Trước hết, tôi cho rằng chúng ta có thể thống nhất định nghĩa từ hiện diện nói trong hội thảo này là “chủ quyền của Pháp ở hải ngoại”. Vậy thì cần đặt từ “hiện diện” đó trong những bối cảnh lịch sử khác nhau để hiểu thấu đáo sự thay đổi thực tế về chất của từ đó trong quá khứ. Mấy ví dụ : Khi Đức đánh bại Pháp, chiếm đóng nước Pháp, sự hiện diện của Đức đã thay thế sự hiện diện của Pháp ngay trên chính lãnh thổ Pháp, vậy thì ý nghĩa “sự hiện diện” của Pháp ở hải ngoại lúc này là gì? Ngày 8-12-1941, tức chỉ một ngày sau khi nổ ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, Đô đốc Jean Decoux-Toàn quyền Đông Dương, ký hiệp định hợp tác với Nhật Bản, để quân Nhật vào chiếm đóng và thực hiện cái gọi là “phòng thủ chung Đông Dương” (thực chất là để quân đội Nhật có thêm căn cứ chiến lược để đánh Đồng minh). Vậy thì “sự hiện diện” của Pháp ở Đông Dương lúc này mang nội dung gì? Khi Nhật Bản làm cuộc đảo chính (coup de force) ngày 9-3-1945, bắt giam Toàn quyền Decoux, làm chủ hoàn toàn Đông Dương, quân đội Pháp hoặc bị bắt, hoặc đầu hàng, hoặc bỏ trốn sang Côn Minh (Trung Quốc)… Những người được mệnh danh là “Pháp Đờgôn” ở Đông Dương đã khước từ lời kêu gọi hợp tác của Việt Minh để đánh Nhật. Vậy “sự hiện diện” của Pháp ở Đông Dương vào thời điểm ấy còn có ý nghĩa gì, nhất là ý nghĩa “bảo hộ” xứ Đông Dương thuộc Pháp? Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất đúng rằng nhân dân Việt Nam đã giành lại chính quyền từ tay phát-xít Nhật. Bằng cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã “giành lại ngôi nhà của mình”, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập, khẳng định cắt đứt mọi quan hệ thực dân với nước Pháp. Vậy còn đâu là “sự hiện diện” của nước Pháp ở Việt Nam vào thời điểm lịch sử này?…

Đọc lại lịch sử sự hình thành đế quốc thuộc địa của Pháp, người ta thấy ngay “sự hiện diện” của Pháp ở hải ngoại (dù ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ hay châu Úc) chỉ là chinh phục, giết chóc, lừa gạt, thống trị, bóc Álột, dẫn đến hệ quả tất yếu đối với các dân tộc thuộc địa là sự ngu dốt, nỗi thống khổ và nạn đói. Sự kiện hai triệu người (tức 10% dân số Việt Nam lúc đó) bị chết đói đầu năm 1945 cũng bắt nguồn từ “sự hiện diện” của Pháp gắn liền với “chính sách Đại Đông Á” của phát-xít Nhật. Từ rất lâu, bộ mặt thật về “sự hiện diện” của Pháp, ở hải ngoại nói chung và ở Đông Dương nói riêng, đã đựơc Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) phơi bày trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp trong những năm 20 của thế kỷ trước, sau đó (năm 1936) lại được André Violis viết trong Đông Dương S.O.S.

Từ khi Đô đốc Rigault de Genouilly hạ lệnh nã những phát đại bác đầu tiên vào Đà Nẵng (1-9-1858) cho đến cuộc đảo chính của Nhật (9-3-1945), đúng là có sự hiện diện của nước Pháp trên đất nước Việt Nam. Nhưng thưa các bạn, sự thật lịch sử là “sự hiện diện” đó luôn luôn bị nhân dân Việt Nam chống lại; và từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhân dân chúng tôi không ngừng tìm mọi cách chống lại ách thống trị của chế độ thuộc địa Pháp, chỉ vì một lý do dễ hiểu: sự hiện diện của Pháp không là cái gì khác sự xâm lược và thống trị. Sự chống đối diễn ra ngay từ khi Pháp mới sang và liên tục cho đến khi nhân dân Việt Nam giành được độc lập, chấm dứt quan hệ thuộc địa với Pháp.

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam hồi đó, người ta liên tưởng đến những điểm tương đồng trong quá khứ của nhiều thuộc địa Pháp, đặc biệt là Algérie, từ “cú quật” của Quốc trưởng Algérie đến 8 năm chiến đấu của Abdel-Kader… Rõ ràng là không một nước thuộc địa nào của Pháp vui vẻ và tự nguyện chấp nhận “sự hiện diện” của cái gọi là mẫu quốc bảo hộ.

Lãnh đạo những cuộc nổi dậy chống lại “sự hiện diện” của Pháp ở Việt Nam không chỉ gồm những sĩ phu yêu nước mà cả những người đứng đầu đất nước, đứng đầu chế độ phong kiến, như vua Hàm Nghi với Chiếu cần vương, tiếp đến là các vua Thành Thái và Duy Tân. Do “tội” chống lại “sự hiện diện” của Pháp nên vua Hàm Nghi bị nhà chức trách Pháp đầy sang Algérie 55 năm, cho đến khi chết (1888-1943); vua Thành Thái bị đày sang đảo Réunion 31 năm (1907-1947) sau đó bị đưa về an trí ở Sài Gòn. Đến lượt con của Thành Thái là Duy Tân cũng bị đi đầy sang đảo Réunion 29 năm (1916-1945). Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống lại ách thống trị thuộc địa của Pháp vẫn tiếp tục diễn ra trên quy mô cả nước. Có lãnh tụ nghĩa quân chiến đấu từ Nam ra Bắc như Nguyễn Tri Phương (1800-1873). Có cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt 30 năm (1884-1913) dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám. Những người lãnh đạo các cuộc nổi dậy đó nếu bị sa vào tay các quan cai trị Pháp thì không sao thoát khỏi bị hành hình, như trường hợp Nguyễn Trung Trực (1837-1868) hay Hoàng Hoa Thám (1845-1913). Trong hai thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, chính Nguyễn ái Quốc (Hồ Chí Minh) cũng đã từng bị chính quyền thực dân săn đuổi khắp nơi, nhất là ở Pháp, ở Anh và Trung Hoa, và chính Người đã từng bị chính quyền “bảo hộ” kết án tử hình vắng mặt. Nhưng quân viễn chinh Pháp cũng phải trả giá đắt trong mỗi cuộc hành binh xâm lược. Điển hình là trong hai lần đưa quân ra Bắc, hai lần các viên chỉ huy cao cấp nhất của quân đội Pháp là Francis Garnier và Henri Rivière phải đền tội.

Năm 1884, hiệp ước Việt-Pháp, Hiệp ước Patenotre ra đời. Đây chỉ là hiệp ước đầu hàng của một bộ phận những người đứng đầu triều đình Huế, công nhận sự bảo hộ của Pháp, cho nên thật dễ hiểu vì sao phong trào chống Pháp của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi và các sĩ phu yêu nước vẫn tiếp tục. Nhất là từ năm 1886, khi toàn quyền Đông Dương đầu tiên là Paul Bert sang nhậm chức và chính sách khai thác thuộc địa được đẩy mạnh, thì cũng bắt đầu thời kỳ mà các nhà trí thức khoa bảng nổi lên hưởng ứng mạnh mẽ Chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi. Các cuộc nổi dậy liên tiếp diễn ra, tiếp đến là các phong trào vận động cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, vụ đầu độc Hà thành (Hà Nội), vụ bạo động ở Nam Kỳ, các cuộc đấu tranh của binh lính người Việt trong quân đội Pháp mà đỉnh cao là vụ binh biến ở Thái Nguyên tháng 8-1917. Cuộc binh biến này bắt nguồn từ phong trào đấu tranh phản đối việc chính quyền thuộc địa đưa quân đội người bản xứ sang làm bia đỡ đạn cho Pháp trên chiến trường châu Âu trong Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).

