QĐND Online - Chiều mùa hạ, không khí Đà Nẵng oi nồng, vậy mà Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn chật cứng bóng quân phục hòa lẫn màu áo của những cựu chiến binh, màu xanh tình nguyện và đông đảo nhân dân địa phương về dự buổi giao lưu “Tuổi trẻ Đà Nẵng với chiến sỹ Điện Biên”.

Ánh đèn sân khấu bừng sáng, tốp ca nam, nữ Đội tuyên truyền văn hóa Bộ đội Biên phòng thành phố mở đầu chương trình với ca khúc: “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sỹ Nguyễn Thành. Tiếng vỗ tay hòa nhịp cùng lời ca, tiếng hát như thúc dục bước hành quân một thời xẻ núi, băng rừng của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa trước giờ xung trận...

Các cựu chiến binh đang giao lưu cùng khán giả.

Buổi giao lưu giữa tuổi trẻ Đà Nẵng với các nhân chứng lịch sử đầy xúc động. Bác Đinh Thế Phẩm (nguyên chiến sỹ C670, D428, F312) kể lại nhiệm vụ đầy khó khăn, ác liệt mà ông đã từng nếm trải: “Đại đội tôi được giao nhiệm vụ kéo khẩu pháo nặng 2.500 kg vào trận địa. Ngày ấy, máy bay địch gầm rú, săm soi từng cánh rừng, tiếng đạn pháo ì oàng suốt ngày đêm, chúng tôi vừa kéo, vừa chèn, khẩu pháo nhích từng tý một. Vượt dốc suối Ngựa, Cây Cụt thì còn dùng dây thừng kéo pháo, nhưng đến dốc Pha Xông (hay còn gọi là dốc “7 tời”) thì chúng tôi phải dùng tới 7 cái tời mới kéo được pháo lên. Nhớ nhất là lần kéo pháo qua dốc Nà Lang, hôm đó pháo địch tập kích bất ngờ, tất cả anh em bám chặt càng pháo thì thầm: “Dù phải hi sinh cũng phải bảo vệ pháo đến cùng”. Càng vào sâu, đòi hỏi công tác bí mật được đặt lên hàng đầu, chúng tôi không thể ra lệnh bằng lời mà phải dùng hai thanh tre gõ vào nhau, cứ mỗi lần nghe tiếng “cách” là dồn sức kéo pháo. Kéo lên dốc đã khó, kéo xuống dốc lại càng khó hơn, bên phải vách đá dựng đứng, bên trái vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người và pháo lao xuống vực. Với khẩu hiệu “còn người, còn pháo”, chúng tôi cho quay nòng lại, chân người nọ cài vào chân người kia, tay nắm chắc dây thừng từ từ cho pháo trôi chậm rãi. Tin từ đơn vị bạn, Tô Vĩnh Diện dũng cảm “lấy thân chèn pháo, nát thân nhắm mắt vẫn còn ôm” đã tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ...Bác Đinh Thế Phẩm còn kể thêm về tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính Điện Biên năm xưa. Mặc dầu trên mặt đất bom cày, đạn xới nhưng bộ đội vẫn bình thản đánh tú lơ khơ dưới hầm trú ẩn, vẫn xem phim dọc đường hành quân, xem văn công tại khu tập kết. Vui nhất là sau khi bộ đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kéo pháo, biết anh em “đói thuốc” nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho 3 xe ô tô chở thuốc lào từ Thanh Hoá ra mở hội “khao quân”...

Khi được Binh nhất Đặng Thế Vũ (chiến sỹ Phòng Tham mưu, Bộ CHQS Đà Nẵng) nêu vấn đề: “Cháu muốn hỏi các bác, yếu tố cơ bản nào giúp pháo binh ta ngày xưa đánh xuất thần như vậy?”. Giáo sư Đặng Văn Luyến (nguyên chiến sỹ Trinh sát Pháo binh E45, F351) trả lời: “Có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất là giữ bí mật!”. Bác Luyến kể lại: “Vì giữ được bí mật nên địch không biết ta có bao nhiêu khẩu pháo, bố trí ở đâu. Trong khi đó ta đã bố trí 20 khẩu ở Mường Thanh, 4 khẩu ở Hồng Cúm. Chiều 13-3-1954, Pháo binh ta bất ngờ dội bão lửa xuống lòng chảo Điện Biên, gây thương vong lớn cho địch, khiến Đại tá Pilốt, chỉ huy Pháo binh địch tự vẫn. Sau chiến thắng, tôi dẫn tên quan tư Pháp đi nắm tình hình chiến trường, hắn cúi gằm mặt thừa nhận: “Các ông đã chiến thắng, chúng tôi thất bại thảm hại”. MC Thuỷ Tiên hỏi tiếp: “Bác đánh giá như thế nào về công tác giáo dục truyền thống hiện nay?”. Giáo sư Đặng Văn Luyến trả lời: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là biểu tượng của sức mạnh, trí tuệ Việt Nam! Tôi thấy thế hệ trẻ ngày nay ít quan tâm tới vấn đề này. Cần phát huy hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, có tính định hướng, khêu gợi cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau thấy rõ và phát huy mạnh mẽ sức mạnh to lớn của lịch sử trong thời đại ngày nay...”.

Biểu diễn văn nghệ trong buổi giao lưu.

Trả lời câu hỏi của Nguyễn Ngân Hà (đoàn viên đến từ Thành đoàn Đà Nẵng) về xuất xứ lai lịch khẩu súng Trung liên trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, bác Hồ Viết Lan (nguyên chiến sỹ E98, F316) đứng dậy nói, giọng đứt quãng: “Tôi bị...thương nhiều quá...khó nói lắm...nhờ anh Hồ Thanh Trung...kể giúp...”. Nghe bác Lan nói vậy, tất cả khán giả có mặt trong Nhà hát đều xúc động. Theo yêu cầu của bác Lan, bác Hồ Thanh Trung (chiến sỹ cùng đơn vị với bác Lan) kể lại: “Nhân chuyến ra Hà Nội thăm Bảo tàng Lịch sử cách mạng Việt Nam dịp cuối năm 2004, đồng chí Lan nhận ra khẩu súng mà mình đã sử dụng hơn 50 năm về trước. Khẩu súng này đồng chí Lan được trang bị từ đầu chiến dịch. Trận đánh mà tôi và đồng chí Lan không thể nào quên đó là đánh đồi C2...Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, ta và địch trong thế trận giằng co. Đồi C2 bom đạn cày xới, đất đá mủn ra như sữa bột, đồng chí Lan sử dụng khẩu trung liên ngăn chặn địch phản kích lên đồi. Khẩu súng nhả đạn liên hồi, có đến gần 100 tên địch đền tội. Do bắn quá nhiều, khẩu Trung liên đỏ rực cả nòng, đồng chí Lan phải dúi xuống đất, rồi tung lựu đạn về phía trước. Tuy bị thương, khát cháy cổ họng nhưng đồng chí Lan vẫn không uống nước vì để dành tưới vào nòng súng. Hôm đó, trời sáng bạch, nhưng vẫn chưa giải phóng được C2, lực lượng ta bị thương vong nhiều. Đến khi Trung đoàn 174 đánh chiếm xong đồi A1, chi viện thêm lực lượng thì ta mới giải quyết nốt đồi C2. Trong trận này, đồng chí Lan được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất...”.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là một trong những chiến công chói lọi khẳng định sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại mà còn thể hiện lòng nhân ái, khoan dung đối với chính kẻ thù của chúng ta. Câu chuyện bác Hồ Thanh Trung kể đã phần nào nói lên điều đó... “Hôm ấy tôi và 3 đồng chí nữa được cấp trên giao nhiệm vụ áp giải 100 tù binh về tuyến sau. Trên đường đi, tôi thấy sự phân biệt chủng tộc của đội quân viễn chinh khá rõ rệt. Mấy tên chỉ huy bắt cấp dưới dìu, cõng, đã vậy chúng luôn mồm chửi thề đồng bọn rất thậm tệ. Thấy vậy, chúng tôi nhắc nhở liền. Quan sát thấy tên lính Âu Phi da đen bóng, mặt mày tái nhợt, bàn chân túa máu, lê bước trên đường, tôi tự tay băng bó vết thương, rồi trao chiếc bình tông nước cho hắn, tên lính ngửa cổ tu ừng ực. Thấy vậy cả bọn lính Âu Phi trố mắt mắt ngạc nhiên. Nhiều tên lính òa khóc vì cảm phục tấm lòng nhân hậu và cách đối xử của bộ đội ta...”.

Buổi giao lưu càng thêm ý nghĩa khi mọi người được nghe bác Phan Phụ (nguyên Chính trị viên phó đại đội, E102, F308) nói về tinh thần lạc quan, yêu đời của người chiến sỹ Điện Biên trước giờ xung trận. Tuy tuổi đã cao nhưng bác Phụ vẫn cất giọng hò: “Qua đèo rồi lại qua sông/xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù”; “đèo cao thì mặc đèo cao/ tinh thần vệ quốc còn cao hơn đèo”... Tiếng hát ca sỹ Minh Thi cất lên: “ Vẫn còn nguyên trong ba lô, chiếc áo trấn thủ. Vẫn vẹn nguyên trong trang thơ, nhành hoa ban ép vội...”...giọng ca ngọt ngào sâu lắng như nhắc nhở hoài niệm về một thời chiến tranh đầy khốc liệt và mất mát, hi sinh...Tôi thấy phía cuối sân khấu, đôi vai gầy của một người phụ nữ run lên. Người phụ nữ ấy đã khóc vì người bố thân yêu của mình đã vĩnh viễn nằm lại trên cánh đồng Mường Thanh năm xưa...

Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng