 |
Buôn Ma Thuột ngày 11-3-1975. Ảnh tư liệu |
Lựa chọn Buôn Ma Thuột
Buôn Ma Thuột, trung tâm chính trị của Tây Nguyên, nơi đặt căn cứ của sở chỉ huy sư đoàn 23 và là tỉnh lỵ của Đắc Lắc, đã được chọn làm điểm đột phá chiến lược mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên (và cả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975). Đây là một "pháo đài" trong thế trận của đối phương. Nó nằm sâu về phía Nam nên quân giải phóng phải khắc phục nhiều khó khăn mới đột phá được. Chiếm Buôn Ma Thuột, ta nắm được địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng để phát triển về mọi hướng, chia cắt Tây Nguyên với các vùng khác, chế ngự được đối phương, giành quyền chủ động cao hơn. Buôn Ma Thuột còn là biểu tượng về sự "ổn định" củachính quyền cũở Tây Nguyên và cả miền Nam.
Nhận định của ta: Vào cuối năm 1974, cách bố trí lực lượng dài, mỏng và "mạnh hai đầu" củađối phươngđã bộc lộ nhiều sơ hở. Nhưngchúng không có sự lựa chọn nào tối ưu hơn. Muốn phá thế trận dài, mỏng và "mạnh hai đầu" của đối phương, thì phải đánh vào đâu? Có thể nói, không gì thuận lợi hơn bằng đánh vào Tây Nguyên.
Thứ nhất, Tây Nguyên có vị trí như chiếc đòn gánh nối liền hai đầu thế trận của đối phương. Đánh vào Tây Nguyên sẽ giống như ta bẻ chiếc đòn gánh, phá vỡ thế trận liên hoàn, hai đầu khó tránh khỏi sụp đổ. Thứ hai, Tây Nguyên giữ một vị trí rất quan trọng trong những thế trận ở Việt Nam và Đông Dương nhưng Mỹ -Thiệu lại không tập trung nhiều lực lượng ở đây vì chúng cho đây không phải điểm trọng yếu tiến công của ta. Hơn nữa, lực lượng quân sự củađối phươnglại có hạn. Chúng cho rằng, lực lượng ấy đủ để giữ Tây Nguyên... Phát hiện được điểm sơ hở này, ta đã có những hoạt động nghi binh làmđối phươngkhẳng định những phán đoán sai lầm của chúng là đúng, tiếp tục duy trì thế trận bất lợi ấy.
Lúc bấy giờ, Tây Nguyên như chiếc áo giáp che chở cho đồng bằng miền Trung. Mất Tây Nguyên, đồng bằng miền Trung sẽ bị hở sườn, cái thế bị ta chia cắt chiến lược sẽ không tránh khỏi. Tây Nguyên lại ở thế cao hơn đồng bằng, giải phóng được Tây Nguyên, chúng ta sẽ tạo cho mình một thế mới, thế "thác đổ". Bộ Chính trị và các tướng lĩnh ta nhận định, nếu thế "thác đổ" ấy của các binh đoàn từ Tây Nguyên tràn xuốngkết hợp với thế "triều dâng" của các cuộc tiến công nổi dậy ở đồng bằng thì khó kẻ địch nào có thể chống nổi. Chắc chắn thế trậnđối phươngsẽ bị tan vỡ rất nhanh, tạo nên cục diện mới.
Với nhận định ấy, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương thống nhất rằng chiếm được Buôn Ma Thuột nhanh sẽ là điều kiện tiên quyết tiến lên giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và có thể tạo thời cơ lớn xuất hiện sớm, làmrung chuyển thế trận trên toàn miền Nam.
Đòn quyết định
Để đánh Buôn Ma Thuột, ta đã có những bước chuẩn bị chu đáo. Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu ngành vận tải phải đảm bảo đủ hàng cho Tây Nguyên. Sư đoàn 316 được giao trọng trách đánh Buôn Ma Thuột. Nhận được nhiệm vụ, Sư đoàn 316 cơ động gấp từ Nghệ An vào Tây Nguyên. Toàn sư đoàn cơ động bằng hơn 800 xe ô tô. Để bảo đảm bí mật, an toàn, tránh không quân địch đánh phá, Sư đoàn đã tổ chức hành quân theo các khối trung đoàn độc lập, đi gọn trong một đêm. Đây là cuộc hành quân đầu tiên bằng cơ giới ở cấp sư đoàn. Bắt đầu hành quân từ ngày 15-1-1975 theo đường Trường Sơn, đến ngày 3-2, toàn sư đoàn đã tập kết tại Đắc Đam (phía nam tỉnh Đắc Lắc). Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, sư đoàn đã cơ động hơn 2000 cây số, bảo đảm bí mật, an toàn. Việc sư đoàn cơ động thần tốc, bí mật như vậy đã phần nào tạo ra tính bất ngờ đối với địch trước khi ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột.
Lự lượng khác của ta thực hiện rất hiệu quả hành động nghi binh. Một bộ phận nghi binh ở Plei-cu và Kon Tum giả làm Sư đoàn 10, Một sở chỉ huy giả của Sư đoàn 320 đặt ở phía Tây Pleiku liên tục phát tín hiệu radio liên lạc làm cho địch lầm tưởng Sư đoàn 320 vẫn đóng ở đây. Trong khi đó Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 từ Bắc Tây Nguyên đã bí mật tiến về Buôn Ma Thuột.
