QĐND - Trong cuộc đời quân ngũ của tôi, có những lần tôi nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên thì mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn tôi như một lời hịch của non sông đất nước.
Lần đầu tiên là trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947. Ngày 7-10-1947, quân Pháp nhảy dù ở Bắc Kạn, mở đầu cuộc tấn công quy mô lớn của chúng lên chiến khu Việt Bắc, hòng tiêu diệt Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, bóp chết cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Trưa 7-10-1947, một sĩ quan liên lạc của Bộ Tổng tham mưu đi ngựa đến bìa rừng nơi chúng tôi đóng quân, cứ ngồi nguyên trên lưng ngựa mà gọi rất to: “Ban chỉ huy Tiểu đoàn 42 ra nhận lệnh!” (42 là phiên hiệu của đơn vị tôi lúc bấy giờ). Cả Ban chỉ huy tiểu đoàn chạy ra đứng nghiêm. Đồng chí sĩ quan liên lạc trao một bức thư, một mệnh lệnh viết tay của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca-Thái Nguyên”. Đọc dòng chữ viết tay của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, chúng tôi vô cùng xúc động. Đây không chỉ là một mệnh lệnh tác chiến, đây còn là một lời hịch của Tổ quốc. Chúng tôi hiểu trọng trách của đơn vị mình: Phía sau chúng tôi là Tân Trào, là Thủ đô gió ngàn, nơi Bác Hồ và Trung ương, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân.
Chúng tôi vội phân công nhau: Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương và tiểu đoàn phó Dương Hán đi kiểm tra trận địa, tôi đi động viên bộ đội. Đến các lán trú quân, tôi thấy các chiến sĩ nằm la liệt, trùm chăn, run bần bật. Đó là vì các chiến sĩ Thủ đô mới lên Việt Bắc, hầu hết bị sốt rét, ngã nước. Tôi nói: “Chú ý! Nghe lệnh của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp”. Vậy là tất cả ngồi bật dậy. Nghe xong, các chiến sĩ tung chăn đứng dậy, chân bước lẩy bẩy, tay cầm súng đi ra trận địa.
Chúng tôi chờ suốt đêm ngày 7 cho đến ngày 12, 13-10-1947 thì lập chiến công. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen: “Trận Bình Ca, Tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ, bắn chìm pháo thuyền, xung phong cướp súng, lập chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.
Lần tiếp theo tôi nhận lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”.
Ngày 7-4-1975, trên đường tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Lúc này, tôi là phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải. Tôi giúp đồng chí Lê Quang Hòa truyền đạt tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải.
Cánh quân này mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước, gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban Cán sự Đảng lâm thời.
Cánh quân Duyên Hải hồ hởi lên đường, như được chắp cánh bay về Nam. Thế nhưng, mới ra khỏi Đà Nẵng, chúng tôi đã gặp trở ngại đầu tiên: Cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn bị địch phá sập 2 nhịp, công binh khắc phục bắc cầu tạm cho các đơn vị nhẹ đi trước, triển khai một bến phà quân sự để chở loại xe trọng tải lớn. Cứ như vậy thì quá chậm. Một người dân vùng mới giải phóng cho biết, phía thượng lưu cách cầu Câu Lâu hơn 10km, có một cây cầu, thế là cả đoàn xe tăng rầm rập cơ động dọc theo bờ sông Thu Bồn, cố gắng bù lại thời gian chờ đợi.
Ngày 10-4, đến Phan Rang thì cánh quân gặp tuyến phòng thủ từ xa của địch. Chúng tôi còn cách Sài Gòn 350km. Tại đây có 2 hải cảng Tân Thành và Ninh Chữ, có sân bay Thành Sơn với lực lượng bộ binh và một sư đoàn không quân ngụy. Sáng 14-4, quân ta nổ súng đánh Phan Rang, quân địch được phi pháo yểm hộ, dựa vào hệ thống công sự và địa hình có lợi, ngoan cố chống cự. Sáng 16-4, Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An tổ chức một đội hình thọc sâu gồm xe tăng, thiết giáp đánh thẳng theo Đường số 1, chiếm thị xã Phan Rang, chiếm hai cảng Tân Thành và Ninh Chữ, đồng thời theo Đường 11 đánh ngược lên phía Tây Bắc, vu hồi vào sườn phía Tây của địch, chiếm sân bay Thành Sơn, thu 40 máy bay còn nguyên vẹn (sau này dùng để tổ chức phi đội Quyết thắng ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4). Tối 16-4, tôi và đồng chí Đào Huy Vũ, Tư lệnh bộ đội Tăng-Thiết giáp, phái viên của Bộ Tổng tư lệnh có mặt ở sân bay Thành Sơn lúc quân ta bắt sống viên Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và viên Chuẩn tướng không quân Phạm Ngọc Sang.
Thừa thắng, bộ binh và xe tăng của Quân đoàn 2 tiến đánh thị xã Phan Thiết. Sáng 20-4, chúng tôi đến Xuân Lộc. Anh Lê Trọng Tấn và anh Lê Quang Hòa nhanh chóng bắt liên lạc với Bộ chỉ huy Mặt trận Sài Gòn. Cánh quân Duyên Hải trở thành cánh quân phía Đông trực thuộc Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn.
Cuộc tiến công thần tốc của cánh quân Duyên Hải với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng-thiết giáp qua một chặng đường gần một nghìn ki-lô-mét, đánh địch mà đi là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, đánh thông tuyến Đường số 1 từ Bắc vào Nam, đến tận cửa ngõ phía đông Sài Gòn, tăng thêm lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng là chiến dịch mang tên Bác, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trung tướng HỒNG CƯ