Từ ngày 2 đến 6-5-2009, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Liên đoàn Xe đạp-mô tô thể thao Việt Nam tổ chức cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân”. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban tổ chức cuộc đua.

PV: Thưa đồng chí Thiếu tướng, do đâu mà Báo Quân đội nhân dân quyết định phối hợp với Liên đoàn Xe đạp-mô tô thể thao Việt Nam tổ chức cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân”?

Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên: Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân” là hoạt động quan trọng của thể thao Việt Nam trong năm 2009 nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Điện Biên, đặc biệt là kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, 7-5. 55 năm đã trôi qua kể từ ngày lá cờ chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay phấp phới trên nóc hầm của tướng Đờ Cát ở trung tâm cứ điểm Mường Thanh, đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước Việt Nam, Điện Biên đã có nhiều thay da đổi thịt. Từ một thung lũng hoang vắng, trở thành chiến địa, hòa bình đi lên thành thị xã, rồi thành phố, nay Điện Biên Phủ là thủ phủ của cả tỉnh Điện Biên ở miền tây bắc Tổ quốc. Ngay cả con đường từ Hà Nội đi lên Điện Biên xưa kia trập trùng gian khó, nay cũng đã được xây dựng, cải tạo lại thông thoáng, nếu đi nhanh chỉ một ngày là tới nơi... Chúng tôi muốn tổ chức cuộc đua “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân” để đồng bào chiến sĩ cả nước được chứng kiến những đổi thay đáng mừng đó của Điện Biên, đồng thời để nhớ về những ngày tháng hào hùng cách đây 55 năm trong lịch sử đất nước, đã khiến cho địa cầu chấn động, năm châu lừng lẫy. Do vậy, ngoài ý nghĩa của một hoạt động thể thao đơn thuần, chúng tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa chính trị to lớn của cuộc đua. Đây chính là hành trình của tình nghĩa, của tinh thần đoàn kết thể thao.

- Với ý nghĩa chính trị như vậy, liệu Ban tổ chức có quan tâm đến chất lượng chuyên môn của cuộc đua?

- Mặc dù nhấn mạnh ý nghĩa chính trị nhưng chúng tôi không hề coi nhẹ chất lượng chuyên môn của cuộc đua. Bởi vì phối hợp với chúng tôi có Liên đoàn Xe đạp-mô tô thể thao Việt Nam, tổ chức cao nhất về mặt chuyên môn đua xe ở Việt Nam. Cũng có thể thấy rằng chất lượng của cuộc đua được kiểm chứng qua việc có tới 125 VĐV của 14 đội nam, nữ, với những tên tuổi hàng đầu trong làng đua xe nước ta mà nhắc tới ai cũng biết như Trịnh Phát Đạt, Mai Công Hiếu, Lê Văn Duẩn..., những VĐV đã nhiều lần đoạt được các giải thưởng lớn ở các cuộc đua trong và ngoài nước. Góp mặt tại cuộc đua năm nay có những đội đua hàng đầu ở nước ta hiện nay như Quân đội, Công ty bảo vệ thực vật An Giang, Công ty bảo vệ thực vật Sài Gòn 1 và 2, Domesco Đồng Tháp... Ngoài ra, tham gia cuộc đua còn có các cua-rơ quốc tế của các đội đua đến từ Mông Cổ, Ma-lai-xi-a... Như thế, chắc chắn đây sẽ không phải là một cuộc dạo chơi dễ dàng mà là một cuộc tranh tài quyết liệt ở đỉnh cao, không chỉ giữa các tay đua hàng đầu trong nước mà với cả các tay đua quốc tế. Cũng cần lưu ý thêm một điều là sau cuộc đua này, dựa trên thành tích và phong độ thi đấu của các tay đua, với sự quan sát, nhận xét của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đua xe, rất có thể nhiều tay đua sẽ được xem xét để gọi bổ sung vào đội tuyển quốc gia. Chính vì thế mà tôi tin các tay đua sẽ nỗ lực hết sức mình, phấn đấu có thành tích chuyên môn tốt nhất để có thể lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch quốc gia.

- Là những người làm báo, vậy những nhà báo trong Ban tổ chức có gặp phải khó khăn gì khi phối hợp tổ chức một cuộc đua với quy mô lớn như vậy?

