Đã mấy tháng nay, ông Đại tá Lục Văn Châu, 78 tuổi, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu, Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân “cắm cung” trong căn hộ 32A, tầng 2, nhà N3, ngõ 102, ngách 25 đường Trường Chinh, là khu tập thể T28 để ông cặm cụi viết lại lịch sử đường ống xăng, dầu phục vụ đắc lực cho các chiến trường A, B, C trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và nhất là trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Mọi sự việc đã qua đi 40 năm, thế mà bộ nhớ của ông đã giúp cho ngòi bút của ông ghi lại được cả ngày, giờ, tháng, năm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phải chuyển gấp cho phía trước 30 phuy xăng. Những chi tiết ngày, giờ, năm, tháng xăng của ta vượt động Phong Nha, Kẻ Bàng, đường ống “bò” qua đèo Phu La Nhích… khiến cho bộ sử về đường ống xăng, dầu thêm phần sinh động.
Ông nhớ được như vậy mà chỉ nhờ có quyển Biên niên sử quân đội, phát hành năm 1974 to bằng bàn tay.
Vì quá khâm phục “bộ nhớ” của ông nên tôi “ngoắc sang” chuyện thu triện đồng (con dấu) của tên Trưởng bạ, làng Cương Ngô trong ngày Hà Nội đồng loạt cướp chính quyền (19-8-1945).
Ông Lục Văn Châu chỉ cần nhíu nhíu mắt và vuốt râu mấy cái rồi ông kể vanh vách cho tôi nghe:
Trước ngày Nhật làm đảo chính Pháp (9-5-1945) độ một tuần thì vào sáng thứ hai, bỗng dưng có một chiếc xe Jeép phóng vào cổng trường tiểu học Nguyễn Hữu Nghị (ở phố Văn Điển). Từ trên xe, 6 người to cao đẹp trai nhảy xuống, một người cắm cờ đỏ sao vàng quay quay trong nắng. Thấy lạ, học trò cả trường xúm lại xem và được nghe diễn thuyết. Nội dung gồm mấy điểm chính:
- Phát xít Nhật và đế quốc Pháp đều là kẻ thù của Việt Nam. Bọn chúng đã gây ra nạn đói làm 2 triệu người dân ta phải chết đói.
- Việt Minh là những người yêu nước sẽ cùng đồng bào lật đổ chính phủ Trần Trọng Kim, lập Chính phủ Dân chủ.
- Khi nào có lệnh phá các kho thóc thì mọi người đi mà gánh về ăn.
- Cờ của Chính phủ Dân chủ là màu đỏ, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, tượng trưng cho người Việt Nam là máu đỏ da vàng!
Trước khi lên xe, một anh bế hẳn Lục Văn Châu lên và dặn:
- Về làng, em rủ các bạn chăn trâu, chăn bò lập ra một đội thiếu niên, nhi đồng và cố tập đi đều bước để nay mai các em sẽ đi mít tinh!
Nghe theo lời dặn của “anh Việt Minh”, Lục Văn Châu rủ được rất nhiều bạn nhỏ của làng Cương Ngô (thuộc tổng Cổ Điển, Thường Tín phủ, Thanh Trì huyện, nay là xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) đi tập đội ngũ.
Cứ vào những đêm sáng trăng, các em lại tập đi đều bước và chả mấy chốc, ngày khởi nghĩa cướp chính quyền đã đến (19-8-1945) tại Hà Nội.
Tin từ nội thành bay về, ta đã chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, Tòa thị chính, Sở cảnh sát Trung ương, Trại Bảo an binh… càng thôi thúc khí thế cách mạng ở làng Cương Ngô, làng Cổ Điển, làng Đồng Trì (nay là xã Tứ Hiệp). Đội Nhi đồng của Lục Văn Châu thì đi đi lại lại vòng quanh làng, miệng hô vang: “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!”, “Ủng hộ Việt Minh!”, “Thành lập Chính phủ Cộng hòa Việt Nam!” và hát đến khản cổ bài “Quốc ca Việt Nam”.
Ngay chiều hôm ấy, tại quán cây đề (độ 500 tuổi), một cuộc mít tinh trọng thể đã diễn ra.
Anh Trần Văn Địch tuyên bố thành lập Chính quyền Cách mạng gồm: Anh Trần Văn Địch, chị Lục Thị Thư, anh Lục Văn Châu.
Việc thứ hai là thiêu hủy toàn bộ giấy tờ không cần thiết của chính quyền cũ. Việc thứ ba là thu triện đồng (con dấu) của ông Trưởng bạ Nguyễn Văn Tu. Một chi tiết mà ông Lục Văn Châu còn nhớ như in là khi trao triện, ông Trưởng bạ Nguyễn Văn Tu có thưa:
- Nếu Pháp quay trở lại thì tôi biết ăn nói làm sao?
Anh Trần Văn Địch trả lời ngay:
- Không bao giờ có chuyện ấy đâu!
Cả làng vỗ tay hồi lâu.
Cũng vào thời điểm đó, ở trên làng Cổ Điển, người đứng đầu chính quyền cách mạng là anh Chử Văn Dong, ở làng Cổ Điển B là anh Trương Văn Diệu và chị Dăn.
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, một số anh chị cùng tham gia cướp chính quyền năm ấy, đến nay cả xã đã có 4 nhà văn, nhà thơ, mà nổi tiếng nhất là nhà văn kiêm dịch giả Châu A là ông Nhị Ca, Chu Đức Kính, thạc sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Thanh, đạo diễn điện ảnh Chu Hiểu và 6 người là bác sĩ, trong đó có Chử Văn Đối là giám đốc Bệnh viện Lao quân đội (K71) và 5 người cấp bậc đại tá quân đội.
Cạnh cái quán cây đề 500 tuổi ngày ấy, nay đã trở thành “phố-xóm”, ô tô, xe máy chạy như mắc cửi ngày đêm, ngoài đồng thì đã gạch hóa mương tưới, mương tiêu… Dân xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) càng thêm biết ơn cách mạng và nhớ mãi ngày cướp chính quyền năm ấy.
NGỌC MINH