 |
Chiến sĩ quân đội Lào trên đỉnh Pa Thí |
Kỳ 1 - Viêng Xay: Thủ đô trong hang núi
Kỳ 2 - Pa Thí: Kỳ vĩ và bi tráng
Trước khi sang Lào, một đồng nghiệp của tôi từng nhiều năm làm chuyên gia cho Báo Quân đội Lào đã nói với tôi rằng: Chưa đến được Pa Thí thì coi như chưađến Sầm Nưa bởi Pa Thí kỳ vĩ và là khúc tráng ca về tình hữu nghị Lào-Việt, về tinh thần chiến đấu quả cảm, sáng tạo của Bộ đội tình nguyện Việt Nam. Giặc Mỹ đã từng thách thức rằng, nếu Việt Cộng và Lào Cộng chiếm được Pa Thí thì Mặt Trời sẽ mọc ở đằng Tây và nước biển sẽ chảy vào Lào…
Vừa đặt chân đến Sầm Nưa, nhà báo Xuân Ba, phóng viên Báo Tiền Phong đã bàn với tôi kiểu gì cũng phải cố gắng đến được Pa Thí. Đại tá nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nguyên biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có 4 năm tham gia chiến đấu ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng từng nghe huyền thoại Pa Thí nhưng chưa có dịp đặt chân đến, khi nghe chuyện cũng rất muốn được đến đây. Tuy nhiên, khi nói ý định đi Pa Thí với một số cựu chiến binh trong đoàn thì chúng tôi lại nhận được một số lời khuyên: Đến Pa Thí không đơn giản như đến một địa danh du lịch bởi bom mìn trên ấy còn rất nhiều, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đường đi Pa Thí rất khó khăn, nếu không đi bằng máy bay trực thăng thì phải leo dốc đến hơn chục km “không biết các nhà báo có đủ sức đi không”. Mặt khác, do vị trí đắc địa về quân sự, Pa Thí giờ đây vẫn do quân đội bạn quản lý, muốn lên cứ điểm Pa Thí phải có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng Lào. Thế nhưng, nhiều bác cựu chiến binh Việt Nam lại động viên chúng tôi đi bởi “Pa Thí kỳ vĩ và bi tráng lắm”.
Sau một hồi đắn đo, chúng tôi quyết định phải đến Pa Thí và nhờ Đại tá Thiều Quang Biên, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đề nghị với Bộ Quốc phòng Lào tạo điều kiện cho chúng tôi đến Pa Thí. Sở dĩ chúng tôi nhờ Đại tá Thiều Quang Biên bởi anh đã có nhiều năm công tác ở Lào, có một người bạn rất thân là cán bộ cao cấp của Quân đội Lào. Chúng tôi cũng không hiểu Đại tá Thiều Quang Biên thuyết phục thế nào mà chỉ sau ít phút, một cán bộ cấp cao của Quân đội Lào đã gọi điện cho tôi, chấp thuận để chúng tôi đi Pa Thí. Đồng chí này cũng cảnh báo cho chúng tôi sự nguy hiểm trên đường đến Pa Thí và đề nghị chúng tôi chọn một trong hai phương án: Một là, đi ô tô vượt 600km đường từ Sầm Nưa về Viêng Chăn, Bộ Quốc phòng Lào sẽ bố trí một máy bay trực thăng đưa các nhà báo Việt Nam đến Pa Thí. Hai là, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn sẽ cho ô tô và cán bộ dẫn đường đưa đến chân núi Pa Thí, sau đó các nhà báo sẽ phải leo lên đỉnh Pa Thí. Chúng tôi quyết định chọn phương án hai vì vừa đỡ tốn kém cho bạn, vừa tiết kiệm thời gian đi về Viêng Chăn.
Vì đường đến Pa Thí rất xấu, nên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn đã phải nhờ đến chiếc xe đặc chủng của UBND tỉnh Hủa Phăn và anh tài xế lão luyện của UBND tỉnh tên là Phon Xay đưa chúng tôi đi. Trung úy Bua Thăn Phon, to khỏe như lực sĩ, trợ lý tuyên huấn của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hủa Phăn được giao nhiệm vụ “giúp các nhà báo Việt Nam leo núi”.
