 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra vận chuyển lương thực tới vùng lũ lụt tại sân bay Gia Lâm. Ảnh tư liệu |
Cuối tháng 9 năm 1977, tôi là kỹ sư khí tượng ở sân bay Yên Bái, đang cắt cỏ tranh để sửa chữa doanh trại thì nhận được lệnh từ Trung đoàn: ra ngay sân bay đón “
thượng khách”. Thế là tôi vơ lấy áo của đồng chí Bình, nhân viên điện đồ khí tượng mặc tạm (vì quần áo của tôi mấy hôm bị mưa bão làm ướt sũng) vội vàng đi ngay. Ngồi trên đài nhìn xuống, tôi thấy có nhiều thủ trưởng Trung đoàn và Sư đoàn nên tự nhủ mình phải làm tốt nhiệm vụ. Xác định chắc chắn độ cao của mây, tôi mới báo cáo chỉ huy bay: Sân bay sẵn sàng tiếp nhận.
Hơn nửa tiếng sau, một chiếc Mi 8 bay đến nhẹ nhàng tiếp đất, trời bỗng hửng nắng rất nhanh, trên Đài chỉ huy chỉ còn tôi và Cẩn (dẫn đường) trực bảo đảm. Chúng tôi nhìn xuống dưới sân bay và “giật mình”, thì ra “thượng khách” là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều tướng lĩnh đáp máy bay từ hướng Điện Biên về. Hai anh em đang ngồi làm nhiệm vụ, nghe tiếng chân bước lên cầu thang, vừa quay lại, tôi nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mọi người nên khẽ nháy Cẩn đứng dậy chào. Đại tướng hỏi Thượng tá Ngô Ry, Chính ủy sư đoàn về từng người, Chính ủy báo cáo:
- Thưa Đại tướng, đây là đồng chí dẫn đường cho máy bay vừa rồi, còn đây là đồng chí kỹ sư khí tượng sân bay.
Thấy tôi đeo quân hàm Trung sĩ, Đại tướng liền hỏi: “Sao kỹ sư khí tượng lại Trung sĩ?”.
Tôi vội thưa:
- Tôi cấp bậc Thiếu úy, do mưa bão mấy ngày qua, quần áo tôi bị ướt, quân hàm hỏng nên mượn tạm của anh em ạ!
Đại tướng gật đầu rồi hỏi tiếp: “Thời tiết thế này sao đồng chí không tiếp thu máy bay sớm mà để muộn vậy?”. Tôi chỉ tay xuống đường băng có chỗ còn nước chưa kịp khô rồi báo cáo với Đại tướng rằng cách đây hơn nửa giờ, sân bay vẫn còn mưa. Đại tướng bước đến bên tôi hỏi cách thả bóng như thế nào, cách đo tốc độ gió, đo mây ra sao để phục vụ an toàn cho mỗi chuyến bay. Nghe tôi báo cáo, Đại tướng mỉm cười rồi ân cần hỏi thăm tôi về quê quán, vợ con… Đại tướng chìa tay ra bắt tay tôi. Tôi thật không ngờ trong cuộc đời mình lại có một diễm phúc lớn như vậy! Bàn tay của Đại tướng thật ấm áp và mềm mại. Hơn ba mươi năm qua, bây giờ tôi vẫn chưa quên được cảm giác ấy. Sau đó, Đại tướng cùng mọi người đi xuống cầu thang, Chính ủy Ngô Ry đi theo sau. Vừa bước xuống một bậc, mọi người ngạc nhiên thấy Đại tướng quay trở lại. Ông đi lại chỗ tôi làm tôi lo lắng không hiểu có chuyện gì. Đại tướng nói: “Này, đồng chí kỹ sư, tôi hỏi điều này, ở đây đồng chí có… sách để đọc không?”.
Câu hỏi của Đại tướng làm tôi bất ngờ, xúc động. Tôi vội trả lời: “Dạ thưa… Ở đây tôi chỉ có mấy quyển sách ở trường đem theo nhưng cũng bị rách nát và thất lạc nhiều rồi ạ!”. Đại tướng quay sang Chính ủy Ngô Ry: “Anh nhớ điều này cho nhé! Dứt khoát phải có sách, không phải chỉ cho riêng kỹ sư đọc mà phải cho mọi người, cho đơn vị!”. Đại tướng bắt tay tôi lần nữa rồi đi xuống cầu thang rất nhanh cùng đoàn lên ô tô đi tiếp về phía Thác Bà.
Sau lần gặp Đại tướng, tôi tự tìm sách đọc để nâng cao trình độ, không chỉ bó khung trong các bài giảng như trước đây. Tôi đọc ngấu nghiến, có những lúc thâu đêm, ngoài chuyên môn, tôi tự học thêm ngoại ngữ và những vấn đề cần thiết cho công việc. Sau này tôi cứ tự hỏi mình, Đại tướng trăm công ngàn việc, sao vẫn dành cho một sĩ quan cấp Thiếu úy như tôi sự quan tâm gần gũi như vậy? Có lẽ, Đại tướng không chỉ yêu quý, tôn trọng đội ngũ trí thức mà còn muốn mọi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta đều được học tập, đều được đọc sách để không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa cho quân đội và đất nước.
Lê Quý Hoàng
* Ghi theo lời kể của Trung tá Trần Thông Thạo, cán bộ Quân chủng Phòng không – Không quân