QĐND - Trong căn phòng khách tại nhà riêng của Đại tá cựu chiến binh Hoàng Minh Phương, nguyên Trưởng khoa Lý luận chung - Viện Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng; nguyên Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, có treo trang trọng bức ảnh ông chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh Đại tướng Tổng tư lệnh với nụ cười nhân ái, bao dung, bên cạnh người học trò trên bãi biển Đồ Sơn đầu Xuân năm 1963 đã trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với Đại tá Hoàng Minh Phương suốt mấy thập kỷ qua.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên phải) và ông Hoàng Minh Phương ở Đồ Sơn, Xuân Quý Mão, 1963. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Đến thăm ông tại nhà riêng ở quận 11, TP Hồ Chí Minh vào một ngày cận Tết Nhâm Thìn 2012, Đại tá Hoàng Minh Phương bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về bức ảnh ấy: “Tôi làm trợ lý cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ năm 1950 đến năm 1977. Trừ một số năm được điều đi chiến đấu ở chiến trường để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn, tôi có tổng cộng hơn 20 năm gần gũi, giúp việc Đại tướng. Mỗi câu chuyện, mỗi việc làm của Đại tướng đều để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Với tôi, Đại tướng là một người Thầy lớn cả về tài năng và đức độ. Bức ảnh này ghi dấu một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi với Đại tướng”.
Đồ Sơn, những ngày đầu Xuân 1963
Nhớ về ký ức 50 năm trước, Đại tá Hoàng Minh Phương kể:
Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị bệnh mất ngủ trầm trọng do làm việc quá sức. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ngày càng bước vào giai đoạn quyết liệt. Vai trò của Đại tướng Tổng tư lệnh đối với cuộc kháng chiến đặc biệt quan trọng. Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị hết sức quan tâm đến tình hình sức khỏe của Đại tướng, yêu cầu Đại tướng giảm cường độ làm việc, giữ gìn sức khỏe để lo cho cuộc kháng chiến trường kỳ của toàn Đảng, toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Đại tướng được bố trí đi nghỉ ở những nơi có khí hậu trong lành để phục hồi sức khỏe.
Đầu năm 1963, Đại tướng bảo tôi đi Đồ Sơn cùng ông. Ban đầu tôi tưởng Đại tướng chỉ đi nghỉ dưỡng, nhưng khi nghe Đại tướng bảo chuẩn bị một số tài liệu cần thiết thì tôi biết, Đại tướng xuống đó để vừa nghỉ vừa có thời gian tập trung viết một luận văn quan trọng về đường lối quốc tế của Đảng. Lúc bấy giờ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có sự chia rẽ sâu sắc. Trước tình hình phức tạp đó, để thống nhất nhận thức và tư tưởng trong toàn Đảng, chuẩn bị cho Trung ương Đảng ta tổ chức Hội nghị lần thứ 9 vào cuối năm, Bác Hồ bàn với Đại tướng là phải có một bài luận văn quan trọng đăng trên báo Đảng. Tư tưởng chỉ đạo là: Chống xét lại nhưng không chống Đảng của Lê-nin, không chống Liên bang Xô-viết, quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Chống xét lại phải đi đôi với chống giáo điều và chủ nghĩa bè phái, giữ vững tình đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế...
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Đại tướng, tôi bắt tay vào nghiên cứu tài liệu, lập đề cương. Làm đến đâu tôi báo cáo Đại tướng đến đó để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời. Cứ cuối buổi chiều, hai thầy trò lại đi bộ dọc bãi biển, vừa đi vừa trao đổi công việc. Đại tướng rất chú ý lắng nghe ý kiến của tôi, gợi ý tôi tranh luận để tìm ra phương án thể hiện bài luận văn tốt nhất. Sau khi đã thống nhất ý kiến, tôi tiến hành viết. Tôi viết đến đâu, Đại tướng sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện đến đó. Những đoạn tôi viết không đạt thì Đại tướng trực tiếp viết luôn vào bản thảo. Cách lập luận của Đại tướng rất sắc sảo, có tính thuyết phục rất cao. Sau gần hai tuần miệt mài nghiên cứu tài liệu và chấp bút, hai thầy trò đã hoàn thành bài viết có tựa đề: “Bảo vệ tình đoàn kết Xô - Trung, hạt nhân của tình đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”. Bài này đã đăng toàn văn trang trọng trên hai trang Báo Nhân Dân đầu tháng 3-1963, làm định hướng tư tưởng để Ban Chấp hành Trung ương thảo luận và ra Nghị quyết về đường lối quốc tế.
