Anh hùng LLVT Đỗ Văn Chiến, một người con Công giáo Hải Hậu chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chúng tôi về Hải Hậu-một huyện ven biển của tỉnh Nam Định vào một ngày cuối tháng 4. Qua tìm hiểu được biết, đặc thù của huyện là có nhiều đồng bào theo các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Riêng đồng bào theo đạo Công giáo chiếm gần 50% dân số huyện. Hải Hậu có nhiều ngôi thánh đường, công trình tôn giáo đẹp, hiện đại, có giá trị văn hóa, tinh thần vào hàng bậc nhất Việt Nam; có nhiều giáo xứ, giáo họ, khu dân cư Công giáo toàn tòng lên đến hơn 5 nghìn giáo dân. Ý thức rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc nên trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Hải Hậu có hàng nghìn người con đã lên đường ra mặt trận, hàng trăm người đã anh dũng hy sinh, nhiều người trở thành Anh hùng LLVT, tướng lĩnh đã và đang cống hiến, phục vụ trong Quân đội...

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hải Hậu tự hào có hai chiến sĩ là người Công giáo vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là các anh: Phê-rô Nguyễn Quang Hạnh và Giu-se Đỗ Văn Chiến - lái xe Trường Sơn. Đặc biệt hành động phi thường của Đỗ Văn Chiến và chiếc xe anh lái tại chiến trường đã làm xúc động cố Nhà thơ Phạm Tiến Duật và là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời bài thơ “Xe không kính”. Bài thơ ấy sau đã được phổ nhạc thành bài hát... Những năm gần đây, Hải Hậu tiếp tục dẫn đầu nhiều phong trào, trong đó có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời - đẹp đạo”, giữ gìn tốt an ninh trật tự, hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Theo Trung tá Phạm Hồng Kỳ, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Hải Hậu: Có được thành quả đó là nhờ huyện đã thực hiện đúng chính sách hậu phương quân đội, làm tốt công tác dân vận, đặc biệt là thường xuyên quan tâm chăm lo đến công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các chức sắc, chức việc các tôn giáo. Nhiều năm qua, nhất là năm 2008, Hải Hậu luôn làm tốt công tác trên theo tinh thần dân vận, giáo dục quốc phòng của Bộ Quốc phòng và Ban Dân vận Trung ương. Cách làm của Hải Hậu thường tiến hành trước mùa tuyển quân, Ban CHQS huyện phối hợp cùng một số ban, ngành trong huyện có chuyên môn, kiến thức về tôn giáo... mở các lớp học, đối tượng chính của lớp học là các Chánh Trương, Trùm Trưởng các xứ họ - những người làm công tác mục vụ vừa trực tiếp với các linh mục, chánh xứ vừa sát với các đoàn hội Công giáo và bà con giáo dân nên thường mang lại hiệu quả rất cao. Ngoài giáo dục lòng yêu nước,

bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, quán triệt tình hình, nhiệm vụ của địa phương… huyện còn tổ chức nói chuyện thời sự, giải đáp một số thắc mắc, đả thông một số vấn đề trong khuôn khổ... Từ những kiến thức thu được qua các lớp học, các chức sắc trở về xứ họ, khu dân cư có đông giáo dân phổ biến, vận động cho đồng bào mình. Nhiệm vụ giáo dục quốc phòng – an ninh ở huyện Hải Hậu còn có ý nghĩa như một cuộc “tiền trạm” cho các đợt tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, huấn luyện dân quân tự vệ, động viên quân dự bị hằng năm trên địa bàn vùng giáo. Mặc dù yêu cầu về tiêu chuẩn ngày một cao nhưng năm 2008 và đợt 1 năm 2009 cũng là một năm thành công trong công tác tuyển quân tại vùng đồng bào công giáo Hải Hậu. Từ khâu đăng ký quản lý nguồn, đến sơ tuyển, khám tuyển, nhận lệnh và giao nhận quân... tất cả các khâu đều được huyện phối hợp tổ chức chặt chẽ, hoàn thành 100% chỉ tiêu, chất lượng trên giao.

Trung tá Phạm Hồng Kỳ và các đồng chí trong Ban CHQS huyện cho biết thêm: Năm 2009, Hải Hậu đã và đang hưởng ứng mạnh mẽ tinh thần “Năm dân vận chính quyền” của Ban Dân vận Trung ương, trong đó đặc biệt quan tâm đến giáo dục kiến thức quốc phòng - an ninh đến các chức sắc, chức việc tôn giáo. Một trong những kinh nghiệm của Hải Hậu là, khi người dân thấu hiểu và ý thức rõ về nhiệm vụ, trong đó có cả công tác quốc phòng - an ninh thì mọi sự ắt thành. Khi chính quyền gắn bó với dân, dân tin chính quyền thì mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch đều thất bại.

Bài và ảnh: VŨ THÀNH NAM