QĐND Online -  Đại tá, NSNA Trần Hồng - nguyên phóng viên ảnh Báo Quân đội nhân dân, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp hai lần đến thăm triển lãm ảnh cá nhân và cho phép chụp ảnh tại tư gia bất cứ lúc nào. Những bức ảnh chụp Đại tướng của ông như một tiếng nói từ trái tim nghệ sĩ - chiến sĩ.

Đại tướng trong một chuyên thăm quê hương Quảng Bình

Hơn 40 năm cầm máy và 2000 bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Triển lãm ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc bình dị” diễn ra tại thành phố Hà Tĩnh, của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng cả nước. Sau 40 năm cầm máy, Đại tá Trần Hồng đã chọn 100 tác phẩm từ 2000 bức chân dung mà ông vinh dự được chụp Đại tướng hơn 20 năm qua để trưng bày. Đây là triển lãm lần thứ ba của ông về chân dung vị tướng tài ba, người Cộng sản kiên trung, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân Việt Nam.

Khi xem những bức ảnh của Trần Hồng, nhà văn Sơn Tùng bộc bạch: tình yêu Đại tướng trong tâm hồn, trái tim nghệ sĩ, chiến sĩ Trần Hồng đã tạo nên 100 bức chân dung một Đại tướng thần thái, bậc thiên tài, cao minh, tuấn kiệt.

Tại triển lãm, tác phẩm khiến người xem cảm động là bức ảnh chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng cạnh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với gương mặt bồi hồi xúc động. Đây là tác phẩm Trần Hồng rất tâm đắc bởi ông đã chụp được “phút xuất thần” của Đại tướng khi nhớ về người thầy của mình.

Đại tướng tập thiền

Trong bộ ảnh đồ sộ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Trần Hồng còn có một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Đại tướng trào dâng nước mắt khi đoàn văn công Tây Bắc đến thăm. Đó là năm 2008, Trần Hồng vinh dự được chứng kiến giây phút Đại tướng thử thổi chiếc kèn lá của đồng bào Thái; chiếc kèn đã gợi lại những năm tháng ở chiến trường xưa của Đại tướng khiến ông xúc động nghẹn ngào khóc thành tiếng.

Công chúng ấn tượng với ảnh của Trần Hồng bởi tính chân thật, gần gũi và thân thuộc như chính con người ông. Có lẽ vì thế mà ông là một trong số ít người chụp thành công chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở những khoảnh khắc đời thường. Trần Hồng may mắn hơn các đồng nghiệp khác bởi ông là một nghệ sĩ - chiến sĩ nên có cơ hội được tiếp cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần để ghi vào ống kính những tác phẩm để đời.

Được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vinh dự của đời tôi

Trong căn phòng nhỏ, ấm cúng, ngồn ngộn ảnh, sách của Đại tá Trần Hồng ở phố Đường Thành, ông kể cho tôi nghe về cảm giác vui mừng, hạnh phúc khi  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm triển lãm ảnh đầu tiên chụp chân dung những người dân Việt Nam của ông vào năm 1992, tại Hà Nội. Vị tướng tài ba đã đi xem rất kỹ từng tác phẩm và nhận xét: “Những tấm ảnh như thơ, như nhạc. Qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất đỗi xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui. Qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng - người nghệ sĩ, chiến sĩ có những tác phẩm lớn”. Những dòng lưu bút trên của Đại tướng như động lực thúc đẩy Trần Hồng sáng tác để rồi 3 năm sau (ngày 23-12-1995), ông tiếp tục cho ra đời triển lãm ảnh với chủ đề “Chân dung mẹ”. Lần này, Vị Tổng tư lệnh của quân đội Việt Nam lại ghé thăm, động viên Trần Hồng tiếp tục theo đuổi nghiệp cầm máy và không quên chúc ông gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.

Có lẽ sau hai lần thăm triển lãm, những bức ảnh chân dung bình dị của Trần Hồng đã thuyết phục được vị tướng tài ba, để rồi sau này ông được Đại tướng cho phép chụp ảnh tại tư gia bất cứ lúc nào.

Đại tướng chơi đàn piano

Trần Hồng tâm sự: “Ở đời may mắn sẽ đến với bất cứ ai và cũng sẽ bỏ đi rất nhanh khi người ấy không hết mình vì công việc mình đang theo. Với tôi, ước nguyện được chụp ảnh Đại tướng trong những khoảnh khắc bình dị là may mắn lớn nhất trong cuộc đời cầm máy”.

Gần 40 năm cầm máy, sở trường là chụp ảnh chân dung, nghệ sĩ Trần Hồng đã đúc kết được kinh nghiệm là trước khi cần chụp một đối tượng nào đó thì người chụp phải hiểu được nhân vật, có sự giao cảm giữa người chụp và người được chụp. Tuy nhiên, đôi khi có những khoảnh khắc bất chợt vẫn làm nên thành công của tác phẩm. Sự cẩn trọng, cầu toàn, tỷ mỉ mỗi khi định chụp chân dung một ai đó của Trần Hồng đã khiến cho những tác phẩm của ông luôn có hồn, cuốn hút người xem bằng sự dung dị, chân thật.

Nhà báo Hồ Quang Lợi- nguyên TBT Báo Hà Nội mới đã nhận xét về Đại tá - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng: “Cả đời làm báo của Trần Hồng chính là bằng nhiếp ảnh. Cái đặc biệt nhất của ông là sự lặn lội, tìm tòi sáng tạo. Trần Hồng đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng về cuộc sống, chiến đấu, lao động của quân đội và nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. Trong đó có hai bộ ảnh chân dung đặc biệt có giá trị là: chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chân dung mẹ. Bằng những lao động nghệ thuật của mình, Trần Hồng đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp nhiếp ảnh của Báo Quân đội nhân dân nói riêng và sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam nói chung”.

Khánh Huyền