Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nghiên cứu tài liệu ở thư phòng. Ảnh tư liệu

L.T.S: Sau khi được tin Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đột ngột từ trần, Báo Quân đội nhân dân nhận được bài viết của tác giả Vũ Cao Phan – một người đã từng nhiều năm cộng tác và gắn bó với Thượng tướng. Với lòng thương tiếc vị tướng tài ba của quân đội ta, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết trên.

Nhà chỉ huy quân sự

Nếu bạn được tiếp xúc với con người này thì ngay từ lần đầu tiên, khuôn miệng biểu cảm, chiếc cằm quả đoán và đặc biệt là đôi mắt sắc với hàng mày rậm hình lưỡi mác vểnh ngược lên một cách dứt khoát, dữ dội của ông sẽ mách bảo bạn rằng đây hẳn là một nhà chỉ huy quân sự.

Đúng vậy, như là ông được sinh ra để đảm lãnh công việc ấy: Hai mươi tuổi được Bác Hồ cử đi học quân sự ở Trung Quốc; 24 tuổi trở thành Tư lệnh Chiến khu (Quân khu), vị tư lệnh trẻ tuổi nhất của quốc gia độc lập chưa đầy một tháng tuổi. Từ đó cuộc đời ông, tên tuổi ông - Hoàng Minh Thảo - hoàn toàn gắn với quân đội, với chiến tranh. Ba mươi năm, đi qua dư trăm trận - khởi đầu là chỉ huy Trung đội tập kích đồn Pò Mã (Lạng Sơn) thắng lợi, tháng 5-1945; kết thúc trên cương vị Tư lệnh Chiến dịch-chiến lược tiến công Tây Nguyên đại thắng lợi, tháng 3-1975 - đâu là phong cách chỉ huy Hoàng Minh Thảo? Câu trả lời ở ngay mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch mà ông tham dự, chỉ huy. Từ những trận giao thông chiến vang dội Đường 5 thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp đến những cuộc đối đầu ác liệt những năm đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, sơ đồ tác chiến của ông luôn luôn là: xác định mục tiêu - dự kiến tình huống - xây dựng lực lượng, thế trận - liên tục công kích giành chiến thắng. Trong sơ đồ đó, tâm lực ông in đậm ở công đoạn dự kiến và loại trừ bớt các tình huống (được ông gọi một cách hình tượng là gạn lọc tình huống) bằng mưu kế tác chiến và nghi binh với mục đích duy nhất là tạo nên một thế trận có lợi, giành yếu tố bất ngờ - một nửa của thắng lợi. Và ông luôn thành công.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) trong buổi gặp các cựu chiến binh Trung đoàn 95-Tây Nguyên, ngày 23-8-2008. Ảnh: Hồng Hải

Được đào tạo trong ngôi trường Hoàng Phố vốn coi trọng học thuyết quân sự cổ điển Tôn Ngô là một lý do; chiến đấu trong một quân đội cách mạng trưởng thành từ lượng ít, thế yếu luôn phải đương đầu với kẻ thù hùng mạnh là một lý do nữa; nhưng có lẽ điều chủ yếu khiến trên dưới, bạn bè gọi ông một cách trìu mến là ông “mưu kế, thế, thời” chính là sự say mê và dấu ấn để lại trong lĩnh vực đấu trí này. Thật là xác đáng khi cấp trên đặt ông vào nơi đắc địa Tây Nguyên. Tây Nguyên với những bình sơn nguyên bao la đủ khả năng triển khai bộ đội lớn, vũ khí nặng rất thuận lợi cho tác chiến trận địa như đã được chứng tỏ trong năm 1972 và nhất là trong năm 1975. Nhưng nơi đây, với trùng trùng núi cao, rừng dày cũng là nơi lý tưởng cho việc thi mưu bày kế trong tác chiến vận động-loại hình tác chiến sở trường của quân đội ta.

Chiến dịch Đắc Tô 1967, ta triển khai phục kích hai tầng, Mỹ hùng hổ dùng trực thăng đổ quân bọc vào sau lưng lực lượng phục kích của bộ đội ta thì chính chúng lại rơi ngay vào bẫy vu hồi sâu, cả một tiểu đoàn dù Mỹ bị tiêu diệt. Chiến dịch Đắc Xiêng 1970, chiến dịch Đắc Tô 1972, với kế “điệu hổ ly sơn” dụ địch đánh vào mục tiêu giả, để trống lực lượng, ta nhanh chóng công kích vào mục tiêu đã lựa chọn giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất. Nói đến chiến dịch Tây Nguyên 1975 thì không thể không đề cập đến cả một chiến dịch nghi binh lừa địch, gạn lọc tình huống đặc sắc diễn ra trước đó khiến kẻ địch ở phút cuối đã như bị trói chân, trói tay. Trong suốt những năm chiến tranh, nhất là vào mùa chiến dịch, sở chỉ huy mặt trận không ít lúc vừa mới đấy hồi hộp, căng thẳng đã trở nên sôi động, nhộn nhịp, đắc thắng khi quân địch sập bẫy, chẳng khác chi những chương, hồi được mô tả trong Tam Quốc.

Mười năm chiến đấu ở Tây Nguyên, do muôn vàn khó khăn, chỉ duy nhất một lần một chiến dịch nhỏ được Hoàng Minh Thảo triển khai ở phía Nam. Nhưng ông luôn đau đáu hướng này. Phải chi có đủ lực lượng, phải chi tập trung được lực lượng đủ lớn, đủ mạnh để không chỉ giải phóng Buôn Ma Thuột mà còn có thể đánh dài ngày, đánh bại lực lượng phản kích chắc chắn phải lên đến hàng sư đoàn của địch. Một chiến dịch như vậy sẽ không chỉ có tác động chiến lược vì tính chất đắc địa của Buôn Ma Thuột mà còn có thể dẫn đến bùng nổ chiến lược nếu được cộng thêm vào đó một yếu tố cực kỳ quan trọng: đẩy địch vào thế chủ quan, bất ngờ và do đó trở nên hoang mang, mất tinh thần.

Nhưng phải có thời cơ. Và thời cơ ấy đến. Năm 1973, được triệu tập ra Hà Nội họp chuẩn bị cho chiến cuộc 1975, trước những điều kiện thuận lợi xuất hiện, ông đã đề xuất với Tổng tư lệnh về một chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột với những luận cứ sắc bén. “Tôi rất tán thành”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại trong hồi ký của mình. Trong cách nhìn của Đại tướng, đấy không chỉ là nhãn quan của một người chỉ huy thực tiễn trên chiến trường mà còn là nhãn quan “của một người có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự”. Vậy là từ Quân khu 5, tháng 2-1975, sau khi mục tiêu Buôn Ma Thuột đã được xác định, Hoàng Minh Thảo một lần nữa được điều động trở lại Tây Nguyên trên cương vị Tư lệnh chiến dịch, một chiến dịch rồi sẽ khiến rung chuyển toàn bộ chiến lược địch như sau này chúng ta được biết.

Xin kể chuyện này chắc không phải là chuyện nhỏ: Năm Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của ta trên khắp chiến trường miền Nam giành được thắng lợi vang dội, tinh thần quân dân lên rất cao. Tuy nhiên, sau đợt một không thành công, lại có chủ trương đợt hai, đợt ba tiếp tục dùng chủ lực đánh vào các đô thị thì đã nảy sinh không ít vấn đề, nhất là địch đã chủ động phòng ngự, ta bị thương vong lớn. Phân tích tương quan lực lượng, từ những quan sát tại chỗ ở Tây Nguyên và các chiến trường trên toàn miền Nam, Hoàng Minh Thảo đã đề nghị cấp trên cho dừng các cuộc tiến công ấy mà theo ông, tính bất ngờ đã không còn, kết quả khó bù lại tổn thất. Không có trả lời từ Hà Nội. Nhưng dự báo của ông đã đúng.

Nhà giáo - nhà khoa học

Nếu Hoàng Minh Thảo được đánh giá cao trong tư cách một chỉ huy quân sự tài năng thì ông cũng hoàn toàn xứng đáng được đánh giá như vậy trong tư cách một nhà sư phạm quân sự, một nhà nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự khi trong hơn ba mươi năm được chỉ định đứng đầu những cơ sở đào tạo cao nhất của quân đội ta: Trường trung, cao quân sự; Học viện Quân sự; Học viện Quốc phòng ngay từ những năm tháng đầu tiên các cơ sở này được thành lập. Hàng vạn cán bộ trung, cao cấp quân đội - nhiều người trong đó giữ các cương vị lãnh đạo quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, đi qua môi trường này vẫn ghi nhớ cách làm việc khoa học cũng như các bài giảng trực tiếp sinh động, có sức thuyết phục cao của ông. Đặc trưng công tác đào tạo và nghiên cứu của ông là gắn chặt với thực tiễn. Lĩnh vực mà ông hứng thú và dồn nhiều tâm huyết nhất là nghệ thuật quân sự - công nghệ tiến hành chiến tranh. Những năm đánh Mỹ, mỗi khi có dịp ra Hà Nội, ông tận dụng cơ hội trao đổi với cán bộ, giáo viên của Học viện Quân sự về những vấn đề mới nảy sinh trong nghệ thuật tác chiến và nếu có thể đọc những bài giảng ngắn trước các học viên sắp ra mặt trận. Ngược lại, ngay tại chiến trường, ông cập nhật các tình huống diễn biến, kể cả những tình huống chiến lược, phân tích động thái và quy luật hoạt động của địch, giải bài toán luôn luôn phức tạp là lực lượng để từ đó đề xuất cách đánh hay hình thức chiến thuật thích hợp, ném trả lại tác chiến, tạo nên sức sống mới.

Có lẽ không nhiều người biết rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, Quân đội ta đã phát kiến ra ba hình thức chiến thuật mới thì hai trong số đó được tổng kết từ Tây Nguyên, được hình thành từ chiến trường ác liệt này. Đó là chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp chốt” và “Chiến thuật vận động bao vây, tiến công liên tục”. Vận động là cách đánh cổ điển như chiến tranh, thậm chí còn ra đời trước cả chiến tranh với hai hình thức phổ biến là phục kích và tập kích. Có thể kể ra đây những trận vận động chiến kinh điển như Termopine, Tỉnh Kinh, Chi Lăng, Bạch Đằng, Hasting... thời trung cổ đại, hay để dễ nhìn hơn, trận Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới thời kháng chiến chống Pháp.

(Còn nữa)

VŨ CAO PHAN