“Giáo dục quốc phòng” là một lĩnh vực có vẻ khô khan nên ít có những nhân vật xuất hiện trên một tờ báo mang đậm chất văn nghệ như Quân đội nhân dân cuối tuần. Nếu tôi nhớ không nhầm thì dễ cách đây đến 4 năm, trên báo mới có một bài viết mang tên “Hỏi chuyện ông tướng Vụ 1” (tức Vụ Giáo dục Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo - PV). Và lần này, thật tình cờ, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thứ hai với một chuyên gia giáo dục quốc phòng ở một trường đại học danh tiếng...
Có mặt tại buổi nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước đầu tiên nghiên cứu về giáo dục quốc phòng tại Học viện Chính trị quân sự cách đây ít lâu, tôi bất ngờ khi gặp hai điều liên quan đến báo QĐND Cuối tuần. Một là, trong tập kỷ yếu hội thảo phục vụ đề tài, có một tham luận đã trích dẫn bài báo “Hỏi chuyện ông “tướng vụ 1” từng đăng trên số báo 520 ra ngày 18-12-2005 như một luận cứ. Hai là, tại hội thảo ấy, có một “ông giáo dục quốc phòng” rất mê báo QĐND Cuối tuần - Đại tá Lê Ngọc Cường tâm sự: Hồi mình còn ở Binh chủng Hóa học, báo QĐND cuối tuần về tới đơn vị rất dễ “bốc hơi” vì không ít anh có ý… “biển thủ” làm của riêng để đọc.
Sau buổi gặp ấy, Lê Ngọc Cường đã có cuộc trò chuyện “nhiều điều để nói” với chúng tôi về giáo dục quốc phòng (nay theo quan điểm Đại hội X của Đảng được gọi đầy đủ là giáo dục quốc phòng an ninh - GDQPAN) sau hơn 10 năm trải nghiệm trong lĩnh vực này.
Những bài học không thể nào quên
PV: Nói tới ĐHQG Hà Nội, ai cũng biết trường đại học lớn đã có lịch sử hơn 100 năm là cái nôi đào luyện ra nhiều nhà khoa học, nhà trí thức cách mạng lớn của đất nước như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hoè, Trường Chinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học… chứ ít ai biết nhà trường còn có một… Trung tâm giáo dục quốc phòng?
Đại tá Lê Ngọc Cường: Người Pháp thường nói câu “Pa-ri không làm nên trong một ngày”. Lịch sử ĐHQG không chỉ là lịch sử của giáo dục đào tạo mà gắn liền với lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi xin bổ sung thêm trong những danh nhân tầm cỡ quốc gia trưởng thành từ mái trường này, có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Sự ra đời Trung tâm của chúng tôi có nguồn gốc từ khá lâu. Tôi được biệt phái từ quân đội sang đây công tác từ năm 1998 nhưng công tác giáo dục quốc phòng đã được thực hiện trên miền Bắc từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đó, Vụ 1 của Bộ Giáo dục còn gọi là Ban quân sự, còn môn giáo dục quốc phòng thì gọi là môn huấn luyện quân sự. Về sau, công tác GDQP có nhiều đổi mới, nhất là sau khi có chỉ thị số 62 năm 2001 của Bộ Chính trị, tổ bộ môn giáo dục quốc phòng đã phát triển lên khoa, rồi từ các khoa của các trường thành viên năm 2004 sáp nhập thành trung tâm. Hiện nay, GDQPAN đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục đào tạo của nhà trường, một hình thức “ngụ binh” (gửi binh) “ư” (ở)… giảng đường. Trung tâm hiện là một trong 16 trung tâm GDQPAN của cả nước, dạy khoảng 10.000 sinh viên mỗi năm và đến năm 2015 sẽ là khoảng 20.000 sinh viên mỗi năm.
PV: Trong môi trường khoa học, sinh viên thường ngại phải đi “học quân sự”. Ở ĐHQG Hà Nội, sinh viên “ứng xử” thế nào với môn học này?
Đại tá Lê Ngọc Cường: Tôi còn nhớ tại một hội nghị về GDQPAN, có nhà khoa học đã đứng lên kể một câu chuyện khá thú vị rằng: Năm 1998, khi Học viện Quốc phòng khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đầu tiên cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành phố, một số học viên vẫn tưởng rằng mình bị triệu tập đi học quân sự, nên không ít người đã vin lý do này, lý do khác để không đi! Ở trường của chúng tôi, cái thời giáo dục quốc phòng bị gọi là môn “quân sự phổ thông” thiên về lăn, lê, bò, trườn khiến sinh viên ngại học, ngại rèn đã trôi qua rất lâu rồi. Giờ đây, chương trình giáo dục quốc phòng là những vấn đề về lịch sử, truyền thống, luật pháp, đường lối, chính sách... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức quốc phòng; chỉ non một phần tư là kiến thức quân sự phổ thông… nên sinh viên không còn ngại nữa mà nhiều em rất thích học môn này. Có thể sau nhiều ngày tháng triền miên trên giảng đường, học trong môi trường quân sự giúp các em được “đổi gió”. Song cái chính là sự “đổi gió” ấy không phải chỉ để “cho vui” mà chúng tôi đã hướng tới tính thiết thực của ngành nghề mà các em đã học. Ví dụ: sinh viên ngành hóa học được học sâu hơn về vũ khí hóa học, sinh viên ngành luật được học sâu hơn về pháp luật liên quan đến biển đảo, sinh viên ngành triết học được học sâu hơn về học thuyết chiến tranh – quân đội…
PV: Nhưng nếu giảm bớt phần quân sự nhiều khi cũng tạo nên những chuyện rất “buồn cười” như ở bậc phổ thông: các em phải dùng… gậy làm vũ khí, bắn trong… “tưởng tượng”?
Đại tá Lê Ngọc Cường: Đúng là từng có nơi học GDQPAN rất… qua loa. Vâng, “qua loa” theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của hai từ ấy. Cách đây ít lâu, tôi được biết có thầy hiệu trưởng của một trường đại học sau khi dự lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng tại Học viện Quốc phòng về đã quyết định không chấp nhận chứng chỉ môn GDQPAN do một cơ sở cấp cho sinh viên của mình sau một thời gian các em học tại đó, bởi vì đó mới chỉ là chứng chỉ của môn… bắn súng. Tôi nghĩ, đó là một hành động hết sức đúng đắn và dũng cảm. Hiện nay, chương trình GDQPAN cho sinh viên còn 3 nội dung chính là: đường lối quân sự của Đảng, công tác quốc phòng – an ninh, kỹ thuật và chiến thuật bắn súng tiểu liên AK… Theo tôi như thế là “vừa tầm” với sinh viên. Việc còn lại của chúng tôi là phải tăng tính hấp dẫn của các môn học, đa dạng hóa các hình thức giảng dạy như: bài giảng, thực hành, xê-mi-na… Đặc biệt, có một số nội dung đã được “văn hóa hóa” ví như cuộc tọa đàm “Sinh viên với các tác phẩm nhật ký thời chiến”. Hay như việc Trung tâm tổ chức cho sinh viên tham quan bảo tàng Trường Sơn, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo tàng Lịch sử Quân sự… đã được các em đánh giá là những “bài học không thể nào quên”.
Quốc sách từ... giảng đường
PV: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh sau hơn 10 năm gắn bó với “nghề” giáo dục quốc phòng an ninh là gì?
Đại tá Lê Ngọc Cường:
Đó là buổi mà Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương đến làm việc, kiểm tra công tác GDQPAN tại trường. Dẫn đầu đoàn kiểm tra là đồng chí Đào Duy Quát, ủy viên thường trực Hội đồng lúc bấy giờ. Theo yêu cầu của đoàn, tôi dẫn đoàn kiểm tra vào một lớp học bất kỳ rồi “tự giác” rút lui để các em sinh viên được thoải mái phát biểu. Sau buổi kiểm tra, đồng chí Đào Duy Quát gặp tôi và vui vẻ bảo rằng: Các em sinh viên phát biểu rất hăng hái và nắm rất chắc về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, về biển đảo. Rồi đồng chí ghé tai nói nhỏ với tôi: “Mình đi kiểm tra ở tỉnh nọ, thế mà có cán bộ đương chức cũng không nắm chắc vấn đề bằng sinh viên của cậu đâu. Đừng vội lo lắng và ngộ nhận giới trẻ thờ ơ với những vấn đề chính trị, xã hội!”.
PV: Hôm trước lên mạng internet, tôi tình cờ đọc trong một diễn đàn trẻ, có sinh viên đã viết rằng: Ở nước ngoài, sinh viên không phải học giáo dục quốc phòng mà họ vẫn đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa?
Đại tá Lê Ngọc Cường: Đúng là vẫn còn những nhận thức như thế, mà không chỉ trong sinh viên, có lần một thầy giáo cũng hỏi tôi câu tương tự. Với dân khoa học, nếu chỉ lý giải rằng: Nghị quyết đại hội Đảng đã có phần nói về GDQPAN, Bộ Chính trị có hẳn một chỉ thị về nó, có hội đồng chỉ đạo cấp trung ương, có 16 trung tâm giáo dục trên toàn quốc… có lẽ vẫn chưa đủ. Tôi đã đi sâu nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về GDQPAN ở nước ngoài và viết hẳn một tài liệu để trả lời họ đấy!
PV: Có đúng là nước ngoài họ không GDQPAN… nhiều như ta?
Đại tá Lê Ngọc Cường: Không phải! Hầu hết các nước đều coi GDQPAN là quốc sách. Năm 2001, Trung Quốc ban hành “Luật giáo dục quốc phòng”. Tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, sinh viên được gửi vào các nhà trường quân đội để học tập phần thực hành của chương trình giáo dục quốc phòng. Thành phố Thượng Hải còn xây dựng Trung tâm Giáo dục Quốc phòng với cơ sở vật chất, vũ khí trang bị tương đối cập nhật với các loại thông thường hiện có của quân đội. Nước Pháp đã cải cách việc tuyển quân từ chế độ nghĩa vụ sang chế độ tình nguyện, song chính phủ vẫn có kế hoạch GDQPAN cho toàn dân; cả nước Pháp có đến 28 văn phòng GDQPAN. Còn ở Thụy Sỹ, mặc dù là một quốc gia trung lập, đã có gần 200 năm sống trong hòa bình nhưng chính phủ nắm việc giáo dục quốc phòng và phát động tất cả các cấp, các ngành, các địa phương thành lập các Trung tâm GDQP công lập hoặc bán công. Nhà nước còn tổ chức ngày giáo dục quốc phòng quy định thanh niên từ 16 đến 18 tuổi đều phải tham gia sinh hoạt v.v.. Những thanh niên trải qua giáo dục quốc phòng được cấp giấy chứng nhận, coi như một chứng chỉ về tư cách công dân. Thời Liên Xô (trước đây), họ tổ chức ngày quân sự quốc phòng vào thứ tư hằng tuần (gọi là ngày BOEHKA), sinh viên tập trung trong các trường quân sự, được phát quân phục, sinh hoạt và huấn luyện như các quân nhân tại ngũ. Ngày nay, nước Nga vẫn coi trọng giáo dục quốc phòng. Nga đã ban hành “Luật nghĩa vụ quân sự và phục vụ quốc phòng” từ năm 1998. Ông Pu-tin khi làm tổng thống đã yêu cầu phải tăng cường giáo dục quốc phòng cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên đã bị gián đoạn trong nhiều năm qua.
PV: Trông người lại ngẫm đến ta, là một chuyên gia, anh kỳ vọng gì về giáo dục quốc phòng ở các trường đại học nói chung, ĐHQG Hà Nội nói riêng?
Đại tá Lê Ngọc Cường: “Ngụ binh ư nông”, dựng nước đi đôi với giữ nước không chỉ là truyền thống văn hóa mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước ta. Tôi nghĩ rằng đất nước phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì GDQPAN cũng sẽ được đầu tư tốt hơn, hiện đại hơn như các nước trên thế giới. Riêng với ĐHQG Hà Nội, trong tương lai một vài năm nữa, chúng tôi sẽ có một Trung tâm GDQP hiện đại, độc lập với quy mô rộng khoảng 20 héc-ta đang được xây dựng trên khu vực Hòa Lạc. Sinh viên sẽ được học tập trong một môi trường “quân sự” hơn. Nhưng về lâu dài, tôi vẫn hi vọng công tác GDQPAN ở nước ta làm được việc kết hợp giữa các nhà trường quân đội, các đơn vị quân đội với các trường cao đẳng, đại học và phổ thông. Thực tiễn luôn là thước đo của chân lý, không gì giúp lớp trẻ có ý thức và có kỹ năng bảo vệ Tổ quốc tốt hơn khi giúp họ được sống trong môi trường quân ngũ, dù chỉ một ngày…
NGUYÊN MINH-ĐỨC TOÀN thực hiện