Ngư Thủy là một xã ven biển nằm về phía đông nam huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, giáp giới với xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Trong những năm chống Pháp, Ngư Thủy thuộc xã Hưng Đạo- một xã nổi tiếng về phát triển chiến tranh du kích trong vùng tạm bị địch chiếm. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Ngư Thủy là xã cực nam trên tuyến lửa Quảng Bình và trở thành địa bàn xung yếu của tỉnh. Ngư Thủy có 22km bờ biển và 4 thôn: Liên Bắc, Liên Nam, Liên Lấp và Tây Thôn. Xã có một chi bộ (chi bộ Tương Lai), một đại đội dân quân (2 trung đội). Hai thôn Liên Nam và Tây Thôn hợp thành một trung đội đảm nhiệm tuần tra, canh gác chủ yếu tuyến bờ biển giáp xã Vĩnh Thái, Vĩnh Linh.

Nhận rõ vị trí xung yếu về quân sự của địa bàn, từ những năm 1961, 1962, chi ủy và ủy ban xã Ngư Thủy đã chú trọng xây dựng lực lượng dân quân, du kích để làm nòng cốt trong các phong trào, nhất là trong nhiệm vụ phòng thủ, tuần tra và đánh bắt cá.

Để có chỗ cho dân quân tập trung sinh hoạt và trực chiến, bà con địa phương tuy còn nghèo nhưng vẫn quyên góp vật liệu làm một cái nhà 6 gian. Nhà có giá súng, chỗ để chăn màn... và có gian dành cho nữ dân quân, gian dành cho Ban chỉ huy trung đội. Còn nhà ông Thức, gần đấy, là câu lạc bộ sinh hoạt của đơn vị, có tú lơ khơ, sách báo, bàn cờ tướng... Ban ngày, cán bộ, chiến sỹ bám biển lao động sản xuất, nhưng vẫn có đồng chí trong Ban chỉ huy trực tại doanh trại. Theo quy định, đúng 6 giờ tối đơn vị có mặt làm nhiệm vụ. Mỗi đêm có 2 tiểu đội đi tuần tra. Mật khẩu do huyện đội báo về xã đội; trong trường hợp, trên không báo kịp thì Ban chỉ huy đại đội quy định. Ban đêm, dân quân tự giác đi tuần tra, canh gác; khi đi hết địa phận thì liên lạc với đơn vị bạn ký nhận vào sổ rồi mới quay trở về. Những đêm đông, giá rét, anh em vẫn thực hiện quy định phân minh. Dân quân Tây Thôn còn có sáng kiến chế ra một cái cào để cào trên cát. Nếu phát hiện ra dấu chân lạ là dân quân báo động để đơn vị ra vị trí làm nhiệm vụ. Đơn vị còn tổ chức đào chiến hào dọc bờ biển, cứ 50m lại có một hầm phủ nắp bằng thân cây phi lao. Anh em gọi là lô cốt, có 3 cửa quan sát ra 3 hướng. Hào đào sâu khoảng 1,4-1,5m, dài 2.000m; bờ hào được phủ kín bằng một lớp cây dứa dại. Dứa càng tốt, càng xanh thì chiến hào càng kín và bí mật. Ngoài ra, đơn vị còn có hầm quan sát tiểu đội, nhà âm để chứa đồ dùng, trang bị.

Ban chỉ huy xã đội, đại đội xác định phương án đánh địch đổ bộ đường không ở Cồn Yến và địa bàn giáp giới Ngư Thủy và Vĩnh Thái, đây là hai điểm tuần tra phải hết sức cảnh giác. Song song với công tác phong trào địa phương, đơn vị tổ chức học tập chính trị, bắn đạn thật đạt kết quả cao.

Không thỏa mãn với thành tích đạt được, quân và dân Ngư Thủy nỗ lực mọi mặt, tuy đời sống nhân dân còn thiếu thốn, nhưng phong trào dân quân sôi nổi, hăng hái trên các vị trí tuyến đầu của tỉnh Quảng Bình. Phát huy truyền thống xã Hưng Đạo trong chống Pháp, ngay từ những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, dân quân xã đã lập được những chiến công xuất sắc. Địch đã dội xuống hàng trăm tấn bom đạn trên vùng đất cất hòng san phẳng Ngư Thủy. Có trận địch đánh liên tục 10 ngày đêm. Xóm Liên Lấp bị máy bay địch đánh suốt 3 đêm liền, đốt cháy 107/133 ngôi nhà. Trên đồi cát, địch thả bom bi dày đặc. Rừng phi lao dọc bờ biển bị bom đạn giặc thiêu trụi. Bình quân, mỗi người dân Ngư Thủy phải dội 100 quả bom các loại do địch thiêu cháy trụi, nhưng quân và dân Ngư Thủy "một tấc không đi, một ly không rời” bám đất sản xuất và đánh máy bay, tàu chiến giặc. Trung đội dân quân Tây Thôn là lực lượngvũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được Quốc hội, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Quốc khánh (2-9-1945/2-9-1970), Đại đội dân quân nữ pháo binh Ngư Thủy được Quốc hội, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt vinh dự, vào thời gian trước đó, vào ngày 28-4-1969, Chính trị viên Trần Thị Thản đại diện cho Đại đội dân quân nữ pháo binh Ngư Thủy và các đồng chí đại diện cho lực lượng vũ trang Quân khu 4 được ra Hà Nội gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Trần Thị Thản được Bác Hồ cho báo cáo đầu tiên. Bác hỏi đồng chí: “Đồng bào hiện nay còn ở hầm không?", "Các cháu ở đơn vị có khỏe không?”. Bác dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ phải đủ huy hiệu của Người gửi về tặng các nữ pháo binh Ngư Thủy./.

Thế Vỵ