Bằng cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, phát xít Nhật hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương. Bộ máy cầm quyền thực dân cùng với tám vạn quân chính quy của "chính quốc" đã không những không làm được cái gọi là "sứ mạng bảo hộ" mà ngay sau đó còn quay trở lại hợp tác với Nhật để thống trị nhân dân Đông Dương, dồn nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia vào tình thế "một cổ hai tròng".
Trước thảm cảnh bộ máy cai trị của Pháp bị thủ tiêu, quân đội Pháp bị thất bại, đầu hàng hoặc tan rã, Mặt trận Việt Minh đã đưa bàn tay hữu nghị ra kêu gọi tàn quân Pháp hợp tác cùng chiến đấu chống Nhật. Thế nhưng, không chỉ những người cầm đầu như các tướng Alessandri và Sabattier mà ngay những viên chỉ huy cấp cơ sở - như thiếu tá Reul ở Cao Bằng hay trung úy Pontich ở Bắc Cạn v.v.. - đều lo việc tháo chạy sang bên kia biên giới Việt - Trung hơn là sát cánh với Quân giải phóng Việt Nam đánh Nhật. Đáng mỉa mai hơn nữa là, mãi đến hơn 10 năm sau, khi cho ra đời cuốn
Hồi ký chiến tranh, tổng thống Pháp De Gaulle còn hết lời ca ngợi rằng, trong tình thế "
nước Pháp quá xa - quân Nhật quá gần", các đơn vị xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau trên đất Bắc Kỳ, trong đó có binh đoàn quan trọng do tướng Alessandri chỉ huy, với lính lê dương làm nòng cốt, đã "
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chạy trốn sang đất Trung Hoa"(!).
Có thể nói, từ trung tuần tháng 8-1945 đã diễn ra "một cuộc chạy đua ngầm" giữa hai bên Pháp - Việt. Trong lúc phía Pháp chủ trương hành động gấp để tái chiếm Đông Dương thì phía Việt Nam cũng quyết tranh thủ thời cơ giành trọn vẹn chính quyền đúng vào lúc Tây chưa kịp vào, Tàu chưa kịp đến. Sau này qua tài liệu của phía bên kia được biết: ngày 16-8-1945, ông Võ Nguyên Giáp vâng lệnh Cụ Hồ đem quân về giải phóng Thái Nguyên cũng là ngày tướng Philippe Leclerc nhận lệnh của De Gaulle mang quân sang Đông Dương, mục tiêu trước mắt là Sài Gòn. |
Qua ngòi bút của De Gaulle, sử gia nước ngoài coi đó là "những dòng cuối cùng của thiên anh hùng ca của quân đội cộng hòa Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai".
Do nhận thức muộn màng đối với thời cuộc cho nên chỉ nửa tháng sau cuộc đảo chính của Nhật, ngày 24-3-1945, De Gaulle tung ra bản Tuyên bố về vấn đề Đông Dương. Nội dung chủ yếu của bản tuyên bố phản ánh tham vọng lập lại ách thống trị thực dân trên toàn lãnh thổ Đông Dương, như năm 1939. Tư tưởng chỉ đạo hành động của De Gaulle là chiến tiền nguyên trạng1. Bản tuyên bố viết: "Đông Dương sẽ có riêng một Chính phủ Liên bang do một viên toàn quyền đứng đầu và gồm nhiều bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Chính phủ…". Rõ ràng là ông ta không hiểu biết gì về những đổi thay đang diễn ra sôi sục giữa mùa Xuân 1945 trên mảnh đất Đông Dương xa xôi này.
Diễn đạt bằng hình ảnh theo cách của các ký giả phương Tây thì lúc này nhân dân Việt Nam đang từng bước "giành lại trọn vẹn ngôi nhà cũ của chính mình". Thật vậy, phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đang chuyển từ khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền trong từng địa phương, lên cao trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Bàn về việc làm trên đây của De Gaulle, trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952, sử gia Pháp Philippe Devillers đánh giá rằng lời tuyên bố của tổng thống chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp lạc hậu ít nhất là 15 năm!
Từ đó, thực tế 21 tháng quan hệ Việt - Pháp (3-1945/12-1946), tiếp đến suốt cuộc chiến tranh xâm lược 8 - 9 năm, đã chứng minh: Bản tuyên bố của De Gaulle, với tham vọng khôi phục "sự hiện diện của chế độ toàn quyền" trên bán đảo Đông Dương, đã trở thành sợi chỉ xuyên suốt mọi chủ trương chính sách của giới cầm quyền thực dân phản động Pháp đối với ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Trong cao trào tổng khởi nghĩa, giữa lúc nhân dân Việt Nam đang dựa vào sức mạnh của chính mình, chớp thời cơ thuận lợi để thực hiện bằng được quyết tâm của lãnh tụ Hồ Chí Minh "dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập" thì tổng thống lâm thời Cộng hòa Pháp Charles De Gaulle làm gì? Sau khi chiến tranh thế giới kết thúc trên chiến trường châu Âu, ba cường quốc Mỹ - Anh - Xô họp hội nghị Potsdam (Đức) để bàn về những vấn đề hậu chiến, trong đó có dự kiến giao cho quân đội Anh vào phía nam, quân đội Tưởng ở phía bắc vĩ tuyến 16 của bán đảo Đông Dương, làm nhiệm vụ tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật khi tiếng súng chấm dứt trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương.
Đứng trước tình thế bị Đồng Minh gạt ra ngoài và nhất là sợ bị chậm chân trong mưu đồ tái chiếm Đông Dương, De Gaulle vội vã hành động. Quyết tâm của người cầm đầu nước Pháp lúc này là phải làm sao không để "bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa" buột khỏi Khối Liên hiệp Pháp!
Sớm nắm được âm mưu sâu xa của De Gaulle, Cụ Hồ đã chủ động đi trước những nước cờ hòa giải. Ngay từ khi còn ở căn cứ Tân Trào, qua đài vô tuyến của nhóm sĩ quan tình báo Mỹ OSS đang phối hợp hoạt động với ta ở Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã nhờ Bộ tư lệnh Mỹ ở Hoa Nam báo cho Pa-ri biết rằng Việt Minh sẵn sàng cùng với Pháp "
nói chuyện", hoặc ở Côn Minh (Trung Quốc) hoặc ở Bắc Kỳ, nhằm giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp trong tình hình mới. Sau đó, liên tiếp trong hai ngày 25-7 và 18-8-1945, Cụ Hồ lại gửi cho De Gaulle hai bản đề nghị mà nội dung chủ yếu là
Việt Minh công nhận quyền của Pháp ở Việt Nam trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó chính phủ Pháp sẽ trao trả độc lập cho Việt Nam.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc trong ngày lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nói rõ lập trường của nhân dân Việt Nam là "thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam… Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp…". |
Theo L.A.Patti (tác giả cuốn Vì sao Việt Nam?) và R.Shaphen (tác giả cuốn Điều bí ẩn của Hồ Chí Minh) thì đại diện của Pháp ở Côn Minh hồi đó là Léon Pignon và Jean Sainteny đã nhận và chuyển hai bản đề nghị về Pháp, nhưng sở dĩ không có hồi âm từ Pa-ri vì những đề nghị của Cụ Hồ không phù hợp với những điều suy nghĩ của De Gaulle về tương lai Đông Dương. Giới cầm quyền Pháp đang trù tính việc khác.
Có thể nói, từ trung tuần tháng 8-1945 đã diễn ra "một cuộc chạy đua ngầm" giữa hai bên Pháp - Việt. Trong lúc phía Pháp chủ trương hành động gấp để tái chiếm Đông Dương thì phía Việt Nam cũng quyết tranh thủ thời cơ giành trọn vẹn chính quyền đúng vào lúc Tây chưa kịp vào, Tàu chưa kịp đến. Sau này qua tài liệu của phía bên kia được biết: ngày 16-8-1945, ông Võ Nguyên Giáp vâng lệnh Cụ Hồ đem quân về giải phóng Thái Nguyên cũng là ngày tướng Philippe Leclerc nhận lệnh của De Gaulle mang quân sang Đông Dương, mục tiêu trước mắt là Sài Gòn.
Hai cuộc hành binh mang mục đích chính trị hoàn toàn trái ngược nhau diễn ra đồng thời dưới quyền điều hành của hai người cầm quân chẳng bao lâu sẽ trở thành đối thủ trực tiếp trên chiến trường. Chừng một tuần sau, ngày 22-8-1945, đúng ngày Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội, hàng loạt sự kiện đã diễn ra đồng thời, chứng minh sự hối hả của phía Pháp được thế lực phản động quốc tế tiếp tay trong mưu đồ phục hồi chế độ thống trị trên bán đảo Đông Dương: Ngày đó, 22-8, De Gaulle đích thân bay sang Washington vận động và được tổng thống Mỹ Harry Truman chấp nhận sẽ "làm ngơ trước việc quân Pháp trở lại thuộc địa cũ".
Cũng ngày đó, trên đường đưa quân sang Viễn Đông, qua Ka-ra-chi (Pa-ki-xtan), tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Leclerc được đô đốc Anh Mountbatten hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho quân Pháp núp dưới lá cờ Anh để vào Sài Gòn. Cũng ngày đó từ Côn Minh, thiếu tá tình báo Pháp Jean Sainteny "bám càng" máy bay của thiếu tá tình báo Mỹ L.A.Patti để hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm (Hà Nội).
Và cũng ngày đó, không quân Hoàng gia Anh thả dù mấy "quan cai trị" Pháp xuống ba miền đất nước Việt Nam, (Pierre Messmer xuống Phúc Yên, Jean Cédile xuống Tây ninh, mấy ngày sau Casténa xuống Thừa Thiên - tất cả đều mang theo giấy ủy nhiệm làm "ủy viên Cộng hòa Pháp" ở mỗi miền Bắc - Trung - Nam). Trong số khách không mời mà đến đó có vị trốn thoát hoặc được quân Nhật thả ra và sau đó đã gây cho chính quyền cách mạng biết bao khó khăn. Jean Cédile đã cùng tên thực dân cáo già ở Nam Kỳ là Willam Bazé "lót ổ" cho quân Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn; Pierre Messmer (sau này là bộ trưởng quốc phòng Pháp) sớm trở thành một trong những thành viên ngoan cố nhất trong các cuộc đàm phán Pháp - Việt ở Đà Lạt cũng như ở Fontainebleau.
Có ký giả phương Tây nói rằng trong cuộc chạy đua giữa hai bên Việt - Pháp, Cụ Hồ đã về đích trước. Cụ đã lãnh đạo toàn dân chớp thời cơ hoàn thành cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang, giành trọn vẹn chính quyền trong hai tuần lễ hết sức nhạy cảm, khi quân Tàu của Tưởng Giới Thạch chưa kịp vào, quân Tây của De Gaulle chưa kịp đến. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc trong ngày lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhân danh Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nói rõ lập trường của nhân dân Việt Nam là "thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam… Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp…".
Chỉ ba tuần sau ngày Lễ độc lập của nhân dân Việt Nam, theo đường lối dùng vũ lực của De Gaulle, quân viễn chinh Pháp được quân Anh tiếp tay đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai, bắt đầu từ Sài Gòn. Ngày 26-9-1945, trong lời kêu gọi quân và dân Nam Bộ, Cụ Hồ đã vạch trần bộ mặt của bọn thực dân xâm lược Pháp. Cụ nói: "Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn; nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai lại mò đến. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần, nay họ lại muốn thống trị dân ta một lần nữa". Sau khi động viên tinh thần đoàn kết, quyết chiến quyết thắng giặc Pháp xâm lược, Cụ căn dặn quân và dân miền Nam: "… phải làm cho thế giới, trước hết cho dân Pháp, biết rằng chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc thông minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp nước...".
Chỉ mấy tháng sau khi quân Pháp gây chiến ở Việt Nam, do nội bộ giới cầm quyền ở Pa-ri phân hóa sâu sắc về đường lối đối nội và đối ngoại nên tháng 1-1946 De Gaulle phải lui vào hậu trường. Nhưng ngay sau đó, với việc thành lập và đứng đầu Phong trào tập hợp dân chúng Pháp (R.P.F) và với tàn dư quyền uy vẫn còn rất lớn, "bóng của De Gaulle vẫn bao trùm điện Elysée ở Pa-ri và phủ cao ủy ở Sài Gòn". Đối với Đông Dương, trước sau đường lối của các chính phủ Félix Gouin và Georges Bidault cũng như của các chính phủ kế nhiệm vẫn là đường lối một "chính phủ De Gaulle không có De Gaulle" - đường lối phục hồi "sự hiện diện thực dân" của Pháp ở Đông Dương bằng sức mạnh.
(Còn nữa)
TRẦN TRỌNG TRUNG
1 Statuquo ante bellum-thành ngữ la-tinh, có nghĩa là trở lại tình hình như trước chiến tranh.