Ban liên lạc Tiểu đoàn Phủ Thông giao lưu với Trung ương Hội LHPN Việt Nam

Ngày 9-1-2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định số 56/QĐ-CTN và số 57/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 tập thể, trong đó có Tiểu đoàn 11-Phủ Thông (nay là Tiểu đoàn 1, đơn vị M41, Đoàn B12, Binh đoàn Quyết Thắng).

Tiểu đoàn Phủ Thông là danh hiệu của Bộ Tổng tư lệnh tặng Tiểu đoàn 11 sau trận thắng tiêu diệt đồn Phủ Thông trên đường số 3 gần Bắc Kạn vào chiều 25-7-1948. Đây là lần đầu tiên bộ đội ta đánh vào một vị trí do một tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ của địch chiếm giữ. Sau trận thắng này ca khúc chiến thắng Phủ Thông của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên ra đời. Bài ca hào hùng hiên ngang tự hào với các câu đầu:

Đây đồi Phủ Thông bao năm rên dưới gót thù

Chim thôi lời ca suối trong bừng lên tiếng hát

Hướng về Phủ Thông quân ta đôi mắt sáng ngời

Băng băng vượt qua núi cao rừng sâu xốc tới.

Tiểu đoàn Phủ Thông có quê hương là đồng bằng Bắc bộ, ngay từ đầu ngày thành lập có phiên hiệu là D160 sau là D36 rồi D11 thuộc Trung đoàn 44-Quân khu 3 chiến đấu ở mặt trận đường 5 Hải Phòng-Hưng Yên sau đó đơn vị được lệnh hành quân lên Việt Bắc bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Đến năm 1949, tiểu đoàn là chủ lực trong Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Trận Phủ Thông quân ta đã dùng “Cường tập đánh cứ điểm”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá trận đánh lịch sử này: đã tạo niềm tin cho quân đội ta ngày ấy-đã cung cấp nhiều kinh nghiệm về đánh công kiên trong những ngày bộ đội ta còn non trẻ. Chặng đường hơn 60 năm đã ghi dấu nhiều chiến công của Tiểu đoàn Phủ Thông. Nhiều tướng lĩnh và cán bộ cao cấp của quân đội trưởng thành từ tiểu đoàn như Thượng tướng Đào Đình Luyện, Trung tướng Trần Linh, Thiếu tướng Vũ Yên, các tướng Tự Đình Hiểu, Hồ Quang Hóa, Dũng Mã, Đinh Tích Quân, Phạm Đăng Ty và hơn 30 sĩ quan cấp đại tá. 60 năm đã qua, những bước chân của Tiểu đoàn Phủ Thông đã đi khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công như: Phố Ràng (Lào Cai), Ba Huyện (Vĩnh Yên), Đỉnh 400 và 600 ở Ba Vì, Him Lam (Điện Biên Phủ)…

Vào những năm đầu thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, cứ mỗi lần được vào sân Hàng Đẫy xem đá bóng là chúng tôi lại rạo rực xúc động khi nghe cất lên bản nhạc “Chiến thắng Phủ Thông” để chào mừng đoàn bóng đá Thể Công ra quân.

Khi Thượng tướng Đào Đình Luyện còn sống, ông đã dẫn đầu một đoàn cựu chiến binh của Tiểu đoàn Phủ Thông về thăm một gia đình liệt sĩ ở phường Hà Cầu, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc về Hà Nội). Đó là gia đình đồng chí Nguyễn Biền, Trung đội trưởng của Tiểu đoàn Phủ Thông đã hy sinh trong trận công đồn “Đại Phác” bên bờ sông Thao ngày 19-5-1949. Anh để lại một vợ trẻ và ba con thơ. Sau này trong chống Mỹ, một người con của anh lại vào bộ đội và đã hy sinh ở mặt trận Thượng Lào. Một gia đình, cha là liệt sĩ chống Pháp, con là liệt sĩ chống Mỹ. Chị Nguyễn Thị Cúc, vợ liệt sĩ Nguyễn Biền đã nén đau thương dồn sức vào việc nhà, 50 năm thờ chồng nuôi con ăn học trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Những người con còn lại đều tốt nghiệp đại học và được kết nạp Đảng. Thượng tướng Đào Đình Luyện tỏ lòng thương tiếc và biết ơn những người thân của gia đình, vì đồng chí Nguyễn Biền ngày ấy là Trung đội trưởng của đại đội do đồng chí Đào Đình Luyện chỉ huy.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các cựu chiến binh Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, trong đó có Tiểu đoàn Phủ Thông-đơn vị có vinh dự đánh trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ “13-3-1954”-đã vui mừng cảm động được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng nắm tay từng người, những cán bộ, chiến sĩ năm xưa mà Đại tướng giao nhiệm vụ “Phải đánh thắng trận đầu ở Him Lam”. Đại tướng nhìn quanh lượt, xúc động vì ngày ấy những người lính này mới trên dưới 20 tuổi, chân đất, áo vải, mũ nan đã sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm chính trị của trung đoàn chiến đấu ở Điện Biên đã trân trọng kính tặng Đại tướng một phiến đá có diện tích là 1m2. Đây là phiến đá quý do các cựu chiến binh huyện Lục Yên-tỉnh Yên Bái đi tìm nguyên liệu và sáng tác trong thời gian gần 6 tháng. Trên phiến đá quý có dòng chữ “Mừng thọ anh Văn-người anh cả của Quân đội-Tư lệnh chiến dịch-người chiến sĩ Điện Biên số 1-vị Đại tướng Tổng tư lệnh trong lòng dân”.

NGUYỄN VĂN VĨNH