 |
Đường lên Pa Thí |
Xuất phát từ Sầm Nưa lúc 7 giờ 30 phút sáng, vậy mà phải đến quá trưa, chúng tôi mới vượt được khoảng 70km, đến được chân núi Pa Thí. Trên đường đi, nhiều lần chúng tôi phải sửng sốt ngạc nhiên trước một loài cây nở hoa đẹp tuyệt trần mà cả anh Phon Xay và Trung úy Bua Thăn Phon không biết tên. Cây này giống như cây đào của Việt Nam nhưng hoa thì đỏ hơn và nhiều hoa hơn. Trông xa cứ như những nét vẽ của họa sĩ tài ba trên nền rừng xanh thẳm. Trung úy Bua Thăn Phon gợi ý với một đơn vị bộ đội Lào đứng chân tại chân Pa Thí cho chúng tôi ăn cơm rồi leo núi. Thế nhưng, đồng chí chỉ huy đơn vị lại khuyên chúng tôi, hãy leo núi đi rồi mới ăn cơm vì “ăn cơm rồi thì không thể leo núi ngay được”. Đồng chí chỉ huy đơn vị còn cử một sĩ quan khỏe, trẻ và thạo tiếng Việt là Đại úy Voong Púa dẫn chúng tôi đi. Voong Púa là người Mông, từng có thời gian học tập ở Việt Nam, rất thông thuộc địa hình Pa Thí. Trước khi hành quân lên đỉnh Pa Thí, Đại úy Voong Púa “quán triệt” chúng tôi rất kỹ về “kỷ luật hành quân”, đặc biệt là phải đi theo lối mòn vì “mìn, đạn trên ấy sót lại còn nhiều lắm”.
Đứng từ dưới nhìn lên, đỉnh Pa Thí cao ngút tầm mắt, vách đá dựng đứng. Đại úy Voong Púa nói với chúng tôi rằng, đỉnh cao nhất của Pa Thí là 1.768 mét so với mực nước biển. Đường lên đỉnh Pa Thí chỉ có một lối đi an toàn duy nhất do công binh Mỹ chém vào đá tạo nên, nhưng lối đi này cũng dựng đứng. Voong Púa kể rằng, thấy được vị trí lợi hại của Pa Thí, Mỹ đã xây dựng trên đỉnh Pa Thí một cứ điểm quân sự mạnh từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Trên đỉnh của Pa Thí, chúng lắp đặt một đài ra-đa TACANA hiện đại có khả năng phát hiện hoạt động lên xuống của máy bay từ tất cả các sân bay ở miền Bắc Việt Nam. Với “con mắt thần” đài ra-đa Pa Thí, tất cả đường bay của bọn giặc lái Mỹ gây tội ác ở miền Bắc Việt Nam và vùng giải phóng Bắc Lào đều được điều khiển một cách chính xác, đặc biệt là các máy bay bay thấp, máy bay thả biệt kích vào Bắc Lào và miền Bắc Việt Nam. Để bảo vệ “con mắt thần” này, ngoài lính Mỹ cùng bộ phận kỹ thuật ở tầng trên đỉnh, một lực lượng phỉ thiện chiến của Vàng Pao gồm 2.500 tên đóng ở nhiều tầng, lớp khác nhau bao bọc lót căn cứ. Trên đỉnh Pa Thí khá bằng phẳng, có hai sân trực thăng và máy bay hạ cất cánh liên tục cung cấp đạn dược, đồ ăn thức uống cho bọn Mỹ và phỉ đồn trú.
Trên con đường độc đạo đến đỉnh Pa Thí, thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những chiếc hang nhân tạo, trong đó vẫn còn nguyên súng đạn Mỹ để kiểm soát gắt gao những động thái thay đổi trên con đường mòn này. Với việc bố trí chiến lược như vậy, giặc Mỹ đã từng thách thức rằng, nếu Việt Cộng và Lào Cộng chiếm được Pa Thí thì Mặt Trời sẽ mọc ở đằng Tây và nước biển sẽ chảy vào Lào…
Ban đầu, tất cả chúng tôi còn hăm hở bám theo sau Đại úy Voong Púa, Trung úy Bua Thăn Phon, nhưng dần dần, cứ đi được một quãng, Voong Púa và Bua Thăn Phon lại phải dừng lại để chờ và kéo chúng tôi lên. Càng lên cao, đường càng khó đi, có những đoạn phải leo bằng thang sắt. Bên con đường độc đạo này là ngổn ngang xác đạn và có cả mìn chưa nổ. Trước khi leo núi, vì trời rét căm căm nên ai cũng mặc áo đơn, áo kép, nhưng đi một quãng thì bỏ áo khoác, sau đó là tụt áo len… Đại tá nhà thơ Nguyễn Đức Mậu dù đã rất cố gắng, nhưng cũng phải dừng lại ở lưng chừng. Nhà báo Xuân Ba cũng phải nhờ Voong Búa đeo hộ cái máy ảnh. Chỉ còn tôi là “tự lực cánh sinh” leo núi. Leo núi như vậy, nhưng Voong Púa vẫn như đi trên đường nhựa, vừa đi, anh còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện bộ đội Pa-thét Lào và bộ đội Việt Nam đánh Mỹ ở Pa Thí.
... Mùa khô năm 1967- 1968, lực lượng Lào - Việt tham gia tấn công cứ điểm Pa Thí gồm 2 tiểu đoàn chủ lực của quân đội cách mạng Lào và một tiểu đoàn bộ đội địa phương Lào. Phía Việt Nam có 2 tiểu đoàn Quân tình nguyện và một đơn vị đặc công của Quân khu Tây Bắc. Lần đầu tiên, Không quân Việt Nam chi viện cho mặt trận Bắc Lào hai chiếc máy bay ném bom.
Để chuẩn bị cho trận Pa Thí, Trung đoàn Công binh 217 của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã điều nghiên tỉ mỉ để tìm cách mở đường cho quân ta tiềm nhập, cả đường cho bộ binh, xe tăng và pháo lớn.
 |
Xác máy đào công sự của Mỹ trên đỉnh Pa Thí |
Nghe Đại úy Voong Púa kể, tôi lại nhớ đến ý kiến của một cựu chiến binh Việt Nam nói trên xe từ Hà Nội sang Sầm Nưa rằng, từ năm 1965 đến 1969, Trung đoàn Công binh 217 đã có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ ngã xuống trong các trận lớn nhỏ và hơn 1.000 thương binh... Bất giác, tôi chợt hỏi, không biết còn bao nhiêu hài cốt liệt sĩ Việt Nam ở mảnh đất thiêng này?
Bộ đội đặc công của ta và của bạn bắt đầu tiềm nhập từ 17 giờ ngày 7-3-1968, cho đến 11-3 mới đến vị trí xuất phát tiến công theo hướng mà quân đội Mỹ không thể ngờ tới, đó là hướng vách đá dựng đứng và lập tức chuyển sang đồng loạt tiến công các mục tiêu chủ yếu (như trạm dẫn đường, sở chỉ huy, sân bay, v.v..); sau đó chuyển sang đánh lấn các mục tiêu khác dưới sự chi viện của không quân và pháo binh. Kết quả ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 872 tên trong đó có tên thiếu tá Mỹ chỉ huy trưởng và một số cố vấn, nhân viên kỹ thuật đài radar TACANA, làm tan rã 3 đại đội, bắn rơi 10 máy bay, thu 300 súng, giải phóng 10 xã gồm hơn 1 vạn dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư khen cho Liên quân Lào - Việt dự trận Pa Thí. Trận Pa Thí là một trận chiến đấu thành công tiêu biểu nhất của sự phối hợp ăn ý giữa quân đội Việt Nam và quân đội Lào trên một địa hình cực kỳ hiểm trở.
Leo mãi rồi cũng đặt chân đến đỉnh Pa Thí. Những cái bắt tay tíu tít của bộ đội Lào trên chốt làm chúng tôi hồi sức rất nhanh. Nhà báo Xuân Ba cứ tiếc rẻ cho nhà thơ Nguyễn Đức Mậu không leo được lên đỉnh bởi “Trên này tuyệt quá”. Trung úy Bô Tha, 36 tuổi, Phó đại đội trưởng phụ trách chốt trên đỉnh Pa Thí cho chúng tôi biết: Trước kia hằng tuần, tại đây có máy bay lên thẳng tiếp tế, sau thấy tốn kém nhiêu khê nên anh em đảm trách luôn công việc đó và cũng là một cách để rèn luyện. Lâu ngày thành quen.
Nhà báo Xuân Ba tha thẩn bên những viên đạn cối, pháo mà bộ đội Lào khuân về bày đầy trên những mỏm nhọn của đá tai mèo nom như thứ tượng đài kỳ dị. Anh thực sự ngạc nhiên trước một quả bom tấn, nay bửa đôi để… trồng rau. Khu vực đặt ra-đa của Mỹ giờ vẫn còn một số thiết bị hỏng, cạnh đó là xác một chiếc máy bay và gần như nguyên vẹn một cỗ máy đào công sự của Mỹ.
Đứng trên đỉnh Pa Thí, chúng tôi nhìn xuống đường ô tô chỉ như một sợi lạt. Chúng tôi không hiểu bằng cách nào mà bộ đội đặc công Việt Nam có thể leo lên theo những dốc đá dựng đứng như vậy được. Có thể họ đã dùng thang dây? Đại úy Voong Púa đặt giả thiết.
Trung úy Bô Tha cho biết những ngày trời quang mây tạnh, dùng mắt thường cũng có thể nhìn thấy cả rặng núi đá tận Na Mèo biên giới Việt - Lào.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ
Kỳ sau: Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi