Vào giai đoạn chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng công kích trong chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ), toàn bộ Bộ chỉ huy chiến dịch sôi động hẳn lên.
Đặc biệt, từ buổi tối 6-5-1954, khi hoả tiễn 12 nòng của ta bắn hàng loạt vào trung tâm tập đoàn cứ điểm của địch thì cả Sở Chỉ huy náo nức lạ thường.
Mọi người hồi hộp chờ đợi giây phút quan trọng phát nổ khối bộc phá 1.000kg - một khối bộc phá chưa từng có trong lịch sử chiến đấu của quân ta. Đây cũng là mệnh lệnh tấn công cho toàn bộ chiến dịch. 20 giờ 30 phút, tiếng nổ lịch sử tại đồi A1 được báo về. Khoảng 21 giờ, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 xung phong lên đánh chiếm đồi A1 - cứ điểm quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân địch. Lúc này mọi người trong Sở Chỉ huy đã cảm nhận được thắng lợi đang đến gần.
 |
Cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát.Ảnh tư liệu |
Sáng 7-5-1954, có nhiều dấu hiệu khác lạ từ phía địch, nhiều máy bay tiếp tế của chúng từ Hà Nội lên lại quay về mà không thả dù nữa. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Đại đoàn 312 báo cáo về Sở Chỉ huy chiến dịch có hàng trăm tên địch mang cờ trắng đầu hàng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất cẩn thận, yêu cầu kiểm tra lại và điện hỏi tất cả các đại đoàn. Tất cả các hướng, kể cả mặt trận phía Nam là Hồng Cúm cũng báo cáo có lính Pháp xin hàng.
Chừng vài phút sau, một cánh quân của Đại đoàn 312 đánh vào Sở Chỉ huy của địch và bắt sống tướng Đờ Cát. Nhận được tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phái ngay anh Cao Pha – cán bộ Cục Quân báo và anh Mai Xuân Tần – cán bộ Cục Tác chiến đến hỏi cung tướng Đờ Cát – cũng là để xác minh lại.
17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, chiến dịch toàn thắng. Toàn Sở Chỉ huy vui mừng khôn xiết, mỗi người một việc khẩn trương thực hiện. Tôi được lệnh đi ngược chiều với đoàn tù binh hàng nghìn tên da trắng, da đen… lũ lượt đi về trại giam.
Ngày hôm sau, chúng tôi được nhảy ra khỏi giao thông hào, cũng không ai ở trong hầm nữa, tất cả được đi lại tự do, không cần ngụy trang, vì giữa ta và Pháp đã thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn: Ta cho máy bay Pháp hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh để thu quân thương tật. Ngược lại Pháp không được dùng máy bay bắn phá hậu phương ta. Thật là một khoảnh khắc thanh bình đặc biệt. Rất đặc biệt, nhất là những người lính chúng tôi, tai còn ù đặc bởi tiếng pháo nổ, tiếng súng bắn, tiếng máy bay gầm rú, toàn thân đầy bùn đất, mồ hôi trộn với máu đào của đồng đội… thì mới thấy cái khoảnh khắc thanh bình này quý đến nhường nào.
Cám ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh đặc biệt của Chiến dịch đã thưởng cho chúng tôi những giây phút thanh bình hiếm có ấy.
Thiếu tướng TRẦN XUÂN THU (Nguyên cán bộ Cục Tác chiến trong Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ)