QĐND - Được mệnh danh là “pho sử sống” của Đặc công rừng Sác vang tiếng một thời, khi tuổi già Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy kiêm Đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công rừng Sác lại chuyển sang viết văn, làm thơ và trở thành Hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Ông bảo, mình “làm văn nghệ” cốt để ôn lại lịch sử và tri ân đồng đội…
Người chỉ huy tài tình...
Năm 1965, sau thời gian cùng vợ con tập kết ra Bắc, Đại úy Lê Bá Ước (Bảy Ước) trở lại chiến trường miền Nam, đảm nhiệm cương vị Đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Vùng ngập mặn này nổi tiếng “rừng thiêng nước độc”, đầy rẫy cá sấu, hiểm nguy rình rập. Thế nhưng, dưới sự chỉ huy tài tình của Đoàn trưởng Bảy Ước, các chiến sĩ Đặc công đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nên bao chiến công hiển hách. Nhớ lại một trong những trận đánh vang dội khiến quân địch thiệt hại nặng nề, hoang mang tột độ, Đại tá Lê Bá Ước kể:
Thực hiện kế hoạch, Trung đoàn 10 thống nhất giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 Đặc công nước tổ chức một đội quyết tử gồm 8 đồng chí, bao gồm: Đại đội trưởng Cao Hồng Ngọt chỉ huy chung, Đại đội phó Hà Quang Vóc, Trung đội trưởng Nguyễn Hồng Thế, Trung đội phó Nguyễn Công Bao cùng các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm Nguyễn Văn Rực, Hoàng Hữu Hinh, Đỗ Hải Quân và Phạm Văn Tiềm. Cả đội thực hiện nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung đoàn trưởng Bảy Ước. Họ chia thành các tổ tiến hành điều nghiên, vượt sông Nhà Bè tiếp cận mục tiêu. Sau 13 lần trinh sát không tìm được điểm đột nhập thích hợp, với kinh nghiệm và khả năng phán đoán của mình, Lê Bá Ước họp toàn đơn vị, đưa ra nhận định chọn phía góc phải bờ tường bảo vệ kho xăng, sát mép nước - nơi bọn lính canh chểnh mảng, sơ hở nhất và lực lượng của ta cũng dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn. Phương án được nhất trí thông qua. Sau thời gian chuẩn bị chu đáo, mũi trưởng Hà Quang Vóc tuyên thệ hạ quyết tâm: “Chưa đốt cháy kho xăng chưa trở về đơn vị”. Ngay trong đêm mùng 2-12-1973, đội hình 8 chiến sĩ từ từ xuống mép nước, lẫn vào màn đêm, vượt qua các tàu tuần tiễu đột nhập mục tiêu, cài mìn hẹn giờ vào các bồn xăng rồi nhanh chóng rút ra ngoài. 10 phút…, 15 phút…, đúng 0 giờ 35 phút ngày 3-12, gần 50 tiếng nổ vang trời, cột lửa bốc cao dữ dội, khói phủ kín Sài Gòn-Gia Định. Kho xăng Nhà Bè đã bị tiêu hủy. Đại tá Lê Bá Ước nhớ lại:
- Trận đánh này là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đánh vào “hầu bao” của địch. Với lực lượng chưa đầy 1 tiểu đội, ta đã tiêu hủy khoảng 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn ga, 1 tàu trọng tải 12 nghìn tấn và gần như toàn bộ cơ sở kho tàng. Trước tổn thất nặng nề, Tổng thống Thiệu phải kêu gọi quân đội ra sức tiết kiệm xăng dầu, tăng cường phòng bị. Về phía ta, 2 chiến sĩ Bao và Tiềm đã anh dũng hy sinh.
 |
Bìa cuốn hồi ký của Đại tá Lê Bá Ước.
|
... Và cái duyên với văn chương
Không chỉ mưu lược trong chiến đấu, Đại tá Lê Bá Ước còn có “máu văn nghệ”. Sau khi nghỉ hưu năm 1994, tình cảm thiêng liêng, gắn bó với đất và người rừng Sác đã thôi thúc ông tham gia các hoạt động tri ân đồng đội. Bắt đầu từ việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, rồi đến việc hoàn thành 2 tập cuốn hồi ký “Một thời rừng Sác” được bạn đọc và giới văn nghệ sĩ hoan nghênh. Với tác phẩm này ông đã được tặng giải B văn học Trịnh Hoài Đức năm 2000 của tỉnh Đồng Nai và được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Cuốn hồi ký tái hiện chân thực cuộc sống chiến tranh của quân và dân rừng Sác, những chiến công vang dội, những câu chuyện nghĩa tình, cảm động của chiến sĩ Đặc công Đoàn 10 năm xưa. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai cảm nhận:
- “Một thời rừng Sác” được viết bằng lối kể chuyện giản dị, đầy chất nhân văn, hiện thực nhưng lại được diễn đạt rất súc tích, cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Đó chính là cách viết bằng tấm lòng và tình cảm sâu nặng của một trái tim nặng nghĩa tình đồng đội.
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Bá Ước chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần đến tặng sách Đại tướng năm 1996.
|
Cách viết ấy còn được thể hiện trong bài thơ “Thương nhớ” của ông: …Xương trắng nở hoa tận đáy sông/ Mênh mông rừng Sác nhuốm màu hồng/ Năm trăm hài cốt tìm chưa thấy/ Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công. Đại tá Lê Bá Ước kể:
- Bài thơ này tôi viết năm 1996 trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, kỷ niệm cũ ùa về vẹn nguyên như thể mới hôm qua. Tự nhiên tôi thấy lòng xót xa, thương nhớ. Đồng đội tôi, người hy sinh, người bị cá sấu ăn thịt…, biết đến khi nào tìm lại được một chút xương tàn.
Bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành bài hát “Bông hoa rừng Sác”. Ít lâu sau ông lại cho ra đời bài thơ “Mờ ảo”, “Cùng một chuyến tàu” và nhiều bài thơ khác viết về đồng đội, về Đảng, Bác Hồ.
Trong những bộ phim về Đặc công rừng Sác do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện, Đại tá Lê Bá Ước đã được mời làm cố vấn lịch sử, trực tiếp góp ý chỉnh sửa nội dung như một đồng tác giả kịch bản. Đặc biệt, công trình khu lưu niệm Đặc công rừng Sác “dựng mà như thật” được hình thành từ ý tưởng và trí nhớ tuyệt vời của vị Đại tá gắn bó gần chục năm trời với chiến khu rừng Sác…
Giờ đây khi đã ở tuổi ngoại “bát tuần”, ông vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và vẫn say thơ. Ông bảo, cuộc đời tôi ngoài những năm chiến trận thì vinh dự nhất là được tận tay trao cuốn sách của mình tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một phần thưởng cho người lính mê văn chương.
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH