QĐND - Câu chuyện nhỏ này đã xảy ra cách đây gần 20 năm trong lần tổ chức Hội thảo khoa học-thực tiễn: “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nhân dân các dân tộc Cao Bằng với Bác Hồ” tại Cao Bằng, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trang trọng trong hai ngày (14 và 15-12-1994) tại hội trường Tỉnh ủy Cao Bằng với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử từ các trung tâm, viện nghiên cứu và các nhà sử học, đặc biệt có sự  hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân, bà Đặng Bích Hà.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và PGS, TS Phạm Xanh. Ảnh: Văn Nghiệp.

Cả hội trường xúc động hồi hộp lắng nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách một nhân chứng lịch sử và hơn thế nữa như một người đã làm nên lịch sử trong thời kỳ đầy biến động và chuyển biến mau lẹ của đất nước và thế giới, kể về việc chuẩn bị về nước, về những quyết định sáng suốt của Bác, về tình cảm nồng ấm của bà con Pác Bó với Bác và cả những vấn đề hết sức cụ thể như nơi nằm của Bác trong hang v.v.. Kết thúc bài nói, Đại tướng bày tỏ lòng mong muốn cháy bỏng đối với Cao Bằng. Lúc ấy, đôi mắt Đại tướng lướt nhanh khắp hội trường, rồi dừng lại ở Bí thư Tỉnh ủy Nông Hồng Thái như muốn qua ông truyền đến với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng: “Cao Bằng đã là ngôi sao sáng trong cách mạng giải phóng dân tộc thì mong rằng đồng bào Cao Bằng vận dụng tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tính năng động sáng tạo của nhân dân các dân tộc, kể cả ở những nơi rẻo cao, để làm sao trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, Cao Bằng cũng trở thành một trong những…”. Đại tướng nói tiếp mấy tiếng dân tộc. Cả hội trường ồ lên, râm ran những tràng vỗ tay tán thưởng, còn tôi không hiểu Đại tướng nói gì. Tôi quay sang hỏi anh Nông Hải Pín, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vốn là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Anh giảng giải cho tôi nghe bốn chữ mà Đại tướng vừa nói là “đao đí rủng lai”, tiếng Tày-Nùng, có nghĩa là “ngôi sao rất sáng”.

Tôi bừng tỉnh khi Ban tổ chức mời lên diễn đàn. Nén xúc động, từ trên bục tôi nhìn về phía Đại tướng và các quan chức khác, rồi thong thả trình bày bản tham luận của mình rõ ràng, khúc chiết, kết thúc bằng những câu ngắn gọn:

“Cao Bằng với

“Ba mặt Tam giang trôi cuồn cuộn

Bốn bề Tứ trụ đứng chon von”

đã trở thành chỗ đứng chân đầu tiên khi Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động nơi góc bể chân trời. Từ đó mà đến tháng 6-1945 ta có Khu giải phóng gồm 6 tỉnh (Cao-Bắc-Lạng, Hà-Tuyên-Thái) để đến tháng 8-1945 ta được cả nước Việt Nam từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Được tất cả những điều đó thực sự bắt đầu từ chọn đúng đột phá khẩu-Cao Bằng”.

Cả hội trường vỗ tay hồi lâu. Tôi lại liếc nhìn về phía những nhân chứng lịch sử. Đại tướng cùng phu nhân vỗ tay và cười rất vui. Với Đại tướng không chỉ đơn giản là trong bài tham luận có nhắc đến tên ông mà lúc đó mang bí danh là Dương Hoài Nam cùng với Lâm Bá Kiệt, tức Phạm Văn Đồng, đang trên đường đến Diên An học tập, nhận được chỉ thị của Bác, quay lại chuẩn bị về nước, mà chắc chắn tham luận của tôi gợi mở những điều mới mẻ trên phương diện khoa học.

Kết thúc tham luận của tôi cũng là lúc giải lao phiên buổi sáng ngày 14-12. Những người tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng cho gọi tôi đến chụp ảnh chung với ông và nói to trước sự ngỡ ngàng của đông đảo những người tham dự hội thảo: “Xin được chụp ảnh với nhà khoa học Phạm Xanh có bài tham luận hay tại Hội thảo khoa học-thực tiễn Cao Bằng”. Đó là một bức ảnh đẹp, theo đúng nghĩa đen của từ đó. Cả hai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 83 tuổi, thế hệ cha bác, tôi 51 tuổi, thế hệ con cháu, đều tươi vui và đẹp nữa là khác.

Trở lại hội trường, tôi miên man nghĩ về lời khen của Đại tướng về bản tham luận khoa học của tôi, mặc dù cô Đặng Bích Hà với tư cách một nhà sử học, trong cuộc trò chuyện khi giải lao, đã hé mở là bản báo cáo của tôi ngắn gọn, nhưng đã đi trúng vào những vấn đề mấu chốt của cuộc hội thảo lần này. Vậy, vấn đề mấu chốt, theo cách diễn đạt của phu nhân Đại tướng, là những vấn đề gì mà thu hút sự chú ý của Đại tướng và được Đại tướng khen ngợi? Trong tham luận của tôi nhiều vấn đề được đặt ra và giải quyết, nhưng có 3 vấn đề được giải mã một cách sâu sắc và thuyết phục nhất. Thứ nhất là thời cơ “đột nội” của Nguyễn Ái Quốc. Thứ hai là vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng. Và cuối cùng, Cao Bằng, mảnh đất giáp biên giới Việt-Trung đáp ứng hai yếu tố quan trọng địa (hiểm trở và tiến thoái đều thuận lợi) và nhân (các dân tộc Cao Bằng có truyền thống yêu nước, cách mạng và đặc biệt đã có chi bộ Đảng) được Bác lựa chọn làm đột phá khẩu.

Có lẽ, 3 vấn đề mấu chốt được đặt ra và giải quyết một cách khoa học và thuyết phục trên cơ sở các cứ liệu lịch sử đã làm thỏa mãn trong chừng mực nào đó những suy tư bấy lâu nay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong suốt một đời nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, tôi đã nhiều lần gặp gỡ và trò chuyện với Đại tướng, nhưng cuộc gặp gỡ tại cuộc Hội thảo khoa học ở Cao Bằng cuối năm 1994 là một kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi.

PGS, TS PHẠM XANH