 |
Các ông Lê Hùng Lâm, Nghiêm Đình Hiệp-cựu chiến binh Tây Tiến bên Tháp Lào |
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có những phương án mở rộng tầm ảnh hưởng của cách mạng đến vùng Tây Bắc và nối kết Cách mạng Việt Nam với Cách mạng Lào. Cùng với các đoàn quân Nam tiến hướng về Nam Bộ kháng chiến, các đội quân Tây Tiến đã tiến về miền Tây Bắc.
Một ngày đầu tháng 8 chúng tôi được các cựu chiến binh thuộc đoàn quân Tây Tiến năm xưa cho biết: Hội đồng ngũ Tây Tiến vừa xây dựng một đài tưởng niệm trên thị trấn Mộc Châu (Sơn La), sẽ được khánh thành vào ngày 19-8. Chúng tôi đã đến gặp Phó giáo sư Lê Hùng Lâm, nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Y tế cộng đồng tại Hà Nội để biết thêm câu chuyện. Ông gia nhập đoàn quân Tây Tiến năm 1947 khi mới 16 tuổi.
Pha Luông, Châu Mộc, Sầm Nưa… những tượng đài kỳ vĩ
Tiếp tôi trong một tâm trạng khá xúc động, PGS Hùng Lâm tâm sự: “Vậy là đã gần 60 năm kể từ ngày những thanh niên Hà Nội chúng tôi lên đường Tây Tiến. Những đồng đội xưa nhiều người đã mất, nhưng chúng tôi, những người còn sống hôm nay vẫn đau đáu một nỗi niềm thiết tha với Tây Tiến, dường như bổn phận vẫn chưa trọn vẹn với người nằm xuống khi chưa khắc bia, tạc tên những con người đã làm nên lịch sử”. Tôi thưa: “Những chiến sĩ Tây Tiến đã dựng một tượng đài trong lòng nhân dân, thưa bác. Và hình ảnh của họ sẽ mãi là những người anh hùng trong lòng thế hệ trẻ chúng cháu”. “Được vậy là thoả lòng mong ước của lớp người “cũ” chúng tôi”.
Chuyến xe tốc hành Hà Nội-Sơn La đưa chúng tôi đến Mộc Châu vào buổi chiều. Thị trấn cao nguyên đẹp một vẻ lạ thường trong miên man màu nắng. Trời cao quang đãng. Xa xa những vạt ngô, lúa, đào, mía, đậu tương… trải một thảm mịn màng trên những triền đồi lúp xúp như bát úp trên cao nguyên.
Câu thơ của Quang Dũng cho tôi một hình dung đẹp về miền đất này với: đêm hơi Mường Lát, chiều sương Châu Mộc, mùa thơm Mai Châu, mưa Pha Luông… Tôi như được chìm trong sâu thẳm ký ức của núi rừng, trong những câu chuyện kể thì thầm về bài ca người lính. Nơi nào họ đã đi qua? Nơi nào họ đã nằm lại? Hơi ấm người trong một đêm giá buốt của núi rừng như vẫn còn quanh quất đâu đây.
Đồi Nà Bó như cổ của một con bò rừng; dưới thấp, suối Nà Bó trườn quanh như thân một con rắn khổng lồ luồn mình uốn lượn. Từ xa đã thấy đài tưởng niệm Tây Tiến nằm nghiêng nghiêng trong ánh nắng chiều. Qua bảy mươi bậc quanh co, tôi nghe văng vẳng những câu chuyện của núi rừng năm xưa thì thầm kể lại - những câu chuyện về những người lính đã làm sáng miền Tây Bắc.
…A, bộ đội Cụ Hồ, các anh bộ đội về. Các anh là Việt Minh, là đồng bào của người Lào, người Thái, người Mông chúng ta… các anh cũng là những con người từng sống trong lam lũ đói khổ ở miền xuôi, các anh lên đây cùng nhân dân Tây Bắc đánh đuổi quân xâm lược.
Chuyện dài lắm! Tôi nghe có câu chuyện kể tình nghĩa keo sơn Việt-Lào. Chuyện một anh bộ đội "dãi dầu không bước nữa" đói gục xuống muốn “bỏ quên đời", may mắn thay gặp người mẹ Lào chia đôi củ mài của gia đình cho ăn. Chuyện một chị vượt qua hàng chục con dốc chạy về báo cho bộ đội “Mì lai Pha Lăng” (Có nhiều quân Pháp lắm) thì khụy xuống vì kiệt sức. Chuyện bộ đội Pa-thét Lào chiến đấu bên cạnh đoàn Tây tiến không tiếc máu xương…
Chiếc tháp Lào
Ý tưởng về một đài tưởng niệm Tây Tiến đã phải chờ mười lăm năm để trở thành hiện thực. Đài tưởng niệm được chọn đặt ở ngã ba đường quốc lộ 6 đi Pa Háng, nơi mà đoàn quân Tây Tiến tập kết quân cho mỗi lần xuất kích. Đây cũng là hậu cứ an toàn của bộ đội, được thành cao luỹ sâu của lòng dân chở che trước những trận tấn công càn quét của địch. Gọi là “đài” nhưng thực ra đó là một quần thể kiến trúc theo lối nhà bia. Ngay giữa nhà bia là tấm bia đá có khắc những lời trong thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ, chiến sĩ Tây Tiến ngày mồng 1 tháng 2 năm 1947. Tấm bia viết: “Công đức của các đồng chí, đồng bào và Tổ quốc sẽ ghi nhớ. Dưới sự điều khiển của Bộ chỉ huy Tây Tiến, các đồng chí mạnh tiến lên trên con đường vinh quang thắng lợi. Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”.
