Đầu tháng 10-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đi tới nơi ở của Bác Hồ ở bản Tỉn Keo (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) để dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về đề án tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Dự cuộc họp này có Bác Hồ, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái. Khi nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình: Na-va, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ một lực lượng cơ động lớn chưa từng có trong chiến tranh Đông Dương để hòng giành lại thế chủ động. Bác Hồ ngồi nghe, thái độ bình thản, bàn tay Bác đặt ở trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Bác nói:
- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán ra thì sức mạnh đó không còn.
 |
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. |
Bàn tay Bác Hồ mở ra, năm ngón tay, mỗi ngón trỏ về một hướng.
Năm ngón tay của Bác Hồ ứng với năm đòn tiến công chiến lược trước Điện Biên Phủ. Năm đòn tiến công chiến lược ấy là:
1. Giải phóng Lai Châu bao vây Điện Biên Phủ
Ngày 10-12-1953, tiếng súng tiến công của quân ta bắt đầu nổ trên mặt trận Lai Châu. Quân địch ở Lai Châu đã cho một bộ phận rút về Điện Biên Phủ bằng máy bay từ ngày 7-12-1953. Số còn lại là hai tiểu đoàn và 23 đại đội rút theo đường bộ về tập trung ở Điện Biên Phủ.
Đại đoàn 316 có nhiệm vụ truy kích tiêu diệt quân địch rút chạy khỏi Lai Châu. Đại đoàn chia làm hai cánh quân: một cánh tiến thẳng vào giải phóng thị xã Lai Châu ngày 12-12-1953. Cánh quân chủ yếu cắt đường rút lui của quân địch tại Mường Pồn. Tại đây, liệt sĩ Bế Văn Đàn đã nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng: lấy thân mình làm giá súng để cho đồng đội tiêu diệt địch. Ngày 13-12-1953, quân ta tiêu diệt 23 đại đội địch ở Mường Pồn.
Trong khi đó, các đơn vị của ta đã bám sát bao vây quân địch mới nhảy dù xuống Điện Biên Phủ không cho chúng rút sang Lào.
Ngoài đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung binh lực lớn thứ hai của địch.
2. Giải phóng Thà Khẹt và nhiều địa phương ở Trung Lào
Đồng thời với việc chuẩn bị đánh Lai Châu, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng Pa-thét Lào mở cuộc tiến công vào hướng Trung Lào.
Đêm 21-12-1953, hai tiểu đoàn 274 và 328 thuộc Đại đoàn 325 tiến công vị trí Khăm He, diệt một tiểu đoàn Âu Phi và một đại đội pháo binh địch. Ngày 22-12-1953, quân địch ở Ba-na-phào rút chạy. Quân ta truy kích vượt sông Sê-băng-phai, tiến công địch ở Pa Cuội, tiêu diệt một tiểu đoàn địch, bắt sống 500 tên. Quân địch bỏ phòng tuyến rút chạy. Hệ thống phòng ngự của địch ở Trung Lào sụp đổ. Liên quân Lào-Việt tiến nhanh về hướng Thà-khẹt. Quân địch vội vã rút khỏi Thà-khẹt. Na-va buộc phải phân tán binh lực, tăng viện đến Xê-nô, lập một tập đoàn cứ điểm để ngăn cản các đơn vị Lào-Việt tiến xuống Hạ Lào.
Xê-nô đã trở thành nơi tập trung binh lực thứ ba của địch.
3. Giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven và thị xã A-tô-pư
Cùng một lúc với cuộc tiến công ở mặt trận Trung Lào, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 101 hành quân cấp tốc trên 300km, bất ngờ tập kích thị xã A-tô-pư tiêu diệt một tiểu đoàn địch, giải phóng thị xã này. Thừa thắng, quân ta tiến sang giải phóng toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven. Vùng giải phóng Hạ Lào nối liền với khu căn cứ Bắc Kon Tum của ta.
4. Giải phóng Kon Tum và miền Bắc Tây Nguyên
Ngày 26-1-1954, hai trung đoàn chủ lực 108 và 803 của Liên khu 5 cùng một lúc đánh 3 cứ điểm: Măng Đen, Công Pray, Măng Bút, trong đó trận Măng Đen là trận then chốt mở đầu chiến dịch. Hệ thống phòng ngự của địch ở Bắc Tây Nguyên bị phá vỡ một mảng lớn. Trung đoàn 108 tiến lên phía Bắc tiêu diệt các vị trí còn lại. Trung đoàn 803 tiến xuống phía nam uy hiếp thị xã Kon Tum. Nhiều đồn bốt của địch rút chạy. Bộ đội ta ngày đêm truy kích trên 300km, diệt Đắc Tô và giải phóng toàn bộ phía Bắc Kon Tum.
Trong lúc đó, Na-va mở chiến dịch Ắt-lăng dùng 15 tiểu đoàn định đánh chiếm tự do Liên khu 5, nhưng chúng phải ngừng hoạt động, bị động chuyển lực lượng ra chống đỡ cuộc tiến công của ta ở Tây Nguyên.
Plây-cu và một số cứ điểm ở Nam Tây Nguyên trở thành nơi tập trung binh lực thứ tư của địch.
5. Giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát Luông Pha Băng
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 lúc đầu được giao nhiệm vụ đánh thọc sâu vào trung tâm Sở chỉ huy quân địch ở Mường Thanh. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi cách đánh chiến dịch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” thì Đại đoàn được lệnh cấp tốc tiến quân về hướng Luông Pha Băng (kinh đô nước Lào) nhằm đánh lạc hướng phán đoán của địch. Nhận lệnh trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc 14 giờ 30 phút ngày 26-1-1954, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ chia đại đoàn làm hai cánh quân lập tức lên đường, tiến quân thần tốc, sau hơn 10 ngày giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu tiến sát Luông Pha Băng. Được lệnh ngừng tiến công quay về, lại thần tốc trở lại, kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đối phó với cuộc tiến công của Đại đoàn 308, Na-va vội vã tăng cường lực lượng cho Luông Pha Băng, biến kinh đô nước Lào thành nơi tập trung binh lực thứ năm của địch.
Nhìn lại sự chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ta thấy nét đặc sắc nhất và cũng là cái tinh túy nhất của sự chỉ đạo chiến lược này là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, bị động đối phó với ta. Ta tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, làm phá sản kế hoạch Na-va, tạo nên thời cơ tập trung lực lượng đánh trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, giành thắng lợi hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhớ lại trong bài thơ “Học đánh cờ” trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ sáng tác năm 1942 có câu thơ:
Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
Kiên quyết không ngừng thế tiến công
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã được thể hiện vô cùng sáng tạo trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.
Trung tướng HỒNG CƯ