
|
Đại tướng trở về Mường Phăng, năm 2004 |
Từ năm 2004 đến nay, tôi may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần. Không chỉ riêng tôi, mọi người đều cảm nhận, những lần gặp gỡ ấy đã tiếp thêm cho mình một “sức mạnh Điện Biên”...
Lần đầu tiên, tôi gặp Đại tướng vào chiều 5-1-2004, tại Nhà khách Chính phủ ở Thành phố Hồ Chí Minh khi ông gặp gỡ Ban Liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ ở Thành phố. Khi Đại tướng xuất hiện cùng phu nhân, các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa ùa đến vây quanh ông. Ai cũng muốn đến gần Đại tướng để được chụp ảnh cùng ông. Ông Lưu Trọng Lân và ông Đỗ Huy Trường căng lên một tấm vải đỏ to có hàng chữ rực rỡ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt Ban Liên lạc truyền thống chiến sĩ Điện Biên Phủ tại TP Hồ Chí Minh. Xuân 2004”.
Rất nhiều hình ảnh của Đại tướng với các cựu chiến binh được tôi ghi lại. Bỗng Đại tướng vẫy tay gọi tôi và nói:
- Các đồng chí phóng viên lại đây chụp ảnh với tôi, các đồng chí chụp nhiều cho người khác mà chưa có ảnh cho mình.
Tôi và anh em phóng viên mừng quá, vội đưa máy ảnh nhờ ông Hoàng Minh Phương, Phó ban thường trực Ban Liên lạc truyền thống, chụp giúp. Trong lòng tôi lâng lâng hạnh phúc.
Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Trí Việt, nguyên là Chính trị viên Đại đội 241 của Tiểu đoàn Phủ Thông phát biểu:
- Kính thưa anh Văn! Tôi là một trong những người con Nam Bộ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu như ngày đó cứ giữ nguyên phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thì chắc là trong chúng tôi ngồi đây sẽ không có mặt nhiều người. Xin được bày tỏ lòng biết ơn anh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động kể lại:
- Đây là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi. Người đã giúp tôi đi đến quyết định sáng suốt ấy chính là Bác Hồ. Bác đã trao trọng trách cho tôi trước khi lên đường đến Điện Biên Phủ: “Tổng tư lệnh ra mặt trận - Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Khi tôi đến Sở chỉ huy tiền phương thì khí thế và quyết tâm của anh em trong Bộ chỉ huy chiến dịch lúc đó rất cao, các cán bộ đến gặp tôi đều hân hoan nói cần tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh. Tôi không tán thành phương án đó, nhưng vì đây là ý kiến của đa số các đồng chí trong Đảng ủy, lại được các cố vấn Trung Quốc đồng tình, nên tôi phải tạm thời chấp nhận. Từ đó, gần như đêm nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng, nắm tình hình địch do trinh sát báo cáo về và tình hình công tác chuẩn bị của ta, đặc biệt là việc kéo pháo bằng tay vào trận địa. Thực tế ngày càng chứng tỏ phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” trong 3 đêm 2 ngày là mạo hiểm. Tôi đã thức trắng đêm để cuối cùng đi đến quyết định “Đánh chắc, tiến chắc”.
Đại tá Hoàng Minh Phương, nguyên sĩ quan liên lạc giữa Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc báo cáo: Vừa rồi chúng tôi có về lại Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, đã tìm được đài quan sát của Sở chỉ huy và đã bàn nhau, quyết tâm góp sức mình cho lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ xứng tầm vóc lịch sử của nó.
Đại tướng nhắc nhở:
- Phải tổ chức lễ kỷ niệm trong cả nước, bởi vì cả nước đã dồn sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ…
Nói đến đấy, Đại tướng nghẹn ngào, lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. Cả căn phòng im phăng phắc, nhưng lòng mọi người tràn đầy xúc động. Im lặng hồi lâu, Đại tướng nói tiếp:
- Những ngày ở Sở chỉ huy chiến dịch, mỗi khi nghe tin anh em hy sinh, tôi rất đau lòng, nhưng trước ba quân, phải gạt tình cảm để lo chỉ huy chiến trường…
Lần thứ hai, tôi theo đoàn hành quân của Báo Sài Gòn Giải phóng lên Điện Biên vào cuối tháng tư năm 2004. Đoàn hành quân bằng ô tô dọc đất nước lên đóng góp xây dựng những căn nhà tình nghĩa cho Điện Biên. Đoàn dừng chân ở Hà Nội và xin được gặp Đại tướng. Lúc này sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có rất nhiều đoàn trong nước và quốc tế muốn đến gặp nhưng nghe tin đoàn miền Nam ra, Đại tướng ưu tiên cho gặp và lại nói chuyện rất lâu. Đại tướng còn ký vào 5 tấm ảnh mà Báo Sài Gòn Giải phóng mang theo để tổ chức bán đấu giá, lấy tiền ủng hộ Điện Biên Phủ, đồng thời ký vào cờ hành quân của đoàn, chữ ký Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.
Lần thứ ba, tôi được đi cùng đoàn của Đại tướng lên Mường Phăng vào sáng 19-4-2004 trên chiếc chuyên cơ Mi-172 do Đại tá Trần Văn Thi, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân chỉ huy. Trên máy bay, Đại tướng say sưa ngắm nhìn núi rừng trùng điệp như đang sống lại một thời oanh liệt. Khi máy bay hạ cánh xuống thửa ruộng cạnh cánh rừng Phiêng Tà Lét, hàng vạn đồng bào đã đứng chờ để đón chào. Các cụ già trong xã Mường Phăng nghe tin Đại tướng lên đã thức từ ba-bốn giờ sáng, về rừng để chờ đón Đại tướng với những món quà giản dị như chút mật ong rừng, tấm khăn Piêu... Đại tướng đi thăm lại khu rừng đại ngàn, vào hầm tác chiến trải bản đồ và bên ông là Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến trong chiến dịch. Rừng Phiêng Tà Lét được mang tên mới: Rừng Đại tướng. Ở Mường Phăng còn lưu truyền câu ca: “Ai muốn lấy vợ Mường Phăng thì phải biết hầm Đại tướng”. Đại tướng trồng cây đa lưu niệm và nói chuyện với đồng bào Mường Phăng…
Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng cũng từng đi trực thăng về Mường Phăng bằng máy bay Mi-8. Nhưng hồi ấy, ắc quy yếu, máy bay không nổ máy được, phải dùng máy bay khác lên hỗ trợ. Mọi người mời Đại tướng về nhà nghỉ, nhưng ông kiên quyết chờ máy bay và nói: Đã đến Điện Biên, phải về Mường Phăng!
Năm 2007, tôi cùng Đoàn Câu lạc bộ Nhiếp ảnh chiến sĩ Báo Quân đội nhân dân đến thăm, chúc thọ Đại tướng. Đại tướng đã căn dặn: “Tôi mong rằng các đồng chí có những bức ảnh mới, những tấm ảnh đẹp hơn, thể hiện sâu sắc hơn nữa tinh thần quyết thắng của quân đội ta, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết của nhân dân Việt Nam anh hùng, nói lên bằng ảnh nghệ thuật tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại”…
Bài và ảnh:
ĐOÀN HOÀI TRUNG