QĐND Online - Hưng Hóa xưa, ngày nay bao gồm: một phần của tỉnh Phú Thọ cùng các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu... Theo Đại Việt địa dư của Phương đình Nguyễn Văn Siêu, Hưng Hóa là đất Tân Hưng xưa, thời Bắc thuộc là đất Nam Trung; đời Lý là đất Lâm Tây, Đăng Châu; đời Trần gọi là đạo Đà Giang, năm Quang Thái đổi là trấn Thiên Hưng. Thời thuộc Minh là châu Gia Hưng, châu Quy Hóa. Đời Lê, Lê Thánh Tông chia đất nước thành 12 đạo thừa tuyên, trong đó có Hưng Hóa thừa tuyên. Đời Nguyễn Hưng Hóa thừa tuyên, về hành chính chia làm 3 phủ, 4 huyện, 17 châu là:

Phủ Gia Hưng một huyện, 6 châu: Thanh Xuyên huyện (29 sách, 8 động, Phù Hoa châu (4 động), Mộc Châu (3 sách, 21 động), Mai Châu (4 động), Việt Châu (4 động), Thuận Châu (4 động).

Phủ Quy Hóa 3 huyện, 2 châu: Văn Chấn huyện (33 trang, 7 sách, một động), Yên Lập huyện ( 6 xã, 17 sách, 4 động), trấn Yên huyện ( 33 trang, một châu, 2 sách), Văn Bàn Châu (39 động), Thủy Vĩ Châu (11 động).

Phủ An Tây 10 châu: Luân Châu (6 động), Lai Châu 11 động), Quỳnh Nhai (5 động), Chiêu Tấn (10 động), Song Lộc (4 động), Tuy Phu (2 động), Hoàng Nham (4 động), Hợp Phì (4 động), Khiêm Châu (3 động), Lê Tuyền (4 động).

Đây là vùng đất có núi cao (dãy Hoàng Liên Sơn), vực sâu, sông lớn (sông Mã, sông Đà, sông Thao), với vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong việc phòng thủ đất nước về hướng Tây Bắc. Từ xưa đến nay, Hưng Hóa được coi là nơi đất thiêng để thử tài các danh tướng trong việc dẹp thù trong, giặc ngoài.

Thời Trần, năm 1329, giặc Ngưu Hống cùng Đạo Mật làm phản, chiếm cứ cả vùng Đà Giang, thả sức cướp bóc dân lành. Chúng còn âm mưu cướp Hoài Trung nữa. Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) quyết thân chinh đi đánh dẹp. Trần Khắc Chung can rằng: “Đà Giang vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không lợi cho việc hành quân”. Thượng Hoàng nói: “Trẫm là cha mẹ dân. Nếu sinh dân mắc phải cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ, lợi hại hay sao?”. Chiến dịch đại thắng, uy danh Thượng hoàng vang dội, giặc chạy tan cả.

Thời Lê, Đèo Cát Hãn là tù trưởng ở vùng Lai Châu ngày nay, câu kết với các tù trưởng quanh vùng chiếm cứ miền Tây Bắc. Tháng 1 năm 1432, Lê Lợi sai Quốc vương Tư Tề và tướng Lê Sát đem quân đánh dẹp. Sau đó, Lê Lợi đích thân cầm quân lên tiếp ứng. Quân đội triều đình được nhân dân ủng hộ, chẳng bao lâu đánh tan được quân bạo loạn. Trên đường rút quân về đến Chợ Bờ (tỉnh Hòa Bình), với cảm hứng hào hùng vừa dẹp xong loạn, lại đứng trước vẻ đẹp hùng tráng của núi sông, Lê Lợi viết bài thơ ghi công. Bài thơ được được khắc vào vách núi Hào Tráng bên sông Đà với nội dung: “ Ngại gì hiểm trở, đường xa/Gan già vẫn sát, lòng già vẫn son/Chí này san phẳng núi non/Nghĩa này quét sạch ngàn cơn mây mù/Biên phòng năm liệu, mười lo/ Sao cho xã tắc muôn thu thái hòa”.

Thời Nguyễn, những năm 70 của thế kỷ XIX, tình hình Bắc Kỳ rối ren do giặc Tàu Ô, “giặc khách” quấy nhiễu ở mạn biên giới Hưng Hóa. Được sự điều động của triều đình Huế, Nguyễn Quang Bích cùng một số quan võ như Tôn Thất Thuyết, Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm, Lê Tuấn, Bùi Viêm ra Bắc tiễu trừ các lực lượng chống đối, quấy phá. Với những công trạng tiễu trừ “giặc khách”, Nguyễn Quang Bích mở đầu và đi vào sự nghiệp đánh giặc, giữ nước. Và khi giặc Pháp đánh thành Hưng Hóa năm 1833, thì ông trở thành một ngọn cờ quy tụ lực lượng yêu nước chống Pháp không chỉ ở Hưng Hóa thừa tuyên mà khắp vùng Tây Bắc. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi từ trần mấy tháng, Nguyễn Quang Bích đã dặn lại con cháu: “Ta đã đem thân hứa quốc không cần người đi lại thăm nom vô ích; sau này, nếu có nhớ đến ta, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa mất làm ngày giỗ ta”. Lời dặn đó khẳng định sự gắn bó máu thịt của Nguyễn Quang Bích với Hưng Hóa thừa tuyên- mảnh đất ông đã gắn bó máu thịt trong 8 năm (1876-1884). Trong chống giặc, khi thành còn, ông trèo lên Kính thiên đài ý muốn noi gương các bậc nghĩa liệt sống chết với thành. Khi thành mất, ông thực sự bước vào một giai đoạn: “ Nếu mà thắng, mà sống là nghĩa sĩ của triều đình; nhưng chẳng may mà thua, mà chết thì cũng là quỷ thiêng giết giặc”.

Trong kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hưng Hóa thừa tuyên nói riêng, miền Tây Bắc nói chung thường xuyên được đặt vào vị trí chiến lược then chốt, có ý nghĩa quyết định vận mệnh cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Đây là một địa bàn chiến lược mà cả ta và địch đều phải cố chiếm giữ. Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu gắn liền với tài trí và mưu lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường quyết chiến thắng quân xâm lược của những anh hùng vô danh và có danh là bộ đội, dân công trong chiến dịch. Nói Hưng Hóa là đất thiêng thử tài các danh tướng là như vậy.

HÀ THÀNH