Mùa mưa năm 1965, đường vận chuyển cơ giới của Đoàn 559 đã bị ngập lụt nghiêm trọng, nhất là những đoạn đường qua khu vực Xiêng Phan (thường gọi là túi nước Xiêng Phan, thuộc tỉnh Khăm Muộn, Lào). Tuyến đường từ cầu Pắt Pha Năng tới bản Na Nô, Na Thom bị tắc nghẽn, có lúc kẹt lại hơn 100 xe ô tô.

Chuẩn bị cho mùa khô 1966, Bộ Giao thông vận tải và Bộ tư lệnh Đoàn 559 quyết tâm mở đường 20 để tránh túi nước Xiêng Phan và phá thế độc đạo vận tải từ Bắc vào Nam.

Con đường được gọi là Đường 20 với ý nghĩa: lực lượng thi công đều ở lứa tuổi 20 rất nhiệt tình sôi nổi. Về sau, để bày tỏ quyết tâm, anh chị em bổ sung tên gọi là “Đường 20 - Quyết thắng”.

Đường 20 Quyết thắng hôm nay. Ảnh: Tienphongonline

Đây là tuyến cơ giới vượt qua dãy Trường Sơn hiểm trở dài 123km. Tuyến đường 20 đi từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vượt qua dãy Trường Sơn sang phía Tây, tới cánh đồng Lùm Bùm (nằm trên tả ngạn Noọng Cà Đen) nối vào đường 128, đi xuống đường số 9. Có 3 đoạn tuyến vấp phải núi đá vôi dài 41km, núi cao, vách đứng, vực sâu… thi công vô cùng khó khăn.

Sau khi có chủ trương của Chính phủ, đầu tháng 1-1966, Đoàn 559 quyết tâm khắc phục mọi trở ngại để “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”.

Đội hình chiến dịch mở đường gồm 4.000 thanh niên xung phong của 4 đội, gồm Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 25 Nam Hà, Đội 3 Nghệ An, Đội 4 Ninh Bình.

Bộ tư lệnh Đoàn 559 bổ sung thêm Trung đoàn 10 Công binh, hai Trung đoàn Bộ binh đi B tạm thời dừng lại làm đường.

Đúng 17 giờ ngày 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, đồng chí Nguyễn Tường Lân, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra lệnh nổ quả bộc phá đầu tiên để đón xuân và hưởng ứng chiến dịch “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” do Bộ tư lệnh Đoàn 559 phát động. Tiếng bộc phá nổ ran trên toàn tuyến. Mọi người hân hoan đón một cái Tết chiến dịch trên toàn công trường.

Toàn công trường hừng hực khí thế lao động, tốc độ mở đường luôn giữ vững, bảo đảm thông đường từ 15 đến 20km mỗi tháng, một tốc độ chưa từng có đối với thi công mở đường đá. Có nhiều đoạn qua dãy núi đá vôi, độ cao từ 600 đến 1.000 mét, phải bạt núi, xẻ dốc sao cho tuyến chỉ còn độ dốc 15 độ, bán kính đường vòng chỉ cho phép tối thiểu 10 mét.

Ở cây số 16, Trung đoàn 10 Công binh gặp dốc “Ba Thang”. Các chiến sĩ phải đứng trên đỉnh ba chiếc thang tre nối với nhau để đục lỗ, phá mìn và phải mất 9 tấn thuốc nổ mới xuyên thủng được dốc Ba Thang.

Ngoài ra phải kể đến những dốc lớn khác như đỉnh núi Chà Ang, đèo Cô Phông La, Cù Mẹ, Cù Con, khe Diêm... Để đánh lừa địch, công trường quyết định các đơn vị thi công phải tuân theo nguyên tắc mở đường đến đâu ngụy trang đến đó. Riêng 4km từ Phong Nha vào, vì trống trải nên chỉ lát rông đanh đi tạm, khi mở xong toàn tuyến mới làm đường. Do đó suốt thời gian thi công, địch không hề phát hiện được.

Với tốc độ thi công thần tốc, các đơn vị bộ đội, TNXP dốc sức lao động ngày đêm không nghỉ. Phía đất bạn Lào, Công trường 128 do đồng chí Nguyễn Lang chỉ huy cũng phối hợp nhịp nhàng.

Sau gần 4 tháng thi công ngày đêm không nghỉ, ngày 24-4-1966, hai công trường gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn tại Km 65 biên giới Việt-Lào. Trường Sơn đã được chọc thủng, Đường 20 đã được mở ra nối liền hai nước Việt-Lào.

Tôi vẫn nhớ mùa mưa đầu gian khổ, lúc đường chưa thông xe, gạo hết, muối chẳng còn, cả đơn vị phải húp cháo loãng gạo mốc. Quanh năm phải ăn măng nứa rau rừng, thiếu thốn đủ bề, nên các chiến sĩ, TNXP bị sốt rét hoành hành, rồi bệnh vàng da, rụng tóc, tắt kinh. Một số người bị sốt ác tính đã chết bên đường.

Việc hoàn thành tiến độ của chiến dịch “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” đúng thời hạn theo chỉ lệnh của Quân ủy Trung ương đã thể hiện trọn vẹn ý chí kiên cường, thông minh, sáng tạo của tập thể cán bộ, bộ đội, TNXP trên toàn tuyến và là biểu tượng sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, xứng đáng với bút tích biểu dương của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Đường 20 Quyết thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”.

Những tháng ngày sau đó, sau khi đường thông, biết bao lực lượng đã được vận chuyển qua con đường này từ lương thực, thực phẩm thuốc men, vũ khí, đạn dược và hàng nghìn hàng vạn bộ đội đã hành quân qua đây để vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đường đã thông, xe đã chạy thì cũng là lúc kẻ địch bắt đầu phát hiện ra đường 20. Chúng cho máy bay do thám OV10 quần lượn suốt ngày đêm trinh sát. Và sau đó địch đã dùng đủ loại máy bay tập trung đánh phá dữ dội vào Đường 20. Trận chiến đấu mới đầy khó khăn ác liệt để giữ vững mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống đã bắt đầu.

LÊ CÔNG THÚ