Bác Phạm Văn Đôn ( thứ nhất từ trái sang) đi cùng Đại tướng Đoàn Khuê và đoàn đại biểu nhân dân Hà Nội đến thăm pháo đài Láng nhân kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1996.
Pháo đài Láng là đơn vị pháo binh được vinh dự bắn những phát đại bác đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc ngày 19-12-1946 ở Hà Nội.

Cứ mỗi năm đến ngày 19-12, những chiến sĩ pháo binh lại gặp nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng thời kỳ đầu cuộc kháng chiến toàn quốc 19-12-1946.

Sáu mươi năm gặp lại

Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, từ đầu năm 2006 những người con của pháo đài Láng năm xưa đã cố tìm lại những chiến hữu cũ. Không sao tìm gặp được các bác Phạm Văn Đôn, Tô Na, Trương Thành Phao, Doãn Tuế, Nguyễn Hựu, Nguyễn Ưng Gia, Lê Văn Oanh, Nông Văn Cờ… những chiến sĩ pháo thủ đã trụ bám chiến đấu 60 ngày đêm ở các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối.

Nhiều người đã nằm xuống, yên nghỉ trên các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều bác đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 80, 90…, một số bác còn lại hoặc không có liên lạc, hoặc không có điều kiện đến gặp lại anh em.

Một số anh em vẫn tìm đến được với nhau. Họ vốn là những sĩ quan pháo binh, công binh, quân giới, thông tin, phòng không, không quân, quân y.

Năm 1996, kỷ niệm 50 năm ngày toàn quốc kháng chiến còn được gặp, nghe kể những câu chuyện chiến đấu ở pháo đài Láng của bác Phạm Văn Đôn, người đại đội trưởng pháo binh đầu tiên của binh chủng pháo đã trực tiếp ở pháo đài Láng chỉ huy các trận địa pháo chiến đấu những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; được nghe bác Phạm Văn Tá (tức Hướng), người chỉ huy đội quân tiếp đạn chiến đấu cho pháo đài Láng và mặt trận Hà Nội chuyện về những đêm vận chuyển đạn đến pháo đài.

Năm nay 2006 các bác Phạm Văn Đôn, Phạm Văn Tá cùng nhiều bạn chiến đấu khác đã vĩnh viễn ra đi. Nếu không cùng nhau ghi lại được những ngày lịch sử hào hùng đó thì không biết 10 năm sau những con người lịch sử ấy còn lại những ai?”.

Pháo đài Láng, những ngày đầu thành lập

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa đầy một tháng, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Sài Gòn rồi ở nam phần trung bộ nước ta. Đánh giá cao vai trò hỏa lực pháo binh trong chiến đấu, Quân Ủy Hội và Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng một số pháo đài ở Thủ đô Hà Nội.

Từ đầu năm 1946, một số cán bộ vừa tốt nghiệp trường quân chính Bắc Sơn như Trương Thành Phao, Nguyễn Hựu, Nguyễn Đình Ất, Trần Thái Quang, Bùi Văn Ẩm; một số cựu chiến binh ở các đơn vị pháo binh Pháp thời Pháp thuộc như Doãn Tuế, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Ưng Gia, Lê Văn Oanh, Nông Văn Cờ cùng một số chiến sĩ ở tiểu đoàn An Giao, tiểu đoàn Tiếp phòng quân Hà Nội được tập trung về Hà Nội, chuẩn bị xây dựng một số đơn vị pháo binh.

Ngày 29-6-1946, đoàn Pháo binh Thủ Đô chính thức tổ chức lễ thành lập tại trại Vệ Quốc đoàn trung ương ở số nhà 40 phố Hàng Bài, Hà Nội.

Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Quân ủy Hội, thay mặt Bộ Quốc phòng chủ trì buổi lễ.

Sau lễ, các pháo thủ hành quân về các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh. Pháo đài Láng được trang bị 2 khẩu pháo 75mm, pháo đài Xuân Canh 1 khẩu 75mm, pháo đài Xuân Tảo 2 khẩu 75mm.

Vài tháng sau pháo đài Thổ Khối được thành lập, có 2 khẩu 75mm.

Những khẩu pháo 75mm này vốn là những khẩu pháo bắn máy bay của đế quốc Pháp ở Hà Nội từ Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Anh em công nhân các nhà máy xe lửa Gia Lâm, AVIA, STAR, STAI ở Hà Nội, Trường Thi ở Vinh, Ba Son ở Sài Gòn được tập trung về “Công trường trọng pháo”, nghiên cứu sửa chữa, cải tiến những khẩu cao xạ 75mm thành những khẩu pháo có thể bắn được ở mặt đất.

Trang bị của các pháo đài lúc ấy có lẽ có một không hai trong lịch sử pháo binh thế giới. Máy đo hướng là chiếc la bàn của một thầy địa lý. Thước đo cự li là thước đo vải của một bác thợ may. Riêng pháo đài Láng có được một tấm bản đồ Hà Nội thì lại gồm hai mảnh tỷ lệ khác nhau.

Ngày 25-11-1946, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất cả 4 pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối thành lập đại đội Pháo binh Thủ Đô do đồng chí Phạm Văn Đôn làm đại đội trưởng, đồng chí Tô Na làm chính trị viên.

Ban chỉ huy đại đội đặt ở xã Nhân Chính, gần Sở Chỉ huy mặt trận Hà Nội, đóng tại Bạch Mai, thuận lợi cho việc chỉ huy trực tiếp pháo đài Láng là đơn vị hỏa lực chủ yếu của Bộ khi kháng chiến xảy ra.

Các anh Doãn Tuế, Phạm Văn Đôn, Hoàng Đình Minh, Nguyễn Ưng Gia biết tiếng Pháp đã dịch sang tiếng Việt một số tài liệu pháo binh Pháp còn giữ lại được để anh em pháo thủ học, biết cách dùng.

Kỹ sư Trần Đại Nghĩa vừa ở Pháp về cùng Bác Hồ tháng 10 năm 1946 đã đến thăm pháo đài Láng, động viên và hướng dẫn cho các chiến sĩ những điều cần thiết về pháo, chuẩn bị cho chiến đấu.

Mới qua mấy tháng học tập, các pháo thủ đã có thể dùng pháo chiến đấu.

Sẵn sàng bước vào cuộc chiến

Sáng 17-12-1946, đại đội được thông báo: Giặc Pháp đã đưa quân đánh vào nhiều nhà dân ở phố Yên Ninh, Hàng Bún, Quán Thánh, Hàng Đậu; dùng cả súng lớn bắn vào trụ sở tự vệ ở nhà Đấu Xảo (nay là Cung văn hóa hữu nghị).

Các pháo thủ pháo đài Láng vừa về vị trí trí sẵn sàng chiến đấu bên pháo thì Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đến. Đồng chí trực tiếp đi kiểm tra cả hai khẩu pháo, từng hầm đạn, hỏi tỉ mỉ việc chuẩn bị chiến đấu, các khó khăn của pháo đài đặc biệt là khó khăn về số đạn bắn quá ít. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã có kế hoạch giải quyết khó khăn về thiếu đạn chiến đấu. Ngoài ra, đồng chí đã căn dặn chi tiết những điều cần thiết về ngụy trang pháo, làm “trận địa giả” (trận địa nghi binh, đánh lừa địch) và tiết kiệm đạn khi tác chiến.

22 giờ ngày 18-12-1946, đại đội trưởng Phạm Văn Đôn được triệu tập lên Bộ chỉ huy mặt trận. Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ giao nhiệm vụ:

“Các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối luôn sẵn sàng khi có lệnh là bắn được ngay vào các mục tiêu trong kế hoạch ở thành Hà Nội, sân bay Gia Lâm, Dinh Toàn Quyền, nhà dầu Shell. Đại đội trưởng Đôn luôn có mặt ở pháo đài Láng là pháo đài sẽ được lệnh bắn đầu tiên. Sau tiếng pháo của pháo đài Láng, các pháo đài khác tiếp tục bắn”.

Trở về Láng kiểm tra lại tình hình, hội ý xong, chính trị viên Tô Na cùng một số cán bộ xuống ngay các pháo đài Xuân Canh, Xuân Tảo, Thổ Khối phổ biến mệnh lệnh của mặt trận.

Đang băn khoăn vì số đạn quá ít thì anh em dân quân Láng Trung đến báo tin vừa phát hiện một kho chứa 200 viên đạn pháo của giặc Pháp trước đây ở Gò Ma. Tiếp đó, anh em báo cáo có một đoàn tiếp tế đạn của mặt trận Hà Nội do anh Phạm Văn Tá chỉ huy đã mang theo một số đạn pháo chuyển đến.

Dân quân, nhân dân Láng, Nhân Chính được huy động chuyển số đạn ở Gò Ma và mặt trận Hà Nội vừa mang về công sự đạn ở các trận địa bắn.

6 giờ chiều 19-12-1946, anh Đôn nhận lệnh lên gặp Bộ chỉ huy mặt trận. Anh Vương Thừa Vũ chỉ thị:

“8 giờ tối nay, khi toàn bộ thành phố mất điện, tất cả các pháo đài bắn vào các mục tiêu đã chuẩn bị, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc ở Hà Nội”.

Sau khi đại đội trưởng Đôn trở về phổ biến nhiệm vụ, toàn pháo đài nhộn nhịp chuẩn bị chiến đấu.

Đây thực sự là một vinh dự lớn của đại đội pháo binh Thủ Đô.

Chỉ trong ít phút nữa pháo đài Láng sẽ được bắn những phát súng mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Toàn bộ pháo thủ chăm chú hướng về trung tâm Hà Nội, phân biệt từng khu ánh điện đã trở thành quen thuộc với từng người trong pháo đài.

Kia, vệt ánh sáng đậm bên phải rặng tre là hướng Bờ Hồ. Ở đó có Bắc Bộ phủ, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người vừa từ chiến khu về Hà Nội. Anh Tô Na đã có thời kỳ được là chiến sĩ bảo vệ Bác tại đây. Ở đó có doanh trại Vệ quốc đoàn Trung ương là nơi đã tổ chức buổi lễ thành lập đoàn Pháo binh Thủ Đô.

Khu ánh điện thưa gần cây đa đầu làng là hướng doanh trại giặc Pháp đầu thành Cửa Đông, mục tiêu bắn đầu tiên của Pháo đài Láng.

Cả hai khẩu pháo của pháo đài đã lấy mép trái của cây đa làm chuẩn để lấy hướng bắn vào mục tiêu bắn đầu tiên.

7 giờ tối. Các pháo thủ chiến đấu đều đã vào vị trí. Những pháo thủ đạn đến từng công sự, đưa đạn ra lau lại, chuyển dần ra gần pháo. Một số dân quân Láng đến bên các công sự đạn, sẵn sàng giúp việc chuyển đạn trong chiến đấu.

Việc chuẩn bị chiến đấu đã hoàn thành, chỉ còn đợi lệnh nổ súng chiến đấu.

Những phát pháo lệnh

20 giờ 03 phút. Một tiếng nổ to ở hướng nhà máy điện Yên Phụ.

Toàn bộ ánh điện trước mặt pháo đài Láng vụt tắt.

Nhận lệnh bắn, khẩu đội 1 của anh Đoan Hùng bắn trước rồi tiếp đến khẩu đội 2 của anh Bình. Ngay sau đó những tiếng pháo từ các pháo đài Xuân Tảo, Xuân Canh, Thổ Khối vang về.

Những tiếng nổ, những đám cháy lớn trong thành Hà Nội. Những tiếng reo mừng của bà con, thanh niên dân quân Láng thượng, Láng hạ tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho anh em pháo thủ.

Dân quân Láng tập trung chuyển đạn, đào thêm công sự quanh pháo đài.

Trời chưa sáng hẳn, các pháo thủ được lệnh tạm ngừng bắn.

Pháo đài còn đang ngổn ngang vỏ đạn, khét mùi thuốc pháo thì đồng chí Nguyễn Văn Trân, bí thư Đảng ủy mặt trận Hà Nội, chủ tịch Ủy ban Bảo vệ thành phố cùng một đoàn cán bộ đến trận địa pháo. Đồng chí Bí thư khen ngợi các pháo đài ta đã bắn trúng vào thành Hà Nội.

Sau đoàn Bí thư Nguyễn Văn Trân là các đoàn Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ.

Trưa 21-12-1946, đồng chí Vương Thừa Vũ đang kiểm tra pháo đài thì một máy bay giặc Pháp từ hướng Bạch Mai bay tới.

Đại đội trưởng Đôn đề nghị cho bắn. Anh Vũ đồng ý. Pháo thủ Bùi Văn Ẩm được lệnh quay nòng pháo đón hướng máy bay. Viên đạn thứ 3 vừa bắn, chiếc máy bay Mo-ran bốc cháy rơi về phía Hồ Tây.

Tối 22-12-1946, toàn pháo đài vui mừng nghe trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia đọc thư khen của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp.

Anh em pháo thủ chuyền tay nhau đọc kỹ từng dòng chữ do đồng chí Võ Nguyên Giáp viết và ký:

“Bộ trưởng Quốc phòng.

Kính gửi lời khen tinh thần của các chiến sĩ pháo đài.

Võ Nguyên Giáp”

Máy bay giặc Pháp thường xuyên đến bắn phá quanh Láng hòng tiêu diệt trận địa mấy khẩu pháo lớn đã bắn trúng vào trung tâm chỉ huy của chúng. Chúng đưa tin đã san bằng pháo đài Láng, tiêu diệt hết pháo thủ Việt Minh. Thực tế, các chiến sĩ pháo đài Láng vẫn vững vàng chiến đấu bên 2 khẩu pháo yêu quí của mình. Máy bay giặc Pháp chỉ oanh tạc vào các trận địa giả gồm mấy chiếc cối xay hỏng cùng mấy tấm cót sơn đen, cuộn tròn như nòng pháo, bên cạnh là mấy chú bù nhìn rơm.

Đáp lại lời tuyên bố huênh hoang của giặc Pháp, pháo đài Láng vẫn tiếp tục hằng ngày bắn vào các vị trí đóng quân của giặc Pháp trong Thành, nhà dầu Shell, Dinh Toàn Quyền.

(còn nữa)

ĐỖ THIỆN CHÍ