 |
Đại tá Đặng Hương đến thăm và trao tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tấm ảnh kỷ niệm tại ngầm Ta Lê năm 1973 khi Đại tướng vào làm việc với Bộ Tư lệnh Trường Sơn |
Căn nhà nhỏ của bác Đặng Hương (Đại tá, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn) trên đường Trường Chinh, Hà Nội đầy ắp sách vở, tài liệu, ảnh, hiện vật kháng chiến… Ở tuổi ngót tám mươi, tuy căn bệnh Pa-kin-xơn có làm bác đi lại khó khăn, song đầu óc vẫn rất sáng suốt. Bác bảo với tôi là, mình suốt đời là lính công binh, chiến dịch Điện Biên Phủ mở đường, làm hầm cho pháo; thời chống Mỹ ở Trường Sơn cũng mở đường, bắc cầu; tại mặt trận Điện Biên hai lần suýt chết, còn tại Trường Sơn ít nhất năm, sáu lần…
Quê bác bên sông Trà Lý thuộc xã Đông Quý, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Giữa năm 1949 bác nhập ngũ, được cử đi học khóa 6 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Đầu năm 1954 ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoài các đại đoàn bộ binh chủ lực, còn có đại đoàn hỗn hợp công binh-pháo binh có phiên hiệu 351 tham gia. Lúc đó bác là Chính trị viên phó Đại đội 53, Tiểu đoàn 106, Trung đoàn 151 thuộc Đại đoàn này (cố Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Trần Công Mân từng là chính ủy đầu tiên của Trung đoàn công binh 151), có nhiệm vụ mở đường Sơn La-Thuận Châu; Tuần Giáo-Điện Biên và suốt chiến dịch từ khi sắp bắt đầu đến kết thúc, đại đội của bác chuyên khoét núi làm hầm cho lựu pháo 105mm. Bác còn nhớ một chi tiết khá thú vị: Sáng 8-5-1954 đơn vị vẫn miệt mài khoét thêm cái hầm mới để chĩa pháo giội thẳng xuống cứ điểm Hồng Cúm, thì một cán bộ chạy đến nói như reo: “Địch đã hàng, chiến dịch kết thúc được một ngày rồi mà các cậu còn đào nữa à?”.
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, bác là cán bộ đại đội bậc trưởng, được cử đi Học viện Công binh Quy-bư-sép, Liên Xô. Sau 7 năm học ở nước ngoài với tấm bằng hạng ưu, bác về nước nhận nhiệm vụ tại Phòng Cầu đường, Cục Nghiên cứu kỹ thuật quân sự, tiền thân của Viện Kỹ thuật quân sự sau này. Tại đây, năm 1965 bác được giao trọng trách trưởng ban nghiên cứu vượt sông, đã cùng các đồng nghiệp trong và ngoài quân đội tính toán, thiết kế thành công một hệ thống cáp kết hợp phà tự hành vượt sông Ta Lê rất độc đáo, cũng có thể gọi đó là chiếc cầu cáp đầu tiên trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại thời chống Mỹ.
Đầu năm 1966, tuyến mới đường 20 được mở từ Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình) qua U Bò, Cà Roòng, Ta Lê nối sang đường 128 đoạn Lùm Bùm trên đất bạn Lào. Ngày 21-1-1966, tức sáng mồng Một Tết Bính Ngọ, tại Công trường 20, Phó tư lệnh Đoàn 559 Nguyễn Tường Lân phát lệnh nổ loạt bộc phá đầu tiên cho chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 10-đơn vị mở đường thiện chiến-đã tấn công trực diện vào hai đèo hiểm hóc nhất là Đồng Tiền và Ba Thang. Các chiến sĩ công binh hết tốp này đến tốp khác đứng trên ngọn của ba cái thang tre ghép lại, cột mình hàng giờ bên vách đá để choòng đục các lỗ nhồi bộc phá. Liên tục trong nửa tháng, với 900 lượng bộc phá, 9 tấn thuốc nổ, cuối cùng công binh đã “chọc thủng” được hai đoạn đèo hiểm hóc nhất, mở được con đường vắt ngang tây Trường Sơn, đúng như yêu cầu cấp trên đề ra. Máy bay Mỹ đánh hơi thấy ta mở đường, đánh phá ác liệt ngày đêm. Ngay tại điểm đầu đường 20 là phà Xuân Sơn cùng dốc Đồng Tiền, đại đội cao xạ 12,7mm đã lập công hạ một “Thần sấm”, còn trên toàn tuyến ngày ngày hàng nghìn chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong vẫn đổ ra mặt đường bất chấp đạn bom. Cũng trên đoạn đường 20 thuộc đông Trường Sơn, ngày ấy đã diễn ra một sự kiện bi tráng. Khi tuyến đã thông, có bốn nữ thanh niên xung phong đều quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, trưa hôm đó gặp được các đồng hương lái xe đi qua, đã tay bắt mặt mừng, vừa từ mặt đường vào nghỉ giải lao trong hang đá, thì bị máy bay địch thả bom tấn lấp kín cửa, vài ngày sau quả núi khổng lồ đã trở thành nấm mồ chung của các anh chị. Gần đây, hang đã được khai mở, hài cốt liệt sĩ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà và tại nơi ấy đã xây dựng thành khu tưởng niệm, một địa chỉ quen thuộc cho du khách đến tham quan đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa. Trong những ngày tháng căng thẳng mở đường 20, sát cánh cùng các chiến sĩ mở đường, còn có tốp sĩ quan công binh do Đại úy Đặng Hương chỉ huy, âm thầm làm việc với một nhiệm vụ đặc biệt là bắc một cầu cáp qua sông Ta Lê vào mùa mưa. Đây là một con sông dốc và ngắn, mùa khô xe qua ngầm khá dễ dàng, đến mùa mưa nước đầy ứ, sông trở nên rất dữ dằn. Cần phải bố trí một tuyến cáp ở nơi bí mật máy bay địch không thể phát hiện, để người và xe vẫn vượt được sông khi không thể qua ngầm. Từ năm 1965, Cục Nghiên cứu kỹ thuật đã được cấp trên gợi ý thiết kế loại cầu hai dây cáp mà các đồng chí lãnh đạo khi đi tham quan ở nước bạn chỉ được mục kích sơ sơ, chứ không hề có tài liệu, bản vẽ thiết kế. Cần phải nói thêm là, trước khi nhóm của kỹ sư công binh Đặng Hương vào cuộc, đã có một nhóm cán bộ kỹ thuật của Viện Kỹ thuật giao thông thuộc Bộ Giao thông-Vận tải vào Ta Lê, lắp một cầu nhiều sợi cáp chăng ngang sông, song không thành công, khi xe qua cầu bị rung động dẫn đến cộng hưởng, có xe đã bị hất xuống sông. Thời điểm đó may mắn, nhóm của bác Hương đã tìm được trên tờ tạp chí “Trang bị và kỹ thuật” của quân đội Liên Xô một mẩu tin: quân đội Anh áp dụng mẫu cầu cáp treo mới ở địa hình núi rừng Ma-lai-xi-a phục vụ cho hành quân cơ giới, song việc mô tả lại rất sơ sài. Nhóm công binh đã kết hợp với nhóm cán bộ giảng dạy thuộc Trường đại học Xây dựng, Hà Nội, cụ thể là với hai phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) Lều Thọ Trình và Nguyễn Văn Hường tìm ra một cách vượt sông phù hợp hơn hẳn phương pháp chăng ngang nhiều sợi qua sông. Thực ra đó còn là kết hợp cầu cáp với phà tự hành. Để đẩy được phà chạy trên hai sợi cáp, các nhà thiết kế đã khéo dùng ngay động lực từ chính cầu sau của chiếc xe tải mà phà cần chở mỗi lần qua sông. Đầu năm 1967, Đại úy Đặng Hương tổ chức thi công cầu cáp này ngay tại cụm trọng điểm nổi tiếng ác liệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh, gọi tắt là ATP. Bao năm trôi qua, nay bác Đặng Hương vẫn còn nhớ rõ địa hình nơi cụm trọng điểm ấy: cua chữ A gấp khúc, bên núi cao, bên vực thẳm dài 3km; tiếp đến là ngầm qua sông Ta Lê khẩu độ rộng gần 100m nước sâu, chảy xiết; phía nam sông là đèo Phu La Nhích độ dốc 15% chạy gấp khúc lên đỉnh núi sang phía tây dãy Trường Sơn…
Khi nghỉ hưu, bác Đặng Hương trở thành cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội nhân dân, từng được tòa soạn tặng bằng khen. Trong một bài báo bác đã mô tả chuyện trực tiếp chỉ đạo việc thi công cầu cáp kết hợp phà tự hành ngày ấy, có đoạn: “Tuyến đường 20 thường xuyên bị máy bay Mỹ xăm xoi, bắn phá suốt ngày đêm. Quanh chỗ chúng tôi ở, những gốc săng lẻ to cỡ người ôm, da mốc thếch bị bom phạt đổ ngổn ngang. Chính giữa dải rừng săng lẻ um tùm ở thượng nguồn sông Lê, cách đường 20 chừng một cây số, chúng tôi đã cho ra đời một chiếc cầu cáp hai dây đầu tiên phục vụ cho tuyến giao liên và đã phát huy hiệu quả vận chuyển cả trong mùa mưa. Cuối năm ấy tôi bị thương, phải xa cánh rừng săng lẻ thân thương, nơi luôn gợi nhớ đến những cây bạch dương thân cũng trắng phau, thẳng tắp vươn cao, mà tôi vẫn thường dạo dưới tán rừng hồi còn học trên đất bạn…”.
Hôm nay đường Trường Sơn được cải tạo mở rộng, trọng điểm ATP ngày nào trên đường 20 đã nắn thẳng, bớt cua, bớt dốc và bên kia cửa khẩu Cà Roòng, là dòng sông Ta Lê thân thương chảy trên đất bạn, gợi lại bao kỷ niệm về một thời lửa máu hào hùng. Bác Đặng Hương đã mấy lần theo đoàn cựu chiến binh Trường Sơn trở lại chiến trường xưa, tìm lại dấu tích của cầu cáp dã chiến ngày ấy. Và lần nào bác cũng vào nghĩa trang Trường Sơn thắp hương cho những đồng đội đã anh dũng ngã xuống tuyến đường…
PHẠM QUANG ĐẨU