Cứ như thế cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) với đường lối đấu tranh ngày càng gắn liền với mục tiêu giải phóng dân tộc. Phải tiếp tục trải qua những cuộc tàn sát đẫm máu của thực dân Pháp (và từ năm 1940 là của cả phát-xít Nhật), mãi 15 năm sau, nhân dân Việt Nam mới giành được thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc trong ngày lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “... hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Thêm một lần thay mặt toàn dân, Hồ Chí Minh lên án chủ nghĩa thực dân và tuyên bố chấm dứt “sự hiện diện” của Pháp trên đất nước Việt Nam. Vậy mà, chỉ chừng một tháng sau khi nhân dân Việt Nam giành chính quyền, quân viễn chinh Pháp, được quân đội Anh tiếp sức, đã trở lại xâm lược lần thứ hai, với mưu đồ “khôi phục lại sự hiện diện của lá cờ ba sắc trên một thuộc địa đã mất”. Vừa lãnh đạo nhân dân chiến đấu, Chính phủ cộng hòa non trẻ vừa tìm mọi cơ hội(1) để bày tỏ nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời cộng tác thật thà, bình đẳng với nước Pháp mới. Năm 1946, ngay trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong một cuộc họp báo rằng người Việt Nam sẵn sàng làm bạn, làm học trò của người Pháp nhưng dứt khoát không trở lại cuộc đời nô lệ. Vô ích. Paris quyết phục hồi “sự hiện diện” của nước Pháp như thời kỳ trước chiến tranh (statu quo ante bellum), quyết thực hiện bằng được bản Tuyên bố ngày 24-3-1945 của De Gaulle(2) cũng tức là quyết “giành lại bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa”(!). Paris tin tưởng quân viễn chinh Pháp sẽ thắng vì, như tướng De Gaulle nói với Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Philippe Leclerc: “Chúng ta là những kẻ mạnh.

Cuối năm 1946, cuộc chiến tranh toàn cục tất yếu đã nổ ra. Mặc dù chiến đấu trong điều kiện không cân sức nhưng toàn dân Việt Nam, cùng với nhân dân hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em, kiên trì cuộc kháng chiến lâu dài suốt 9 năm với quyết tâm làm thất bại tham vọng không hề thay đổi của Paris là “sự trở lại” của nước Pháp trên bán đảo Đông Dương. Mặc dù những năm cuối của cuộc chiến tranh, quân viễn chinh Pháp được Mỹ viện trợ ngày càng nhiều, nhưng chiến tranh càng kéo dài, càng làm cho nước Pháp lún sâu vào tình thế suy yếu cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Paris đã phải 7 lần thay tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương, 20 lần thay đổi nội các. Có vị chỉ ngồi vào ghế thủ tướng 12 ngày (như Jules Moch) thậm chí 7 ngày (như René Mayer). Thế rồi, trận Điện Biên Phủ xảy ra, vĩnh viễn kết thúc tham vọng về “sự hiện diện” của Pháp trên bán đảo Đông Dương. Một trong những yếu tố khiến nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ nói riêng, trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng nói chung, là sự đồng tình và ủng hộ không mệt mỏi của nhân dân tiến bộ thế giới, trong đó có nhân dân Pháp và nhân dân Bắc Phi anh em. Nhân dân Việt Nam cám ơn và ghi nhớ mãi tinh thần đoàn kết cao cả đó. Điều cần nói và đáng nói thêm là ngay trong năm 1954, theo lệnh của Paris, đội quân viễn chinh Pháp vừa thất bại và đầu hàng ở Điện Biên Phủ, lại kéo sang tái diễn tấn thảm kịch Việt Nam trên sân khấu Algérie. Tám năm sau, với Hiệp ước Evian, nước Pháp cuối cùng lại phải chấp nhận những gì đã chấp nhận ở Việt Nam, tức là rút quân khỏi Algérie để nhân dân nước này phục hồi nền độc lập của mình.

Từ thực tế lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có lý khi nói rằng bọn đế quốc (bất kể Pháp hay Mỹ) đều là những đứa học trò tồi. Chúng không có khả năng tiếp thu những bài học của lịch sử. Phải 12 năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, ngày 8-2-1966, cựu Tổng thống De Gaulle mới gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư bày tỏ sự hối tiếc rằng: Giá mà, sau Chiến tranh thế giới thứ 2, có sự hiểu biết tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp thì có thể tránh được những sự biến tai hại đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay. Dư luận cho rằng đó là một sự hiểu biết quá muộn màng. Lịch sử còn ghi, hồi đó Hồ Chí Minh đã đích thân sang tận thủ đô Paris, chìa bàn tay hòa bình và hữu nghị ra, nhưng chính ông ta-Charles de Gaulle-đã quay mặt đi.

Theo những tin tức mà chúng tôi nhận được, ngày 23-2-2005, Quốc hội Pháp đã thông qua một đạo luật, đòi hỏi phải thừa nhận vai trò tích cực của sự hiện diện nước Pháp ở hải ngoại và đặt lịch sử và sự hy sinh của những chiến binh trong quân đội Pháp trên những lãnh thổ đó vào vị trí cao, xứng đáng như nó có quyền được hưởng. Đạo luật đã gây nên một sự chống đối rộng khắp trong các chính khách và giới sử học trên đất Pháp và nhiều nước trên thế giới. Họ đòi phải hủy bỏ đạo luật này, đòi để cho các nhà sử học làm công việc của mình…

Dù là công dân một nước đã từng là thuộc địa của thực dân Pháp, một lần nữa tôi thấy cần khẳng định rằng lúc này không phải lúc gợi lại những kỷ niệm không vui trong quá khứ, nhưng chúng tôi cũng không thể không nghĩ rằng việc cho ra đời đạo luật nói trên là đi ngược dòng chảy của lịch sử. Một trăm năm qua, nhất là mấy thập kỷ gần đây, trên bình diện chính trị thế giới đã có quá nhiều sự thay đổi. Ngay Chính phủ Pháp cũng đã thấy tính chất lỗi thời của chính sách thuộc địa, nên từ năm 1960 đã thực hiện một chính sách tiến bộ, đó là phi thực dân hóa. Nếu ngày nay, vì mị dân hay vì lý do nào khác, người ta thấy cần tri ân và trả công cho các cựu chiến binh trong các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa của Pháp thì người ta cứ việc lẳng lặng tăng tiền phụ cấp, tặng thưởng huân chương để “tôn vinh” họ, chứ không cần phải trương lên một tấm bình phong đạo đức để che đậy một vấn đề phi đạo đức trong quá khứ.

Lúc này, nhân dân Việt Nam chúng tôi đang tập trung trí tuệ và sức lực vào việc hợp tác và phát triển, nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu hiện nay của dân tộc Việt Nam. Từ diễn đàn hội thảo này, tôi xin phép được nhắc lại lời một vị lãnh đạo của chúng tôi-Đại tướng Võ Nguyên Giáp-khi trả lời phỏng vấn của một tờ báo nước ngoài: “Nhân dân Việt Nam không quên hẳn quá khứ, nhưng chúng tôi có thể bỏ lại đằng sau những đắng cay của quá khứ.

*

Trước khi kết thúc bản tham luận này, cho phép tôi một lần nữa gửi tới nhân dân các dân tộc bè bạn, trong đó có nhân dân Pháp và nhân dân Algérie, đã từng giúp đỡ nhân dân Việt Nam, dù dưới hình thức chính trị, tinh thần hay vật chất, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những lời cám ơn chân thành và sâu sắc.

TRẦN TRỌNG TRUNG