Tuổi trẻ xã Tràng Xá trồng cây lưu niệm tại khu di tích

QĐND Online - Ngày 15-9, tại huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) đã diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đội Cứu quốc quân II (15-9-1941-15-9-2006), một trong những đội tiền thân của Quân đội ta. Từ sáng sớm, tại nơi đọc lời tuyên thệ thành lập Trung đội năm ấy- rừng Khuôn Mánh (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai), lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và huyện Võ Nhai, lực lượng vũ trang huyện Võ Nhai, đồng bào các dân tộc xã Tràng Xá và tuổi trẻ địa phương cùng các nhân chứng lịch sử đã làm lễ dâng hương tưởng niệm những đội viên ưu tú. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư thăm hỏi, động viên Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc và lực lượng vũ trang huyện Võ Nhai nhân dịp kỷ niệm ý nghĩa này.

“Không khổ đâu, bình thường mà”

Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai vốn giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết chống ngoại xâm, đấu tranh kiên cường bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc. Võ Nhai vinh dự và tự hào là một trong những căn cứ địa cách mạng, đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, là nơi ra đời Trung đội Cứu quốc quân II... và là nơi có thời gian Bác Hồ, Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc kỳ đã ở, hoạt động trong những ngày đầu lãnh đạo cách mạng... Tôi mong rằng, trong các giai đoạn mới của cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc huyện Võ Nhai tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương...”.

Đội Cứu quốc quân II do đồng chí Hoàng Quốc Việt tuyên bố thành lập dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng. Khi mới thành lập, Đội có 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 3 nữ, sau đó phát triển lực lượng lên 46, được biên chế thành 5 tiểu đội, trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ, đời sống vật chất vô cùng thiếu thốn. Nhưng, với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, được sự cưu mang đùm bọc của đồng bào các dân tộc, đã phát triển lực lượng để song hành với cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc.

Hầu hết các chiến sĩ đã về với đất. Con số 36 năm nào giờ chỉ còn lại 2, đang sống tại huyện Võ Nhai, đó là cụ Vi Văn Dáu và cụ Vi Thị Ngoan, hiện đã hơn 80 tuổi. Cả hai nhân chứng lịch sử này đều không còn được khỏe. Cụ Dáu, sau một thời gian dài bệnh tật giờ trí nhớ đã giảm nhiều, còn cụ Ngoan thì tai nghe rất nặng. Hỏi về thời gian hoạt động trong Đội Cứu quốc quân II, các cụ rất xúc động, không cho rằng thời ấy là gian khổ mà chỉ tiếc những đồng chí của mình đã không còn có mặt cùng các cụ trong “ngày gặp mặt” lần đầu tiên sau 65 năm.

Cụ Dáu nhớ lại, từ tháng 7-1941 đến tháng 2-1942, thực dân Pháp tìm mọi cách để tiêu diệt lực lượng Cứu quốc quân, phá căn cứ địa cách mạng hòng dập tắt ý chí cách mạng của nhân dân Võ Nhai. Chúng đốt làng, dồn dân vào trại tập trung ở Tràng Xá, Đình Cả, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng; bắt bớ, tù đày những gia đình cách mạng và có người tham gia Đội Cứu quốc quân, khiến cho nhân dân lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, chết đói, bị hành hạ chết trong lao tù và các trại. Các chiến sĩ thường xuyên phải luồn rừng, chịu thương chịu khổ nhưng được nhân dân một lòng bao bọc, giúp đỡ với niềm tin cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sẽ đi đến thắng lợi.

Còn cụ Ngoan nhớ lại những ngày muối phải bọc từng hạt trong khăn đội đầu để nuôi quân vì sợ địch “khám”, gạo phải dành từng nắm ăn độn củ rừng nhưng ai cũng quyết tâm giữ vững cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Bên cạnh việc trừng trị những tên tay sai đắc lực, còn tuyên truyền cho chúng thấy nỗi nhục mất nước, khơi dậy lòng yêu nước thương nòi, kêu gọi chúng không được bắn giết đồng bào mình mà hãy chĩa súng vào thực dân Pháp xâm lược. Những nữ chiến sĩ đã làm tốt công việc này, đã tuyên truyền, giác ngộ được một số binh lính vốn là tay sai, gây được thiện cảm cách mạng với chúng.

Cả hai cụ đều cho rằng thời ấy: “Không khổ đâu, đánh Tây thì điều đó là bình thường mà”, nên trên những khoé mắt mờ theo thời gian, một niềm tin từ 65 năm trước còn hiển hiện. Cụ Dáu, về sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từng động viên con trai mình rằng, "thời bố thiếu thốn, vũ khí đơn giản còn đánh thắng Tây thì thời con, phải kiên quyết đánh thắng Mỹ". Con trai cụ, Lê Xuân Vinh lên đường vào Nam chiến đấu và không trở về với cụ. Buồn nhớ con, giọng cụ chậm rãi: “Tiếc là nó không nhìn thấy chiến thắng như bố”. Nhà nước đã hỗ trợ cụ 15 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Ở ngôi nhà mới, cụ bảo rằng tuổi già có chén rượu, cố được vài ba lưng cơm mỗi bữa để sống thêm được năm nào vui năm đó.

“Rừng Khuôn Mánh phải xanh trở lại!”

Và Võ Nhai bây giờ, dù đời sống nhân dân chưa cao nhưng với một căn cứ cách mạng ở vùng sâu, vùng xa, nhân dân đã nỗ lực hết mình để phát triển đời sống. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào các dân tộc từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, đời sống nhân dân đã có nhiều khởi sắc. Điện lưới quốc gia đã đến với 100% xã trong toàn huyện. 5 năm nay, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) hằng năm hơn 9%, lương thực đạt 440 kg/người/năm và thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/năm.

Một lợi thế gần như bỏ bẵng với Võ Nhai, cũng như một số địa phương có căn cứ địa cách mạng, đó là rừng. Rừng ở đây, không chỉ là sự mộng mơ của thiên nhiên mà còn là cái đẹp đầy xúc động của “rừng che bộ đội” một thuở. Trong cuộc sống, sản xuất, vì cần đất canh tác, đồng bào đã phá rừng làm nương rẫy. Vì làm giàu bất chính, lâm tặc đã phá rừng không ngớt tay. Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên tâm sự với lãnh đạo chính quyền huyện Võ Nhai: “Chúng ta chưa thể có rừng như thời kháng chiến trong một sớm một chiều, nhưng phải hy vọng, phải thực hiện bằng được việc đưa rừng bạt ngàn lại như xưa. Bắt đầu từ chúng ta, đến con cháu chúng ta, phải có rừng là rừng nhất”.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, có rừng, và trong rừng đã có những gì thì phải giữ cùng năm tháng. “Rừng của ta là nơi lưu dấu những dấu chân lịch sử của những cuộc chiến đấu vĩ đại. Ta phải làm cho các di tích đẹp lên chứ đừng làm cho di tích thành phế tích. Trồng rừng, tôn tạo di tích để phát triển Thái Nguyên thành một điểm đến nữa của du lịch, đó là du lịch sinh thái lịch sử. Ta có quyền tự hào rằng lịch sử trong các khu rừng của chúng ta, sẽ song hành cùng cuộc sống của nhân dân ta trong một chiều dài phát triển kinh tế, sẽ song hành cùng con cháu ta trong những bước đường nối tiếp truyền thống cha anh. Cả rừng và cả di tích đều quan trọng như nhau. Bánh xe lịch sử không thể quay lại để mà có di tích nữa đâu, mà lịch sử thì hào hùng như thế”.

Rừng Khuôn Mánh, nơi che chở Đội Cứu quốc quân II ngày ấy hiện nay có diện tích hơn 200ha, trước đây từng là nương, là rẫy. Năm 1994, khi được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, chính quyền địa phương và nhân dân đã ý thức được ý nghĩa của khu rừng này và bắt đầu trồng lại rừng nhưng giờ vẫn còn thưa thớt, cây cối vẫn chỗ không, chỗ có. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đồng ý với đề xuất của địa phương là trồng hết cả 200ha đó thành rừng, xây ngôi nhà tưởng niệm và tôn tạo lại tượng đài, nhà bia để du khách tới đây, họ hiểu hơn vùng đất đáng khâm phục này và để con cháu lớn lên hiểu và yêu hơn lịch sử của cha ông.

Ngày 15-9, tại khu rừng này, tuổi trẻ xã Tràng Xá đã cùng trồng hai cây đa bên cạnh di tích. Các bạn hồn nhiên nói: “Giờ trồng cả khu rừng này chúng em cũng sẵn sàng. Mong những cây đa này lớn lên sẽ như những cây đa Tân Trào”. Hy vọng rằng, theo thời gian, tuổi trẻ sẽ trồng lên những "cây đa Tân Trào” trong khu rừng của cuộc đời họ.

Được biết, thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư, theo đề xuất của Tổng cục Du lịch, năm 2007, nhân sự kiện 60 năm ngày Bác Hồ và Trung ương Đảng, Quân đội trở lại ATK lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20-5-1947/20-5-2007) tại Định Hoá, Chính phủ đã quyết định tổ chức năm du lịch quốc gia với chủ đề “Về với Thủ đô gió ngàn, chiến khu Việt Bắc 2007” tại Thái Nguyên. Đây là một cơ hội vàng để Thái Nguyên có dịp đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử, văn hoá để góp phần phát triển kinh tế xã hội. Rồi đây, Khuôn Mánh cùng với bao khu rừng khác của quê hương cách mạng Thái Nguyên sẽ thức dậy chính tiềm năng quý báu của mình, tiềm năng mà không phải vùng quê nào cũng có thể tự hào có được.

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN VŨ-TRỊNH PHÚ SƠN