Từ ngày 5 đến ngày 8-3, lực lượng của ta nổ súng cắt đứt một loạt tuyến đường giao thông quân sự như đường 19 nối với Bình Định, Quy Nhơn; đường 14 nối giữa 3 tỉnh; đường 21 nối Đắc Lắc với Ninh Hòa, Nha Trang khiến các căn cứ địch ở Tây Nguyên lâm vào thế bị bao vây chia cắt. Sau trận diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thuần Mẫn thuộc Phú Bổn (ngày 8-3) nằm trên đường 14 ở giữa Plei-cu và Buôn Ma Thuột, địch vẫn phán đoán ta sẽ đánh Plei-cu. Những ngày này, pháo binh của ta liên tục giội bão lửa xuống sân bay Cù Hanh nằm trong thị xã Plei-cu. Địch vội vàng điều phần lớn Sư đoàn 23 từ Buôn Ma Thuột lên, cùng các liên đoàn quân biệt động, các trung đoàn thiết giáp hình thành một vành đai bẩo vệ quanh Plei-cu, nơi đặt sở chỉ huy của quân đoàn 2 Ngụy.
Để loại trừ tình huống địch ứng cứu cho Buôn Ma Thuột sáng 9-3, Sư đoàn 10 tiến công Đức Lập, Đắc Soong, đến ngày 10-3 thì làm chủ hoàn toàn Đức Lập. Địch lúc này ít nhiều nghi ngờ khả năng đánh Nam Tây Nguyên, nhưng đã muộn.
Đúng theo kế hoạch của ta, điều kiện tiến công đã hội đủ. Sáng ngày 10-3, trong lúc địch vẫn đang tập trung quân bảo vệ Pleiku, quân ta bất thần tiến công và nổi dậy ở thị xã Buôn Ma Thuột.
2 giờ 3 phút ngày 10-3, đặc công của ta nổ súng tiến công sân bay thị xã, sau gần 30 phút đã làm chủ phần lớn sân bay, phối hợp với bộ đội đặc công đánh chiếm các mục tiêu. 2 giờ 10 phút, hỏa lực của ta gồm tên lửa H12 và ĐKZ bắt đầu bắn phá căn cứ Sư đoàn 23 địch.
7 giờ 15 phút, khi sương mù bắt đầu tan, các cụm pháo chiến dịch, pháo sư đoàn tiến hành bắn vào căn cứ sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy. Lợi dụng kết quả hỏa lực, bộ binh ta lên chiếm lĩnh tuyến chuyển sang xung phong. Ta tổ chức tiến công theo 5 hướng: Đông-Bắc; Tây-Bắc; Tây-Nam; Tây và Nam.
Trên hướng Tây-Bắc Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 48 tiêu diệt điêm cao Chư Ebua, khu pháo binh, khu thiết giáp và hậu cứ tiểu đoàn 1 trung đoàn 45 địch. Trên hướng Tây ta tổ chức một mũi thọc sâu binh chủng hợp thành theo đường số 429 tiến vào sở chỉ huy Sư 23 Ngụy. Mũi này ta có xe tăng dẫn đầu.
Bị tiến công từ nhiều hướng, quân địch trong thị xã rối loạn. Sau ngày đầu tiến công, ta đã thu được thắng lợi lớn, chiếm được 2 mục tiêu quan trọng là sân bay thị xã và bộ chỉ huy tỉnh trưởng, khống chế được sân bay Hòa Bình. Các hướng đều đánh tốt, song hướng nam còn nhiều khó khăn, tổn thất nhiều. Ta xác định, phải đánh chiếm nhanh căn cứ Sư đoàn 23 địch và các mục tiêu còn lại trước khi dự bị chiến dịch của địch tăng cường đến.
Sang ngày thứ 2, quân ta đã tập trung đánh quyết liệt vào những mục tiêu đã định với xe tăng yểm trợ. Kết quả, ta đã nhanh chóng chiếm được sở chỉ huy của Sư đoàn 23 địch. Chiếm được những mục tiêu quan trọng trong thị xã, nhưng ven thị xã địch vẫn còn chiếm giữ. Bộ tư lệ chiến dịch ra quyết định cho các đơn vị nhanh chóng phát triển thắng lợi tiêu diệt địch ở ngoại vi, trọng điểm là căn cứ của trung đoàn 45 và 53 địch. Đồng thời cho Sư đoàn 10 nhanh chóng cơ động về đông bắc thị xã sẵn sàng làm dự bị và chuẩn bị đánh địch phản kích.
Sau hai ngày chiến đấu, ta đã nhanh chóng tiêu diệt các căn cứ quân sự địch và làm chủ hoàn toàn thị xa Buôn Ma Thuột. Chiến thắng, giải phóng Buôn Ma Thuột là đòn điểm đúng huyệt, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ Tây Nguyên, khiến cho quân địch hết sức bất ngờ, choáng váng, thế trận bị đảo lộn dẫn đến sụp đổ nhanh chóng.
Xuân Dũng
(Tổng hợp)