Những ngày ở Đồ Sơn càng giúp tôi hiểu và học tập được rất nhiều điều từ tinh thần nghiên cứu, thái độ làm việc khoa học và trình độ lý luận uyên bác, khả năng khái quát, tổng hợp tuyệt vời của Đại tướng. Đại tướng coi tôi thân thiết như anh em, luôn quan tâm đến cuộc sống của tôi. Đại tướng nhắc tôi sớm lập gia đình để có người “nâng khăn sửa túi”. Sau khi hoàn thành công việc, hai thầy trò chụp chung tấm ảnh trước khi rời Đồ Sơn về Hà Nội.
Gần sáu mươi năm trôi qua nhưng kỷ niệm với Đại tướng ở Đồ Sơn mùa xuân ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi như mới hôm qua.
Học tập cách học của người thầy lớn
Hơn hai thập kỷ giúp việc cho Đại tướng từ công tác đối ngoại đến công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh, biên soạn các bài giảng về đường lối quân sự của Đảng, về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân và nhiều luận văn quân sự khác..., Đại tá Hoàng Minh Phương học hỏi được từ Đại tướng rất nhiều điều về tinh thần tự học. Nhân dịp mừng Đại tướng tròn 100 tuổi, Đại tá Hoàng Minh Phương đã viết một bài cảm nhận về Đại tướng dưới góc nhìn của một người có nhiều năm gần gũi, gắn bó, được Đại tướng dìu dắt, hướng dẫn. Bài viết được Báo Quân đội nhân dân trích đăng ngày 25-8-2011, đúng ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân và Đại tá Hoàng Minh Phương (ngồi ngoài cùng, bên trái) đón tiếp khách đến chúc mừng Đại tướng năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Đại tá Hoàng Minh Phương nói:
- Tôi đã nêu 5 đặc điểm lớn để khẳng định tầm vóc vĩ đại của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam so với Tổng tư lệnh quân đội nhiều nước khác. Một trong những đặc điểm đó là: Trước khi đảm nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó, Võ Nguyên Giáp là một nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà giáo, chưa trải qua một học viện hay trường lớp quân sự nào. Với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của Tổ quốc, cùng với trí thông minh thiên phú, Đại tướng đã ra sức tìm tòi tự học, trân trọng di sản quân sự quý báu của dân tộc, nghiên cứu sâu sắc khoa học nghệ thuật quân sự kim cổ đông tây và kinh nghiệm của quân đội các nước anh em. Đại tướng đặc biệt coi trọng việc học tập trong thực tiễn, tổng kết và nâng cao kinh nghiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân để không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức quân sự của mình, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người Tổng chỉ huy trong chiến tranh du kích cũng như chiến tranh hiện đại, lần lượt đánh thắng 11 Đại tướng Tổng chỉ huy của hai đế quốc.
Bên cạnh việc thường xuyên tìm hiểu, nắm chắc tình hình thực tiễn, dù bận trăm công ngàn việc, Đại tướng vẫn dành thời gian cho việc đọc sách. Mỗi khi có sách hoặc tài liệu cần đọc, Đại tướng thường giao cho tôi đọc trước và dặn, đoạn nào quan trọng liên quan đến vấn đề đang nghiên cứu thì tô màu đỏ; đoạn ít quan trọng thì tô màu xanh, những chỗ bình thường thì để nguyên. Khi thu xếp được công việc, Đại tướng sẽ đọc, ưu tiên những đoạn tô màu đỏ rồi mới đến những đoạn màu xanh, khi có thời gian mới đọc qua các đoạn khác. Nhờ đó, Đại tướng đọc được rất nhiều sách.
Ngoài việc tìm tòi tự học, Đại tướng hết sức coi trọng việc tổ chức tọa đàm, hội thảo về những đề tài cần nghiên cứu để phát huy trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhằm bổ sung kiến thức cho lãnh đạo. Nhờ vậy mà khi phụ trách công tác quân sự của Đảng cũng như khi chỉ đạo công tác giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh tế... trên cương vị Phó thủ tướng Chính phủ, Đại tướng đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ nêu cao tinh thần tự học, Đại tướng còn đặc biệt quan tâm chăm lo, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ được học tập theo đúng khả năng, sở trường, nâng cao trình độ, kinh nghiệm công tác, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng theo mục tiêu vừa hồng vừa chuyên, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc hết sức quan trọng và cần thiết”.
Tinh thần tự học của Đại tướng là tấm gương sáng để chúng ta mãi mãi noi theo.
PHAN TÙNG SƠN