(Tiếp theo số trước)

Với tầm nhìn chiến lược sắc sảo và nhất là với thiện chí hòa bình cố tránh một cuộc xung đột quy mô toàn cục có thể xảy ra, ngay sau Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động cho tiến hành các cuộc tiếp xúc với Pháp nhằm tìm giải pháp duy trì quan hệ thân thiện với "nước Pháp mới".

Những cuộc gặp gỡ tay đôi đã diễn ra rất sớm cả ở Sài Gòn (giữa Trần Văn Giầu với Jean Cédile) và ở Hà Nội (giữa Võ Nguyên Giáp với Jean Sainteny). Chính Cụ cũng đã trực tiếp tiếp đại diện của Pháp như Léon Pignon, Alessandri... Trong các buổi gặp gỡ đó, cuộc tranh luận chung quanh từ độc lập kéo dài từ buổi này qua buổi khác. Ta không chấp nhận chế độ "tự trị" do Pháp nêu lên, trong khi đó phía Pháp tỏ ra rất "kỵ" khi nghe nói đến từ độc lập.

Cuộc thương thuyết kéo dài hàng nửa năm mới đạt được bản Hiệp định sơ bộ, nhờ sự nhân nhượng của phía Việt Nam tạm gác từ độc lập và chủ động tìm lối thoát cho cuộc đàm phán đang bế tắc, bằng cách nêu lên Việt Nam là một quốc gia tự do…, là thành viên trong Liên bang Đông Dương và Khối Liên hiệp Pháp.

Cả De Gaulle và cao ủy D'Argenlieu đều không chấp nhận tinh thần và nội dung bản Hiệp định sơ bộ ký ngày 6-3-1946(1). Cũng đúng vào dịp này, từ Pa-ri dội sang câu nói của cựu toàn quyền Alexandre Varenne. Vị "quan cai trị" cáo già này đặt vấn đề: "Nền đệ tam cộng hòa Pháp đã sáng tạo ở bên kia đại dương một sự nghiệp tráng lệ làm hiển vinh cho anh tài Pháp. Vậy mà, liệu chúng ta có sắp từ bỏ và phá hoại sự nghiệp đó chăng?". Hòa nhịp với giọng điệu của De Gaulle, Varenne và cánh hữu trong chính giới ở Pa-ri, đô đốc D'Argenlieu cũng than phiền: "Chúng ta có một đội quân viễn chinh tốt mã nhường nấy vậy mà có những người Pháp ở Đông Dương chỉ nói đến chuyện đàm phán".

Thật không có gì khó hiểu vì sao ngay từ buổi đầu bước vào đàm phán, lập trường hai bên đã xung khắc như nước với lửa. Thái độ của phái đoàn ta hết sức ôn hòa, nhưng lập trường nguyên tắc hết sức rõ ràng, dứt khoát. Một ví dụ: Khi vạch trần ý đồ tái lập "sự hiện diện" của bọn thực dân Pháp trên đất nước ta, trong phiên họp toàn thể ngày 3-5-1946, ông Võ Nguyên Giáp đã từng nói: Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố kết liễu vĩnh viễn thời đại của các quan toàn quyền trên đất nước Việt Nam.

Còn về phía ta, sự nhân nhượng quan trọng trong cuộc đàm phán sơ bộ là nhằm mở đường cho cuộc thương thuyết chính thức trên đất Pháp. Nhưng ta vừa nhân nhượng thì đô đốc D'Argenlieu đã lấn tới, bắt đầu bằng đề nghị mở cuộc họp trù bị ở Đà Lạt. Dù đó là một vấn đề không được thỏa thuận từ trước nhưng Cụ Hồ vẫn chấp nhận, vì tương kế tựu kế, ta cũng nhân dịp này mà tìm hiểu thâm tâm của những người sắp được Pa-ri phái sang. Sau này qua tài liệu của các sử gia Pháp, được biết họ sang Đà Lạt với một "chỉ thị nghiêm ngặt" (đề ngày 14-4-1946) của ngoại trưởng Bidault, là không những phải làm sao cho hội nghị trù bị thất bại mà điều quan trọng là còn phải khiến cho dư luận hiểu rằng nguyên nhân tan vỡ là "do phía cộng sản gây nên".

Muốn vậy phải khước từ ngừng bắn ở miền Nam, không được bàn về bất cứ một vấn đề gì ở phía nam vĩ tuyến 16, phải đòi tách Tây Nguyên ra thành một "xứ" riêng, phải đòi quân đội Việt Minh đặt dưới quyền chỉ huy chung của Bộ chỉ huy Liên bang Đông Dương v.v.. Pa-ri ắt hẳn biết chắc chắn rằng tất cả những đòi hỏi ngang ngược đó sẽ bị những nhà thương thuyết Việt Nam lên án và bác bỏ.

Thật không có gì khó hiểu vì sao ngay từ buổi đầu bước vào đàm phán, lập trường hai bên đã xung khắc như nước với lửa. Thái độ của phái đoàn ta hết sức ôn hòa, nhưng lập trường nguyên tắc hết sức rõ ràng, dứt khoát. Một ví dụ: Khi vạch trần ý đồ tái lập "sự hiện diện" của bọn thực dân Pháp trên đất nước ta, trong phiên họp toàn thể ngày 3-5-1946, ông Võ Nguyên Giáp đã từng nói: Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố kết liễu vĩnh viễn thời đại của các quan toàn quyền trên đất nước Việt Nam.

Sau mấy tuần đàm phán, mặc dù lập trường ngoan cố của Pháp đã đẩy hội nghị trù bị Đà Lạt đến thất bại nhưng theo chỉ thị của Cụ Hồ, phái đoàn ta không tuyên bố "cắt cầu". Ông Võ Nguyên Giáp nói với phóng viên Jean Lacouture rằng hội nghị Đà Lạt chỉ phản ánh một sự "bất đồng trong hữu nghị" (un désaccord cordial). Phía Pháp không có lý do gì để khước từ cuộc đàm phán chính thức trên đất Pháp như đã quy định trong Hiệp định mồng 6 tháng 3.

Tuy không trực tiếp tham gia đàm phán nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đi với phái đoàn Phạm Văn Đồng, với danh nghĩa là khách mời của chính phủ Pháp. Hồi đó, báo chí Pháp và phương Tây đánh giá cuộc hành trình của Hồ Chí Minh và phái đoàn ta từ Việt Nam sang Pháp là một chặng đường bí ẩn. Người ta viện nhiều lý do để cố tình kéo dài chuyến đi tới mức từ Hà Nội đến Biarritz - một thị trấn tây nam nước Pháp - cuộc hành trình bằng máy bay kéo dài 11 ngày.

Không những thế, chỉ một ngày sau khi phái đoàn Việt Nam lên đường, đô đốc D'Argenlieu đã chính thức cho ra đời cái gọi là "Chính phủ lâm thời cộng hòa Nam Kỳ", theo chủ trương xuyên suốt của De Gaulle là tách bằng được Nam Bộ ra khỏi Việt Nam.

Sau khi nội các Félix Gouin bị đổ, do cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nên ngày 22-6, Cụ Hồ và phái đoàn mới từ Biarritz đáp máy bay đi Pa-ri. Nội các mới (nội các thứ 3 sau 2 năm giải phóng) ra đời ngày 19-6-1946 dưới quyền điều hành của Georges Bidault - một người thuộc phong trào Cộng hòa bình dân (M.R.P.) của De Gaulle. Đứng đầu Bộ Pháp quốc hải ngoại (tức Bộ Thuộc địa trước đây) là Marius Moutet - một đảng viên Xã hội đã khuynh hữu và trở thành trợ thủ thân tín của tập đoàn De Gaulle - Bidault. Ngay từ những ngày đầu Cụ Hồ đặt chân lên đất Pháp, hàng loạt những "việc đã rồi" vẫn liên tiếp diễn ra ở Việt Nam. Bọn Pháp tập hợp một số tay sai ở Đông Bắc chuẩn bị lập "xứ Nùng tự trị", mở cuộc hành quân đánh chiếm một số địa bàn trọng yếu ở Tây Nguyên (ngày 21-6) để chuẩn bị lập "xứ Tây Kỳ tự trị" và chuẩn bị cùng bọn tay sai ba nước họp "hội nghị Liên bang Đông Dương" ở Đà Lạt…

Ngay từ tuần lễ đầu, hội nghị Fontainebleau đã đứng trước những trở ngại rất lớn, do lập trường hai bên đối nghịch nhau. Phía Pháp tiếp tục nhắc lại những gì họ đã nói ở Đà Lạt mấy tháng trước. Điều đó dễ hiểu, vì thành phần phái đoàn Pháp vẫn gồm những nhân vật cũ - những Max André, Gonon, Torel v.v.., những người gắn chặt với mọi "quyền lợi kinh tế máu thịt" ở Đông Dương. Tiếng nói của họ không chỉ phản ánh đường lối chính trị của MRP mà còn vì lợi ích riêng của từng giới tư bản Pháp mà họ là những người đại diện.

Ngay tại Hà Nội, cùng với việc cho quân chiếm đóng Phủ toàn quyền cũ (ngày 23-6), chúng tập hợp một số tên phản động (trong Việt quốc - Việt cách thân Tưởng trước đây, nay đã thay thầy đổi chủ) chuẩn bị làm đảo chính hòng lật đổ chính quyền cách mạng trong lúc Cụ Hồ đi vắng. Như dư luận báo chí tiến bộ Pháp hồi đó đã vạch rõ, với sự ra đời của nội các mới, bọn thực dân phản động ở Pa-ri cũng như ở Sài Gòn có chỗ dựa vững chắc hơn, khiến cho cuộc thương thuyết trên đất Pháp rất ít có triển vọng tích cực. Sau này, qua tài liệu của phía bên kia(2) được biết khi cuộc đàm phán chính thức Việt - Pháp sắp bắt đầu ở lâu đài Fontainebleau, thủ tướng Bidault lại có những chỉ thị mới và cụ thể cho trưởng phái đoàn Pháp Max André, nói rằng "Vì lý do chống nguy cơ cộng sản, phải làm sao đạt được tất cả mọi sự đảm bảo để, trên lãnh vực đối ngoại, nước Việt Nam không thể nào trở thành một con cờ mới trên bàn cờ Xô-viết, một vệ tinh mới của Mat-xcơ-va".

Sau khi được nghe phổ biến chỉ thị nói trên, giáo sư Paul Rivet - một thành viên của phái đoàn Pháp - coi đó là một trò chơi chính trị bỉ ổi nên đã tuyên bố tẩy chay không tham gia phái đoàn, vì ông khẳng định Chính phủ Pháp "không có ý muốn làm cho cuộc đàm phán Fontainebleau đạt kết quả, thậm chí người ta còn có ý chí ngược lại".

Suốt gần ba tháng có mặt ở Pa-ri, Cụ Hồ đã hoạt động không mệt mỏi nhằm làm cho bạn bè thế giới, trước hết là chính phủ Pháp và các tầng lớp nhân dân Pháp hiểu rằng chúng ta không muốn chiến tranh, rằng nguyện vọng nóng bỏng của nhân dân Việt Nam lúc này là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Nguyên vọng đó gắn liền với đường lối đối ngoại hợp tác thật thà và thân thiện trong hòa bình và hữu nghị với chính phủ và nhân dân nước Pháp mới. Đó cũng là nội dung chủ yếu lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp khách của thủ tướng Pháp Georges Bidault, ngày 2 -7. Trong các cuộc tiếp xúc với các chính khách, nhà kinh tế, các tướng lĩnh và ký giả Pháp và phương tây, Cụ Hồ đều nói lên nguyện vọng đó của dân tộc Việt Nam. Cụ tiếp xúc cả với những nhân vật đến lúc đó vẫn chưa thay đổi nếp suy nghĩ thực dân thâm căn cố đế như các cựu toàn quyền Albert Sarraut và Alexandre Varenne. Không những vài thập kỷ trước, các vị quan cai trị này đã từng ra lệnh truy nã Nguyễn Ái Quốc mà ngay trong những ngày Hồ Chí Minh có mặt ở Pa-ri, trên tờ Rạng Đông (số ra ngày 6-8) Varenne vẫn dùng những ngôn từ nặng mùi thực dân, vẫn không quên khẩu khí "rất xưa" của một quan toàn quyền. Ông ta viết: "Vì sao người dân An-nam đã từng được Pháp kéo ra khỏi cảnh dốt nát và thân phận tôi tớ, mà nay họ lại dám đứng lên kết án người Pháp chúng ta ?".

Điều đó lý giải vì sao suốt gần ba tháng Cụ Hồ có mặt ở Pa-ri, không hề có một cuộc gặp gỡ De Gaulle - Hồ Chí Minh. Riêng cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh - Varenne được dư luận coi là cuộc đối thoại khá đặc biệt giữa hai chính khách đã một thời là đối thủ của nhau. Với phong cách rất riêng, Cụ Hồ đã chủ động tạo nên không khí hòa giải. Điều cần thiết đối với Cụ là làm sao cho viên cựu toàn quyền già ngồi trước mặt mình hiểu thế nào là thiện chí đàm phán và nguyện vọng độc lập của Việt Nam trong mối quan hệ hữu nghị với nước Pháp mới.

Ngay từ tuần lễ đầu, hội nghị Fontainebleau đã đứng trước những trở ngại rất lớn, do lập trường hai bên đối nghịch nhau. Phía Pháp tiếp tục nhắc lại những gì họ đã nói ở Đà Lạt mấy tháng trước. Điều đó dễ hiểu, vì thành phần phái đoàn Pháp vẫn gồm những nhân vật cũ - những Max André, Gonon, Torel v.v.., những người gắn chặt với mọi "quyền lợi kinh tế máu thịt" ở Đông Dương. Tiếng nói của họ không chỉ phản ánh đường lối chính trị của MRP mà còn vì lợi ích riêng của từng giới tư bản Pháp mà họ là những người đại diện. Nội tình nước Pháp lúc này vẫn hết sức phức tạp, nhiều thủ lĩnh Đảng Xã hội ngày càng thiên hữu và như cách nói của Henri Azeau (trong cuốn Hồ Chí Minh - dịp may cuối cùng), các "đồng chí xã hội đã tạo nên chỗ dựa để bọn thực dân phản động Pháp ngăn cản bất cứ thỏa thuận mới nào với Hồ Chí Minh".

Không phải ngẫu nhiên mà đúng vào dịp này, Pa-ri thay tướng cầm đầu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tướng Philippe Leclerc - viên tướng được dư luận coi là đã có lúc tỏ ra "thức thời" - bị triệu hồi vì đã công khai thừa nhận rằng sức mạnh Việt Nam là "sức mạnh của cả một dân tộc". Quyền tổng chỉ huy chuyển sang tay Etienne Valluy, tay chân thân tín của tập đoàn chủ chiến Bidault - D'Argenlieu. Tướng Valluy đã nhiều lần điện về Pa-ri nói rõ chủ trương "đánh ngay, phản đối mọi cuộc thương lượng nhùng nhằng (négociations trainantes)".

Tình thế đã trở nên hết sức bất lợi cho việc hòa giải Việt - Pháp. Trải qua nhiều phen đứt nối, từ trung tuần tháng 8, hội nghị Fontainebleau đứng trước nguy cơ tan vỡ. Nhờ sự vận động của Cụ Hồ, từ ngày 3-9 diễn ra mấy cuộc họp hẹp nhưng, dù với tinh thần hòa giải, phái đoàn Phạm Văn Đồng cũng không thể thuyết phục được phía Pháp chấp nhận hai nội dung có ý nghĩa sinh tử đối với dân tộc Việt Nam là độc lập và thống nhất.

(Còn nữa)

Trần Trọng Trung

1. Đại diện cao nhất của Pa-ri lúc này ở Đông Dương là đô đốc D'Argenlieu (với chức danh cao ủy, tức cấp trên của tổng chỉ huy Leclerc). Ông ta phản đối thương lượng, cho nên Leclerc đã nhân thời cơ D'Argenlieu về Pháp vắng, thúc giục Sainteny ký với ta Hiệp định sơ bộ, ngoài ý muốn của D'Argenlieu. Riêng tổng thống lâm thời Cộng hòa Pháp De Gaulle cũng lên án Leclerc là "bán đứng Việt Nam cho Việt Minh"!

2. Theo sách Hồ Chí Minh-dịp may cuối cùng của Henri Azeau, theo bức thư của giáo sư Paul Rivet gửi bộ trưởng Moutet ngày 5-7-1946, theo lời kể của Rivet trước quốc hội Pháp, tháng 3-1949 và theo bài báo của Max André-nguyên trưởng phái đoàn Pháp-viết trên tờ Tự do (3-2-1954) xuất bản ở Phnôm-pênh ngày 3-2-1954 v.v..