Chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh, con đường chuyển tải sức mạnh của cả nước, sức mạnh của ba nước Đông Dương, của các nước Xã hội chủ nghĩa để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, con đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa hiện nay là con đường huyền thoại.

Con đường huyền thoại đã sản sinh ra những nhân vật nổi tiếng với nhiều giai thoại.

Một trong số đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.

PV: Thưa ông, xin hỏi một câu rất …“Sự kiện và nhân chứng”, là sống ở chiến trường Trường Sơn trong nhiều năm, chắc ông có nhiều kỷ niệm với con đường mang tên Bác?

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên:Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có một chuyện mà sau đó, số phận tôi gắn bó với Trường Sơn. Chuyện như thế này:

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Lê Trung Nguyên

Năm 1966, tôi được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương phụ trách tuyến vận tải nam Khu 4. Dạo đó, máy bay Mỹ đánh phá Quân khu 4 rất ác liệt, giao thông ách tắc. Làm việc với một số tỉnh, đi kiểm tra nhiều cung đường, tôi mới thấy chuyện buồn cười: Khi xe vận tải bị lầy, bộ đội ta chặt từng bó sim, mua ném xuống để chống lầy. Tôi kéo từng bó lên và nói với các đồng chí đó: Các đồng chí đang diễn trò chơi trẻ con chứ chống lầy gì. Vì cây tươi ném xuống, xe đi qua làm chảy nhựa ra càng lầy thêm. Tôi chủ trương đá hóa tuyến đường…

- Bây giờ thì đơn giản, nhưng trong điều kiện chiến tranh hồi đó chắc là rất khó khăn?

- Tôi đề nghị hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình huy động 2 vạn người ra đập đá, làm đường cho tuyến từ Khe Ve đến nam Xuân Sơn (Quảng Bình) nối với đường 20 Quyết Thắng. Từ ngã ba Khe Ve lên Mộ Giạ cũng được “đá hóa”. Tất cả chỉ 3 tháng là xong. Từ đó xe đi được trong mưa phùn.

- Và xe chạy cả ngày đêm?

- Đá hóa có lợi là bất luận thời tiết nào xe cũng chạy được. Trước đây xe chỉ chạy trong đêm, còn nay thì mưa phùn, gió mùa đông bắc là cơ hội cho xe chạy ban ngày. Điều đó làm cho một số đồng chí phản ứng dữ dội với tôi.

- Vì sao ạ?

- Vì cho rằng, tôi làm vậy là phiêu lưu, mạo hiểm, xe sẽ bị máy bay Mỹ bắn cháy. Nhưng thực ra họ không hiểu vì sao tôi cho làm chuyện đó. Hôm tôi đi học ở Học viện quân sự cấp cao Bắc Kinh về đến sân bay Gia Lâm thì máy bay không xuống được vì thời tiết xấu, trần mây thấp 150m, máy bay phải quay trở lại Trung Quốc. Thì ra, khi trần mây thấp dưới 150m thì tất cả các loại máy bay đều không nhìn thấy gì dưới đất, vì thế tôi mới quyết định cho xe chạy ban ngày trong điều kiện mưa phùn, gió đông bắc. Tôi còn cho xe chạy đội hình cả tiểu đoàn. Thế là chỉ 3 tháng, Hậu cần tiền phương đã giao đủ hàng kế hoạch cả một năm cho Đoàn 559. Thấy vậy, anh Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đề nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điều tôi kiêm luôn chức Tư lệnh Đoàn 559 (đến tháng 7-1970 có tên gọi Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn).

- Như vậy, việc ông giữ chức Tư lệnh bộ đội Trường Sơn không phải là ngẫu nhiên, thưa ông?

- Đó là một quá trình có hệ thống. Trước đó, tôi từng giữ chức Chính ủy Quân khu 4, lại một thời gian được cử sang làm Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận Trung, Hạ Lào. Tất cả đều liên quan đến đường Hồ Chí Minh.

- Các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy bộ đội Trường Sơn đều gắn với một giai đoạn của đường Hồ Chí Minh. Còn ông thì gắn với cơ giới hóa?

- Thực hiện cơ giới hóa là do chủ trương của Quân ủy Trung ương.

- Còn vai trò cá nhân của ông?

- Tôi chỉ có một phần thôi. Kiên quyết, mạnh mẽ nhất trong cơ giới hóa là anh Phan Trọng Tuệ (Bộ trưởng Giao thông vận tải, có giai đoạn kiêm Tư lệnh, Chính ủy Đoàn 559) và anh Đinh Đức Thiện. Câu chuyện là thế này:

Những năm 1963-1964, đường Hồ Chí Minh lúc đó đã có vận tải cơ giới nhưng nhỏ thôi, đội hình ở cấp tiểu đội. Bước sang năm 1965 thì phát triển thành 100 xe, nhưng kế hoạch đạt vẫn rất thấp, vì đường tắc, xe bị cháy do bom đạn địch, người thì hy sinh. Trước tình hình đó, tháng 6-1966, Quân ủy họp, tôi cũng được mời tham dự. Một số tư lệnh chiến trường cho rằng cần phải nối dài quang gánh ra, quay trở lại thời kỳ gùi thồ. Anh Phan Trọng Tuệ, anh Đinh Đức Thiện kiên quyết bảo vệ và ủng hộ vận tải cơ giới. Các anh nói, vận tải gùi thồ với 2.000 cây số thì riêng việc nuôi đội quân đó cũng đã khó, lấy gì để cung cấp cho chiến trường. Kết luận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương nói: Vẫn lấy cơ giới làm chính, kết hợp gùi thồ từng nơi, từng tuyến, từng lúc, giao cho Đoàn 559 tìm biện pháp hữu hiệu thực hiện. Thật là một kết luận chiến lược, nhìn xa trông rộng.

- Đó cũng là một định hướng cho ông cùng Bộ tư lệnh phát triển vận tải cơ giới?

- Tháng 1-1967, tôi nhận chức Tư lệnh Đoàn 559 kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương bắt tay vào thực hiện kết luận của Tổng Tư lệnh. Sau khi đi kiểm tra thực địa một tháng, tôi thấy bộ đội vận tải chưa chiến đấu hóa, chưa quân sự hóa, vẫn là vận tải thời bình. Còn các điều kiện để đảm bảo vận tải chiến lược chưa có, cầu đường thì độc đạo, lực lượng chiến đấu bảo vệ trên không, mặt đất chưa thuộc Đoàn 559.

- Tôi nghe các cựu chiến binh Trường Sơn kể lại, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người sâu sát thực tế, không thích lý luận dài dòng…

- Một hôm, tôi ngồi trên một xe vận tải. Đến trọng điểm Văng Mu thì máy bay Mỹ thả pháo sáng. Theo quy luật, khoảng 30 phút sau máy bay chiến đấu sẽ đến thả bom. Chiến sĩ lái xe cho xe chui vào bụi rậm và nói với tôi: “Máy bay sắp đến, đề nghị thủ trưởng xuống hầm”. Tôi hỏi: “Tại sao đồng chí không tranh thủ lúc pháo sáng này đi thật nhanh để vượt qua trọng điểm?”. Anh biết chiến sĩ ấy trả lời thế nào không? “Tất cả cho chiến trường miền Nam thì bọn em đã quán triệt. Nhưng mà phải đưa được hàng tới tận chiến trường. Chứ còn chết mà hàng hóa không đến tay đồng đội mình thì cái chết đó cũng vô ích”. Suốt đêm đó, tôi không ngủ được vì câu nói ấy.

Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh hoạt động bí mật là Đồng, tên đăng ký ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 1 là Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Các chức vụ chính đã trải qua: Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ Đô, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải.

Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 4, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa 5, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 6 (1986-1991).

Sáng hôm sau, tôi sang tiểu đoàn cao xạ ở đường 9 thuộc khu vực Tà Khống (Lào), cách trọng điểm Văng Mu 60 cây số. Hỏi về nhiệm vụ, các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn báo cáo rằng đơn vị sẵn sàng tiêu diệt máy bay địch. Tôi nói, dĩ nhiên là vậy rồi, nhưng các đồng chí tiêu diệt máy bay là để bảo vệ xe vận tải, chứ không phải tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào. Sau đó, bộ đội cao xạ được điều lên các trọng điểm, xây dựng thành trận địa chiến. Công binh cũng phải ra trọng điểm, đào hầm trú ẩn ở hai bên đường để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ san lấp đường. Từ đó, tại các trọng điểm của đường Hồ Chí Minh hình thành binh chủng hợp thành: phòng không-công binh-xe vận tải- thông tin…

- Và như vậy nên bộ đội Trường Sơn có câu: “Địch cứ đánh, ta cứ đi”?

- Trước là khẩu hiệu, sau là thực tế. Sau khi pháo cao xạ được điều đến các trọng điểm chặn đường bổ nhào thì máy bay địch cũng sợ, ném bom thiếu chính xác, chiến sĩ lái xe không phải trú ẩn mỗi khi có pháo sáng nữa vì không còn chạy “đầu trần”. Nhưng vượt qua trọng điểm cũng phải mất hai, ba tiếng đồng hồ. Là vì thế này: Mỗi khi máy bay địch ném bom phá đường, hàng tiểu đoàn bộ đội công binh, thanh niên xung phong ra san lấp, mất 2 giờ mới xong. Địch biết quy luật vậy, nên 2 giờ sau lại quay lại ném bom. Rồi ta lại san lấp… Tôi nói với các đồng chí ở trọng điểm, các anh làm cái công dã tràng xe cát… Tại sao không mở đường phụ hai bên để khi đường chính bị đánh phá, xe ta vẫn vượt trọng điểm, còn đường chính cứ sửa lại làm nghi binh, “mời” địch đến đánh để tiêu hao nó…

- Đó là tư tưởng tiến công?

