Các "hướng dẫn viên nhí" luôn gần gũi, thân mật với khách tham quan ở khu di tích Mường Phăng

Đến thăm khu di tích căn cứ Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, thật lòng lúc đầu tôi cảm th?y không thoải mái lắm khi có mấy cậu bé trên dưới 10 tuổi, vai đeo túi thổ cẩm, tay cầm các túi ni-lông đựng một số “củ, quả, rễ, lá cây thuốc nam” đi theo mình và miệng léo nhéo đề nghị mua cho. Chỉ sau khi tôi bảo: "Nhà chú có nhiều thuốc nam rồi, chú không mua đâu”, thì các cậu bé mới không “rao mua” nữa. Đi được một đoạn, một cậu bé giới thiệu với tôi:

- Chú à, đây là con đường vào Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây Tổng Tư lệnh- Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng làm việc và trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng.

Cứ nghĩ cậu bé này "giả vờ" lên giọng thuyết minh với ý "nịnh" để tôi mua cho gói thuốc nam, nên tôi ra vẻ không để ý đến. Nhưng vừa đi, cậu bé vẫn tiếp tục nói sôi nổi:

- Sở chỉ huy này nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, ẩn mình dưới rừng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Với lòng ngưỡng mộ, kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà con nhân dân xã Mường Phăng gọi thân mật khu rừng này là "Rừng Đại tướng".

Điều làm tôi bất ngờ và thú vị là đến điểm di tích nào, miệng cậu bé luôn nói vanh vách địa điểm lịch sử của di tích đó. Đến địa điểm chòi canh gác số 1, cậu bé nói: “Nơi đây là chốt tuần canh việc ra vào sở chỉ huy để giữ gìn sự an toàn, bí mật cho các đồng chí lãnh đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ”. Khi đến trước cửa hầm xuyên núi, cậu bé lại nhanh miệng: “Đây là hầm xuyên núi với chiều dài 96m, nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Trong hầm của Đại tướng có bàn làm việc, giường nằm, lỗ thông hơi. Hầm của Đại tướng hiện nay không còn nguyên vẹn như xưa, vì năm 2003 địa phương đã trùng tu, tôn tạo hầm với phần trên là bê tông giả gỗ, bên dưới là xi măng giả đất”. Lúc đến lán ăn của hầm Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, cậu bé khác tiếp tục nói hào hứng: "Chú ạ, còn chính tại nơi này, các cụ đã tổ chức ăn mừng sau khi chiến dịch toàn thắng. Các cụ đã cho mổ một con trâu, dân làng góp gạo để làm bánh cuốn. Người già kể lại rằng, buổi ăn mừng diễn ra trong không khí ấm cúng, thân tình như ngày xưa tướng sĩ "một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào".

Lời nói trôi chảy, câu từ khá nuột nà, trau chuốt, tôi không khỏi ngạc nhiên trước "kho tư liệu lịch sử" được phát ra từ miệng các cậu học trò. Tôi hỏi cậu bé:

- Cháu tên là gì, đang học ở đâu?

- Dạ, cháu là Lò Văn Thắng, dân tộc Thái, hiện đang là học sinh lớp 6D- Trường trung học cơ sở xã Mường Phăng.

- Ai bồi dưỡng cho cháu những nội dung thuyết minh vừa rồi?

- Ngoài việc đọc trên sách báo và học lịch sử, chúng cháu thường đi cùng các đoàn khách tham quan, thấy lời của cô hướng dẫn viên chuyên nghiệp nói vậy nên đã học theo và dần dần thuộc lòng.

- Thế bao nhiêu người có khả năng nói lưu loát, thành thạo như cháu?

- Khoảng chục người, chú ạ!-Lò Văn Ơn, cậu học trò lớp 9 là người lớn nhất trong đám trẻ, nhanh nhảu đáp.

Đã từng đi tham quan một số nơi, tôi cũng như bao du khách không khỏi phiền lòng, thậm chí có lúc bực mình trước tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch "dai như đỉa" của những người bán hàng rong địa phương, trong đó có cả những đứa trẻ. Nhưng lần này đến tham quan khu di tích Mường Phăng, tôi thấy lòng mình ấm áp hơn khi bắt gặp những ánh mắt trong trẻo, giọng nói chân thật và tình cảm thân tình của các cậu bé dân tộc Thái xã Mường Phăng. Không những thế, nhờ việc “đưa đường, dẫn lối" vào từng điểm di tích và những lời thuyết minh khá am tường, hồn nhiên, gần gũi của các em đã giúp tôi hiểu hơn giá trị lịch sử của khu di tích này.

Có thể những cậu bé như Thắng, Ơn... chưa hiểu hết tầm vóc thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhưng trong tâm hồn tuổi thơ của các em luôn ánh lên niềm tự hào sâu sắc về quê hương Điện Biên Phủ, về khu "Rừng Đại tướng", nên các em đã tự nguyện làm "hướng dẫn viên" cho khách tham quan ở Mường Phăng. Sự nhiệt tình, sôi nổi của các em đã làm tươi mới, sinh động thêm hành trình khám phá Mường Phăng của du khách và để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm trí.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI