Các cựu chiến binh đang bồi hồi kể lại cho con cháu quá khứ hào hùng

Tôi nhớ mãi lần gặp một chiến sĩ Điện Biên ngay tại lòng chảo Mường Thanh. Bụng và ngực ông không biết bao nhiêu là vết mổ nhằng nhịt, nhăn nhúm, như một tấm bản đồ cổ. Ông là một trong rất nhiều chiến sĩ Điện Biên năm xưa, sống âm thầm bình lặng, nhưng ánh mắt lúc nào cũng ngời sáng về những ký ức hào hùng.

Càng hiểu về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi càng ngưỡng mộ tinh thần và ý chí của lớp chiến sĩ Điện Biên. Có phải tinh thần của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… tham gia chiến dịch thuở ấy được đúc bằng thép? Toàn thân họ được đúc bằng thép chăng?!

Không phải vậy. Họ là cha mẹ tôi, ông tôi và hàng xóm láng giềng tôi, đều là máu đỏ da vàng, sống hòa lẫn trong những nông dân Việt Nam thật thà, chất phác. Cái thứ “thép” trong con người họ đã được hun đúc bởi truyền thống bất khuất, quật cường và nền văn hiến của dân tộc hình thành từ mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Tôi đã trào nước mắt sung sướng khi chứng kiến tại Festival 15, hàng nghìn thanh niên các châu lục hô to: “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ-Võ Nguyên Giáp” khi đoàn Việt Nam đi qua. Vẫn biết Việt Nam mình còn nhiều điều khác đáng tự hào, đáng để các bạn khâm phục, ngưỡng mộ, nhưng ở diễn đàn chống đế quốc, chống cường quyền trên phạm vi toàn thế giới thì điều các bạn hô to là rất chọn lọc và sâu sắc. Chúng tôi tự hào về cha ông từ trong thẳm sâu nhận thức. Cha ông đã vượt qua binh lửa và sự ngặt nghèo của thiên nhiên để xác lập tư thế Việt Nam, để lớp lớp cháu con đường hoàng bước vào thế giới hội nhập rộng mở với muôn vàn va đập dữ dội vẫn không bị trộn lẫn, không bị phai mờ.

Đó là một giá trị được xây nên bằng tầm cao trí tuệ và rất nhiều xương máu. Giá trị ấy đi ra thế giới thì được ngả mũ đón chào. Giá trị ấy đi đến thôn xa xóm vắng thì lòng tin bừng sáng. Giá trị ấy đi đến các gia đình đang bên bờ vực phân ly thì cơm lành canh ngọt thuận hòa trở lại. Đó là giá trị của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hôm nay, sau 55 năm chiến thắng, nhiều chiến sĩ Điện Biên Phủ đã “về” cùng đồng đội bên chân đồi A1. Trong khúc khải hoàn ca còn hiển hiện nỗi nhớ, niềm thương sâu thẳm nơi ánh mắt vị tướng già- Người Anh Cả. Ngót trăm năm trải nghiệm, buồn vui cùng nhân dân, cùng đất nước, mỗi động tác, lời nói của ông hôm nay vẫn đầy sức lay động, lan tỏa và hiệu triệu.

Tôi cứ nghĩ: Một ngày nào đó, tất cả lòng chảo Mường Thanh trở thành một Viện bảo tàng của nhân loại. Ở đó, mỗi chiến sĩ Điện Biên là một hiện vật-một di sản được bảo tồn nguyên gốc, xin khách viếng thăm hãy khe khẽ chạm tay. Được vậy, muôn đời sau đỡ phải tốn nhiều tiền bạc và công sức nghiên cứu, phục dựng. Bảo tàng ngoài trời khổng lồ ấy, cũng chính là quảng trường của thế kỷ hai mươi-nơi được lịch sử chọn để ngày này 55 năm trước-ngày 7-5-1954, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt loài người đọc lời cáo chung cho chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới.

Tôi đi hỏi nhiều nơi vẫn không biết chính xác số chiến sĩ Điện Biên hiện còn có bao người? Ai cũng chỉ khẳng định là còn ít lắm và sẽ càng trở nên hiếm hoi khi chúng ta kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vì lẽ ấy, lúc này, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và gia đình, con cháu cần khẩn trương, gắng sức làm tốt việc tri ân. Một danh hiệu, một sự đãi ngộ, một sự lắng nghe, một lời thăm hỏi… sẽ làm các cụ thêm sống lâu, sống khỏe. Hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên hôm nay tóc râu phơ phất, ngực lấp lánh huân chương ngồi kể chuyện năm xưa cho lớp măng non, chẳng khác nào tiên cảnh, khiến tôi liên tưởng đến câu thơ Trần Nhân Tông thế kỷ 13- một thời huy hoàng trong lịch sử dân tộc mình: “Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Người lính lúc thái bình, bạc đầu vẫn rưng rưng chuyện nằm gai nếm mật.

Đó là giá trị vĩnh hằng được đúc bằng những trái tim vàng. Đó là tinh hoa ngàn năm của núi sông kết lại ở một thời, kết thành giá trị Việt Nam trong những con người tiêu biểu nhất.

ĐOÀN XUÂN BỘ