Từ xa xưa Điện Biên từng là nơi giao lưu văn hóa, buôn bán khá sầm uất của các dân tộc vùng biên ải như Việt, Thái, Lào, Hoa... Đặc biệt, sau khi quân dân ta làm nên chiến thắng “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, các dấu tích ở chiến trường Điện Biên Phủ gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân dân ta đã trở thành quần thể di tích lịch sử “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam.

Sự sống đã hồi sinh trên nóc hầm Đờ Cát. Ảnh Internet

Thung lũng Điện Biên bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh rộng 6km, dài 20km và có sông Nậm Rốm chảy qua. Điểm tô cho phong cảnh “sơn thủy hữu tình” ấy là những địa danh như Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, C1, C2, D1, hầm tướng Đờ Cát, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng... Những cái tên đó từ lâu đã trở nên gần gũi, thân thuộc với nhân dân ta. Bởi vì, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được ví như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Không những thế, nhắc đến Điện Biên Phủ là nhân loại tiến bộ nhắc đến một trong những chiến công hiển hách nhất của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới ở thế kỷ XX.

Các di tích liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của niềm tin, sức mạnh chính nghĩa và tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của quân và dân ta. Vì vậy, giá trị của quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ không thể “cân, đong, đo, đếm” bằng những đại lượng thông thường. Quần thể di tích đặc biệt này giống như “của để dành”, như “báu vật” mà các thế hệ trước chuyển giao và gửi lại cho các thế hệ sau và là “khối tài sản” mà càng sử dụng, khai thác và phát huy, chúng ta càng thu được nhiều “lợi lộc” tốt lành. Sau 8 năm kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, ngày 28-4-1962, Bộ trưởng Bộ Văn hóa nước ta lúc ấy là Hoàng Minh Giám đã ký Quyết định số 313/VH-VP về việc xếp hạng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh toàn miền Bắc, đợt 1. Theo đó, quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ là 1 trong 62 di tích của các địa phương được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. “Hữu xạ tự nhiên hương”, “thần thái” của Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày càng trở nên bất tử, thì những di tích hiện hữu gắn liền với chiến thắng này cũng trường tồn mãi mãi với thời gian, với các thế hệ người Việt Nam và lan toả khắp năm châu, bốn biển.

Tiếng vang Chiến thắng Điện Biên Phủ càng bay xa, trách nhiệm “đặt lên vai” cấp ủy chính quyền và cơ quan chức năng địa phương trong việc quản lý, giữ gìn quần thể di tích Điện Biên Phủ càng lớn. Những năm qua, tỉnh Điện Biên thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ các di tích; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và xử lý các hành vi xâm hại di tích. Cùng với việc cắm mốc, khoanh vùng, xây dựng biển tên bảo vệ 49 điểm di tích, đến nay, hầu hết các di tích đã được quy hoạch trùng tu, tôn tạo, phục chế, chỉnh trang và phục vụ hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan của du khách trong và ngoài nước như: Đồi D1, Đồi A1, hầm tướng Đờ Cát, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, các Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, đồi Độc Lập... Tỉnh cũng đã tôn tạo, xây dựng một số công trình di tích mới như: Tượng đài và đường bộ đội ta kéo pháo bằng tay vào trận địa, tượng đài công viên Chiến thắng Mường Phăng; khu trung tâm đề kháng Him Lam... Những việc làm đó đều hướng tới mục tiêu: Làm cho quần thể di tích Điện Biên Phủ thực sự phát huy các giá trị lịch sử; đồng thời là một địa chỉ tham quan du lịch văn hóa-lịch sử trọng điểm của cả nước.

Tuy vậy, không giống như các quần thể di tích lịch sử ở các địa phương khác thường tập trung trên một địa bàn nhất định, những di tích liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ phân bố rải rác ở nhiều địa điểm và một số di tích quan trọng nằm trong thành phố Điện Biên Phủ đang có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Tới đây, Điện Biên Phủ sẽ được quy hoạch, xây dựng trở thành thành phố trung tâm của cả vùng Tây Bắc. Những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo vệ cảnh quan, môi trường và không gian quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Vì vậy, theo chúng tôi, để giữ gìn được giá trị lịch sử và vẻ đẹp hiện hữu của khu di tích đặc biệt này, địa phương cần giải quyết và xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển đô thị với bảo tồn, quản lý di tích. Công việc trước mắt mà địa phương cần chủ động thực hiện là tiếp tục quy hoạch, chỉnh trang các di tích lịch sử Điện Biên Phủ ngày càng hoàn thiện, bảo đảm sự gắn kết hài hòa với cảnh quan xung quanh, nêu bật được những giá trị lịch sử, ý nghĩa nhân văn của mỗi di tích. Bởi vì, chính quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ mới là “linh hồn” và làm nên là “sức sống” cho thành phố Điện Biên Phủ và tạo sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: Di tích Điện Biên Phủ là một trong những di tích lịch sử quan trọng của quốc gia và có tầm cỡ quốc tế, là tài sản vô giá không chỉ của Điện Biên, Tây Bắc, mà của cả nước ta, của muôn đời con cháu mai sau, của bạn bè quốc tế. Mặc dù Điện Biên Phủ có tiềm năng du lịch, nhưng nếu những chiến tích về trận thắng Điện Biên Phủ oanh liệt không được giữ gìn, thì sức hút đối với khách trong nước và quốc tế đến Điện Biên sẽ hạn chế rất nhiều. Với tầm quan trọng đặc biệt như vậy, việc tỉnh Điện Biên quan tâm chăm lo quản lý, bảo vệ thật tốt quần thể di tích Điện Biên Phủ là thay mặt nhân dân cả nước giữ gìn “báu vật” cho muôn đời sau.

NGUYỄN VĂN HẢI