QĐND - “Quốc hội của chúng tôi có đại biểu 39 đảng phái. Chúng tôi có thể mâu thuẫn nhau về bất kỳ điều gì nhưng việc theo đuổi một chính sách nhất quán trong quan hệ hợp tác với Việt Nam là điều chúng tôi luôn dễ dàng đạt được đồng thuận. Ấn Độ chủ trương duy trì quan hệ hữu nghị với mọi quốc gia trên thế giới, còn quan hệ với Việt Nam là đặc biệt gần gũi” - với tất cả sự chân thành, thân thiết, bà Mây-ra Khu-ma, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ đã phát biểu như vậy trong buổi hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Bốn ngày trên đất nước Ấn Độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trải qua một hành trình ngoại giao đầy ấn tượng. Thành công của chuyến thăm đối ngoại lần này là một minh chứng cho tính đúng đắn từ đường lối chủ động và tích cực hội nhập quốc tế do Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ta xác định.

Sau Đại hội XI của Đảng, từng có những băn khoăn, trăn trở về chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới (1986), đất nước đã từng bước hội nhập, hợp tác phát triển kinh tế với thế giới, đem lại những đổi thay mạnh mẽ nhưng hội nhập toàn diện, nhất là sự chủ động hội nhập về chính trị, an ninh-quốc phòng mà chúng ta còn ít kinh nghiệm, thì sự băn khoăn cũng là lẽ thường tình.

Trước chuyến thăm Ấn Độ, từ đầu nhiệm kỳ XI đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thực hiện nhiều chuyến công du như thăm I-ta-li-a, Bỉ, Anh, Thái Lan, Xin-ga-po… Một điểm mới chung cho tất cả các chuyến thăm trên, bạn đều mời Tổng Bí thư đi thăm cấp Nhà nước, tổ chức đón Tổng Bí thư với nghi thức cao nhất. Đó là sự công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội, là sự trân trọng của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN của nhân dân Việt Nam.

Truyền thông Ấn Độ rất ấn tượng về phong cách trả lời báo chí cởi mở, chân thành, khúc triết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những cuộc đối thoại cởi mở, chân thành đã giúp bạn bè hiểu chúng ta nhiều hơn. Đồng chí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) Xu-đa-ca Rét-đi đã nói với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp ngày 21-11: “Chúng tôi rất nhất trí với các đồng chí về mở rộng các mối quan hệ hợp tác cũng như rất vui mừng về thành công của Việt Nam khi vai trò của các bạn ngày càng tăng trên bình diện quốc tế”. Còn bà Phó chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) Nai-ma Hép-tu-la khi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: “An ninh của đất nước chúng tôi đang bị đe dọa bởi các hoạt động khủng bố, nhất là khu vực biên giới. Tôi không biết đất nước của Ngài có gặp vấn đề với chủ nghĩa khủng bố hay không ?”. Khi được Tổng Bí thư cho biết, tình hình an ninh ở Việt Nam rất tốt, nhân dân được hưởng một cuộc sống yên bình, bà Nai-ma Hép-tu-la đã tỏ ra đặc biệt ấn tượng. Bà cho biết, mặc dù BJP hiện là đảng đối lập tại Ấn Độ, nhưng bà ủng hộ chủ trương của Liên minh cầm quyền hiện nay trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, nhất là mong được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn an ninh-trật tự, giữ vững ổn định chính trị, chống khủng bố để phát triển đất nước.

Bà Mây-ra Khu-ma, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ, trong buổi hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ sự quan tâm và hiểu biết sâu sắc của mình về đất nước Việt Nam. Bà cho biết, năm 2011, bà sang thăm Việt Nam và đến nay, bà vẫn chưa nguôi ấn tượng về sự chu đáo, tỉ mỉ, chân thành của người Việt Nam. Bà cũng kể rất nhiều về vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến đây, bà kết luận: “Tôi nghĩ rằng, cả thế giới đều biết Việt Nam và Ấn Độ gần gũi, thân thiết với nhau”. Với tất cả sự chân thành, bà Mây-ra Khu-ma cho biết: Quốc hội Ấn Độ tổ chức một số khóa học cho nghị sĩ và người giúp việc của nghị sĩ, Ấn Độ rất vui lòng đón nhận học viên do Quốc hội Việt Nam cử sang dự khóa. Dù thể chế chính trị của mỗi nước khác nhau, nhưng điểm chung Quốc hội đều là đại biểu của nhân dân, cả hai nước lại đều đang tích cực cải cách thể chế, tăng cường dân chủ hơn nữa trong toàn xã hội, cho nên nếu trong hoạt động của Quốc hội hai nước mà học tập được những yếu tố tích cực của nhau thì sẽ làm Quốc hội và nhân dân hai nước hiểu nhau, gần gũi nhau hơn nữa.

Giới doanh nhân Ấn Độ, trong Diễn đàn doanh nghiệp Mum-bai, khi phát biểu lại khiến chúng tôi ngỡ ngàng với hiểu biết của họ về văn hóa Việt Nam, cũng như những mối giao thoa giữa Ấn Độ và Việt Nam trong lịch sử hàng nghìn năm trước. Tất nhiên, họ cũng rất tường tận về chính sách kinh tế của Việt Nam hiện nay. Cũng trong buổi gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các doanh nhân mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Tổng Bí thư cho biết: “Với mối quan hệ hữu nghị có truyền thống giữa hai nước, doanh nghiệp hai bên phải thấy rằng kết quả hợp tác hiện nay là chưa tương xứng”. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư đã được các doanh nhân Ấn Độ hoan hô nồng nhiệt.

Những trăn trở, ưu tư của những người có trách nhiệm khi đất nước hội nhập toàn diện nay đã từng bước được gỡ bỏ một cách sáng rõ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm động nhất là trong mọi cuộc gặp gỡ ở Ấn Độ, dù quan điểm chính trị khác nhau nhưng tất cả các đảng phái, tầng lớp đều nhất trí, đồng lòng giữ mỗi quan hệ trong sáng, hữu nghị với Việt Nam. 

Niềm tin và sự chân thành, đó là chìa khóa để đất nước chúng ta hội nhập toàn diện với thế giới. Đó cũng là tư tưởng “Ngoại giao tâm công” của Bác Hồ, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hằng tâm đắc.

HỒNG HẢI (Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân tại Ấn Độ)