 |
Anh Mộc thắp hương cho các đồng đội đã hy sinh. |
Một ngày tháng 5-2008, tôi về thăm đúng lúc anh đang thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Chị Mộc (gọi theo tên chồng) bảo anh vẫn thường xuyên làm như vậy, đêm đêm lại còn hay gọi tên đồng đội giữa lúc ngủ mê man…
Anh là Trần Huy Mộc, tuổi Kỷ Sửu-1949, quê xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ, Hải Dương). Năm 1967, anh nhập ngũ. Đầu năm sau, trong đoàn quân mang biệt danh 2013, anh vào mặt trận Quảng-Đà, làm nhiệm vụ tại phòng Hậu cần của mặt trận. Chiều ngày 27-11-1969, tổ công tác gồm có Mộc và hai chiến sĩ trên đường chuyển quân trang đến đơn vị thì bị địch phục kích. Một người thoát ra được. Mộc và nữ chiến sĩ cùng đi bị địch bắt đưa lên máy bay trực thăng chuyển về căn cứ của chúng ở thành phố Đà Nẵng. Đêm hôm ấy quân địch tra tấn đến chết rồi quẳng thi thể người nữ đồng đội của Mộc bên miệng một hố bom ở cánh đồng xã Xuyên Phú, huyện Duy Xuyên. Chúng giữ Mộc để tra khảo nhằm khai thác tình hình của ta. Tên sĩ quan Mỹ hùng hổ hỏi Mộc:
- Quê mày ở đâu?
Mộc trả lời:
- Tao ở Nguyên Giáp!
Tên Mỹ trợn mắt:
- Mày dám lấy tướng Giáp để dọa tao à!
Rồi hắn sai lính đánh Mộc rất dã man. Mộc ngất đi. Chúng xối nước lạnh vào mặt rồi dựng anh dậy. Tên Mỹ túm tóc Mộc:
- Mày còn lấy Võ Nguyên Giáp ra dọa tao thì tao sẽ mổ bụng mày. Quê mày ở đâu?
Mộc nhìn trừng trừng vào tên cướp nước. Anh nghĩ: “Tên quê hương mình trùng với tên người "anh Cả" của Quân đội ta. Chỉ cần mình nói bừa một địa danh khác, chắc rằng tên cướp nước sẽ hả hê về sự khuất phục của người tù binh Việt cộng. Không! Mình sẽ không làm như vậy”. Nghĩ rồi, anh nhìn thẳng vào mặt tên cướp nước và nói rành rẽ:
- Quê tao ở Nguyên Giáp!
Tên Mỹ tím mặt. Nó trực tiếp lấy con dao nhọn rạch một vệt dài khoảng 20cm, dọc phía trên rốn của Mộc trước mặt quân lính. Không biết có phải vì cảm phục tinh thần yêu nước bất khuất của Mộc hay không, mà những người lính ngụy có mặt tại đó đã đưa Mộc đi cấp cứu. Qua cơn hiểm nghèo, địch đưa anh vào trại giam ở sân bay Nước Mặn. Đơn vị tổ chức lực lượng đi tìm tổ công tác, chỉ thấy thi hài người nữ đồng đội bên hố bom, nên nghĩ rằng: Mộc đã bị bom vùi. Đơn vị gửi giấy báo tử Mộc về địa phương. Tháng 3-1973, địch trao trả anh về với cách mạng. Năm 1975, Mộc phục viên. Gia đình làm thủ tục hoàn sinh cho anh.
Giờ đây, thương binh hạng 4/4 Trần Huy Mộc cùng vợ và 3 con trai sinh sống ở ngay đầu cầu Quý Cao, nơi có địa danh Nguyên Giáp đã sống-chết với anh tại mặt trận Quảng Đà năm ấy. Mặc dù chỉ còn ít sức lực, nhất là những cơn đau khi trái gió trở trời, nhưng anh vẫn gắng sức lao động để giúp vợ con ổn định cuộc sống. Đêm đêm, khi anh mê man gọi tên đồng đội, chị Mộc lại tìm cách vỗ về để anh ngon giấc.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG