Trong suốt thời gian Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, là một cán bộ của Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, tôi có may mắn được tham gia chuẩn bị một số báo cáo tại các hội nghị của Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương. Theo quy định, hàng ngày vào lúc 19 giờ, tôi đến nhà riêng Bí thư thứ nhất Lê Duẩn để báo cáo tình hình chiến sự và dự kiến kế hoạch tác chiến. Chính trong những ngày tháng lịch sử này, tư duy quân sự sắc sảo, tác phong khẩn trương, quyết đoán nhưng thận trọng, dân chủ của anh Ba Duẩn đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên.

“Hai ngày qua, tôi không ngủ được”

Sáng ngày 8-3-1975, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương họp hội nghị thông qua lần cuối cùng kế hoạch chiến dịch nam Tây Nguyên, trọng điểm là trận đánh quyết định vào thị xã Buôn Ma Thuột.

Sau lời khai mạc của anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), tôi được chỉ định trình bày kế hoạch chiến dịch. Kết thúc báo cáo, tôi nêu nhận định: Đây là một phương án chắc thắng nhưng có một số điểm hạn chế như: chưa tập trung đúng mức yêu cầu vào mục tiêu chính của chiến dịch là thị xã Buôn Ma Thuột vì còn phân tán 3 đơn vị lớn của ta ở nam Tây Nguyên, đơn vị thông thạo nhất, chủ lực của Tây Nguyên là Sư đoàn 10 lại đánh Đức Lập. Sư đoàn 316 mới từ Bắc vào lại đánh Buôn Ma Thuột. Sau đó, các đồng chí Trần Quý Hai, Lê Quang Đạo, Lê Trọng Tấn lần lượt phát biểu ý kiến và đều nhất trí đây là một phương án chắc thắng nhưng còn có nhược điểm cần được khắc phục.

Tổng bí thư Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng xem không quân diễn tập Hiệp đồng binh chủng (1979). Ảnh: Tư liệu

Ngày 10-3-1975, quân ta tiến công Buôn Ma Thuột. Chiều 11-3, từ mặt trận, đồng chí Văn Tiến Dũng điện về cho biết: Đến trưa 11-3, ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã và khu vực Đức Lập đến Đắc Song, đang triển khai diệt viện ở Chư Cúc, trên đường 21.

Với tâm trạng rất phấn khởi, tối hôm đó tôi sang báo cáo với anh Ba. Anh rất vui, chăm chú nghe và đồng ý với kế hoạch phát triển của Thường trực Quân ủy Trung ương và của anh Dũng. Nhưng liền sau đó, anh nhắc: “Đánh bao giờ cũng phải tập trung lực lượng cho hướng và mục tiêu chủ yếu, phải bảo đảm thật chắc thắng, nhất là đánh với bọn địch có nhiều trực thăng, chúng có thể đổ xuống một, hai trung đoàn thì ta khó khăn lắm. Đòn mở đầu chiến dịch cũng là đòn mở đầu của cuộc tổng tiến công mà gặp khó khăn, dẫu có chiếm được thị xã, mà ta thương vong nhiều thì ảnh hưởng lớn đến toàn cục. Vừa qua ta hơi phân tán đấy!...”. Chúng tôi biết anh Ba rất lo từ khi chưa nổ súng, nhưng anh bình tĩnh, tin tưởng những cán bộ trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy cũng như toàn thể anh em bộ đội tham gia chiến dịch. Chỉ tới lúc thành công rồi, anh mới nhẹ nhàng uốn nắn.

Khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng, được phép lần giở lại những bức điện “đi” và “đến” lưu tại Cục Cơ yếu, tôi mới thấy bức điện của anh Ba gửi trực tiếp cho anh Dũng, đề ngày 9-3-1975. Nội dung như sau: “Hai ngày qua, tôi không ngủ được vì các anh đánh phân tán. Ba”. Theo tôi biết, trong 55 ngày đêm, đây là bức điện duy nhất đồng chí Bí thư thứ nhất trực tiếp viết. Thường các bức điện ký tên “Anh Ba” đều do cơ quan tác chiến chúng tôi dự thảo, anh duyệt và ký tên, cơ quan tác chiến chuyển qua Cục Cơ yếu điện đi.

“Đánh, đánh, cứ đánh ngay, không chờ...”

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu từ ngày 26-4-1975. Ngày 29-4, các cánh quân trên 5 hướng sẽ đồng loạt tổng tiến công vào Sài Gòn. Tối 25-4, sau khi lần lượt báo cáo các anh Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, tôi về tới cơ quan đã gần 10 giờ đêm. Đồng chí Nguyễn Đồng Thoại, trợ lý bộ phận tình hình chung, trực ban Cục, đưa tôi bức điện tối khẩn của anh Tấn. Anh Tấn lúc này là phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía đông gồm Quân đoàn 2, Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và Quân đoàn 4. Anh Tấn điện cho Bộ chỉ huy chiến dịch, đồng thời điện cho Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ đề nghị để cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 được nổ súng vào chiều ngày 26-4, trước các hướng khác hai ngày, vì hai quân đoàn này vừa ở xa hơn các cánh khác, địa hình phức tạp, lại phải vượt sông.

Chúng tôi nghiên cứu thấy đề nghị của anh Tấn có căn cứ, hợp lý, nhưng để đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn phải tuân theo một kế hoạch thống nhất về thời gian, mục tiêu hành động và chỉ huy. Tôi quyết định đánh thức anh Văn dậy để xin ý kiến. Anh Văn đồng ý. Chúng tôi mang theo điện, bản đồ đến gặp anh Ba. Khi tới nơi thì đồng hồ đã chỉ đúng 11 giờ đêm. Sau khi anh Ba nghe xong bức điện của anh Tấn, anh Văn nói với anh Ba: “Đề nghị anh cho đánh theo điện báo của anh Tấn”. Anh Ba nói ngay: “Đánh, đánh, cứ đánh ngay anh ạ! Bây giờ không chờ nhau nữa. Lúc này, cánh quân nào thuận lợi thì cứ phát triển, càng thuận lợi cho toàn chiến dịch”. Anh Văn hỏi thêm anh Ba: “Điện trả lời ký tên anh chứ?”. Anh Ba nói: “Không, anh là Tổng Tư lệnh, cứ ký tên anh thôi”. Sau một thoáng, anh Ba nói thêm: “Nếu cần thì để cả tên tôi cũng được, hoặc nói rõ đã trao đổi với anh Ba và anh Ba hoàn toàn nhất trí”.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất chúng tôi đánh thức cả đồng chí Tổng tư lệnh và đồng chí Bí thư thứ nhất để xin ý kiến trong suốt thời gian cuộc tổng tiến công nổi dậy, mặc dầu hai đồng chí luôn dặn: “Bất kỳ ngày đêm, lúc nào cần cứ tới báo cáo”.

Trung tướng, PGS Lê Hữu Đức