Tôi đang nằm viện, được tin gia đình báo: Bác Thảo đã đột ngột qua đời. Tôi quá xúc động, bàng hoàng về sự mất mát to lớn đó, mặc dầu tôi biết lâu nay sức khỏe anh có giảm… Bao kỷ niệm về anh lại hiện lên qua từng trang thời gian trong những năm tháng hào hùng nhưng vô cùng khốc liệt trên chiến trường Tây Nguyên khi tôi ở cương vị chỉ huy đơn vị cũng như khi là cánh tay đắc lực của anh tại cơ quan Bộ Tư lệnh. Sau này, khi anh đến chung vui cùng anh em trong những ngày họp mặt truyền thống các đơn vị trên chiến trường Tây Nguyên trước đây, mọi người đều quây quần bên anh với bao tình cảm sâu nặng và lòng quý trọng…
Những năm tháng anh là Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh đã làm nức lòng quân dân cả nước. Và cũng từ những chiến thắng đó, nhiều hình thức chiến thuật đã ra đời, được đúc kết để vận dụng, phát huy hiệu quả trong chiến đấu trên toàn miền. Tiêu biểu là chiến thuật bao vây công kích, tấn công kết hợp với chốt, đánh bồi, đánh nhồi trong các chiến dịch, đánh giao thông. Xin kể một vài chiến dịch do phát sinh cách đánh đầy sáng tạo và chính cách đánh sáng tạo đó đã nâng cao ý nghĩa của chiến dịch, góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Chiến dịch Đắc Tô I năm 1967 là một điển hình. Nắm vững tâm lý hung hăng với “chiến lược tìm diệt” của bọn chỉ huy quân đội Mỹ, anh Thảo cùng Bộ Tư lệnh chiến dịch đã lập mưu kế, bày bố thế trận, dụ được lữ dù 3 Mỹ ra vùng Ngọc Tô ba, dụ địch vào điểm chốt, cao điểm 875, tạo điều kiện cho chủ lực ta vận động tấn công liên tục, lần lượt tiêu diệt các tiểu đoàn Mỹ đang bị hút vào cao điểm 875. Kết quả tại đây, ta đã tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại một tiểu đoàn khác, buộc quân Mỹ phải ôm đầu máu tháo chạy khỏi vùng tây Kon Tum. Chiến thuật chốt kết hợp vận động ra đời từ đó, ngay trên mảnh đất Tây Nguyên, được lan tỏa và vận dụng sáng tạo có hiệu quả trên toàn miền.
 |
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh chụp năm 2000). Ảnh: Trần Hồng |
Trong chiến dịch mùa khô 1970, Trung đoàn tôi (Trung đoàn 24) có nhiệm vụ thọc sâu, đánh vào hậu phương địch giữa Plei-cu và Kon Tum để thu hút kìm chân lực lượng dự bị của địch, bảo đảm cho hướng chính chiến dịch tây nam Kon Tum được thuận lợi. Đơn vị xuất quân vào tập kết tại vùng núi Chư Pả, cách thị xã Plei-cu hơn 30km để chuẩn bị tiến vào hậu phương của địch. Thực hiện “chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” với biện pháp “quét và giữ” nhằm ngăn chặn lực lượng ta tấn công vào hậu phương của chúng, lúc này địch đã cho Trung đoàn 42 và Tiểu đoàn biệt động quân 11 ra án ngữ tại vùng Chư Pả. Không nằm trong ý định nhiệm vụ chiến dịch nhưng BCH Trung đoàn nhận định, đây là thời cơ thuận lợi để ta tập trung tiêu diệt chủ lực địch tại một vùng núi hiểm trở, gần căn cứ hậu phương của ta, sau đó tiếp tục phát triển vào hậu phương địch. Báo cáo được điện gấp về Bộ Tư lệnh chiến dịch. Sau khi nghe báo cáo, có nhiều ý kiến cho rằng, như