như những tiếng kèn xung trận, làm xao xuyến hàng triệu trái tim con người và như một sức mạnh vô hình thúc đẩy nhân dân Việt Nam xông ra trận tuyến tiêu diệt quân thù. Bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi đã trở thành “Hà Nội ca” và bài Diệt phát xít đã trở thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam hơn 60 năm qua. Những điều đó nói lên tầm vóc, tài năng vượt trội của nghệ sĩ lớn Nguyễn Đình Thi.

Nguyễn Đình Thi sinh năm 1924, quê ở làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu-Hà Nội. Năm 7 tuổi, ông học trường Yên Thành (phố Yên Ninh-Hà Nội), rồi lần lượt thi đỗ vào các trường Bon-na (Hải Phòng), trường Bưởi, trường An-be Sa-rôn và đại học Luật ở Hà Nội. Khi học ở trường Bưởi, Nguyễn Đình Thi đã viết sách về triết học, tổ chức nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tham gia Việt Minh và trở thành nhà cách mạng, nhà văn lớn của đất nước và là một con người Hà Nội tiêu biểu. Nguyễn Đình Thi tham gia cách mạng rất sớm, 16 tuổi đã bị địch bắt vào lao tù. Ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng, trở thành đại biểu Hội nghị quốc dân Tân Trào (năm 1944), Ủy viên Thường vụ Quốc hội khóa lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (năm 1946).

Trong suốt hơn nửa thế kỷ, từ năm 1945 đến khi từ trần vào năm 2003, Nguyễn Đình Thi là người lãnh đạo có uy tín cao của văn hóa văn nghệ đất nước, với cương vị Tổng thư ký Hội văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông là nhà sáng tạo hàng đầu của nền văn nghệ cách mạng nước ta với những đóng góp bất hủ trên các lĩnh vực văn học (truyện và thơ ca), âm nhạc, sân khấu và lý luận phê bình. Về văn xuôi, có các truyện: Xung kích, Thu đông năm nay, Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao... và thành công nhất là tiểu thuyết Vỡ bờ. Về thơ có nhiều bài nổi tiếng, như: Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ... Về kịch có: Hoa và Ngần, Giấc mơ, Tiếng sóng, Người đàn bà hóa đá, Con nai đen, Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... Âm nhạc có Diệt phát xít và Người Hà Nội là hai nhạc phẩm nổi tiếng. Có những vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã gây tiếng vang lớn trong xã hội, được coi là kiệt tác của ngành sân khấu Việt Nam, như: Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... bởi chiều sâu tư tưởng và tính triết luận trong các tác phẩm này. Mảng lý luận với các bút ký-tiểu luận, như: Mấy vấn đề văn học; Công việc của người viết tiểu thuyết... Chỉ riêng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và đỉnh cao của Nguyễn Đình Thi đã đủ đưa tên tuổi tác giả lên đỉnh vinh quang trong đại gia đình văn nghệ cách mạng Việt Nam. Tên tuổi Nguyễn Đình Thi không chỉ rất được mến mộ trong nước mà còn được bạn bè quốc tế hết sức trọng thị trong nửa cuối thế kỷ 20.

Nguyễn Đình Thi còn là một sĩ quan quân đội, luôn luôn có mặt ở chiến trường chống thực dân Pháp. Trong cuốn “Nguyễn Đình Thi-con người và sự nghiệp” xuất bản gần đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nguyễn Đình Thi đã từng tham gia bộ đội, có mặt ở nhiều chiến dịch. Tôi đã có những dịp gặp anh trao đổi ý kiến, đặc biệt tại sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ”. Chỉ có người nghệ sĩ-chiến sĩ như Nguyễn Đình Thi mới viết ra được những vần thơ đẹp và sâu thẳm tình người, mà nhiều người lính đã thuộc nằm lòng: Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây/ Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần/ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước/ Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn....

Nguyễn Đình Thi yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu người yêu bao nhiêu thì căm thù giặc bấy nhiêu: Diệt phát xít, diệt loài chó đê hèn của chúng/Tiến lên nền dân chủ cộng hòa/ Đồng bào tuốt gươm vùng lên... Lời ca thật hào sảng, thật thống thiết và quyết liệt trước một hiện thực đất nước bị ngoại xâm...

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn được đào tạo theo mô hình giáo dục của phương Tây, thông thạo tiếng “Tây” như người “Tây” nhưng lại mang tâm hồn Việt rất đậm đà và quán xuyến. Ông luôn học tập truyền thống và đứng vững trên cái nền văn hóa dân tộc để sáng tạo ra những giá trị mới. Quan điểm dân tộc của nhà nghệ sĩ lớn Nguyễn Đình Thi bộc lộ khá rõ trong các sáng tác cũng như trong các công trình nghiên cứu, lý luận, nhất là trong cuốn Thực tại với nghệ thuật. Ông viết: “Tuồng, chèo của ta không bắt chước “y như thật”. Làm gì có người trong đời cầm roi quất vào chân mình mà nhảy múa, làm gì có người vừa hát vừa xưng tên mình “mỗ đây”. Vậy mà vai Lưu Bình và vai hề đồng sao ta thấy “thực lắm thay”.

Là một nghệ sĩ lớn và là nhà lãnh đạo văn nghệ nước nhà, nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn khiêm tốn tìm hiểu, học tập vốn nghệ thuật dân gian dân tộc, ngay cả ở những người thế hệ sau ông và cấp dưới của ông, như chúng tôi. Ông khuyên con trai mình-nhà văn Nguyễn Đình Chính-nên hợp tác với các tổ chức văn hóa và đơn vị nghệ thuật truyền thống để đi theo con đường văn nghệ dân tộc. Tấm gương của ông có ý nghĩa giáo dục đối với một số văn nghệ sĩ trẻ đang có xu hướng hiện đại hóa, “Tây hóa” nghệ thuật dân tộc, coi thường nghệ thuật truyền thống, thậm chí còn phủ định truyền thống.

Có thể coi Nguyễn Đình Thi là một danh nhân văn hóa lớn, một tài năng đặc biệt, một hiện tượng văn nghệ cách mạng Việt Nam, đã để lại cho dân tộc, cho đời một di sản đồ sộ, quý giá, thuộc nhiều chuyên ngành, bộ môn, thể loại... rất đa dạng về hình thức cũng như nội dung, làm phong phú thêm cho kho tàng văn nghệ dân tộc nước nhà.

Tên tuổi Nguyễn Đình Thi cùng với những đứa con tinh thần bất hủ của ông sẽ sống mãi trong đời sống tinh thần của Thăng Long-Hà Nội và của nhân dân Việt Nam.

GS HOÀNG CHƯƠNG