Tiên liệu của Đại tướng đã được cán bộ, chiến sĩ Tây Tiến hoàn thành xuất sắc, tạo tiền đề giải phóng Tây Bắc trong chiến dịch Lê Lợi, mở ra một vùng hậu phương lớn vững chắc làm bàn đạp cho chiến thắng Điện Biên Phủ sau này. Thắng lợi của Tây Tiến cũng góp phần tích cực giúp cho lực lượng vũ trang cách mạng Lào trưởng thành, giành độc lập.
Vì thế mà nói đến Tây Tiến, không thể không nói đến tình nghĩa keo sơn, son sắt và thuỷ chung giữa nhân dân hai nước Việt – Lào. Cựu binh Tây Tiến đã quyết định dựng một chiếc tháp Lào ngay giữa sân nhà bia tưởng niệm. Biết được câu chuyện này, đồng chí Buôn-thon Seng-khăm-my, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam, đã đề nghị được hiến tặng chiếc tháp Lào. Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn là tiến sĩ Phăn-khăm Vi-pha-văn đã gửi thư cho đại sứ đề nghị "nhường" lại vinh dự đó cho nhân dân tỉnh Hủa Phăn. Và ngay lập tức chiếc tháp Lào với yêu cầu kích cỡ của các cựu chiến binh Tây Tiến đã được thực hiện. Giữa thân tháp, một dòng chữ Lào ghi: Nhân dân tỉnh Hủa Phăn mãi mãi thương nhớ đoàn quân Tây Tiến. Và dưới chân tháp ghi hai câu thơ cuối trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Chiếc tháp được dựng trang trọng trước nhà bia, nơi có hương án ngát hương hoa bốn mùa.
 |
Cựu chiến binh Tây Tiến cùng con cháu bên chiếc bia đá ghi lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Quần thể kiến trúc, nhà bia-tháp Lào-sân chầu-bệ thờ cùng đường đá lên xuống được nhân dân tỉnh Mộc Châu xây với kinh phí là 500 triệu đồng cùng với sự đóng góp về kinh phí, vật chất của cựu chiến binh Tây Tiến và lớp con cháu. Vị trí trên đồi Nà Bó cũng là một địa danh đẹp của thị trấn. Trong đề án xây dựng thị trấn Mộc Châu thành thị xã có đề cập tới vị trí của đài tưởng niệm Tây Tiến sẽ trở thành một phần di tích-thắng cảnh trong lâm viên trung tâm của thị xã tương lai. Nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện cũng rất đồng tình với ý kiến nếu sau này thành lập thị xã Mộc Châu, con đường từ Quốc lộ 6 lên Pa Háng, đoạn đi qua đài tưởng niệm Tây Tiến, sẽ được lấy tên Tây Tiến để mãi mãi lớp con cháu sau này ghi nhớ công ơn của những người chiến sĩ đã chiến đấu cho miền quê Tây Bắc.
Khi đang viết bài này, chúng tôi nhận được một tin mừng nữa từ tỉnh Hòa Bình, đó là trong tương lai không xa sẽ có một đoạn đường trong thị xã Hòa Bình sẽ mang tên Tây Tiến, hiện tại đề án đang chờ HĐND tỉnh Hòa Bình ra quyết định.
Tây Bắc bừng sáng
Hơn 60 năm đã trôi qua sau ngày những chiến sĩ Tây Tiến đầu tiên đặt chân lên miền cao Tây Bắc. Mộc Châu đã đổi thay nhiều lắm. Từ vài chục nóc nhà của làng Nà Bó, Châu Mộc năm xưa nay đã phát triển thành thị trấn “phố núi” tươi đẹp. Đời sống nhân dân khấm khá, vào mùa thu hoạch, nông sản của đồng bào tập kết vàng ươm ven đường Quốc lộ 6. Mùa đào, mùa ngô, mùa mận… nhân dân sản xuất hàng nghìn tấn lương thực thực phẩm, buôn bán giao thương với miền xuôi phát triển nhờ hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, liên xã, liên huyện và liên tỉnh mới đã thênh thênh rộng mở.
“Đoàn tàu lên Tây Bắc” giờ đã được hiện thực hoá-đó con đường quốc lộ 6 mới mở rộng giao thương, đó cũng là con đường đưa tri thức, khoa học kỹ thuật tiên tiến lên với đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Huyện Mộc Châu hiện giờ có hai thị trấn là Mộc Châu và Thảo Nguyên, hàng ngày hàng giờ đang phát triển một cách bề thế với nhiều ngành nghề "thế mạnh" như chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Những sản phẩm từ sữa và chè ở Mộc Châu đã có được thị trường rộng lớn trong khắp đất nước. Cái tên Mộc Châu đã trở thành một thương hiệu nổi tiểng trong nước và quốc tế. Đời sống của nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Một ngày trở lại chiến trường xưa, những cựu chiến binh Tây Tiến càng thêm xúc động, bởi tượng-đài-anh-hùng trong lòng nhân dân mà chính họ là những người dày công ghi tạc đang ngày được vun đắp. Đây là lời tâm sự của em Hà Hiền Anh, dân tộc Thái, học sinh trường THPT Thảo Nguyên: "Mỗi lần đọc bài thơ Tây Tiến chúng em cảm thấy tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra. Các thế hệ người dân nơi đây sẽ mãi nhớ ơn các cụ, các bác-những người đã làm nên trang sử vàng của Tây Bắc".
Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