vậy là không đúng với nhiệm vụ chiến dịch giao. Anh Thảo liền phân tích, đây là thời cơ tốt, cuộc chiến mang tính chất tạo bất ngờ cho chiến dịch trên một địa hình thuận lợi cho chúng ta đánh tiêu diệt. Diệt được lực lượng này chính là để giảm áp lực cho hướng chính, anh đồng ý thực hiện ngay và quyết tâm diệt cho được bọn địch, sẵn sàng đánh tiếp các lực lượng ứng cứu nếu Trung đoàn 42 và Tiểu đoàn biệt động bị tiêu diệt, vì đây là trận thử nghiệm đầu tiên chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch. Đánh thắng trận này sẽ là một đòn phủ đầu đối với âm mưu mới của Mỹ-ngụy. Trận đánh đã diễn ra từ ngày 1-1 đến 8-2-1970, trung đoàn đã lần lượt đánh bại liên tiếp 3 cuộc hành quân: Bình Tây 48, Bình Tây 49 và Bình Tây 50 với lực lượng địch gồm Trung đoàn 42 và Trung đoàn 47, một liên đoàn biệt động quân, một tiểu đoàn Mỹ ra ứng cứu quân ngụy. Kết quả, ta đã diệt hơn 2.000 tên địch có gần 300 tên Mỹ, diệt gọn một trung đoàn, đánh thiệt hại hai trung đoàn và tiểu đoàn biệt động, diệt một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại tiểu đoàn Mỹ. Sự quyết đoán của anh Thảo trên cơ sở phân tích một cách khoa học với một dự báo sáng suốt đã tạo điều kiện cho trung đoàn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Dưới sự chỉ huy của anh, mỗi chiến dịch lại có một sự phát triển mới về chất. Chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh 1972 tiêu diệt một tập đoàn trong công sự vững chắc tương đương một sư đoàn, giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum (còn lại thị xã Kon Tum và các vùng phụ cận). Đặc biệt là chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975 chỉ trong vòng 18 ngày đêm bằng hai đòn then chốt quyết định, tiêu diệt tập đoàn địch tại khu vực thị xã Buôn Ma Thuột và tiêu diệt toàn bộ lực lượng phản đột kích của Sư đoàn 23 ngụy, buộc tập đoàn lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy với một số lượng lớn về quân số và trang bị kỹ thuật phải rút khỏi chiến trường Tây Nguyên, ta truy kích địch tháo chạy, giải phóng hoàn toàn 4 tỉnh Tây Nguyên, phát triển về đồng bằng khu 5 cùng lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Để có chiến thắng vang dội mang tính chiến lược đó là một quá trình đấu tranh trong nội bộ ta đi đến thống nhất, là một cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng với bọn chóp bu Mỹ-ngụy để tạo ra một thế trận vững chắc, một tương quan lực lượng ưu thế tuyệt đối của ta trên hướng tấn công chủ yếu, mục tiêu then chốt là một quá trình điều hành chiến dịch một cách nhịp nhàng, khắc phục những đột biến ngoài dự kiến để thực hiện phương án tác chiến chiến dịch thành công mỹ mãn. Trong đó vai trò chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh chiến dịch mà anh Thảo là Tư lệnh, người chịu trách nhiệm trước cấp trên về kết quả chiến dịch, có vai trò cực kỳ quan trọng nếu không nói là quyết định và tại đây, năng lực chỉ huy và trí tuệ của anh mới bộc lộ đầy đủ nhất.
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, vấn đề đầu tiên là làm sao để ta có thể tấn công Buôn Ma Thuột trong tình huống lực lượng địch ở đây yếu nhất? Làm sao khi Buôn Ma Thuột bị đánh, địch khó có thể tập trung chi viện hoặc nếu có chi viện thì cũng trong tình huống đã bị ta bố trí thế trận sẵn? Vấn đề đầu tiên mà anh Thảo và Bộ Tư lệnh chiến dịch quan tâm là tập trung xây dựng một kế hoạch nghi binh tổng hợp, toàn diện nhằm đánh lạc hướng chiến dịch, giam chân địch trên hướng Plei-cu, KonTum. Việc giữ vững hệ thống thông tin VTĐ và HTĐ trên hướng Plei-cu, Kon Tum của Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 hoạt động đều đặn bằng các bức điện giả cho đến ngày N, vấn đề sử dụng Sư đoàn 968 tấn công áp sát vào thị xã và Kon Tum cùng với việc huy động nhân dân mở đường cơ giới, áp sát vào thị xã. Trước đó mấy ngày, có hiện tượng địch đánh hơi ta xuất hiện lực lượng ở hướng Buôn Ma Thuột, anh Thảo quyết định cho Sư đoàn 968 bắt đầu tấn công đánh chiếm đồn Tầm-Thanh An, áp sát vào phía tây nam thị xã Plei-cu, đồng thời cho pháo binh-ĐKB bắn phá vào sân bay Cù Hanh và thị xã Plei-cu. Anh giao nhiệm vụ cho tôi chuyển mệnh lệnh đó cho anh Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968. Nhận điện, anh Sơn hỏi lại tôi: Đánh nghi binh hay đánh thật? Tôi trả lời với chiến dịch là nghi binh, nhưng với anh là đánh thật. Anh trả lời rõ rồi và anh đã thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Kế hoạch nghi binh đã đem lại kết quả tốt đẹp, tuy bọn chóp bu ngụy đó có đánh động nhưng sự biến hóa trong hoạt động nghi binh của ta đã làm lú lẫn đầu óc Mỹ-ngụy, cho đến khi ta tấn công vào Buôn Ma Thuột mà bọn chúng vẫn bán tín bán nghi về khả năng giải phóng Buôn Ma Thuột của ta.
Vấn đề thứ hai mà anh đề cập là nghi binh lừa được địch rồi, nhưng làm sao khi chiến dịch mở màn, mục tiêu Buôn Ma Thuột bị tấn công mà lực lượng địch không thể chi viện được? Anh nói: Vấn đề là lập thế trận. Làm sao địch đông mà bị băm nát, để mất khả năng chi viện cho nhau, nhất hướng Buôn Ma Thuột. Một thế trận chia cắt, khóa chặt các hướng có thể đến chi viện cho Buôn Ma Thuột; Sư đoàn 320 đơn vị chủ lực mạnh của B3 đảm nhiệm chặn đứng địch từ Plei-cu, Kon Tum kéo xuống. Trung đoàn 95 cắt đứt đường 19, đoạn Tây Măng Giang, phối hợp với Sư 3, Quân khu 5, không cho các lực lượng dự bị của Quân khu 2 và Tổng dự bị lên, Trung đoàn 25 cắt đường 21 từ Buôn Ma Thuột về Ninh Hòa-Nha Trang.
Thế trận chia cắt, trói chặt, ngăn chặn địch trên các hướng hoàn thành, còn lại vấn đề quyết định cuối cùng, quyết định nhất là nhanh chóng đập tan tập đoàn án ngự Buôn Ma Thuột tại Đức Lập và nhanh chóng đột phá, chọc sâu, đánh chiếm toàn bộ các mục tiêu chủ chốt trong thị xã. Nhiệm vụ được giao cho Sư đoàn 10 nhanh chóng tiêu diệt tập đoàn Đức Lập, trong đêm nhanh chóng cơ động về đứng ở đông bắc Buôn Ma Thuột, giăng bẫy sẵn sàng đón lực lượng phản đột kích địch đổ bộ bằng đường không (lúc này các hướng cơ động bộ đã bị khóa chặt), đồng thời đề phòng tình huống xấu, làm lực lượng dự bị mạnh cho Buôn Ma Thuột. Kế hoạch được các đơn vị thực hiện một cách nhanh chóng và triệt để: Toàn bộ địch ở khu vực Buôn Ma Thuột hoàn toàn bị tiêu diệt. Để vớt vát lại tình thế, đúng như dự đoán của BTL cả về thời điểm và địa điểm, Sư đoàn 23 cùng liên đoàn biệt động địch vừa đổ quân xuống đã rơi vào bẫy của Sư đoàn 10 và chỉ sau 2 ngày, ta đã tiêu diệt gọn lực lượng phản đột kích; thừa thắng, ta truy kích giải phóng hoàn toàn 4 tỉnh Tây Nguyên, phát triển về đồng bằng khu 5.
Chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi, vượt qua mức yêu cầu đề ra, đã tạo ra một sự đột biến về mặt chiến lược để Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975 mà không phải là trong 2 năm.
Thắng lợi oanh liệt chiến dịch Tây Nguyên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, trước hết thuộc về lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Thường vụ Bộ tư lệnh chiến dịch mà anh Hoàng Minh Thảo là Tư lệnh, anh Đặng Vũ Hiệp là Chính ủy, anh Vũ Lăng là Phó tư lệnh 1; là sự quyết tâm chiến đấu của toàn bộ lực lượng vũ trang chiến dịch, là sự kết hợp của Đảng bộ nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Đặc biệt là sự phối hợp của hai hướng chiến lược Quảng Trị - Thừa Thiên, Quân khu 5 và Nam Bộ.
Tài năng chỉ huy, tài thao lược của anh được mọi người hết sức trân trọng. Bên cạnh đó, cái còn lớn hơn để lại trong trái tim của mỗi người, đó là đức độ của một nhà chính trị-quân sự toàn năng. Tài năng và đức độ của anh là nguồn lực động viên mỗi cán bộ trên chiến trường, quyết tâm vượt qua mọi ác liệt, hy sinh để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Anh động viên cán bộ khi gặp khó khăn vấp váp, khuyết điểm. Lòng bao dung, độ lượng, phân tích cặn kẽ với đầy tình thương, đã giúp nhiều cán bộ vươn lên để trở lại chính mình. Sống với anh trong thời gian chống Mỹ, chưa bao giờ tôi thấy anh nóng nảy, giận dữ, quát tháo ai mà chỉ có thấy sự nghiêm túc nhưng ân cần, cặn kẽ. Trong điều kiện thiếu thốn của chiến trường, cán bộ, chiến sĩ đau ốm nhiều, anh luôn nhắc cơ quan hậu cần tìm cách cải thiện đời sống cho anh em. Anh rất quan tâm đến các đồng chí thương, bệnh binh. Tuy bận công việc chỉ huy, nhưng nhiều lúc anh đã đi bộ cả buổi, vượt đèo lội suối để đến bệnh viện thăm anh em.
Sau các chiến dịch, ngoài việc lo củng cố lực lượng, động viên bộ đội xây dựng, huấn luyện bổ sung, anh căn dặn cơ quan chính trị và hậu cần kiểm tra việc thu dọn chiến trường, làm tốt công tác chôn cất liệt sĩ một cách chu đáo. Anh lo lắng đến mọi điều.
Anh sống một cuộc sống hết sức giản dị, đồng cam cộng khổ với anh em. Một câu chuyện nhỏ nhưng hết sức xúc động, cảm kích về tính nguyên tắc, sự mẫu mực của anh lúc bấy giờ: Anh Chu Huy Mân là Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy mặt trận có tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Chính trị nhưng mỗi bữa ăn, các đồng chí phục vụ đều nấu chung và chia đều. Anh gọi đồng chí ban 5 lên dặn: anh Mân có tiêu chuẩn riêng, các đồng chí không được vi phạm đến tiêu chuẩn của anh. Anh em liền sang báo cáo với anh Mân. Anh Mân cười và dặn: Quy định là vậy, nhưng hai anh em chúng tôi sống chết có nhau để lo nhiệm vụ cho chiến trường nên tạm gác lại quy định của Bộ Chính trị. Thế là sự gắn bó giữa hai người ngày càng khăng khít.
Những đức độ, tình người, tình đồng chí, đồng đội của anh đã để lại trong mỗi cán bộ chiến trường Tây Nguyên một lòng kính trọng và quý mến, ân tình. Mãi cho đến bây giờ, mỗi lần về họp mặt truyền thống của Mặt trận B3, Quân đoàn 3, của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Trung đoàn 24A, 24B, 28, 95, 40, mỗi lần anh đến chung vui thì anh em lại quây quần bên anh, nói với anh những lời đầy trìu mến: “Thủ trưởng của chúng ta”, “Tư lệnh Thảo của chúng ta”… Anh em đối với anh là vậy đó-mỗi cán bộ, chiến sĩ Tây Nguyên đối với anh là thế đó.
Giờ đây anh đã ra đi và không bao giờ được gặp lại anh nữa, nhưng hình ảnh anh vẫn trong trái tim của chúng tôi.
Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC (Nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên)