Đại tá, nhà báo Lê Kim. Ảnh: CHÂU XUYÊN

Đến nhà ông, trong căn hộ nhỏ trên tầng hai của khu tập thể trong ngõ Văn Chương, Hà Nội, mới cảm nhận được cuộc sống của một người từng là chiến sĩ Điện Biên thuở nào. Bởi ông tiếp chuyện tôi không phải như một số nhân chứng lịch sử khác, rằng: “Bạn muốn tôi kể lại những gì?...”, mà ông chỉ lên những giá sách được xếp ngay ngắn kín quanh nhà, ông giới thiệu những cuốn sách, đủ thể loại được sắp xếp theo từng thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Nhưng ấn tượng nhất ập vào mắt tôi, hay bất cứ vị khách nào tới nhà ông là giá sách về Điện Biên Phủ, tác giả Việt Nam có, sách do ông dịch có, và đặc biệt là những cuốn sách của nước ngoài viết về Điện Biên Phủ do những người bạn nước ngoài tặng cho ông. Ông là Đại tá Lê Kim, nguyên là Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 36 (e36), Đại đoàn 308 (f308), nguyên phóng viên phòng Thời sự quốc tế, phòng Văn hóa-Thể thao Báo Quân đội nhân dân.

PV: Vậy ngày đó, một người làm công tác văn hóa như ông lấy “vốn” từ đâu để động viên tư tưởng cho anh em chiến sĩ?

Đại tá Lê Kim: Công cụ văn hóa tư tưởng ngày đó có mỗi một tờ báo in đá li-tô. Báo ra 2 trang, rất súc tích và ngắn gọn, có tường thuật trận đánh, kinh nghiệm sau trận đánh... đặc biệt là số nào cũng có thơ vui, tranh vui mà anh em rất thích.

Hoạt động văn hóa sôi nổi thiết thực hằng ngày để động viên anh em hồi đó phải kể đến là ca dao, hò vè, đối đáp. Chiến sĩ làm, chiến sĩ nghe, rồi lan truyền cho nhau, chúng tôi hành quân đêm từ Thái Nguyên, rồi qua Phú Thọ,... lên Điện Biên, anh em chiến sĩ, dân công vừa đi vừa sáng tác cho nhau nghe. Nhất là các chị em dân công, hầu hết là không biết chữ, ấy vậy mà khi hò vè thật đáo để. Như câu hò: Đèo cao thì mặc đèo cao/Ta leo tới đỉnh ta cao hơn đèo, thì thấy khí phách, tinh thần quyết thắng của mỗi người đều hừng hực, đèo nào cũng qua. Suốt dọc đường lan truyền nhau đọc câu hò ấy. Có những câu hò nữa là khi bộ đội gặp dân công: Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước, như rồng gặp mây, thì có cô dân công hỏi, các anh gặp bọn em nên đọc câu ấy, thế còn gặp giặc Tây thì thế nào? Các chiến sĩ đối ngay: Bộ đội mà gặp giặc Tây/Như hùm gặp sói, như chày gặp cua.

Khi chúng tôi đào hào, để bảo vệ mình và tiến công địch, toàn đào đêm, anh em mệt mỏi nhiều. Tôi còn nhớ có nhà báo nước ngoài hỏi, vũ khí lợi hại nhất của bộ đội ta lúc bấy giờ là gì, bộ đội nói, chúng tôi có cái xẻng. Lúc bấy giờ có cái xẻng cán gập, lúc đào hào, bẻ thẳng ra thì thành cái xẻng xúc đất, mũi nhọn của xẻng thành lưỡi lê, xoay nghiêng chặt cây, khi gập lại nó có cái bao dắt bên lưng, chiến sĩ yêu quí cái xẻng vô cùng, làm thành thơ ngay: Yêu em anh bế anh bồng/ Yêu em anh dắt bên hông suốt ngày/ Đến đêm anh mới ra tay/ Nhờ em anh thọc được ngay đường hào. Ngoài viết báo, làm báo chúng tôi còn làm khẩu hiệu, làm thơ in trên vải dù, căng ở những thành hào, anh em tiến công đi qua làm thơ: Chiến hào cùng với chiến binh/Họ khiến chúng mình lập những chiến công. Các câu của anh em chiến sĩ rất hay, nhưng tiếc là lâu ngày quá, lúc đó chiến đấu, đọc lên cho vui nên không nhớ tên tác giả. Nhưng các câu thơ đó sẽ còn mãi trong mỗi người chiến sĩ Điện Biên chúng tôi...

PV: Kỷ niệm nào trong chiến dịch Điện Biên Phủ ấn tượng sâu sắc nhất trong ông đến ngày nay?

