Hướng tới kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2009), ngày 12-3, tại TP Điện Biên Phủ, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 2 và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc-Bài học và giá trị lịch sử”. Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Quân khu 2 và các tỉnh trên địa bàn Quân khu cùng gần 200 nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, cựu chiến binh... đã tham dự hội thảo.
Chiến thắng của sức mạnh đoàn kết, ý chí và trí tuệ Việt Nam
Do tuổi cao, đường sá xa xôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không lên Điện Biên Phủ tham dự Hội thảo, nhưng Đại tướng vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc hội thảo này. Trong thư gửi Hội thảo, Đại tướng viết: …“Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết tinh chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quyết chiến quyết thắng và mưu trí, sáng tạo, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chiến thắng của trí tuệ và ý chí Việt Nam, đồng thời cũng là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết giúp đỡ quốc tế. Chiến thắng đó có ý nghĩa hết sức to lớn và để lại nhiều bài học lịch sử quý báu…”.
 |
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Trong 44 bài tham luận tham gia hội thảo của các nhà khoa học, các bậc lão thành cách mạng, các nhân chứng lịch sử và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, LLVT các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc đã nêu bật tầm vóc lịch sử to lớn, ý nghĩa thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các tham luận thống nhất khẳng định: Cách đây tròn 55 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ-đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Đây là một trong những dấu son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Điện Biên Phủ như một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang dâng cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Không phải ngẫu nhiên mà hai tiếng “Việt Nam-Điện Biên Phủ” được đông đảo bạn bè các nước thuộc địa châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh nhắc đến như một biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc 55 năm qua, nhưng âm vang và giá trị lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ không những không bị thời gian làm “lu mờ”, mà ngược lại ngày càng tỏa sáng chói lọi. Dù đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, hàng nghìn bài viết của các nhà hoạt động chính trị, quân sự, nhà nghiên cứu, tướng lĩnh trong và ngoài nước viết về sự kiện này theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau, nhưng nhiều nội dung, sự kiện, số liệu cũng như tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là “mạch nguồn khám phá” của các đại biểu tham gia hội thảo lần này.
Trong bài tham luận “Tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, Thượng tướng Phan Trung Kiên viết: “Chọn Tây Bắc làm hướng hoạt động chính trong Đông Xuân 1953-1954, điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương; chọn Điện Biên Phủ làm chiến địa quyết chiến và kiên quyết chỉ đạo, lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung sức mạnh đánh sập hoàn toàn cứ điểm này... là nhân tố quyết định thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là một nhân tố cơ bản đưa tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược”.
Nhìn nhận và đánh giá sự kiện ở các góc độ khác nhau, tham luận của Thiếu tướng, TS Phạm Văn Thạch, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xác định: Chiến thắng Điện Biên Phủ như một “Biểu tượng sinh động của chiến tranh nhân dân Việt Nam”, còn tham luận của Đại tá, TS Vũ Tang Bồng (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) lại chú trọng làm rõ hơn vai trò của hậu phương hậu cần trong bảo đảm thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với các bài tham luận của các vị tướng lĩnh, các nhà khoa học, các bài tham luận của lãnh đạo Quân khu 2, tỉnh Điện Biên và các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 cũng nêu bật tầm quan trọng vị trí chiến lược của địa bàn Tây Bắc và nhấn mạnh: Sự đóng góp sức người, sức của to lớn của LLVT và đồng bào các dân tộc Tây Bắc là một nhân tố góp phần quyết định đến Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày càng tỏa sáng
Để tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục toả sáng, một số bài tham luận cũng nêu lên những kinh nghiệm, bài học quý báu từ Chiến thắng vĩ đại này cần được vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tham luận của Trung tướng Mai Hồng Bỉnh, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) đi sâu phân tích, làm rõ và khẳng định vai trò to lớn của nhân tố tinh thần, tư tưởng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời nhấn mạnh chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay với 6 nội dung trọng tâm là: Tiếp tục tăng cường giáo dục và tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần tự cường của dân tộc; Thấm nhuần và thực hiện bài học lớn nhất của tổ tiên để lại là “Dựng nước đi đôi giữ nước”; Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Đổi mới tư duy quân sự, phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trong Quân đội.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử, Đại tá CCB Trần Trọng Trung đã khẳng định vai trò to lớn của vị Tổng tư lệnh- Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ và nêu lên ba bài học về “đức tính cầm quân” của Đại tướng, đó là: Tấm gương mẫu mực về tinh thần quyết chiến quyết thắng và ý chí tiến công địch; Phong cách giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân người chỉ huy; Nêu cao tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với mọi tư tưởng sai trái, mở đường đi đến thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những kinh nghiệm này đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng.
Với quan điểm, phương pháp xem xét, nhìn nhận khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển, với những tư liệu mới, một lần nữa, cuộc hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc-Bài học và giá trị lịch sử” đã góp phần lý giải đầy đủ và làm sâu sắc hơn về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tầm vóc vĩ đại và giá trị lịch sử của Chiến thắng này. Đồng chí Thượng tướng Phan Trung Kiên đã phát biểu: “Việc nghiên cứu và làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, đúc kết những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ là hết sức cần thiết, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận về chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam; đồng thời cung cấp những luận cứ quan trọng để hoạch định chính sách đại đoàn kết dân tộc, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước”.
Bài và ảnh: VĂN HẢI, TRẦN TOẠI