Nhà nông học Trần Lệ từng có những năm tháng phục vụ quân ngũ, sau đó được cử đi đào tạo chuyên ngành công nghệ sinh học ở nước ngoài. Tốt nghiệp, ông về công tác tại Viện khoa học Việt Nam (nay là Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia), chuyên nghiên cứu, tạo ra các giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn rất say mê, yêu nghề. Nhiều năm sống, công tác, nghiên cứu khoa học tại Đà Lạt (Lâm Đồng), ông vẫn luôn ấp ủ mong muốn đưa những giống hoa quý, rau “đặc sản” của thành phố cao nguyên ra các tỉnh phía bắc. Sau hơn 7 năm tìm tòi, nghiên cứu ở nhiều tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Vĩnh Phúc… và ông đã thành công bước đầu trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ.

Ông Trần Lệ (bên phải) giới thiệu giống hoa ly được ươm trồng, phát triển tốt tại Mường Phăng (Điện Biên).

Đặc biệt, từ lần được gặp, trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (cuối năm 2005), ông đã quyết định chọn Điện Biên làm nơi “lập nghiệp” mới, chuyên ươm trồng những giống hoa quý, rau quả có giá trị kinh tế cao, mặc dù tại Đà Lạt, gia đình ông đang có một trang trại khá bề thế. Khi biết nhà nông học có ý tưởng đầu tư dự án trồng các loại hoa, rau Đà Lạt tại Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ủng hộ, khích lệ và căn dặn: “Nếu tạo được giống hoa lan quý, hãy đặt tên là lan Mường Phăng”. Đến giờ, câu nói đó cũng là động lực để ông say mê nghiên cứu, tạo ra những giống hoa mới, độc đáo tại Mường Phăng, vươn tới mong muốn giản dị là: Sau khi về thăm khu rừng-Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng, du khách sẽ ngồi lại bên hồ Pá Khoang ngắm cảnh “non nước hữu tình”, thưởng thức mùi hương nhè nhẹ của rừng lan và các loài hoa bên hồ...

Đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn ngược xuôi Đà Lạt-Hà Nội-Điện Biên như con thoi, ông Lệ cho biết: Qua khảo sát thời tiết, khí hậu, chất đất… tại nhiều tỉnh phía bắc, thì Mường Phăng là nơi “lý tưởng” nhất, có khí hậu gần giống Đà Lạt, quanh năm mát mẻ, hầu như không bị ảnh hưởng của sương muối, mưa đá, ô nhiễm môi trường, rất phù hợp cho ươm trồng những loài hoa quý, rau quả cao cấp. Từ cuối năm 2007 đến nay, ông cùng các thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ nông-lâm Mường Phăng dốc tâm sức để đưa được ngày càng nhiều hoa, rau Đà Lạt ra Điện Biên. Với sự phối hợp tích cực của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên, hơn 3 héc-ta đất thuộc khu vực bản Mon, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên được san gạt, tạo mặt bằng, là nơi ươm trồng, lai ghép hơn 20 loại hoa có giá trị kinh tế cao được thị trường ưa chuộng như: Địa lan, phong lan, hoa ly, cúc, tuy-lip… Các giống khoai lang, cà chua Nhật Bản, rau xà lách tím… và một số loại rau quả có giá trị khác cũng được ông và các đồng nghiệp gieo trồng thành công, phát triển tốt tại Mường Phăng. Nếu dự án tiến triển thuận lợi, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm sản xuất các giống rau có giá trị kinh tế cao ở các tỉnh phía bắc.

Tết này, hàng nghìn chậu địa lan cùng nhiều loài hoa quý của xứ lạnh Đà Lạt đã khoe sắc trên thị trường Điện Biên. Dự án trồng hoa, ươm giống, sản xuất nông nghiệp ở Mường Phăng của người cựu chiến binh-nhà nông học Trần Lệ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần làm cho Điện Biên thêm tươi đẹp, hấp dẫn du khách. Nhân dân quanh vùng dự án sẽ có thêm việc làm, thu nhập, gắn bó với đất, với rừng. Thời gian qua, hàng chục quân nhân xuất ngũ đã được ông Lệ và các cán bộ của dự án dạy nghề, truyền nghề, bước đầu có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại “trang trại hoa” bên hồ Pá Khoang.

Bài và ảnh: PHẠM QUÂN-ĐỨC HẠNH