Đại tá Lê Kim: Đó là khi trung đoàn chúng tôi cùng các đơn vị khác được giao đánh cụm cứ điểm mang tên Huguette. Đây là những đồn sinh tử của địch vì chúng bảo vệ sân bay và bãi dù. Mỗi cứ điểm đều có hàng rào thép gai. Quân ta đào hào vây lấn từng cứ điểm. Sang mùa mưa, hào lúc nào cũng ngập nước. Mình đánh thì nó phản kích, mình đào hào thì nó lại lấp hào. Ta chiến đấu ắt hẳn có thương vong, nên liên tục bổ sung người, trong đó có nhiều anh em tân binh ở vùng địch hậu, có kinh nghiệm đánh du kích. Vì thế khi Trung đoàn trưởng Hồng Sơn họp cán bộ, chiến sĩ, nói ra những khó khăn trong việc đào lấn, thì có 3 cậu tân binh ở Việt Yên, Yên Dũng, Bắc Giang đề ra giải pháp làm con cúi bằng rơm thật to, lăn lên trước, địch thấy động bắn ra đạn găm cả vào đó, mình đỡ thương vong mà tiến lên được, khi vào đến sát hàng rào dây thép gai thì đào luồn xuống dưới, tạo đường ngầm vào trong. Giải pháp này đã được các cậu tân binh thực hiện, khi đưa ra dẫn chứng: “Ở quê bị Tây nó vây, nó chặn hết các ngả, thì chúng em theo các cha anh đào luồn qua lũy tre để thoát ra ngoài”. Chính giải pháp này đã mang lại chiến thắng cho trung đoàn chúng tôi đêm 22-4, khi đánh vào lô cốt đầu cầu của cứ điểm 206. Trận đánh này chỉ diễn ra trong gần một giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện khen ngợi “đơn vị có lối đánh sáng tạo”.

Sau này, khi tôi đã là phóng viên của phòng Thời sự quốc tế, tôi được đọc nhiều sách của các cựu chiến binh Pháp ở Điện Biên Phủ như: Jean Pouget hay Erwan Bergot thì mới hay, đêm 22-4 ấy, Đại úy Chevalier chỉ huy đồn đang đứng thì tự dưng đất dưới chân sụt xuống, đồng thời Việt Minh từ dưới đất nhô lên như “ma” hiện hình, toàn cứ điểm 206 bị bắt làm tù binh, chỉ có duy nhất một anh lính Lê dương người Đức mới chạy thoát về được sở chỉ huy của Đờ Cát, anh này bị phát điên sau đêm đó.

Tôi rất nhớ trận đánh đó, nhưng rất tiếc là không nhớ tên 3 tân binh. Nên rất mong, giờ kể qua Báo Quân đội nhân dân, ai biết được họ có còn và đang sống thế nào thì rất mừng.

PV: Dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ còn lan tỏa, thưa ông?

Đại tá Lê Kim: Phải khẳng định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ càng lùi xa theo thời gian thì càng đậm nét. Đậm nét ở chỗ, những cuốn sách, tư liệu của ta trong 30 năm, 40 năm... thiếu thông tin từ phía bên kia. Nhưng đến 50 năm, 55 năm liên tục chúng ta lại càng có nhiều thông tin, thông tin này rất tốt. Qua những cuốn sách, mới thấy tướng tá của Pháp thì viết thanh minh bào chữa, còn những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến lại viết rất thật, có cuốn họ viết rất hồn nhiên. Tóm lại chiến thắng của chúng ta rất vĩ đại, phía đối phương phải tâm phục, khẩu phục và cả bút phục.

Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ còn sáng chói mãi, sáng chói nữa, và sáng chói hơn, khi ngày nay, Điện Biên không chỉ là điểm hẹn lịch sử, mà còn là điểm hẹn du lịch. Khách nước ngoài đến nhiều, nhất là những cựu chiến binh Pháp và gia đình họ liên tục tới thăm. Có người trong họ từng nói với tôi, rằng họ rất tự hào: Dù Điện Biên Phủ là chiến trường rất gay go và ác liệt nhưng chúng tôi đã vượt qua những khó khăn đó. Điện Biên Phủ còn là cuộc chiến chấm dứt những xung đột Việt-Pháp, mở ra một tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Còn ông Guy Jean Gillier-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh miền Trung và Bắc nước Pháp tặng tôi một loạt sách về Điện Biên Phủ, lại hóm hỉnh viết tựa đề: “Thế là tủ sách Điện Biên Phủ của tôi đã chuyển hết sang cho Lê Kim rồi!”. Tôi rất khâm phục ông này, bởi Điện Biên Phủ tôi mới đi lại được 4 lần, ấy thế mà ông ấy đi lại tới hơn 20 lần, mỗi lần đi lại lỉnh kỉnh mang sách, rồi quà lên tặng cho trẻ em và nhân dân địa phương. Ông ấy nói với tôi rằng, trong trái tim ông ấy luôn có mảnh đất Điện Biên, và luôn tự hào vì đã từng sống ở mảnh đất này, yêu điệu xòe của các cô gái Thái, yêu con người nơi đây...

Tôi càng nghĩ, thấy càng hay càng đẹp, một chiến thắng có nhân, có nghĩa, có tình...

VƯƠNG HÀ