- Đó là nghệ thuật phá thế độc đạo kết hợp nghệ thuật nghi binh, công sự ngụy trang. Đến khi chúng ta chiếm được ưu thế thì việc tắc đường bị loại bỏ, địch không đánh vào trọng điểm nữa mà chuyển sang đánh vào đội hình xe. Đến năm 1972, ta tăng cường hai sư đoàn cao xạ và tên lửa vào Trường Sơn, làm “đường kín” (đường ngụy trang) dài 800 cây số trong rừng để cho các trung đoàn vận tải đi ban ngày. Còn các con “đường hở” thì nghi binh. Vận tải ta lúc đó đã đi trong thế mạnh.

- Như vậy, muốn vận tải thông suốt thì bộ đội Trường Sơn phải có binh chủng hợp thành?

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói: Muốn tổ chức lực lượng vận tải chiến lược, trước hết phải đánh địch trên không và mặt đất. Bởi vì có như vậy mới tạo địa bàn căn cứ an toàn, mới làm được cầu đường.

Muốn có chính diện rộng, chiều sâu dài thì phải xây dựng căn cứ chiến lược đông-tây Trường Sơn trên 3 nước Đông Dương. Căn cứ chiến lược này bao gồm 3 cao nguyên rộng lớn liền kề là cao nguyên Tây Nguyên của Việt Nam, cao nguyên Bô-lô-ven của Lào và cao nguyên Đông Bắc Cam-pu-chia. Tây Nguyên là vị trí chiến lược “Tiến vi công, thoái vi thủ”, ai chiếm được sẽ làm chủ Đông Dương. Điểm huyệt Buôn Ma Thuột mà ngụy quyền Sài Gòn rối loạn là một minh chứng. Xây dựng được căn cứ này xem như ta đã nắm chắc phần thắng, bởi đã có thế trận Trường Sơn, phát triển lực lượng nhanh và lớn, bỏ qua các binh trạm để tiến lên hình thành các binh chủng hợp thành bằng các sư đoàn.

Chiến dịch đường 9-Nam Lào năm 1971 đánh bại ý định của Mỹ-ngụy dùng bộ binh ngăn chặn sự chi viện của ta cho chiến trường miền Nam, xóa sổ luôn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Lúc này, bộ đội Trường Sơn đã có 9 sư đoàn với đầy đủ binh chủng. Đến đầu năm 1973, chúng tôi bỏ binh trạm, tổ chức hiệp đồng binh chủng cấp quân khu, cho xe chạy suốt Bắc-Nam trên cả đông-tây đường Hồ Chí Minh. Chính nhờ có sự phát triển đó mới có “thần tốc, đại thần tốc” trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi ta dùng cả sư đoàn ô tô chở các quân đoàn, sư đoàn từ miền Bắc vào tận Bù Đăng (tỉnh Phước Long xưa, nay là Bình Phước) chỉ mất có 8 ngày.

- Thưa ông, bài học sâu sắc nhất mà ông muốn nói với thế hệ mai sau về chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thời chống Mỹ và đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa-hiện đại hóa ngày nay?

- Năm 1973, khi vào thăm bộ đội Trường Sơn, đồng chí Lê Duẩn có viết trong sổ truyền thống, đại ý: Đây là con đường thống nhất Bắc- Nam, con đường đoàn kết 3 nước anh em, con đường tương lai giàu có. Chúng ta mãi mãi đi theo con đường Hồ Chí Minh. Khoảng cuối năm 80 của thế kỷ 20, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu ý kiến phải nâng cấp đường Hồ Chí Minh thành xa lộ Bắc-Nam. Tôi nghĩ, hạnh phúc cho đất nước chúng ta là trong những thời điểm lịch sử, đã có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Muốn làm ăn lớn thì phải biết nhìn xa trông rộng. Cho đến nay, vẫn có người phản đối việc thi công xa lộ này, nhưng thực tế ngày càng chứng minh, đường Hồ Chí Minh đã phá thế độc đạo Bắc-Nam của quốc lộ số 1, mở mang kinh tế miền núi, phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số củng cố quốc phòng, nối thông với hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia.

- Xin cảm ơn ông!

HỒNG SƠN (thực hiện)