- Thật ra, đây không phải lần đầu tiên Báo Quân đội nhân dân đứng ra phối hợp tổ chức một cuộc đua xe đạp. Năm 2004, chúng tôi cũng đã phối hợp tổ chức cuộc đua “Về Điện Biên-2004” kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tiếp đó năm 2007 lại tổ chức cuộc đua “Về Trường Sơn-2007” kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Các cuộc đua đó đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an toàn tuyệt đối, thành tích chuyên môn tốt, được dư luận, báo chí đánh giá cao. Tổ chức một cuộc đua có quy mô lớn như “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân” với sự tham gia của hàng trăm VĐV trong và ngoài nước, trong thời gian dài gần một tuần, trải qua hàng trăm ki-lô-mét với nhiều chặng di chuyển qua những cung đường nguy hiểm, nhiều đèo cao hiểm trở không phải là chuyện đơn giản. Chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều điều phát sinh trên đường đua. Nhưng chúng tôi tin rằng với sự phối hợp chặt chẽ của Liên đoàn Xe đạp-mô tô thể thao Việt Nam, với kinh nghiệm rút ra từ những cuộc đua trước, được cấp ủy, chính quyền các địa phương nơi đoàn đua đi qua ủng hộ, chúng tôi sẽ vượt qua được những khó khăn để tổ chức cuộc đua lần này thành công.

- Phối hợp tổ chức một sự kiện thể thao mang ý nghĩa chính trị to lớn, Ban tổ chức đã nhận được những sự hỗ trợ như thế nào?

- Phải nói rằng mặc dù gặp rất nhiều thách thức khi tham gia phối hợp tổ chức một cuộc đua có quy mô lớn như “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân”, thế nhưng chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ vô cùng to lớn cả về tinh thần và vật chất cho cuộc đua. Đặc biệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tổng chỉ huy tài ba của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, rất quan tâm đến cuộc đua. Đích thân Đại tướng đã viết lời động viên: “Chúc các vận động viên xe đạp đạt thành tích cao trong cuộc đua kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”. Đây là một sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với những người tham gia cuộc đua. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế như hiện nay, việc gọi được các nhà tài trợ lớn cho những sự kiện thể thao không hề dễ dàng. Vậy nhưng chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của các nhà tài trợ như Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tổng công ty viễn thông Quân đội, Tập đoàn Mai Linh, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Nước khoáng Vinawa, Công ty bảo vệ thực vật An Giang, các nhà in Quân đội 1, Quân đội 2... Nó cho thấy các doanh nghiệp tin tưởng vào thương hiệu của cuộc đua, nhận biết rõ ý nghĩa chính trị quan trọng của “Về Điện Biên Phủ 2009-Cúp Báo Quân đội nhân dân” và đã thể hiện tình cảm quý trọng đối với quân đội, với Điện Biên qua những hành động cụ thể. Các địa phương nơi đoàn đua đi qua cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp cho Ban tổ chức tiến hành cuộc đua. Những sự trợ giúp quý báu đó là nguồn động viên to lớn đối với Ban tổ chức, giúp chúng tôi quyết tâm thực hiện thành công cuộc đua này.

- Lâu nay, Báo Quân đội nhân dân vẫn là một địa chỉ tin cậy cho các hoạt động xã hội nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách với người có công với cách mạng. Liệu trong cuộc đua lần này, Báo có tiếp tục thực hiện các hoạt động theo hướng đó hay không?

- Chắc chắn có! Trên suốt dọc đường đua, đoàn đua sẽ thực hiện các hoạt động xã hội, tặng quà cho một số đối tượng chính sách đang còn gặp nhiều khó khăn. Có thể giá trị vật chất của những món quà đó chưa lớn nhưng điều chúng tôi muốn hướng tới là khơi dậy những hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong đông đảo quần chúng nhân dân, trong toàn xã hội. Những hoạt động đó là một phần quan trọng tạo nên ý nghĩa chính trị cho cuộc đua, để cuộc đua thật sự là hành trình về lại nguồn cội của chiến thắng Điện Biên, là hành trình của nghĩa tình.

- Xin cảm ơn đồng chí!

YÊN BA

(Thực hiện)