QĐND - Đại tá Cựu chiến binh Hoàng Minh Phương, nguyên Trưởng khoa Lý luận chung – Viện Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng), nguyên Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, là người có hơn 27 năm (1950-1977) làm trợ lý cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (trong khoảng thời gian ấy, ông có một số năm được điều đi chiến đấu ở chiến trường để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn). Ông tâm sự rằng, cuộc đời ông thật may mắn và vinh hạnh được gần gũi, giúp việc Đại tướng Tổng Tư lệnh trong khoảng thời gian dài. Ông học hỏi được ở Đại tướng rất nhiều điều mà cho đến nay, dù đã 85 tuổi, ông vẫn coi Đại tướng là người thầy vĩ đại của cuộc đời mình.
Học phong cách của một nhà báo lớn
Chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở quận 11, TP Hồ Chí Minh. Đại tá Hoàng Minh Phương vẫn khỏe và minh mẫn. Ông cho biết, sau khi rời cương vị trợ lý cho Đại tướng từ năm 1977 đến nay, ông vẫn thường xuyên dành thời gian ra Hà Nội thăm và chúc thọ Đại tướng. Nhiều lần Đại tướng tiếp khách quốc tế có liên quan đến khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, ông lại ra Hà Nội giúp việc cho Đại tướng như ngày xưa. Với ông, Đại tướng mãi mãi là người thầy lớn, người thủ trưởng gần gũi, Đại tá Hoàng Minh Phương nói:
- Giúp việc cho Đại tướng Tổng Tư lệnh có nhiều trợ lý, mỗi người phụ trách một lĩnh vực. Nhiệm vụ của tôi là giúp Đại tướng viết luận văn quân sự, chấp bút các bài viết của Đại tướng đăng trên các báo, tạp chí; thực hiện các công trình nghiên cứu tổng kết chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam v.v.. Trong lĩnh vực này, Đại tướng là một nhà khoa học quân sự toàn năng, một sử gia uyên bác, một nhà báo tài năng.
Khi chúng tôi đề nghị được tìm hiểu sâu hơn về những kỷ niệm của ông với Đại tướng Tổng Tư lệnh ở khía cạnh làm báo, Đại tá Hoàng Minh Phương cho biết, công việc của ông khi giúp việc cho Đại tướng liên quan rất nhiều đến quy trình đọc, nghiên cứu tài liệu, xâm nhập thực tiễn, thể hiện bài viết. Các bài viết của Đại tướng đăng trên các báo, tạp chí đều là những tác phẩm có giá trị to lớn, mang tính chỉ đạo, định hướng quan trọng nên Đại tướng chỉ đạo thực hiện hết sức sâu sát, tỉ mỉ. Đại tá Hoàng Minh Phương kể:
- Tôi học hỏi được từ Đại tướng rất nhiều, từ việc lên ý tưởng cho một bài viết đến lập đề cương, nghiên cứu tài liệu, thu thập thông tin từ thực tiễn... cho đến cách thể hiện một bài báo hoàn chỉnh. Đại tướng có tài thiên bẩm kết hợp với quá trình tự học, rèn luyện bản thân nên trong con người Đại tướng, luôn luôn có sẵn phẩm chất của một nhà báo bậc thầy. Gần gũi Đại tướng, tôi thấu hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đại tướng. Võ Nguyên Giáp bắt đầu viết báo từ thời còn là học sinh của Trường Quốc học Huế với bài viết bằng tiếng Pháp “À bas le tyran du lycée” (Đả đảo tên độc tài Trường Quốc học). Từ năm 1927, Võ Nguyên Giáp viết cho tờ báo Dân Việt của cụ Huỳnh Thúc Kháng với bút danh Vân Đình. Giai đoạn 1936-1939, Võ Nguyên Giáp tham gia Ủy ban hành động nửa hợp pháp của Đảng, đấu tranh trên mặt trận báo chí, giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Giai đoạn này Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Trường Chinh đã viết cuốn sách “Vấn đề dân cày”.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ân cần trò chuyện với người trợ lý cũ trong lần Đại tá Hoàng Minh Phương ra thăm Đại tướng gần đây. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Tham gia làm báo từ sớm, gắn liền với cuộc trường chinh của phong trào cách mạng của Đảng nên Đại tướng luôn có tư duy của một nhà báo lớn với cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, lập luận chặt chẽ, sắc sảo, logic, khả năng khái quát và tổng hợp vấn đề rất cao. Đại tướng rất chú trọng và thường xuyên nhắc nhở chúng tôi chú ý công tác bám cơ sở, gần gũi nhân dân, bộ đội. Đại tướng coi đây là yêu cầu bắt buộc để ra các quyết định chỉ đạo sát thực tiễn. Tôi học được phong cách làm việc của Đại tướng, thể hiện tầm tư duy của một nhà khoa học, sự nhanh nhạy trong nắm bắt và xử lý thông tin của một nhà báo lớn. Trước khi viết một đề tài nào đó phải tư duy rất kỹ, khái quát vấn đề tổng thể, lên đề cương sơ bộ sau đó đi sâu vào từng chi tiết.
Một kỷ niệm nhỏ với Đại tướng
Đại tá Hoàng Minh Phương nói rằng, hơn hai mươi năm giúp việc Đại tướng, ông không nhớ hết mình đã giúp Đại tướng thực hiện bao nhiêu bài viết, công trình nghiên cứu, song có những bài viết gắn với những kỷ niệm sâu sắc thì mãi mãi không thể nào quên được. Đại tá Hoàng Minh Phương kể về một trong những kỷ niệm sâu sắc ấy:
“Tháng 9-1960, nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, Đại tướng yêu cầu tôi lập đề cương để thực hiện bài viết “Những kinh nghiệm lớn của Đảng ta về lãnh đạo đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng”. Thời kỳ này Đại tướng kiêm rất nhiều trọng trách: Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ… cho nên cường độ làm việc của Đại tướng rất lớn. Hầu như không còn thời gian trống. Đại tướng nói ý tưởng, khái quát vấn đề một cách tổng thể, tôi bám vào đó xây dựng đề cương và chấp bút. Ban ngày Đại tướng bận rất nhiều việc nên việc viết bài phải thực hiện ban đêm tại nhà của Đại tướng. Tôi viết đến đâu, Đại tướng đọc, sửa chữa, bổ sung đến đó. Có nhiều đoạn tôi không viết được hoặc viết đi viết lại vẫn chưa đạt yêu cầu thì Đại tướng trực tiếp viết vào bản thảo luôn. Những phần tôi viết, khi sửa, Đại tướng không chỉ chú ý về nội dung mà còn góp ý, sửa chữa cả lời văn. Văn của Đại tướng rất mạch lạc, ngắn gọn, khúc chiết. Đọc văn của Đại tướng rất khó tìm thấy chữ thừa. Đại tướng còn hướng dẫn tôi cách sử dụng các ký hiệu của người biên tập khi biên tập các bài viết. Đây là những vấn đề thuộc nghiệp vụ của người làm báo mà Đại tướng rất rành rẽ. Mấy đêm liền hai thầy trò thức đến 1 giờ 30 phút sáng. Tầm nửa đêm, bác đầu bếp lại mang lên cho mỗi thầy trò một tô phở. Đêm hôm đó vào thứ 7, tôi mệt quá ngủ thiếp đi, đến sáng hôm sau không đủ sức làm việc nữa. Đại tướng cho gọi bác sĩ của Bệnh viện 354 đến tiêm cho hai thầy trò hai mũi thuốc trợ lực để tiếp tục công việc. Cũng vì cường độ làm việc quá lớn nên cuối năm 1961, đầu năm 1962, Đại tướng bị bệnh nặng do mất ngủ quá nhiều.
Đến nay, các nhà xuất bản đã in ấn và phát hành hàng trăm tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bao gồm các luận văn về Tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối quân sự của Đảng, về nền khoa học quân sự Việt Nam, về Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, về Chiến tranh nhân dân đất đối không, Chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, về Võ trang quần chúng cách mạng đi đôi với xây dựng Quân đội nhân dân, về Chiến thắng Điện Biên Phủ..., cùng các tập hồi ký từ thời kỳ đầu thành lập Quân đội đến khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, về các đề tài kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật... Với lượng tác phẩm đồ sộ ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà Chính trị, nhà Quân sự, nhà Kinh tế, nhà Văn hóa, Giáo dục, nhà Khoa học, nhà báo, nhà Lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Những năm tháng được gần gũi, giúp việc Đại tướng đã giúp tôi tu dưỡng, rèn luyện, trưởng thành. Chúng tôi học hỏi và chịu ảnh hưởng từ Đại tướng phong cách nói, viết, lập luận, diễn đạt một vấn đề theo tư duy lô-gíc, chặt chẽ, sắc sảo và dễ hiểu. Đại tướng cũng tâm sự với chúng tôi rằng, đó là những điều Đại tướng học được từ Bác Hồ”.
Phan Tùng Sơn