“Các đại biểu bên di ảnh Trung tướng Nguyễn Bình”

QĐND Online - Ngày 18-10, tại Dinh Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh, Ban Liên lạc truyền thống lực lượng quyết tử - biệt động Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn , Chi hội Nghĩa quân Đông Triều (Quảng Ninh) cùng đại diện bà con quê hương Hưng Yên, Hải Phòng và gia đình Trung tướng Nguyễn Bình đã phối hợp tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Bình (1908-2008) và 60 năm ngày ông được thụ phong trung tướng (1948-2008).

Ngay từ sáng sớm, bầu trời thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu sáng bừng lên trong nắng vàng. Về dự buổi lễ, bên cạnh các vị lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng LLVT, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Quân đội, chúng tôi còn thấy có các vị chức sắc tôn giáo; cán bộ chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân tại Miền Đông Nam bộ cùng đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi Ban Tổ chức trân trọng công bố hai bức điện của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hoan nghênh việc sáng kiến tổ chức buổi lễ; gửi lời thăm hỏi ân cần gia quyến Trung tướng Nguyễn Bình, Đại tá Vũ Hải Sơn - người học trò năm xưa của Trung tướng, Trưởng Ban liên lạc truyền thống quyết tử - biệt động Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn đã giới thiệu khái quát cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tài năng, đức độ cùng những công lao to lớn của Trung tướng Nguyễn Bình trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước - nổi bật nhất là thời kỳ hoạt động ở Nam Bộ (từ cuối năm 1945), những ngày đầu cách mạng vô cùng khó khăn, thử thách. Giai đoạn này,đồng chí đảm nhiệm các trọng trách: Đặc phái viên của Trung ương và Bác Hồ, Tư lệnh giải phóng quân Nam Bộ, Khu Bộ trưởng Khu 7, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ… Ngày 29-9-1951, Trung tướng Nguyễn Bình đã hy sinh khi đang trên đường trở ra Bắc báo cáo với Bác Hồ và Trung ương… Tên tuổi của Trung tướng luôn gắn với các chiến khu: Đông Triều, Duyên Hải Bắc bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn và với cuộc kháng chiến của quân dân Nam Bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông sáng ngời trên đài Tổ quốc ghi công và là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ .

Mọi người đều xúc động khi Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - người chiến sĩ phục vụ Trung tướng Nguyễn Bình năm xưa ở chiến khu Đức Hòa, Long An, bên dòng sông Vàm Cỏ - nghẹn ngào kể lại:

Tôi được sống, được phục vụ Thủ trưởng Bình không lâu, khoảng bốn tháng. Đây là khoảng thời gian sống đầy ý nghĩa trong cuộc đời cách mạng của tôi. Tôi được thủ trưởng dìu dắt, ân cần chỉ bảo nên đã từng bước trưởng thành. Bên ông, tôi được chứng kiến và học tập được nhiều đức tính quý báu của người cách mạng. Ông vừa có phong cách dũng mãnh, kiên quyết của vị tướng vừa độ lượng, chân thành với cấp dưới và hòa đồng, giản dị khi tiếp xúc với nhân dân . Nhờ vậy, ông đã cảm hóa, thuyết phục, vận động nhiều trí thức yêu nước, thu phục được nhiều người, ở nhiều thành phần về với cách mạng, khích lệ họ phát huy tài năng, phục vụ cách mạng… Trong những năm gian khó của cách mạng, với tầm nhìn xa trông rộng, ông đã cho mở các lớp huấn

luyện quân sự, chính trị cho cán bộ, thành lập các trường thiếu sinh quân ở Khu 7 và Khu 9. Ông còn là “cha đẻ” của lực lượng biệt động thành phố Sài Gòn với phương châm “Đưa chiến tranh du kích vào trong lòng địch”, khiến kẻ thù nhiều phen “thất điên bát đảo”…

Như minh họa thêm về những lớp học kháng chiến, Thiếu tướng Cao Long Hỷ, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội - một trong những học viên khóa đầu của Lớp Đồng tử quân Nam Bộ, Trường Thiếu sinh quân Khu 7, đã không giấu được niềm xúc động, kể về những kỷ niệm mà Chú Ba Bình (tên gọi thân mật của Trung tướng Nguyễn Bình khi ấy) đã dành cho ông và những “Vệ quốc quân con”. Tình cảm, trách nhiệm của chú Ba đã động viên, khích lệ lớp lớp các thế hệ Đồng tử quân hăng say học tập, rèn luyện, nuôi chí lớn, trở thành những người có ích cho quân đội, cho đất nước...

Trong số rất đông các vị đại biểu đến tham dự buổi lễ, chúng tôi đã gặp Linh mục Phan Khắc Từ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP. Hồ Chí Minh. Linh mục chậm rãi nói: “Tôi rất cảm phục công lao, tài đức của Trung tướng Nguyễn Bình. Ngay từ khi đó, Trung tướng đã rất quan tâm, vận động những người tôn giáo (đặc biệt là những người công giáo), động viên họ đem tài năng phục vụ công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Là người con của đất Cảng Hải Phòng, thời trai trẻ tôi đã từng có thời gian hoạt động đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất đất nước ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, nên tôi càng thấy tự hào về Trung tướng. Chính lực lượng biệt động Sài Gòn do Trung tướng lập ra đã một thời được chúng tôi che chở, giúp đỡ … Ông thực sự là “Thủ lĩnh của người dân Nam Bộ, của chiến trường Nam Bộ…”.

Bài, ảnh: VÕ VĂN DŨNG