 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi đồng bào các dân tộc tại Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng), năm 1994. Ảnh: TRẦN HỒNG |
Tôi thuộc lớp người hậu sinh, nếu so về tuổi thì kém ông hơn 40 tuổi, tức là xấp xỉ gần nửa thế kỷ. Khi tôi ra đời thì ông đã là Đại tướng, chiến công lừng lẫy. Suốt thời thơ ấu, thời học trò khi học về lịch sử, tôi cũng như bao bạn bè đồng trang lứa đều thuộc lòng những kỳ tích của ông trong thời hiện đại cũng như kỳ tích của các vị anh hùng tiền bối khác…
Chỉ có một điều khác là các vị anh hùng tiền bối, sau khi để lại chiến công kỳ vĩ của mình cho dân tộc, theo dòng chảy của thời gian, đều đã trở thành người thiên cổ. Còn ông, cùng với chiến công, ông vẫn là người đương đại, còn sống với thế hệ chúng tôi. Cùng ăn những hạt gạo trắng trong của đồng bằng Bắc Bộ trên lưu vực sông Hồng, cùng uống dòng nước mát lấy từ lòng đất Thăng Long-Hà Nội; cùng hít thở không khí trong lành thoảng hương hoa cau, hoa bưởi dưới bầu trời đất Việt.
Lớn lên, khi trưởng thành, do công việc, tôi đã nhiều lần được làm việc với ông. Tôi nhận thấy huyền thoại về một vị tướng đã từng vâng lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lập nên đội quân với 34 chiến sĩ đầu tiên rồi trưởng thành, đánh thắng những đội quân xâm lược hùng mạnh như Pháp, Nhật, Mỹ để giành độc lập tự do, và quyền sống bình đẳng của dân tộc, với những mốc quan trọng: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trận Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu năm 1954, trận quyết chiến chiến lược Mùa Xuân năm 1975… bỗng nhường chỗ cho sự bình dị. Bình dị đến ngỡ ngàng-cái bình dị của một học giả, của nhà chiến lược quân sự, của một người dân thuần phác yêu thiên nhiên, quý trọng tình người.
Tôi nhớ rõ vào năm 1989, khi kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ông lên thăm lại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, đến hang Pác Bó-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy làm điểm dừng chân đầu tiên trên mảnh đất Tổ quốc sau hơn ba chục năm bôn ba ở nước ngoài, để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 với bản
Tuyên ngôn độc lập. Và cũng từ đây, tại lán Khuổi Nậm, Bác Hồ đã bàn với ông thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Lúc đi qua cây cầu phao bắc qua suối lớn (lúc đó đang đổ móng xây cây cầu xi măng hiện nay), ông gặp những người con gái, con trai tươi trẻ đang làm việc. Ông cười hỏi: “Cần Kinh, cần Tày hay cần Dao?”, (người Kinh, người Tày hay người Dao?). Tất cả đều cười: “Thưa Đại tướng, có đủ cả. Sao Đại tướng biết tiếng Tày thạo thế?”, “Đây là quê hương của tôi, sao tôi không thạo…”-Ông cười đôn hậu.
Trong cảnh hội ngộ đằm thắm yêu thương, xung quanh ông là đồng bào, đồng chí, từ cháu bé người Dao ngây thơ nụ cười, đến những chàng trai, thiếu nữ vùng cao Tày, Nùng, Dao. Từ các vị tiền bối cách mạng lão thành đến các đồng chí lãnh đạo địa phương đều rưng rưng nước mắt. Ông-người học trò của Bác Hồ-đã trở thành chiếc cầu nối hiện tại với lịch sử của cả một giai đoạn oanh liệt của dân tộc. Và cùng nhớ lại, chia sẻ cùng đồng bào vùng căn cứ địa cách mạng này những kỷ niệm gian nan vất vả đầy xương máu.
Xúc động biết bao nhiêu khi cụ Nguyễn Thị Lành, 77 tuổi, cơ sở cách mạng, quê ở xã Đức Long, huyện Hòa An, ôm lấy tay ông: “Có còn nhớ không?”. “Còn nhớ lắm! Tôi ăn cơm của người Tày, của vùng cao, tôi không thể nào quên được!”-Ông trả lời.
Khi trở lại Phai Khắt, gần khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, chính ở Phai Khắt này, trên cái nền đồn Tây, ông đã gặp lại một số chiến sĩ ban đầu ấy. Những người đã lập nên chiến thắng đầu tiên của lực lượng vũ trang ngày 22-12-1944, mở đầu cho trang sử trăm trận trăm thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong vòng tay của đồng đội, của nhân dân, ông nghẹn ngào, mái đầu bạc trắng rưng rưng… Ở đây ông vui cái vui được trở về quê hương cách mạng, thấy truyền thống cách mạng, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng khi cách mạng còn trứng nước được giữ vững. Vui vì lời dạy của Bác Hồ trong xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, làm tròn nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như nghĩa vụ quốc tế vẻ vang mà khởi đầu là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã trở thành hiện thực. Ở ông, cái bình dị đi vào lòng người.
Lại một dịp khác khi làm việc với ông về đánh giá những sự kiện lịch sử. Đó là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975. Tôi có đề xuất ý kiến với ông là xin phép đưa vào bài viết, chức vị của ông lúc đó mà Bác Hồ nói (trong chiến dịch Điện Biên Phủ) là Tướng quân tại ngoại, Vị Tổng tư lệnh ra mặt trận. Cũng như trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 tôi muốn nhắc tới việc: Trước khi biết được công điện của Bộ Ngoại giao Thái Lan gọi toàn bộ Đại sứ quán Thái Lan ở Sài Gòn về nước khẩn cấp vì người Mỹ không quay trở lại Nam Việt Nam do Đài kỹ thuật quân sự của ta thu được (ngày 16-4-1975)*, với tầm nhìn chiến lược, với tầm trí tuệ sắc sảo, ông đã cùng Bộ Chính trị nhận định chính xác thời cuộc: Thời cơ ngàn năm có một để giành thắng lợi đã đến! Ông đã vào Tam Điệp (Ninh Bình), lệnh cho Quân đoàn 1 lập tức lên đường ra trận và gửi bức điện cho các lực lượng chiến đấu: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng... (đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký. NXB QĐND, Hà Nội, 2006. Bút tích Điện mật đi). Khẩu hiệu: Thời gian lúc này là lực lượng… nghe xong đề nghị của tôi, ông cười giản dị: “Việc đó có, nhưng đã qua, nhắc đến ít thôi, không nhắc cũng được. Cái quan trọng là phải nhắc đến những bài học còn nguyên giá trị của những mốc son lịch sử này, nó có tính thời sự cho đến ngày nay. Đó là thắng lợi của hai trận quyết chiến chiến lược, chứng tỏ sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20… Tất cả vì dân, tất cả do dân. Có dân thì có tất cả. Mặt khác, phải luôn luôn bám sát thực tiễn, hiểu địch, hiểu ta ngay trong từng bước biến động của chiến trường mà phát hiện ra quy luật và hành động; hành động đúng quy luật. Thứ nữa là chúng ta đã lấy sức mình là chính, độc lập tự chủ, tự lực tự cường là chính. Đồng thời tranh thủ đến mức cao nhất sự đồng tình giúp đỡ và chi viện của các nước bạn và nhân dân tiến bộ trên thế giới. Kinh nghiệm là có củng cố và phát triển lực lượng bản thân thì mới tiếp nhận và phát huy được sự chi viện từ bên ngoài. Như vậy phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, mới có chiến thắng trọn vẹn. Thời cuộc mới, ta phải chủ động hội nhập mới bứt phá phát triển được. Đất nước đã có độc lập, tự do, thống nhất nhưng chúng ta đang ở trong tình trạng nghèo và lạc hậu. Như Bác Hồ đã nói, nước có độc lập mà dân chưa có hạnh phúc, thì độc lập cũng chưa có ý nghĩa gì. Vì vậy chúng ta phải phấn đấu với tinh thần chiến thắng trên mặt trận mới-làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nắm được quy luật làm chủ tình thế, thương yêu, gần gũi đồng bào, đồng chí nên Đại tướng của chúng ta luôn là người tự tin, bình dị.
Đại tá Hoàng Huân
* Theo Điện số 46B/TK-10 giờ ngày 16-4-1975 của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp