Đánh vận động là sở trường của quân ta, tuy nhiên trong kháng chiến chống Mỹ lại rất khó có thể tổ chức những trận đánh vận động lớn. Đơn giản là vì hỏa lựckhông quân dày đặc của Mỹ đã băm nát các vị trí có thể có phục quân và “ào” một cái, trực thăng của chúng đã đổ bộ sau lưng bộ đội ta hoặc bốc chuyển quân đi. Vấn đề được đặt ra cho tác chiến vận động bấy giờ là phải hạn chế được tối đa hỏa lực và sức cơ động của địch. Các hình thức chiến thuật vừa đề cập đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt” được hình thành và áp dụng ngay trong quá trình phát triển của chiến dịch Đắc Tô năm 1967 ở một trận đánh rất nổi tiếng và nhớ đời đối với quân Mỹ là trận đánh trên đồi 875, mà trong các hồi ký của mình, tướng, tá Mỹ gọi là trận “Đồi thịt băm”. Nguyên tắc của nó là: Phục kích nhiều tầng và phục kích động, không phục kích tĩnh. Và một nguyên tắc khác: Không chờ cơ hội mà tạo ra cơ hội bằng mưu kế, khơi ngòi “điều” địch đến nơi bày sẵn thế trận. Còn chiến thuật “Vận động bao vây tiến công liên tục”–một biến thái của tập kích với nguyên tắc vây chặt, vây sát, vây bằng công sự dã chiến–lại đưa đến một sự “trình diễn” độc đáo: Kẻ bị tấn công hoàn toàn nắm được ý đồ của đối phương nhưng đành chịu trận, vô kế khả thi. Trận Đắc Xiêng (1970), trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 ngụy Lê Đức Đạt bay ngay trên đầu trận đánh để rồi bất lực chứng kiến cả một tiểu đoàn của mình bị tiêu diệt hoàn toàn. Và còn thú vị hơn nữa là trận Tân Cảnh (1972), Jonh Paul Vann, “vị cố vấn” Mỹ khét tiếng ở Quân khu II ngụy, đến lượt mình lại bay trên đầu Lê Đức Đạt, vừa bay vừa viết di chúc(!) chính vị cố vấn này đã thừa nhận như vậy trong Hồi ký của mình, vừa chứng kiến Lê Đức Đạt – lúc này là Sư đoàn phó Sư đoàn 22 – bị bắt và “thị trấn Tân Cảnh bị đối phương tràn ngập…”.
 |
Đồng chí Hoàng Minh Thảo (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội vượt sông Sê-rê-pốc (Đắc Lắc) năm 1970. Ảnh tư liệu
|
Những hình thức tác chiến vận động mới này đã được Hoàng Minh Thảo cùng với Bộ tham mưu của mình dày công nghiên cứu sáng tạo nên, thậm chí phải trải qua cả những trận đánh chỉ “thắng lợi một nửa” mới xây dựng thành công như chiến thuật “Vận động bao vây tiến công liên tục”. Hiệu suất tiêu diệt địch cao, thể hiện tinh thần tích cực tiến công với sự dũng cảm xả thân của bộ đội ta, từ Tây Nguyên các hình thức tác chiến vận động đó đã được Bộ Tổng tham mưu tổng kết thành hình thức chiến thuật, xây dựng giáo án huấn luyện và phổ biến đến khắp các mặt trận, nhà trường, các trung tâm luyện quân. “Vận động tiến công kết hợp chốt” và “Vận động bao vây tiến công liên tục” đến lượt mình trở thành những công nghệ mới của chiến tranh, làm phong phú thêm kho tàng lý luận về nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Neil Sheehan, một tác giả Mỹ nổi tiếng với tác phẩm “Sự lừa dối hào nhoáng” và bức ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đã gọi đây là những chiến thuật “đánh vào đầu rắn”, “lúc nào cũng mới khi được sử dụng bất ngờ” và nhất là lại được dẫn dắt bởi “một trong những tướng tài nhất của Việt cộng là Hoàng Minh Thảo”.(*)
Trong hàng chục tác phẩm về nghệ thuật quân sự đã được công bố của Hoàng Minh Thảo, có lẽ cần dành một sự ghi nhận đặc biệt cho hai cuốn sách: "Tổ tiên ta đánh giặc" và "Sự thất bại của một sức mạnh phi nghĩa". Ghi nhận đặc biệt vì nó được tác giả viết ra ngay tại chiến trường, giữa những trận tác chiến. Ghi nhận đặc biệt nữa vì tác dụng thực tiễn ở cuốn đầu và những phân tích chính xác, khoa học, ở cuốn sau. Viết ra một cách súc tích, ngắn gọn và dung dị như chính tên gọi, "Tổ tiên ta đánh giặc" được NXB Quân giải phóng Tây Nguyên phát hành đến tận trung đội, tiểu đội và được cán bộ, chiến sĩ rất hoan nghênh. Nó không chỉ cổ vũ sĩ khí bộ đội mà còn mở ra cả một đợt thi đua ngầm học tập và phát huy cách đánh "lấy ít đánh nhiều", "lấy yếu chống mạnh" của các bậc tiền bối trong khắp các đơn vị. Nghe "danh" cuốn sách, các chỉ huy ngụy ở Sài Gòn và Quân khu II cũng phải chỉ thị "kiếm về" cho bằng được để nghiên cứu.
"Sự thất bại của một sức mạnh phi nghĩa" lại là một tác phẩm kiểu khác. Từ chiến trường được gửi về NXB Quân đội nhân dân cuối năm 1974 và chỉ kịp ra mắt độc giả sau Mùa xuân đại thắng 1975, bản thảo cuốn sách đã làm ngạc nhiên những người biên tập về những dự báo chính xác, những phân tích khoa học, đặc biệt phần nói về các quy luật chiến tranh. Càng ngạc nhiên hơn là trong điều kiện gian khổ và thiếu thốn như thế ở chiến trường, người chỉ huy này lấy đâu ra và làm cách nào có thể tham khảo được cả một khối tư liệu lớn, cũng như dành thời gian tạo nên một tác phẩm dày dặn như vậy?...
Với sự công nhận "Đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao, đã được công bố và sử dụng kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước CHXHCN Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", cụm 8 công trình nghiên cứu của Thượng tướng Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã được Nhà nước ta trao tặng giải thưởng cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.Đó là một sự đánh giá hoàn toàn xứng đáng. Trong các công trình của mình, ông bàn đến nhiều lĩnh vực nhưng tập trung chủ yếu vào các phạm trù của nghệ thuật quân sự. Xin nói thêm một chút. Trong nhiều bộ môn, khái niệm “khoa học” và khái niệm “nghệ thuật” không tương hợp, thậm chí đối nghịch. “Khoa học” bảo lưu tính quy luật, tính chân lý trong khi “nghệ thuật” cho phép tính uyển chuyển, tính sáng tạo. Ở lĩnh vực quân sự, trong khi không hề phủ định các tính chất trên, “khoa học quân sự” gắn bó chặt chẽ với “nghệ thuật quân sự”. Nếu coi khoa học quân sự là khoa học về tiến trình chiến tranh thì nghệ thuật quân sự là công nghệ thực hành chiến tranh, ở cả phạm vi chiến lược lẫn chiến thuật. Có thể có một công nghệ chiến tranh Việt Nam? Đọc Tôn Tử - Ngô Khởi, Clao-dơ-vít, Cu-tu-dốp... Hoàng Minh Thảo tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật quân sự thế giới từ cổ chí kim. Nhưng nghiên cứu Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... và từ những quan sát kỹ càng các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, ông khẳng định một trường phái quân sự Việt Nam. Bản chất của trường phái ấy: Chiến tranh nhân dân chính nghĩa, chống xâm lược. Cơ sở của nó: Chiến tranh nhân dân ba thứ quân, toàn dân toàn diện. Phương pháp: Ít địch nhiều, yếu chống mạnh, phải dựa vào thế, thời, phải vận dụng mưu kế.Vậy thì mưu kế ở đây, điều đã được nói đến nhiều trong “Binh pháp Tôn Tử”, liệu có sự khác biệt?
Hoàng Minh Thảo khâm phục, nghiên cứu và học tập Tôn Tử, nhưng cũng chỉ rõ: “Thời của Tôn Tử, chiến tranh là chinh phạt, xâm lấn, thu phục đất đai, trừng phạt chư hầu. Lý luận quân sự Tôn Tử luôn dựa trên sự áp đảo đối phương bằng số đông. Điều này thấy rõ cả trong những thiên liên quan đến mưu kế như Mưu công, Dụng gián, Hư thực... trong Binh pháp Tôn Tử”.
Ở phần trên chúng tôi đã cố gắng trình bày một cách ngắn gọn việc vận dụng mưu kế để tạo ra hình thức chiến thuật mới ngay trên chiến trường, còn trong các tác phẩm của mình, từ những phân tích sắc sảo và bằng những luận chứng thuyết phục, Hoàng Minh Thảo đã cho thấy vai trò quan trọng của thế, thời, cũng như vị trí khó bị thay thế của mưu kế trong Nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ông rất tâm đắc với những mưu kế chiến lược tài tình của chiến tranh nhân dân dựa trên ba thứ quân, “điều” địch theo ý đồ của mình, cô lập, chia cắt khiến chúng sa lầy, còn ta thì có điều kiện tập trung đánh đòn quyết định, thể hiện rất rõ nét trong các chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, Mậu Thân 1968, Xuân Hè 1972 và đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975.
 |
Đồng chí Hoàng Minh Thảo trình bày quyết tâm chiến đấu Chiến dịch Nam Tây Nguyên (tháng 2-1975). Ảnh tư liệu |
Không chỉ với tác chiến, mưu kế được xác lập trong quá trình chuẩn bị và kết thúc chiến tranh. Còn chính trong tác chiến, nó có thể tạo nên những tương quan có lợi nhất ngay cả lúc không ngờ nhất, nó có thể đẩy kẻ địch đến “vô kế khả thi” ngay cả lúc vẫn đang nắm lực lượng mạnh trong tay; nó có thể khiến chuyển hóa thế trận và tạo nên đột biến, thậm chí đột biến chiến lược. Trong khi chỉ ra “mưu, kế, thế, thời” là những khái niệm khác nhau, ông cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ cũng như sự phát triển biện chứng của chúng, nhân tố này là hệ quả của nhân tố kia. Ông viết: “Mưu kế là thế thời và tình huống. Mưu sinh ra kế, thế đẻ ra thời. Thế, thời là tạo ra tình huống. Tình huống phát triển chín muồi là thời cơ hành động”. Và khái quát một cách súc tích, dễ hiểu: “Mưu cao nhất là mưu lừa địch – Kế hay nhất là kế điều địch – Thế tốt nhất là thế chia cắt địch”; hoặc “Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời”... Những năm sau này, mặc dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tham gia các hoạt động khoa học, tận dụng thời gian viết sách “chừng nào vẫn còn có thể góp chút khả năng, sức lực của mình”, như ông nói. Theo dõi chặt chẽ các động thái chiến tranh cũng như sự phát triển của khoa học và nghệ thuật quân sự trên thế giới, ông vẫn đề xuất những giải pháp an ninh – quốc phòng được lãnh đạo đánh giá cao.
Con người
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã được NXB Quân đội "đặt hàng" hồi ký ngay khi chiến tranh vừa mới kết thúc. Họ rất kỳ vọng dựng lại được những trận đánh huyền thoại, đặc biệt có sự đấu trí của hai bên, thông qua những ngưng đọng và bùng nổ tâm lý sống động của chính người chỉ huy. Nhưng phải gần 30 năm sau cuốn sách đó mới ra đời, và không được như trông đợi. Lý do? Rất đơn giản, là một người cực kỳ khiêm tốn, ông không muốn và không biết nói về mình. Nhiều người, trong đó có cả những nhà văn tên tuổi, được nhà xuất bản đề cử giúp ông đã hăm hở đến rồi... thất vọng ra đi. Rất khó khai thác ông ở phương diện con người mà đó lại là đặc trưng của hồi ký. Người viết những dòng này cũng nằm trong số đó. Cố gắng lắm cũng chỉ giúp ông hồi tưởng về chiến dịch Tây Nguyên 1975, nhưng lại cũng không thể thuyết phục được ông đưa vào một chi tiết quan trọng thể hiện nhãn quan và tài thao lược quân sự: đó là việc đề xuất với cấp trên lựa chọn Buôn Ma Thuột, điều mà về sau, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại nhắc đến trong hồi ký “Tổng hành dinh trong Đại thắng Mùa Xuân”. “Đó là trí tuệ tập thể, đừng nhận cho riêng mình” ông nói không hề khách sáo. Cũng cần biết thêm rằng, không phải mọi thứ đến với ông lúc nào cũng thuận chèo xuôi sóng. Điều đáng nói là những lúc như vậy ông thật bình thản, không một lời nói thêm, chỉ để tâm vào những công việc đang bộn bề trước mặt.
Là Thượng tướng, trong cương vị một chỉ huy quân sự, là Nhà giáo Nhân dân trong nhiệm vụ làm công tác giáo dục – đào tạo, là giáo sư trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, Hoàng Minh Thảo trước hết và rất được biết đến trong tư cách một con người. Một người hiền với cả ý nghĩa cổ điển lẫn thông dụng của từ này. Gần ông, ai cũng cảm thấy thoải mái, dễ chịu từ sự hiền lành đức độ, không hề nóng nảy, khác hẳn tác phong một nhà quân sự như có thể hình dung ở ông.
Những năm ở Tây Nguyên, ông được mọi người rất quý mến không chỉ do khả năng cầm quân mà còn do luôn quan tâm duy trì đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân. Nhiều người dân vẫn nhắc trong những lúc cực kỳ khó khăn, bộ đội thiếu đói đủ thứ, ông vẫn chỉ thị nhường một phần lương thực, gạo muối cung cấp cho nhân dân và tự mình làm gương giảm bớt khẩu phần. Mỗi mùa chiến dịch, ông đều tổ chức hội nghị mời lãnh đạo các địa phương đến bàn cách phối hợp và đặc biệt lắng nghe các ý kiến đóng góp của họ, được địa phương rất tin tưởng và đánh giá cao, cho nên ở các cuộc họp này đã luôn luôn có mặt các Bí thư Tỉnh ủy.
Một người bạn kể lại câu chuyện này: Khi bố anh mất, biết được má anh đang đứng trước khó khăn phải nuôi bầy con còn nhỏ, ông đã trích lương mình hằng tháng gửi đến giúp đỡ. Khi việc trở nên thường xuyên, má anh không muốn phiền ông - đó là những năm đầu chiến tranh phá hoại - bà đưa gia đình đi sơ tán, không cho ông biết địa chỉ. Nhưng rồi ông vẫn tìm được. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Ông vẫn thường để riêng một khoản tiền giúp đỡ những gia đình khó khăn như vậy. Nhưng bản thân ông bà lại sống hết sức giản dị: một phòng khách đơn sơ với những đồ dùng cũ kỹ như không thể giản dị hơn. Ông bảo: Còn dùng được, sao lại bỏ đi? Tự ông giữ lại, xếp sắp ngăn nắp nhiều thứ tưởng đã có thể bỏ vào sọt rác, cuối cùng lại trở nên có ích khi cần: phong bì công văn, túi giấy, túi nhựa cũ, ốc vít...
Có thể nói, ông đã có một gia đình thật hạnh phúc. Ở tuổi “U90”, như ông vẫn nói vui, ông đi lại đã chậm chạp, nhưng vợ ông - bà Vũ Thị Minh Nguyệt - vẫn như mường tượng thấy dáng vẻ dữ tướng mà nhanh nhẹn rất đàn ông ngày nào của vị Tư lệnh Quân khu trẻ tuổi. Hồi ấy ông di chuyển giữa các đơn vị không phải bằng xe hơi, không phải bằng ngựa hồng mà bằng xe đạp. Ông đi xe đạp rất giỏi và còn lưu lại trong vùng cả một câu lẩy… "Chinh phụ": "Lối nay xe ngựa Hoàng Minh Thảo…". Nhưng làm sao ông bà đến được với nhau? Giản dị thế này thôi: Những năm đầu kháng chiến, ông bề bộn công việc, chẳng có thì giờ nào mà… làm quen phụ nữ, mà nghĩ đến việc riêng. Nhưng mọi người đều bảo, phải có "hậu phương" thì "tiền phương" mới yên tâm chiến đấu được; và xúm lại đưa trước mặt ông một tấm ảnh, yêu cầu ông lựa chọn. Ông cười và chỉ vào một cô học sinh xinh đẹp trong số những cô gái trong ảnh. Đám cưới liền sau đó cũng được tổ chức giản dị như vậy: Người ta tìm được một căn nhà bỏ trống của một gia đình đã đi tản cư, may còn lại một chiếc giường. Một cụ già mang đến một chiếc chiếu… Ngay hôm sau ông đã phải chia tay vợ trở về đơn vị vì chiến dịch sắp mở màn.
Hôm nay, điều hạnh phúc lớn đối với ông bà là tất cả các con cháu đều đã trưởng thành, như những công dân tốt, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Ông bà có 3 người con trai. Anh con út là công nhân, rất giống ông ở đức tính cẩn thận, kiệm lời. Anh con thứ hai, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Hà Nội, thừa hưởng ở ông tác phong quân sự, xứng đáng nối nghiệp bố. Còn anh con cả, nguyên sĩ quan phòng không, sau là cán bộ ngành hàng không - người mà ông rất thương, có lẽ giống ông nhất ở phương diện con người. Biết tin bố được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, anh đã dự kiến làm bữa cơm gia đình mừng ông. Thật không may, việc còn đang định, anh đã qua đời đột ngột vì tai nạn. Nhận được tin dữ khi đang đứng trước sân, ông chỉ nói: "Đỡ mẹ đi các con" rồi lặng lẽ bước vào nhà. Đứng trong buồng mình, ông cứ ngó trân về phía đối diện; rồi khi gieo mình xuống ghế, ông mới để mặc đôi hàng hương lệ ròng ròng thương nhớ con...
VŨ CAO PHAN
(*) “Sự lừa dối hào nhoáng”, Neil Sheehan, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1991.
Người tướng hiền minh (phần 1)