 |
Đoàn xe vận tải nhận lệnh lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 12-1953. |
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp để xét duyệt phương án hoạt động Đông Xuân mà Bộ Tổng tham mưu đã chuẩn bị và trình Tổng Quân ủy. Căn cứ vào tình hình mới nhất, Bác Hồ thay mặt Bộ Chính trị nhắc lại tư tưởng chỉ đạo đã được khẳng định trong hội nghị đầu năm của Trung ương: Phải bảo đảm chắc thắng, chắc thắng thì kiên quyết đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Đồng thời Bác nhấn mạnh chưa nên đánh vào đồng bằng mà chọn Tây Bắc làm hướng chính để mở chiến dịch tấn công. Với phương châm chỉ đạo tác chiến “Tích cực chủ động, cơ động, linh hoạt”, trung tuần tháng 11-1953, Đại đoàn 316, tiếp đến Đại đoàn 308 được lệnh hành quân theo hướng chiến lược đã được lựa chọn: Tây Bắc và Thượng Lào.
Bị uy hiếp ở những nơi sơ hở nhất, ngày 20-11-1953, Na-va vội vã cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để bảo vệ Lai Châu, che chở Thượng Lào, đồng thời điều lực lượng tăng cường cho Trung Lào, gấp rút xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu để nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Na-va chủ trương tăng cường cho Điện Biên Phủ, “Tiếp nhận cuộc giao chiến ở Điện Biên Phủ”, biến Điện Biên Phủ thành một cái bẫy hòng thu hút quân chủ lực ta đến để tiêu diệt.
15 ngày sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Báo cáo của Tổng Quân ủy nêu rõ: “Muốn bảo đảm được quyết tâm của Trung ương là tiêu diệt địch và giải phóng Lai Châu, Phong Xa Lỳ cho đến Luông Phra-băng trong Đông Xuân thì phải nhằm trường hợp địch tăng cường thành lập tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị”. Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Về binh lực sẽ sử dụng 9 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không và một bộ phận cao xạ pháo, quân số khoảng 35.000 người, thời gian tác chiến ước độ 45 ngày. Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề giao thông”.
Bộ Chính trị phân tích: Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch, nhưng có cái yếu cơ bản là bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều dựa vào đường không.
Về phía ta, với chất lượng được nâng cao trong chỉnh huấn, chỉnh quân, với kinh nghiệm sẵn có và sự tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Vấn đề đường sá, tiếp tế cho chiến dịch đúng là một khó khăn rất lớn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, cả hậu phương đang chuyển động mạnh trong cách mạng ruộng đất sẽ tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến và nhất định bảo đảm cung cấp cho chiến dịch. Lúc này, bị quân và dân ta đánh ở khắp nơi, binh lực của địch buộc phải phân tán cao độ, từ đồng bằng Bắc Bộ đến Trung-Hạ Lào, từ Tây Nguyên, Nam Bộ đến Luông Phra-băng và Điện Biên Phủ. Trong hình thái chiến trường có lợi cho ta, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, kiên quyết tập trung lực lượng tiêu diệt đại bộ phận quân chủ lực của địch giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến.
Thời cơ diệt địch đến giữa lúc hậu phương bước vào cuộc phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất. Hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, tinh thần yêu nước và tình thương yêu giai cấp quyện chặt vào nhau, biến thành sức mạnh to lớn, thúc giục bước hành quân của các đại đoàn, trung đoàn chủ lực, các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích và các đoàn dân công ngày đêm hối hả tiến ra mặt trận.
Nhân kỷ niệm lần thứ 9 ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên cán bộ cung cấp và dân công. Thư Bác có đoạn: “Thu Đông năm nay, các cô, các chú lại ra tiền tuyến để cùng bộ đội diệt giặc, để giải phóng đồng bào ta. Bác gửi lời thăm các cô, các chú và mong các cô, các chú ra sức thi đua: Vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội giành nhiều thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ vượt mức”.
Bác trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho ngành Hậu cần. Sau đó Bác trao cờ: “Quyết tâm làm trọn nhiệm vụ” làm giải thưởng luân lưu cho các đơn vị hậu cần và dân công có nhiều thành tích phục vụ bộ đội chiến đấu. Ngay sau khi Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Tổng cục Cung cấp tiền phương cũng được lập ra do Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Đặng Kim Giang phụ trách. Cục trưởng Cục Quân nhu Nguyễn Thanh Bình là phó và đồng chí Nguyễn Ngọc Minh làm Tham mưu kế hoạch cung cấp. Các cục đều cử một cục phó và một số cán bộ có kinh nghiệm đi chiến dịch. Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương thực hiện phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Thời gian hoàn thành công tác chuẩn bị hậu cần chỉ trong một tháng, từ ngày 20-12-1953 đến 20-1-1954 phải xong. Mọi mặt chuẩn bị đều gấp rút, trong đó nhiệm vụ khó khăn nhất là mở đường và đưa gạo, đạn đến khu vực chiến đấu.
Thấu hiểu sâu sắc những khó khăn của ngành hậu cần, đặc biệt là công tác cầu đường phục vụ chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một đoàn cán bộ của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc. Người không quên viết thư động viên cán bộ, chiến sĩ và dân công cầu đường:
“Nhân dịp phái đoàn Chính phủ đi kinh lý, Bác thân ái gửi lời chúc các cô, các chú vui vẻ, mạnh khỏe, cố gắng làm việc.
Công việc cầu đường là rất quan trọng, nó cũng là một mặt trận mà các cô, chú là chiến sĩ. Bác cùng Đảng và Chính phủ luôn theo dõi công tác của các cô, chú.
