QĐND - Năm 1959, bọn phản động cực hữu Lào lật lọng, xóa bỏ chính phủ liên hiệp có Mặt trận Lào yêu nước tham gia. Chúng bắt giam Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng 15 cán bộ Mặt trận Lào yêu nước. Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã ra nghị quyết chuyển hướng chiến lược sang đấu tranh quân sự, chính trị song song, đồng thời đề nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cử một số đồng chí có năng lực và thông thạo địa bàn Viêng Chăn, khẩn trương, bí mật trở lại Viêng Chăn giúp bạn tổ chức cuộc giải thoát đồng chí Xu-pha-nu-vông và các đồng chí bị giam, kết hợp truyền đạt triển khai nghị quyết của Trung ương Đảng của nước bạn.
Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, được Bộ Chính trị phân công giúp cách mạng Lào, sau khi xin ý kiến Bác Hồ, Đại tướng đã chỉ thị cho Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu thành lập ngay một tổ công tác đặc biệt gồm 9 đồng chí do tôi (Phan Dĩnh) làm tổ trưởng, đồng chí Trương Văn Quý làm tổ phó, khẩn trương lên đường.
Chỉ trong một tuần, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Cục trưởng Trần Hiệu, tôi đã soạn thảo xong kế hoạch giải thoát dựa trên hai tình huống chính. Đồng chí Trần Hiệu bảo tôi: "Anh viết lại tóm tắt kế hoạch này và chuẩn bị lên gặp anh Văn để báo cáo, xin duyệt". Hôm sau, xe com-măng-ca đưa tôi và anh Hiệu đến nhà 30 Hoàng Diệu. Chúng tôi bước vào phòng khách, chưa kịp ngồi thì Đại tướng đã từ bên trong bước ra, mặc áo sơ-mi trắng, khoác ngoài một chiếc áo đại cán, nét mặt nghiêm nghị, đôi mắt sáng, nụ cười hiền hậu: "Tôi mới đi họp về, tình hình khẩn trương lắm, các đồng chí báo cáo đi".
 |
Ba cựu chiến binh trong tổ công tác đặc biệt đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 8-2003. Ảnh tư liệu
|
Sau khi nghe tôi trình bày kế hoạch, Đại tướng hỏi ngay: "Đồng chí Dĩnh đã ở địch hậu bao giờ chưa?". "Tôi đã ở địch hậu Viêng Chăn 8 năm, mới về nước đầu năm ngoái ạ!". Tôi trả lời rành rọt. Đại tướng nghe vừa gật gù, vừa nghiêm mặt lại: "Thế mà đồng chí lại vạch kế hoạch ra giấy thế này, ở địch hậu thì phải có thói quen không được ghi chép vào giấy bất cứ công việc gì, dù đó là một mẩu giấy nhỏ". Đồng chí Trần Hiếu "đỡ đòn" cho tôi ngay: "Vì lần đầu tiên đồng chí Dĩnh gặp thủ trưởng để báo cáo, nên tôi bảo đồng chí ấy viết gạch đầu dòng để báo cáo cho gọn và khỏi thiếu đấy ạ". Đại tướng nói: "Vậy cho tôi xin lại bản kế hoạch này và đốt ngay tại đây nhé. Các đồng chí đừng tưởng rằng, ở đất Hà Nội này mà không có phòng nhì hoặc mật thám. Đồng chí Dĩnh đi chuyến này cần nhớ, giữ bí mật được là thắng lợi một nửa rồi đấy. Đồng chí đi không được mang giấy tờ, tài liệu, không được ghi chép công việc trên giấy”. Đại tướng cầm hai trang giấy của tôi đưa đọc chăm chú rồi bỗng dừng lại: "Kế hoạch nghi binh sau khi đưa ra khỏi nội thành như thế này chưa được. Đưa ra hướng Tây mà nghi binh hướng Đông, nếu tôi là địch, tôi sẽ tập trung truy lùng ở hướng ngược lại đấy. Vậy thì một là không nghi binh gì hết, hai là nghi binh 3, 4 hướng một lúc, bằng nhiều hình thức khác nhau, khi đưa đi phải xóa mọi dấu vết và tìm mọi cách buộc địch phán đoán lung tung, mất nhiều thời gian lùng sục vô ích để ta có thời gian đưa các đồng chí tới căn cứ an toàn". Đại tướng nói tiếp: "Kế hoạch thế này đại thể được rồi đấy. Anh Hiệu bố trí cho đồng chí Dĩnh đi biên giới Mường Xên ngay để báo cáo anh Bảy (bí danh của Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản) xin duyệt. Đồng chí Dĩnh còn băn khoăn điều gì không?".
Tôi nói: "Có một tình huống tôi chưa báo cáo trên giấy là tình huống giả thiết các đồng chí bị giam không nhất trí trốn ra thì chúng tôi làm thế nào? (đây là câu tôi đã hỏi đồng chí Trần Hiệu mà chưa được trả lời). Đại tướng trả lời ngay: "Thì thôi, các đồng chí không phải làm gì nữa và rút về", Đại tướng nói tiếp với vẻ mặt hết sức nghiêm túc: "Tôi nhắc lại: Mọi chủ trương, phương án, kế hoạch giải thoát thế nào đều do Đảng bạn quyết định, tình hình có thể thay đổi khi các đồng chí vào đến Viêng Chăn, vì vậy đưa ra phương án nào, có đưa ra hay không cũng do lãnh đạo bạn quyết định. Đây là công việc hệ trọng, liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc của bạn".
Tôi cảm thấy phấn chấn về những lời của Đại tướng, những ý kiến ấy đã giải đáp cho tôi điều lo lắng nhất trước khi lên đường. Những lời dặn dò của Đại tướng không những đã theo tôi trong suốt hành trình đi làm nhiệm vụ đặc biệt này, mà còn trở thành cẩm nang của tôi trong chiến đấu và công tác trên đất bạn Lào với tư cách Bộ đội Cụ Hồ suốt hơn 1/2 thế kỷ, cho đến bây giờ tôi càng thấm thía những lời căn dặn đó chính là sự cụ thể hóa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: "Cách mạng Lào do bạn Lào làm lấy", "giúp bạn là tự giúp mình", "giúp bạn là nhiệm vụ quốc tế cao cả".
Sau 10 tháng chuẩn bị, bài binh bố trận tỉ mỉ, phối hợp trong ngoài chặt chẽ, vượt qua bao khó khăn gian khổ, do dịch, do thời tiết..., nhưng vẫn giữ được bí mật tuyệt đối cho đến phút chót, nên cuộc giải thoát đã được thực hiện thành công tốt đẹp vào đêm 24-5-1960. Đến đây nhiệm vụ đặc biệt của hai Đảng, hai quân đội do Đại tướng trực tiếp giao cho chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp.
43 năm sau, những người còn sống trong tổ công tác đặc biệt năm xưa gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Ngôn và tôi đều đã nghỉ hưu và đã ở tuổi 80. Ngày 25-8-2003, ba chúng tôi mang theo một bức trướng đến 30 Hoàng Diệu để mừng thọ Đại tướng ở tuổi 93. Chúng tôi thật vui và ngỡ ngàng khi thấy Đại tướng vẫn nói chuyện hoạt bát, vui vẻ. Đại tướng hỏi: "Đồng chí Dĩnh còn nhớ chứ, cái kế hoạch nghi binh hay không nghi binh đó?". Tôi vội trả lời: "Thưa, tôi vẫn nhớ toàn bộ và từng huấn thị của thủ trưởng trước lúc lên đường ạ!".
Sau đó, từng đoàn khách được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng. Riêng tấm ảnh chụp chung với ba anh em trong tổ công tác đặc biệt, Đại tướng đã tự tay đề tặng những dòng sau đây: "Cuộc giải thoát Chủ tịch Xu-pha-nu-vông là một chiến công đặc biệt tiêu biểu cho tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào. Chúng ta hãy giữ vững và phát triển tình hữu nghị đặc biệt đó. Chúc các đồng chí mọi sự tốt lành và nhớ mãi công lao của các đồng chí, trong đó có các đồng chí không còn... Thân, Võ Nguyên Giáp”.
Đại tá PHAN DĨNH, Cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào