QĐND - Trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 12-10, có một người phụ nữ phương Tây liên tiếp chụp ảnh, thỉnh thoảng lại quệt nước mắt khóc, lúc lại vỗ về an ủi một người dân Việt Nam đang khóc ở nhà tang lễ! Cô chính là nữ nhà báo Ca-thơ-rin Các-nâu (Catherine Karnow), con gái của nhà báo Mỹ nổi tiếng Xtan-li Các-nâu (Stanley Karnow), người đã viết cuốn sách Việt Nam-một thiên lịch sử (sau được dựng thành bộ phim truyền hình nổi tiếng Việt Nam - Một thiên lịch sử bằng truyền hình). Ông Xtan-li Các-nâu đã từng có dịp phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đến lượt con gái ông cũng có duyên may tiếp xúc với Đại tướng.
Tờ Huffington Post của Mỹ từng đăng tải bài viết của nữ nhà báo Ca-thơ-rin Các-nâu với nhan đề “Photographing a Vietnamese War Hero” (tạm dịch: Chụp ảnh người hùng trong chiến tranh của Việt Nam) kể về câu chuyện cô được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đi cùng trong chuyến thăm trở lại trận địa Điện Biên Phủ hồi năm 1994. Xin giới thiệu với độc giả nội dung bài viết này.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ nhà báo Ca-thơ-rin Các-nâu hồi năm 1994.
|
 |
Người dân Mường Phăng chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng ký ức những ngày lưu lại Mường Phăng.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người “đạo diễn” trận đánh nổi tiếng Điện Biên Phủ vào tháng 5-1954, giúp Việt Nam giành độc lập từ tay thực dân Pháp. Ông cũng là người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam. Ông được người Pháp gọi là “ngọn núi lửa phủ tuyết” bởi bản tính trung kiên với mái tóc bạc phơ.
Năm 1994, tôi là nhà báo phương Tây duy nhất được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời đi cùng trong chuyến thăm trở lại trận địa Điện Biên Phủ, một tuần trước lễ kỷ niệm 7-5. Vài ngày trước đó, tôi đã có mặt ở nhà Đại tướng, chụp ảnh ông và dùng bữa tối cùng gia đình. Tôi cũng xin được giải thích vì sao mình lại có được cơ duyên ấy với một nhân vật lịch sử như Đại tướng. Chuyện là vì cha tôi, Xtan-li Ca-nao (Stanley Karnow), một nhà báo và sử gia có tiếng về cuộc chiến tranh Việt Nam, đã từng phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tờ New York Times vào năm 1990. Hai tháng sau đó, tôi đặt chân tới Việt Nam, được gặp Đại tướng, chụp ảnh ông cùng gia đình và mối liên hệ bắt đầu từ đó.
Rồi ngày 1-5-1994 thoáng chốc cũng đến. Tôi hồi hộp khi bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ. Đại tướng sẽ không chỉ thăm lại chiến trường xưa và nghĩa trang liệt sĩ mà lần đầu tiên sau 40 năm, ông mới có dịp quay lại Mường Phăng, khu trại bí mật trong rừng-nơi ông đã trú ẩn trong những tháng chuẩn bị cho trận đánh và cũng từ nơi đây, ông đã vạch ra chiến lược cho trận đánh Điện Biên Phủ vẫn còn vang danh lẫy lừng đến tận bây giờ.
Theo kế hoạch, ngày hôm sau chúng tôi thăm trận địa Điện Biên Phủ, Đại tướng sẽ sử dụng máy bay trực thăng còn tôi đi bằng xe jeep. Tôi được thông báo rằng, chúng tôi sẽ có mặt ở Điện Biên Phủ đầu giờ chiều và Đại tướng cũng sẽ đến tầm giờ ấy.
Hàng trăm người đã tập trung tại trận địa chờ đón Đại tướng. Đoán rằng máy bay chở Đại tướng có thể sẽ hạ cánh bất cứ lúc nào nên tôi chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh và chọn một vị trí tác nghiệp tốt nhất. Vài phút trôi qua, một giờ và thêm một giờ nữa. Trời nắng nóng như đổ lửa. Nếu tôi vào các lùm cây tránh nắng, e rằng sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá. Tiếc là tôi không mang đủ phim để có thể lưu lại hình ảnh người dân địa phương hào hứng chờ đón Đại tướng. Nhiều người trong số đó là đồng bào dân tộc Thái đen, cũng có cả những em bé mang khăn quàng đỏ, trên tay cầm biểu ngữ. Cuối cùng, tiếng động cơ vang lên trên bầu trời và một con chim sắt lớn tiến về phía chúng tôi. Mọi người chạy về phía chiếc máy bay khi nó hạ cánh và Đại tướng xuất hiện, vẫy tay chào đám đông. Sau đó, cuộc hành trình lên núi thăm lại nơi trú ẩn bí mật trong rừng được bắt đầu. Chúng tôi đi trên những tấm ván gỗ hẹp bắc ngang những dòng suối và trèo qua các gốc cây đổ. Với một người ở cái tuổi 83 thì Đại tướng quả là có sức khỏe tuyệt vời.
Khi chúng tôi đến nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, người dân thành kính và vui mừng chào đón Đại tướng, trong số đó, có những người phải đến 40 năm rồi ông mới gặp lại. Chúng tôi bước vào trong một căn lều nhỏ, chính là nơi Đại tướng đã lập kế hoạch tác chiến cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc bấy giờ. Trên tường là bản phác họa tấm bản đồ mà ông cùng các đồng đội đã sử dụng 40 năm về trước. Đại tướng hồi tưởng ký ức những ngày lưu lại nơi đây. Ông nói: "Điều duy nhất tôi thấy hối tiếc đó là những người đồng cam cộng khổ cùng mình ngày ấy giờ đã không còn và không thể có mặt ở đây”.
Đối với tôi, hôm ấy quả là thời khắc trọng đại khi được có mặt trong túp lều nhỏ giữa núi rừng miền Bắc, chứng kiến một huyền thoại sống kể lại những giây phút lịch sử năm xưa.
LÂM TOÀN (giới thiệu)