Bác mong rằng từ nay cán bộ và anh chị em dân công phải ra sức thực hiện kế hoạch thi đua, có chuẩn bị, có tổ chức thiết thực và dẻo dai để đưa chiến dịch cầu đường đến hoàn toàn thắng lợi. Đó sẽ là chiến công vẻ vang của các cô, các chú”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Bác, với lòng yêu nước thiết tha, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh ngày đêm xẻ núi, lấp khe, mở đường ra tiền tuyến. Đường Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ dài 89km đã được mở rộng, với hơn 100 cầu cống được xây mới trong thời gian kỷ lục, kịp thời phục vụ ô tô vận tải suốt ngày và đêm chở gạo, đạn vào mặt trận.
Từ Tuần Giáo trở vào, nhu cầu về gạo cho mọi lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu lên đến 40 tấn/ngày. Trong khi chờ sửa đường cho cơ giới, Ban lãnh đạo Tổng cục Cung cấp tiền phương chủ trương “Tích cực huy động gạo tại chỗ là chính, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển gạo từ hậu phương và các tuyến sau”. Cán bộ cung cấp khẩn trương tỏa đi khắp nơi, phối hợp chặt chẽ với cán bộ địa phương, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Sau khi quê hương được giải phóng, lại được một vụ mùa bội thu nên nhân dân Tây Bắc phấn khởi, tích cực đóng góp thóc và hăng hái đi dân công. Nhưng việc xay giã thóc thành gạo lại gặp khó khăn lớn do tập quán địa phương chỉ dùng cối nhỏ, giã bằng sức nước suối nên cả ngày mới được cối gạo từ 3 đến 5kg. Trước tình hình đó, hậu cần chiến dịch huy động một số thợ đóng cối xay và sử dụng một đoàn dân công tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn cách đóng cối và tham gia xay giã gạo với nhân dân địa phương.
Do địa bàn chiến dịch ở xa hậu phương nên hình thành hai tuyến cung cấp: Tuyến chiến dịch dài 350km được chia thành 4 binh trạm bố trí ở Ba Khe, Sơn La, Tuần Giáo và Km62 trên đường Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Mỗi binh trạm gồm đủ các lực lượng vận tải, kho, quân y, vừa bảo đảm cho bộ đội hành quân, vừa tiếp chuyển vật chất lên phía trước. Một tuyến vận tải bộ kết hợp với đường sông từ Mường Luân và Nà Sang được tổ chức bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu ở phía nam Điện Biên Phủ (Hồng Cúm). Sông Nậm Na nổi tiếng vì nhiều thác ghềnh được cải tạo thành đường vận tải thủy giảm bớt khó khăn về vận tải từ hậu phương xa lên mặt trận. Đường xe ô tô được mở thông từ Tuần Giáo đến Km62. Để giữ bí mật cho lựu pháo 105mm xuất trận, pháo binh và bộ binh mở đường kéo pháo bằng sức người vào trận địa. Đồng chí Nguyễn Ngọc Minh được lãnh đạo hậu cần chiến dịch giao nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo các lực lượng vận tải bộ, tổ chức vận chuyển đạn theo chân pháo binh.
Ngày 25-1-1954, việc chuẩn bị của hậu cần cơ bản hoàn thành theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận. Sáng 26-1-1954 sau khi xem xét lại tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh chiến dịch triệu tập các đảng ủy viên mặt trận thống nhất chuyển kế hoạch và phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Quyết định hoãn cuộc tấn công. Ra lệnh cho toàn mặt trận lui về vị trí tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm chấp hành triệt để mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương án mới. Đại đoàn 308 được lệnh tiến sang Thượng Lào, phối hợp với bạn tiến công Mường Khoa, quét sạch địch ở phòng tuyến sông Nậm Hu, uy hiếp Mường Sài. Hậu cần chiến dịch lập tức cử cán bộ cùng hậu cần đại đoàn tổ chức lực lượng dân công vận tải theo chân đơn vị và liên hệ với bạn Lào thu mua lương thực, thực phẩm ngay trên đất bạn, bảo đảm cho đơn vị chiến đấu thắng lợi.
Đến thời điểm này, tại mặt trận Điện Biên Phủ, quân số chiến đấu lên đến 43.000 người, nhu cầu vật chất tăng gấp nhiều lần so với kế hoạch ban đầu. Bộ máy hậu cần chiến dịch lên đến 3.200 người, dân công ở tuyến chiến dịch có hơn 30.000 người.
Để bảo đảm cho hơn 7 vạn người tham gia chiến dịch có đủ gạo, đạn và một số nhu yếu phẩm thiết yếu, lực lượng hậu cần chiến dịch được bố trí thành ba tuyến, bố trí các cơ sở và kho tàng thành ba khu vực. Tuyến Sơn La-Tuần Giáo do đồng chí Đinh Đức Thiện phụ trách; đồng chí Mai Quang Ca là Chính trị viên; đặt sở chỉ huy ở thị xã Sơn La, có các lực lượng vận tải làm nhiệm vụ vận chuyển hàng từ Sơn La lên Tuần Giáo. Lực lượng dân công, TNXP mở và sửa đường, có các kho dự trữ của chiến dịch và bệnh viện mặt trận mới được tổ chức trên cơ sở Đội điều trị 6.
Tuyến Tuần Giáo - Lai Châu do đồng chí Vũ Văn Đôn, Phó cục trưởng Cục vận tải phụ trách; đồng chí Kinh Chi là chính trị viên; đặt sở chỉ huy ở gần Tuần Giáo. Tuyến này có các lực lượng vận tải chuyển hàng từ Tuần Giáo đến Nà Tấu. Lực lượng dân công, TNXP làm đường, các kho tiếp chuyển và bệnh viện mặt trận mới được tổ chức trên cơ sở Đội điều trị 7.
(Còn nữa)
LÊ MÃ LƯƠNG